Ngày 24/1, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2015 giảm 0,2% so với tháng trước; tăng 0,94% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 3 nhóm chỉ số giá giảm là: nhà ở và vật liệu xây dựng (-1,09%); giao thông (-3,96%); bưu chính viễn thông (-0,07%); chỉ số giá nhóm giáo dục gần như không tăng. Các nhóm còn lại tăng từ 0,13% đến 0,53%. Hiện, hầu hết các mặt hàng trong nhóm thực phẩm đều tăng giá do nhu cầu tăng để phục vụ cho Tết Nguyên đán nhưng mức tăng không cao, cụ thể như sau: giá thịt lợn tăng 0,31%; giá thịt bò tăng 0,49%; giá thịt gà tăng 0,71%; giá thịt gia cầm tăng 0,58%; giá trứng gia cầm tăng 0,96%; giá thủy sản tươi sống tăng 0,45%; giá thủy sản chế biến tăng 0,29%.
Bên cạnh đó, một phần do nhu cầu chuẩn bị Tết Nguyên đán cùng với tỷ giá USD tăng nên giá các mặt hàng trong nhóm đồ uống và thuốc lá đều tăng với mức tăng từ 0,17 đến 1,06%; riêng mặt hàng bia hơi giảm 0,07% do vào mùa lạnh nhu cầu giảm. Nhóm may mặc và giày dép tăng 0,51%; theo đó, một số mặt hàng quần áo mùa đông tăng từ 2-4%; vải các loại tăng 0,46%; giày dép tăng 0,34%, dịch vụ may mặc tăng 1,31% so với tháng trước.
Đồng thời, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, nhóm giao thông là nhóm có mức giảm nhiều nhất trong 11 nhóm hàng chính, do xăng dầu giảm giá. Với mức giảm 3,96% của nhóm giao thông đã đóng góp 0,35% vào mức giảm chung của CPI tháng 1/2015. Bên cạnh đó, giá nước sinh hoạt giảm 0,15% và giá điện sinh hoạt giảm 0,48% so với tháng trước do nhu cầu dùng điện trong tháng này giảm.
Giải thích nguyên nhân CPI giảm, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, CPI tháng 1-2015 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu điều chỉnh hai đợt giảm giá vào ngày 22/12/2014 và ngày 6/1/2015, nên chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,96%, đóng góp 0,35% vào mức giảm chung của CPI. Bên cạnh đó, giá gas đã giảm 33.000đ/bình từ ngày 1/1/2015 góp phần cho CPI tháng 1-2015 giảm hơn so với tháng trước.
Bà Ngọc cho biết, mặc dù là tháng giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu của các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng lên nhưng do giá xăng dầu giảm mạnh, giá cước vận tải giảm theo nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 1 chỉ tăng 0,28% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với tháng 1 của những năm trước.
Đánh giá về tác động của giá xăng dầu đến CPI, bà Đỗ Thị Ngọc cho biết, đây không chỉ là niềm vui của người tiêu dùng mà còn là tín hiệu tốt cho cả nền kinh tế. Theo bà Ngọc, giá xăng dầu tác động tới nền kinh tế cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Tác động trực tiếp được gọi là tác động vòng 1, tức là tác động đến các hoạt động sử dụng xăng dầu, đặc biệt là vận tải hàng hóa, hành khách. Tác động gián tiếp (vòng 2) là tác động vào các ngành, lĩnh vực không trực tiếp sử dụng xăng dầu, nhưng được hưởng lợi nhờ giảm được chi phí vận tải, vận chuyển.
Theo tính toán của Vụ Thống kê giá, cứ giá xăng dầu giảm 10% thì CPI giảm từ 0,5 đến 0,55 điểm phần trăm. Tính chung lại thì đợt giảm giá xăng dầu ngày 21/1 sẽ làm giảm CPI 0,6 - 0,64 điểm phần trăm. Giá xăng dầu giảm thì CPI sẽ giảm theo (nếu không có biến động đột xuất nào đó như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hay các yếu tố đầu vào của nền kinh tế bị tác động bởi kinh tế thế giới).
Các chuyên gia của Vụ Thống kê giá dự báo, CPI của tháng 2 sẽ ổn định và có thể giảm nhẹ so với tháng 1.