Sau 2 ngày làm việc, thay mặt đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại TP.HCM, ông Uông Chu Lưu - phó chủ tịch Quốc hội kết luận TP.HCM không có những vụ oan sai nổi cộm.
Tuy nhiên, đoàn giám sát sẽ rút hồ sơ các vụ án đã được đình chỉ để theo dõi tiếp. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các thành viên đoàn giám sát đã được đóng góp tại buổi làm việc.
Luật sư Phan Trung Hoài (trái) và luật sư Nguyễn Minh Tâm tại buổi làm việc ngày 18/12 .
* Luật sư Phan Trung Hoài: Số vụ án hình sự chiếm gần 1/10 cả nước
Trong hai ngày làm việc tại TP.HCM (ngày 18 và 19/12), đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số cơ quan liên quan đã nghe báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan có chức năng điều tra tại TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM có số vụ án hình sự chiếm gần 1/10 số vụ án hình sự trong cả nước và tình hình tội phạm ngày càng diễn biến hết sức phức tạp nhưng TP đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giải quyết các vụ án này.
Báo cáo của các cơ quan tố tụng và cơ quan điều tra cho thấy TP không có nhiều án oan sai và nổi cộm.
Theo số liệu báo cáo, TP.HCM có nhiều vụ án được đình chỉ theo khoản 1 điều 25 Bộ luật hình sự. Khi tiếp cận hồ sơ một số vụ án thì đoàn giám sát phát hiện nhiều sai phạm trong tố tụng, bản thân các bị cáo có thể bị oan sai nhưng lại miễn trách nhiệm hình sự bởi do chuyển biến tình hình.
Ngoài vấn đề oan sai, câu chuyện về bồi thường oan sai cũng là vấn đề được các đại biểu góp ý sôi nổi. Thực tế trên cả nước có nhiều vụ yêu cầu bồi thường oan sai mà có thời gian thỏa thuận và làm việc kéo dài, gây mệt mỏi và đau khổ cho người dân.
Về điểm này, tôi cho rằng luật cũng còn nhiều khiếm khuyết khi buộc người bị oan sai phải làm đơn mới được bồi thường.
* Luật sư Nguyễn Minh Tâm (phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam): Nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được áp dụng
Về nguyên nhân gây oan sai hiện nay, ý kiến của tôi được nhiều đại biểu thống nhất đó là do trình độ năng lực của các cán bộ thực thi pháp luật.
Các cơ quan tố tụng cũng thừa nhận có bệnh thành tích và chạy đua với thời hạn điều tra dẫn đến việc oan sai hay một số vụ việc phải bị đình chỉ.
Nguyên nhân thứ hai là quyền hành nghề của luật sư trong các vụ án hình sự bị hạn chế, quyền được có luật sư của bị can chưa được bảo đảm dẫn đến vi phạm quyền lợi của bị can. Do vậy cần thiết phải đảm bảo quyền bào chữa của luật sư.
Nguyên nhân thứ ba là nguyên tắc suy đoán vô tội ít được áp dụng.
Theo nguyên tắc này, bị can không cần phải chứng minh mình vô tội, nhưng khi cơ quan điều tra chứng minh bị can có tội thì phải tuân thủ quy định của pháp luật, nếu quá trình điều tra cơ quan điều tra chưa chứng minh được thì phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để có lợi cho bị can.
Tuy nhiên, thực tế có những vụ việc bởi không chứng minh được, không tìm được bằng chứng nên đã có hiện tượng bức cung, nhục hình để lấy cho được lời khai và cho rằng lời khai chính là chứng cứ.
Bởi vậy muốn có hạn chế oan sai cần phải tôn trọng quyền hành nghề của luật sư và nâng cao kiến thức pháp luật cho những cán bộ tham gia tố tụng.
Một vấn đề khác được đề cập rất nhiều trong buổi làm việc là vấn đề bồi thường oan sai, thực tế nhiều người dân được công nhận oan sai mòn mỏi với việc yêu cầu các cơ quan tố tụng đền bù.
Và mất mát đối với những người bị oan sai là không thể nào đong đếm được, việc bồi thường oan sai cũng chỉ là an ủi họ chứ không thể nào bù đắp.
Lãnh đạo các cơ quan chức năng của TP.HCM cũng thống nhất ý kiến rằng nếu có oan sai thì phải bồi thường ngay chứ không thể để người dân mỏi mòn chờ đợi.
Theo Hoàng Điệp/ Tuổi Trẻ