“Nếu bạn là một tù nhân chính trị, thì mục đích của nhà tù là giết chết bạn”, Lee Young-guk cựu cận vệ thân tín của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il hơn 10 năm trước tiết lộ sau khi đào thoát thành công qua Hàn Quốc.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - Ảnh: Reuters
Lee Young-guk kể với CNN rằng ông bị bắt vào nhà tù Yodok khi đã không còn làm việc cho chính quyền Triều Tiên nữa và cố đào thoát sang Hàn Quốc nhưng bất thành.
Để chứng minh cho việc anh đã bị nhục hình như thế nào, Lee tháo hàm răng giả ra và chỉ ra 5 - 6 chiếc còn lung lây trong miệng. Trên cơ thể anh chằn chịt những vết sẹo và một con mắt của anh đã bị mù.
Lee Young-guk đã có 5 năm trong nhà tù tàn bạo nhất Triều Tiên, ở đó việc bị đánh đập diễn ra hàng ngày, xử tử những người tù diễn ra hàng tuần và những tù nhân bị bắt chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng ấy để nhận sự khiếp sợ, để đảm bảo rằng họ biết trước hình phạt nếu vi phạm hoặc cố đào thoát.
Việc bỏ đói là thường xuyên và tù nhân trong trại Yodok hiếm khi được ngước đầu nếu không được phép của quản ngục. Ở Yodok việc nhìn thấy những bộ xương di động là điều không hiếm, Lee mô tả tình trạng đói đã dẫn đến suy kiệt thể chất của người tù.
Ông Lee Young-guk được trả tự do nhờ cải tạo tốt nhưng thể lực chỉ còn phân nửa sau khi ra tù. Lee kể ông chịu trách nhiệm chăm sóc một vườn hoa ở nhà tù, cũng là nơi chôn cất hàng ngàn người đã bị chết trong tù và nhiều trong số đó do chính tay ông an táng.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bên cạnh các tướng lĩnh thân cận - Ảnh: Reuters
“Tôi đã từng thấy Kim Jong-un vài lần lúc ông ta 6, 7 tuổi khi tôi còn làm việc cho cha ông ấy Kim Jong-ill. Giờ tôi muốn chứng kiến ông ta bị trừng phạt cho tội ác và sự tàn bạo của mình”, ông Lee Young-guk nói với CNN.
Trong tuần này các thành viên của Ủy ban giải quyết các vấn đề về nhân quyền của Liên Hợp Quốc bỏ phiếu cho dự thảo nghị quyết được châu Âu và Nhật Bản đề xuất. Dự thảo nghị quyết có nội dung buộc tội lãnh đạo Triều Tiên phạm tội ác chống nhân loại, và đề nghị đưa các lãnh đạo Triều Tiên ra Tòa án hình sự quốc tế(ICC). Nếu thành công, vấn đề sẽ được đưa ra Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc để tiến hành bỏ phiếu vào tháng 12.
Đầu năm nay, Triều Tiên chỉ trích những điều tra vi phạm nhân quyền ở nước này của Liên Hợp Quốc là nhằm mục đích làm suy yếu uy tín chính phủ Triều Tiên. Bên cạnh đó, chính phủ Triều Tiên cũng phủ nhận hoàn toàn những câu chuyện về nhà tù tàn bạo Yodok, cho rằng “vô căn cứ” và những nạn nhân thoát khỏi nhà tù kể chuyện là “cặn bã nhân loại”.