Chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2014 chỉ có khả năng xoay quanh mức 3%, cách xa mục tiêu đề ra là 5%-7%
Ngày 24-11, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2014. Theo đó, CPI tháng 11 giảm 0,27% so với tháng 10-2014. So với tháng 12-2013, CPI 11 tháng năm 2014 mới chỉ tăng 2,08%.
Giá xăng dầu, gas giảm kéo CPI giảm mạnh
Trong rổ tính CPI, có 4 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%; nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 0,74%; nhóm giao thông giảm 2,75%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%. Các nhóm hàng này chiếm hơn 60% của toàn rổ hàng tính CPI.
Các chuyên gia cho rằng CPI giảm ngoài việc do giá xăng dầu giảm mạnh còn do sức mua tăng quá chậm Ảnh: PHƯƠNG NHUNG
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, phân tích: Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 11 giảm là do tác động giảm giá xăng dầu. Thực tế, 2 đợt giảm giá xăng dầu trong nước vào ngày 23-10 và 7-11 đều nằm trong thời gian tính CPI tháng 11-2014.
Trong 2 lần này, giá xăng đã giảm tổng cộng 1.500 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít, dầu hỏa giảm 800 đồng/lít. Nhờ sự hạ nhiệt của mặt hàng xăng dầu cùng với động thái giảm giá của dịch vụ giao thông công cộng đã giúp nhóm giao thông giảm đến 2,75%, đóng góp tới 0,24% vào tốc độ giảm giá chung của CPI tháng 11.
Bên cạnh đó, giá gas thế giới giảm mạnh nên giá gas trong nước được điều chỉnh giảm 40.000 đồng/bình từ ngày 1-11, càng góp phần làm CPI tháng 11-2014 giảm hơn so với tháng trước.
TS Phạm Tất Thắng, cố vấn cao cấp Viện Thương mại - Bộ Công Thương, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến CPI tháng 11 năm nay đi ngược lại với quy luật tăng mạnh thường diễn ra vào cuối năm. Theo ông, nguyên nhân đáng lưu ý nhất là do giá xăng dầu giảm sâu và giảm liên tiếp.
Việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới rổ hàng hóa tính CPI mà còn ảnh hưởng ở vòng ngoài, dẫn đến giá hàng hóa thực phẩm, tiêu dùng… giảm nhẹ.
Chưa yên tâm với tổng cầu
Với CPI trong 11 tháng chỉ tăng 2,08%, các chuyên gia dự báo CPI cả năm 2014 chỉ dừng ở con số 3%, thậm chí có thể thấp hơn bởi tháng 12, chỉ số giá tiếp tục chịu ảnh hưởng từ hiệu ứng giảm giá xăng dầu.
TS Phạm Minh Thụy - Trưởng Phòng Nghiên cứu giá cả và thị trường, Viện Kinh tế và Tài chính - đánh giá loại trừ yếu tố giá, nhất là giá xăng dầu, thì CPI giảm chủ yếu do sức mua tăng quá chậm. “Giá nông sản giảm. Sức mua nhìn chung cả năm có cải thiện nhưng không như kỳ vọng, vẫn chậm hơn nhiều năm trước.
Hơn nữa, do có 1 tháng nhuận nên Tết Nguyên đán năm nay lùi lại tới cuối tháng 2-2015 khiến áp lực mua sắm cuối năm giảm nhiều so với năm trước. Đây cũng là yếu tố góp phần tạo giảm phát trong tháng này” - ông Thụy nhận định.
Theo TS Phạm Tất Thắng, CPI giảm tuy giúp nền kinh tế thoát khỏi nỗi ám ảnh lạm phát bùng nổ như nhiều năm trước nhưng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, đây lại là dấu hiệu đáng lo hơn đáng mừng.
“Mục tiêu kiềm chế lạm phát hoàn thành, thậm chí lạm phát cách khá xa mục tiêu nhưng đó là biểu hiện của tình trạng sức mua giảm, tồn kho tăng, tổng cầu của nền kinh tế phục hồi còn yếu ớt” - TS Phạm Tất Thắng nhận xét.