Hối lộ tình dục vừa được cho rằng có ở Việt Nam, nên đưa vào luật hình sự để ngăn chặn, xử lý song trên thế giới, chuyện này rất phổ biến. Riêng năm 2013, nhiều vị quyền cao chức trọng đã ngã ngựa vì nhận hối lộ tình dục
Cách đây 4 năm, hình ảnh ông Michael Vannak Khem Misiewicz - 46 tuổi, sĩ quan cao cấp Mỹ gốc Campuchia - tràn ngập trên các trang báo thế giới. Khi đó, ông trở về đoàn tụ cùng gia đình ở hải cảng Sihanoukville - Campuchia sau 37 năm xa cách với cương vị hạm trưởng khu trục hạm tên lửa USS Mustin của Mỹ.
Cổ tích không có hậu
Đến tháng 11-2013, hình ảnh ông Misiewicz tiếp tục tràn ngập trên báo đài quốc tế nhưng lần này lại trong tủi nhục. Vị trung tá hải quân, phó ban tác chiến Hạm đội 7 bị bắt cùng 3 người khác về hành vi tham nhũng, trong đó có việc nhận hối lộ tình dục.
Theo thông báo năm 2010 của Hải quân Mỹ, ông Misiewicz sinh ra và lớn lên ở vùng ven Phnom Penh, thủ đô Vương quốc Campuchia. Ông được một nữ nhân viên Đại sứ quán Mỹ nhận làm con nuôi trước khi quân đội Pol Pot chiếm chính quyền năm 1975. Cha và em gái ông bị Khmer Đỏ giết chết năm 1970. Mẹ và anh chị em khác của ông may mắn sống sót dưới chế độ diệt chủng.
Misiewicz lúc còn bé và khi trở thành trung tá - hạm trưởng Hải quân Mỹ Ảnh: US NAVY
Thoát khỏi “cánh đồng chết”, Misiewicz đã làm nên một kỳ tích khiến cộng đồng người Khmer ở Mỹ ngưỡng mộ. Tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ năm 1992, chỉ vài năm sau, ông trở thành hạm trưởng khu trục hạm USS Mustin.
Tháng 12-2010, Misiewicz thực hiện chuyến viếng thăm quê nhà đầu tiên. Trên cầu tàu ở hải cảng Sihanoukville, mẹ và anh chị em của vị sĩ quan cấp tá Hải quân Mỹ đón ông trong nước mắt. Cuộc trở về này được truyền thông quốc tế tường thuật khá chi tiết. Việc một cậu bé thất học thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, trở thành sĩ quan cấp cao của Mỹ được ví như câu chuyện cổ tích thời nay. Tiếc thay, nó lại không có hậu như chuyện cổ tích thời xưa.
Tham lam, dâm đãng
Trung tá Misiewicz bị bắt hồi trung tuần tháng 9-2013. Cùng lúc, 3 đồng phạm của ông là đặc vụ John Beliveau II - Cục Điều tra Hình sự Hải quân Mỹ (NCIS), Leonard Francis - tức “Leonard mập”, công dân Malaysia, Giám đốc điều hành công ty nhà thầu quân sự GDMA (Glenn Defense Marine Asia Ltd) có trụ sở ở Singapore và Alex Wisidagama - cán bộ quản lý GDMA, có quan hệ bà con với Leonard - cũng bị bắt.
Ba đối tượng này đều là nhân vật chủ chốt trong đường dây gian lận phí dịch vụ cung cấp tàu kéo, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt và thu gom rác cho tàu Hải quân Mỹ tại các cảng Thái Lan và Singapore với giá cao hơn những nơi khác. Nhà cung cấp dịch vụ không ai khác chính là GDMA.
Nắm quyền giám sát hoạt động các phương tiện của Hạm đội 7 trong vòng 48 triệu dặm vuông trải dài từ Nhật Bản đến đảo san hô Diego Garcia ở Thái Bình Dương và từ Vladivostok - Nga đến Úc, vai trò của Misiewicz là điều động tàu của hạm đội đến những hải cảng mà “Leonard mập” nắm độc quyền cung cấp dịch vụ. Vai trò của đặc vụ Beliveau II là thông báo với Leonard quá trình điều tra của NCIS và cố vấn cho tay này cách đối phó hữu hiệu.
Đổi lại, “Leonard mập” trả công cho trung tá Misiewicz bằng nhiều chuyến du lịch xa xỉ, ăn ở khách sạn 5 sao và đặc biệt là những đêm vui vẻ tới bến với gái gọi cao cấp. Đặc vụ Beliveau II cũng được hối lộ tương tự, tất nhiên là không thể bằng trung tá Misiewicz.
“Leonard mập” là một nhân vật đáng chú ý. Ông ta là “người thân quen” của các tư lệnh Hải quân Mỹ vùng Thái Bình Dương. Không chỉ kiếm lợi nhuận béo bở từ dịch vụ hậu cần, Leonard còn thu thập bí mật quân sự Mỹ thông qua gái gọi cao cấp mà ông ta sẵn sàng cung cấp theo “khẩu vị” từng khách hàng.
Với chiêu này, GDMA đã thu thập được từ phó ban tác chiến Hạm đội 7 Misiewicz thông tin về đường đi nước bước của từng chiến hạm Mỹ ở Thái Bình Dương. Ngoài chuyện gái gú, Leonard còn hối lộ tiền, quà đắt tiền và vé xem các chương trình giải trí cao cấp như sô ca nhạc hấp dẫn của Lady Gaga.
Làm ăn cùng trung tá Misiewicz, “Leonard mập” độc quyền cung cấp dịch vụ cho tàu sân bay, tàu khu trục, tàu ngầm nguyên tử và các loại tàu khác của Hạm đội 7 với giá cắt cổ. Chẳng hạn năm 2012, Misiewiecz điều tàu sân bay USS Abraham Lincoln đến cảng Laem Chabang - Thái Lan. Tại đây, người đóng thuế Mỹ phải trả phí dịch vụ cao hơn các nơi khác 500.000 USD. Theo đài CBS, tàu sân bay Stennis cũng từng được GDMA bảo trì với giá 2,7 triệu USD, gấp đôi nơi khác. Bằng cách này, theo Cơ quan Công tố Mỹ, tính đến ngày bị bắt, Leonard đã kiếm được hơn 20 triệu USD.
Vụ án Misiewicz là một xì-căng-đan tiền và tình lớn nhất lịch sử Hải quân Mỹ trong vài chục năm trở lại đây với nhiều hệ lụy an ninh quốc phòng. Trung tá Misiewicz đáng lẽ còn được thăng chức và về hưu sống trong ánh hào quang của một câu chuyện cổ tích thời nay hiếm thấy nếu không bị phát hiện. Thế nhưng, ông ta đã mất tất cả vì lòng tham không đáy và dục vọng thấp hèn.
Thêm nhiều sĩ quan bị tóm
Tính đến tháng 7-2014, thêm 4 quân nhân Hải quân Mỹ đã bị bắt liên quan đến nhà thầu “Leonard mập”, trong đó có trung tá Jose Luis Sanchez. Người bị bắt gần đây nhất là thiếu tá hải quân Edmond A. Aruffo - về hưu năm 2007, được “Leonard mập” tuyển dụng làm cán bộ quản lý GDMA ở các quân cảng Nhật Bản. Có thâm niên 20 năm trong Hải quân Mỹ, Aruffo giúp GDMA có lợi thế trong việc đấu thầu và ngụy tạo hóa đơn giả kê giá dịch vụ.
NCIS còn bắt giữ hạ sĩ nhất Daniel Layug về hành vi cung cấp thông tin nhạy cảm cho GDMA và nhận hối lộ. Trong số các bị cáo, chỉ có Wisidagama, Beliveau II và Layug nhận tội. “Leonard mập” đang được tại ngoại sau khi nộp 1 triệu USD.
Liên quan đến vụ án hối lộ quốc tế này, cấp cao hơn nữa có chuẩn đô đốc Bruce Loveless và phó đô đốc Ted Branch phụ trách thông tin, tình báo. Trong quá trình điều tra mối “quan hệ trái phép và không phù hợp” với “Leonard mập”, 2 vị này đã bị tước quyền tiếp cận hồ sơ mật Hải quân Mỹ.