Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Ban Nội chính trung ương, cho biết như vậy bên lề hội thảo “Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ Luật Hình sự năm 1999” do Ban Nội chính trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức ngày 29-10
Phóng viên: Mới đây, đại diện VKSND Tối cao cho rằng khi sửa Bộ Luật Hình sự cần bổ sung quy định không xử lý hình sự, trả lại tài sản cho người đưa hối lộ nếu họ đã tố giác tội phạm về tham nhũng để khuyến khích phát hiện tội phạm. Ý kiến của ông thế nào?
- Ông Nguyễn Doãn Khánh:
Hối lộ có hai mặt cung và cầu, không có người đưa hối lộ thì không có người nhận hối lộ. Xét về tính chất, mức độ nguy hiểm, tác hại thì như nhau nên nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì phải xử lý. Tuy nhiên, để khuyến khích tố giác tội phạm thì chúng ta có thể cá thể hóa ở chính sách về mặt xử lý. Nói về đưa hối lộ, trường hợp bình thường mà miễn trách nhiệm hình sự thì bỏ lọt tội phạm. Nếu những người đưa hối lộ mà sau này lập công, chủ động trình báo, khai báo, cung cấp thông tin xử lý đối tượng nhận hối lộ thì chúng ta phải có chính sách ân giảm về mặt thời gian, hình thức thực hiện hình phạt. Quá trình vận dụng mới có đường lối xử lý, còn về mặt luật pháp thì khi xử lý phải rõ ràng.
Những đột phá trong lần sửa đổi Bộ Luật Hình sự tới đây là gì thưa ông?
- Kinh nghiệm quốc tế cho thấy phải mở rộng đối tượng đưa - nhận hối lộ ra cả đối với công chức nước ngoài. Ví dụ vừa rồi vụ án đưa nhận hối lộ ở ngành đường sắt Việt Nam, đối tượng nhận hối lộ thì ở Việt Nam nhưng người đưa hối lộ lại ở nước ngoài. Rồi tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân cũng phải xử lý. Nếu không chống tham nhũng ở lĩnh vực tư sẽ tạo khoảng trống để vi phạm pháp luật.
Một điểm nữa là trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Hiện nay, cá thể hóa trách nhiệm đối với cá nhân, trong nhiều trường hợp đã dẫn tới bỏ lọt tội phạm. Ví dụ đối với các doanh nghiệp (DN), giám đốc có thể thuê thực hiện hành vi đem tiền đi hối lộ để đem lại lợi ích cho tập thể DN nhưng nếu chỉ xử lý người trực tiếp thực hiện hành vi, còn người hậu thuẫn, có quyết định tập thể hẳn hoi về việc này lại không xác định trách nhiệm thì sẽ lọt tội phạm.
Vấn đề thứ ba là mở rộng khái niệm đưa hối lộ. Không chỉ có hành vi đưa và nhận hối lộ bằng vật chất mà thực tế còn có nhiều lợi ích khác được đưa ra sử dụng không thua kém, đó là lợi ích tinh thần. Theo các chuyên gia quốc tế thì cả những dịch vụ tình dục cũng cần được xem là lợi ích về mặt vật chất để hối lộ quan chức. Những vấn đề này phải luật pháp hóa để có thêm cơ sở xử lý, phù hợp với chuyển biến về tình hình tội phạm.
Ở Việt Nam liệu đã có hối lộ tình dục chưa, thưa ông?
- Chắc chắn đã có ở Việt Nam. Trong quá trình xây dựng luật, hướng dẫn thực hiện sẽ đưa nó vào những nhóm hành vi nào, xử lý ra sao rất rõ ràng. Những hành vi đưa vào luật sẽ có địa chỉ cụ thể.
Vừa qua, đề xuất phạt tiền thay phạt tù đối với tội phạm tham nhũng cũng tạo ra sự tranh cãi quyết liệt khi sửa Bộ Luật Hình sự?
- Đây là một trong những vấn đề đặt ra nếu chúng ta mở rộng đối tượng phạm tội tham nhũng, bao gồm cả trong lĩnh vực trách nhiệm pháp nhân. Trước đây, chúng ta thường coi hình phạt về vật chất, về tiền là hình phạt bổ sung nhưng đối với tội phạm tham nhũng thì ngoài hình phạt chính là phạt tù hoặc các biện pháp tù có điều kiện thì kinh tế trở thành hình phạt quan trọng để khắc phục những thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra. Đối tượng được áp dụng sẽ là đối tượng tham nhũng trong lĩnh vực tư, tham nhũng trong các pháp nhân là DN... Tôi nghĩ là như thế.
Tham nhũng trong lĩnh vực tư rất phức tạp
Ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP), cho rằng việc mở rộng nội hàm quy định tội phạm tham nhũng nói chung và tội phạm hối lộ nói riêng trong cả khu vực tư là nhu cầu khách quan bởi lẽ tham nhũng đang diễn biến phức tạp. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tham nhũng trong khu vực tư đang phá vỡ các nguyên tắc vận hành của nền kinh tế, hình thành những thói quen kinh doanh bất chính, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của chính các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung” - ông Bakhodir Burkhanov cho hay.