Bắc Kinh có thể thiệt hại 100 tỉ USD mỗi năm nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Washington đang theo đuổi được ký kết
Mỹ đã ngăn được ý định của Trung Quốc trong việc khởi động đàm phán về một hiệp định thương mại tự do quốc tế tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra ở Bắc Kinh trong ngày 10 và 11-11.
Bước đi trên diễn ra trong bối cảnh 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tăng cường tranh giành ảnh hưởng và hàng tỉ USD thương mại tại khu vực này.
Hiệp định nói trên, gọi là khu vực thương mại tự do của châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), có trong chương trình nghị sự của APEC từ lâu. Washington ban đầu ủng hộ FTAAP nhưng gần đây dành nhiều tâm huyết hơn cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mỹ đang thương thảo với 11 nước về TPP, trong đó có Nhật nhưng lại không có Trung Quốc.
Theo ước tính của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), Trung Quốc có thể thiệt hại khoảng 100 tỉ USD/năm nếu TPP được ký kết. Lý do là các thành viên TPP khi đó sẽ giao dịch với nhau nhiều hơn và bớt làm ăn với Trung Quốc.
Bắc Kinh chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APECẢnh: Reuters
Báo The Wall Street Journal hôm 2-11 cho biết dưới sức ép của Mỹ, Trung Quốc đã bỏ 2 nội dung liên quan đến FTAAP ra khỏi dự thảo thông cáo chung của hội nghị APEC. Hai nội dung này kêu gọi nghiên cứu khả thi về FTAAP cũng như ấn định thời điểm hoàn tất hiệp định (cuối năm 2025, theo ý muốn của Trung Quốc).
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Alan Bollard cho biết cuộc thảo luận về FTAAP vẫn diễn ra trong khuôn khổ hội nghị sau khi các thành viên nhất trí tìm hiểu xem những thỏa thuận thương mại khác trong khu vực sẽ tác động ra sao đến nó.
Washington không muốn công việc liên quan đến FTAAP được khởi động lúc này vì cho rằng có thể cản trở nỗ lực hoàn tất đàm phán TPP - vốn đang gặp một số thách thức, như bất đồng giữa Mỹ và Nhật về vấn đề trợ cấp nông nghiệp của Tokyo. “Mỹ lo ngại rằng tiến trình đàm phán FTAAP có thể làm giảm sự quan tâm đối với TPP” - ông Fred Bergsten, nhà nghiên cứu tại Viện Peterson, nhận định.
Trong khi đó, nhà kinh tế học Lu Feng tại Trường ĐH Bắc Kinh cho rằng Bắc Kinh không muốn đợi người Mỹ mà muốn làm điều gì khác. Bằng cách tiếp thêm sinh khí cho FTAAP, Bắc Kinh vừa muốn mở rộng vai trò của mình trong cộng đồng quốc tế vừa muốn được tiếp cận ưu đãi thị trường của một số đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Đây là lần thứ hai Mỹ thách thức tham vọng kinh tế của Trung Quốc trên trường quốc tế thời gian gần đây. Trước đó, Washington đã vận động mạnh mẽ để chống lại kế hoạch lập Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) của Bắc Kinh với lập luận ngân hàng này có thể được sử dụng chủ yếu để hỗ trợ các công ty Trung Quốc.
Đã có 21 nước ký thỏa thuận thành lập AIIB nhưng không có sự tham gia của các nền kinh tế lớn ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, ông Bergsten cho rằng những thủ thuật cứng rắn của Mỹ là thiển cận. Theo ông, Washington nên gia nhập AIIB để có thể tác động đến hướng đi của ngân hàng này từ bên trong.
Ấn Độ lại tố Trung Quốc xâm nhập
Truyền thông Ấn Độ hôm 3-11 cho biết tàu Trung Quốc gần đây xâm nhập trái phép hồ Pangong, gần vùng Ladakh do nước này kiểm soát, đồng thời triển khai quân đội vào sâu khoảng 5 km trên đất liền. Lực lượng biên phòng Ấn Độ đã ngăn chặn 2 vụ xâm nhập trên. Khi quân đội 2 bên đối mặt, họ cùng vẫy biểu ngữ khẳng định chủ quyền vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Cuối cùng, tàu và binh sĩ Trung Quốc phải rút lui sau khi phía Ấn Độ kiên quyết không nhượng bộ.
Trong một diễn biến liên quan, Sri Lanka vừa cho phép tàu ngầm Changzheng-2 và tàu chiến Chang Xing Dao của Trung Quốc cập cảng ở thủ đô Colombo hôm 31-10, gây quan ngại cho Ấn Độ. Hai tàu này ở lại 5 ngày để tiếp nhiên liệu cũng như cho thủy thủ nghỉ ngơi. Theo Reuters, Bắc Kinh đầu tư mạnh cho Colombo những năm gần đây, như tài trợ cho các sân bay, đường bộ, đường sắt và cảng biển..., ít nhiều ảnh hưởng đến quan hệ giữa New Delhi và đảo quốc 21 triệu dân này.