Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Triều (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), bị giam 103 ngày rồi đình chỉ điều tra. Nhiều năm qua, ông Triều đã khiếu nại nhưng chưa được bồi thường.
Ông Nguyễn Văn Triều với chồng hồ sơ dày cộm sau nhiều năm đi khiếu nại - Ảnh: Chí Quốc
Vụ việc được ông Huỳnh Văn Tiếp, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đặt vấn đề tại buổi giám sát về oan sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự ngày 12-1.
Vụ việc của ông Nguyễn Văn Triều đã được Tuổi Trẻ nêu trong các số báo ngày 17-4-2012 và 13-2-2014.
Ông Tiếp nêu quan điểm: “Bắt người ta 103 ngày mà không xử được thì phải bồi thường oan sai. Ngành công an làm mất hồ sơ không xử được thì công an phải bồi thường... Vụ này ông Triều khiếu nại hoài. Phải bồi thường thiệt hại cho người ta, xin lỗi người ta” - ông Tiếp nói.
Liên quan trường hợp này, ông Nguyễn Thống Nhất, Viện trưởng Viện KSND TP Cần Thơ cũng cho rằng viện kiểm sát chỉ bồi thường thiệt hại do oan sai khi viện phê chuẩn lệnh bắt giam, nhưng trong trường hợp ông Triều thì việc phê chuẩn không oan mà do hồ sơ thất lạc nên không xử lý được.
Do đó trách nhiệm bồi thường oan sai là của cơ quan công an, cụ thể là Công an quận Cái Răng.
Ông Lê Quốc Trung, phó giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cũng nói vụ của ông Triều bị “đá qua đá lại” và cho rằng “vụ nhạy cảm thế này mà càng để lâu dư luận càng băn khoăn”.
Như Tuổi Trẻ phản ánh, vụ việc xuất phát từ việc tranh chấp 905,31m2 đất giữa chú ông Triều với ông Nguyễn Văn Út (ông Triều được chú ủy quyền tham gia tranh chấp).
Ngày 10-3-1996, Công an huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang, cũ) khởi tố, bắt tạm giam ông Triều về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai.
Ngày 13-7-1996, TAND huyện Châu Thành đưa vụ án ra xét xử nhưng do có việc sai tên chú của ông Triều và sai diện tích đất tranh chấp nên tòa trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan công an điều tra bổ sung, đồng thời ông Triều được tòa trả tự do.
Ðến năm 2004, khi chia tách huyện Châu Thành thành quận Cái Răng (TP Cần Thơ) và huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), quá trình chuyển giao làm hồ sơ vụ án ông Triều bị thất lạc, tòa án không thể tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.
Năm 2009, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cái Răng có quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Triều theo điều 25 Bộ luật hình sự, với lý do “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.
Dù Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho rằng đây là vụ oan sai nhưng Công an quận Cái Răng không bồi thường do không thừa nhận đó là vụ oan sai. Ðến nay, ông Triều có gần 20 năm khiếu nại đòi bồi thường oan sai nhưng chưa được giải quyết.