Mới đây, Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua sửa đổi luật tố tụng hành chính nhằm mở rộng phạm vi và quyền kiện chính phủ của người dân.
Người dân làng Ô Khảm thuộc tỉnh Quảng Đông biểu tình và đồng loạt kiện chính quyền địa phương đòi đất năm 2011 - Ảnh: Telegraph
Theo Tân Hoa xã, Quốc hội Trung Quốc thông qua sửa đổi luật quan trọng này với 152 phiếu thuận, không phiếu chống và năm phiếu trắng.
Bộ luật sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1-5-2015. Luật tố tụng hành chính sửa đổi mở rộng phạm vi và đối tượng các vụ kiện chính quyền và đề ra cơ chế buộc tòa án phải thụ lý các vụ kiện.
Luật buộc quan chức đại diện cơ quan, đơn vị bị kiện phải có mặt tại tòa. Nhà chức trách cam kết xử lý nghiêm các quan chức tìm cách “chạy án”, tác động đến quyết định của tòa án.
Các quan chức chịu trách nhiệm có thể bị bắt giữ nếu không thi hành quyết định của tòa.
Gây áp lực đối với quan chức
Thụ lý 2% số đơn dân kiện quan
Thống kê của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc cho thấy từ năm 1990-2012 chính quyền nước này nhận 1,91 triệu đơn dân kiện chính quyền. Tuy nhiên tòa án chỉ thụ lý 2%, tương đương hơn 38.000 đơn. Trong đó tòa án chỉ ra phán quyết đối với 27%, tức 10.300 vụ. Số vụ án người dân thắng kiện chỉ chiếm 10% trong tổng số các vụ án được ra phán quyết, tức khoảng 1.030 vụ án.
Theo nhận định của các chuyên gia luật Trung Quốc, đây sẽ là cơ sở để buộc tòa án các cấp ở nước này phải thụ lý các vụ án “dân kiện quan” và giúp người dân dễ dàng đưa chính quyền ra tòa.
Trước kia, khi tòa xử một vụ án “dân kiện chính quyền”, các quan chức đại diện chính quyền yêu cầu luật sư hoặc nhân viên thay mặt họ xuất hiện tại tòa.
Tình trạng trên chẳng những làm việc giải quyết các vụ kiện trở nên khó khăn mà còn gây bức xúc cho người dân.
Luật sửa đổi buộc đại diện của chính quyền phải đích thân có mặt tại tòa.
Các quan chức không dự phiên tòa mà không có lý do hợp pháp hoặc tự ý rời khỏi tòa án trong khi phiên tòa đang diễn ra sẽ đối mặt với các hình phạt bổ sung.
Theo giáo sư Vương Kính Ba thuộc Đại học Chính pháp Trung Quốc, việc lãnh đạo cơ quan chính phủ phải có mặt tại tòa sẽ phần nào giúp giảm bớt mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết khiếu kiện.
“Kiện quan và gặp được quan là điều hết sức quan trọng đối với tâm lý của người dân” - giáo sư Vương cho biết.
Giáo sư Khương Minh An thuộc Đại học Bắc Kinh cũng đánh giá việc buộc các lãnh đạo phải có mặt tại tòa là cách hữu hiệu để quan chức thấy được vấn đề bức xúc của người dân và nâng cao nhận thức về pháp trị.
Ngoài ra phía bị kiện, bao gồm quan chức chính quyền, sẽ bị phạt tiền hoặc bắt giữ nếu đe dọa hay mua chuộc nhằm buộc người dân phải rút lại đơn kiện.
Trong trường hợp chính quyền địa phương không làm theo các phán quyết của tòa dẫn đến “tác động xấu đến xã hội”, tòa án có quyền ra lệnh bắt giữ người chịu trách nhiệm trong chính quyền đó.
Các chuyên gia luật Trung Quốc cho rằng để thực hiện quy định trên, nước này cần xây dựng một cơ chế hoàn thiện và cụ thể nhằm tránh tình trạng các quan chức địa phương can thiệp vào tòa án.
Cho khiếu nại bằng miệng
Luật tố tụng hành chính sửa đổi còn mở rộng phạm vi kiện của người dân nhằm buộc tòa án phải tiếp nhận các vụ án “dân kiện chính quyền”.
Một số hành vi sẽ bị kiện là lợi dụng quyền lực hành chính để loại bỏ hoặc hạn chế sự cạnh tranh, gây quỹ bất hợp pháp, không thực hiện các hợp đồng hoặc thay đổi các hợp đồng đã thỏa thuận với người dân, không bồi thường đất đai cho người dân...
Bên cạnh đó, luật sửa đổi mở rộng đối tượng bị kiện. Các tổ chức hành chính đều có thể sẽ phải ra tòa nếu người dân đâm đơn kiện. Luật còn cho phép người dân kiện các quy định phạm pháp dẫn tới những hành vi trên.
Như vậy, người dân có quyền kiến nghị tòa án xem xét lại quy định hành chính, thủ tục của các cơ quan ban ngành và những văn kiện mang tính chất quy phạm khác (trừ những quy định của chính phủ và cấp chính quyền địa phương).
Theo giáo sư Vương Kính Ba, việc mở rộng phạm vi thụ lý án hành chính có thể tránh tình trạng tòa án lấy cớ luật pháp không quy định rõ để từ chối thụ lý vụ án.
Đối với những trường hợp từ chối tiếp nhận đơn kiện, người dân có quyền tố cáo lên tòa án cấp trên. Các công chức nhà nước vi phạm việc nhận đơn sẽ bị xử lý theo quy định.
Luật sửa đổi còn cho phép người dân khiếu nại bằng miệng. Quy định này tạo điều kiện cho nông dân nghèo mù chữ có thể kiện chính quyền.
Để tránh chủ nghĩa địa phương, luật sửa đổi quy định các tòa án cấp trên có thể tùy tình hình thực tế mà bố trí các tòa án ở vùng khác thụ lý các vụ kiện hành chính.
Điều này sẽ hạn chế việc tòa án địa phương “không thể, không dễ và không dám tuyên án” chính quyền địa phương.
Trước đây, việc tiếp nhận và xử lý các vụ án “dân kiện chính quyền” đã gây nhiều bức xúc cho người dân Trung Quốc, đặc biệt là những vụ về bồi thường và thu hồi đất đai.
Theo Quốc hội Trung Quốc, việc ban hành luật tố tụng hành chính sửa đổi là cơ sở pháp lý để thực hiện những cải cách trong lĩnh vực hành chính.