Những ki-ốt xây giá tiền tỷ (từ nguồn ngân sách) đặt ở mặt tiền vườn hoa, dưới danh nghĩa bán hoa rồi hô biến thành quán nhậu, trà đá nhốn nháo. Cơ quan chức năng liệu có bật “đèn xanh” cho việc này?
Kinh doanh trà đá gây nhốn nháo tại các ki-ốt
Danh nghĩa bán hoa, lại làm quán nhậu
Vườn hoa Dốc Cẩm (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) là một mảnh đất nhỏ hiếm hoi nằm trên triền đê sông Hồng, nối liền hai cây cầu Long Biên và Chương Dương. Mỗi ngày hàng trăm lượt người tấp nập qua lại. Ngoài ra, vườn hoa còn nằm cạnh khu dân cư đông đúc, là nơi tập thể dục, dạo chơi của dân. Bỗng một ngày, xuất hiện nhiều ki -ốt án ngữ 2 đầu công viên với danh nghĩa để làm nơi bán hoa tươi. Hoa tươi đâu chẳng thấy, những ki-ốt này bán trà đá, bia hơi, bún, phở...
Ông Tạ Đăng Thành (Ngọc Lâm, Long Biên) búc xúc: “Chúng tôi vẫn tập thể dục buổi sáng ở đây, nhưng giờ hàng quán ngay lối vào vườn hoa, chiếm không gian sinh hoạt chung”.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, 3 ki-ốt phía nam vườn hoa Dốc Cẩm được một thanh niên thuê để bán phở buổi sáng và đồ nhậu vào ban đêm. Chủ quán cho biết 3 ki-ốt giá thuê là 9 triệu đồng/tháng. Trên nóc ki-ốt đặt bình chứa nước để nấu ăn, rửa bát. Trong các ki-ốt, bàn ghế nhựa để lộn xộn. Ngoài hiên, 2 tấm biển quán Dốc Cẩm 1 2 3 bán phở gà buổi sáng, buổi tối là quán nhậu với đồ nướng tại bàn, móng giò, om giả cầy, chân gà nướng và các món nhậu.
6h chiều, khi đèn đường bật sáng, nhân viên của quán tất bật vẫy khách, khói bốc lên nghi ngút. Khung cảnh nhốn nháo cả lối đi dẫn vào vườn hoa. Phía bên kia, một ki-ốt khác được người dân thuê bán trà đá. Tường kính dán nham nhở biển quảng cáo khoai lang, khoai tây chiên, nem chua rán…
Cạnh đó, ki-ốt kiêm nhà điều hành và dịch vụ của vườn hoa Bắc Long Biên thành quán café. Sân lát gạch giữa vườn hoa chật kín đồ chơi cho thuê.
Đùn đẩy trách nhiệm
““Vườn hoa, công viên để làm đẹp đô thị, cân bằng sinh thái, là nơi vui chơi giải trí của người dân. Việc xã hội hóa rất tốt nhưng phải phù hợp. Tuyệt đối cấm kinh doanh hàng ăn vì ảnh hưởng đến môi trường”. Bà Phạm Kim Thu- Phó phòng Kế hoạch tổng hợp (Cty TNHH nhà nước MTV công viên cây xanh Hà Nội)
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Long Biên cho biết, quận giao cho trung tâm xây dựng phương án xã hội hóa (XHH) 2 vườn hoa này. Vườn hoa Dốc Cẩm xây 6 ki-ốt với kinh phí gần 1 tỷ đồng, trích từ ngân sách. Mục tiêu dự án, xây xong, ki-ốt sẽ cho thuê bán hoa tươi, báo, kem, đồ lưu niệm và đồ chơi trẻ em với giá 3,5 triệu đồng/ki-ốt/tháng. “Đơn vị nào thực hiện được thì làm hồ sơ đấu thầu chứ không phải thuê rồi thích bán gì thì bán. Đặc biệt, không kinh doanh các mặt hàng ăn uống như cơm, phở, đồ nhậu và nước uống có cồn”, ông Hiếu nói.
Theo đề án, từ ngày 1/1/2014, Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Bất động sản Thiên Trường sẽ kinh doanh 6 ki-ốt tại vườn hoa Dốc Cẩm, chi trả kinh phí duy tu, duy trì vườn hoa khoảng 187 triệu đồng và nộp về ngân sách 65 triệu đồng/năm.
Ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Duy tu (Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Long Biên) cho biết, thường xuyên cho người kiểm tra, giám sát đơn vị đấu thầu theo phương án quận phê duyệt. Tuy nhiên khi PV Tiền Phong cung cấp thông tin việc ki-ốt thành quán phở, quán nhậu, ông Lê Trung Dũng lại nói: “Chúng tôi đã nhắc nhở vài lần. Việc bán hoa, bán báo không thuận lợi nên các biện pháp xử lý không quá khắt khe. Chúng tôi chỉ là đơn vị giám sát và không có quyền xử lý”, ông Dũng nói.
Liên hệ với UBND quận Long Biên về vấn đề trên, đại diện ở đây nói: “Không phải cứ muốn là gặp lãnh đạo quận được đâu”.