Việc dư thừa đàn ông do tư tưởng trọng nam khiến nhiều nông dân nghèo Trung Quốc không có cơ hội chọn bạn đời. Trong khi đó, nhiều phụ nữ nông thôn cũng chỉ được gặp chồng mỗi năm một dịp Tết.
Phụ nữ nông thôn Trung Quốc chịu nhiều sức ép khi chồng đi xa dài ngày. Ảnh: China.org.cn; landesa.org
Anh ta muốn có vợ, tất nhiên là thế. Nhưng hỏi anh kiểu phụ nữ nào anh muốn? Lúc đó, Duan Biansheng trông bối rối, rõ là anh chàng chưa nghĩ đến điều này.
“Tôi chẳng có đòi hỏi gì”, anh nông dân 35 tuổi nói với phóng viên tờ Guardian. “Có vợ là tôi thỏa lòng rồi”. Nhưng cơ hội để Duan kiếm được vợ, như lời anh nói, là “gần như bằng 0”. Có hàng chục thanh niên độc thân ở làng Banzhusan, nằm trên một dãy núi của tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, trong khi chẳng có cô gái nào ở độ tuổi kết hôn mà còn ở không.
Đàn bà lên giá
Hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ ế vợ. Trong khi đó, có con đối với người Trung Quốc là một trong những việc tối quan trọng của cuộc đời.
Duan lo ngại khi về già không ai chăm lo cho mình. Anh luôn nổi cáu trước sức ép từ cha mẹ và họ hàng về chuyện lấy vợ. Nhưng thứ khiến anh sợ nhất là sự cô đơn.
Chuyện của Duan là kết quả của truyền thống trọng nam khinh nữ và một quá trình hiện đại hóa diễn ra quá nhanh. Theo truyền thống, chuyện nối dõi là của đàn ông. Đàn bà đi lấy chồng là thuộc về nhà chồng.
Thêm vào đó, nhờ vào các kỹ thuật mới, chuyện lựa chọn giới tính đã trở nên dễ dàng trong vòng 20 năm qua. Dù việc này là phạm pháp, nhưng rõ ràng là rất phổ biến.
Tính theo số liệu năm 2011, tỷ lệ nam/nữ ở Trung Quốc là 118/100 trong khi tỷ lệ thông thường là 106/100. Điều này có nghĩa là sẽ có 30-50 triệu đàn ông không tìm được vợ trong hai thập kỷ tới, theo giáo sư Li Shuzhuo từ Đại học Tây An.
Duan Biansheng rất muốn có vợ, cho dù có “đui, què, mẻ, sứt” anh cũng vui. Ảnh: Guardian
Các chuyên gia từng cảnh báo rằng số đàn ông cô đơn này sẽ tạo ra những mối nguy đối với an ninh xã hội. Họ cho rằng dư thừa đàn ông sẽ dẫn đến tội ác, các vụ tấn công tình dục, làm trầm trọng nạn buôn bán phụ nữ. Ngay tại thời điểm này, chuyện bắt cóc, buôn bán phụ nữ cũng đã diễn ra khắp nơi và người làng Banzhushan cũng xác nhận điều này.
“Nhưng điều đó thật vô ích. Hầu hết thanh niên nông thôn, cả nam cả nữ đều đổ về thành phố làm thuê rồi. Họ xây hai, ba tầng, nhưng các tầng trên hầu như trống rỗng”.
Zhang
Cũng có người cho rằng cho dù có vài mối đe dọa nhưng nói chung là phụ nữ hưởng lợi chính từ sự khan hiếm của họ. “Cho đến nay, chúng ta chưa thấy có biểu hiện xấu nào thực sự đối với đa số phụ nữ. Tỷ lệ tội phạm không cao hơn ở những vùng có chênh lệch giới tính lớn và có thể là quá sớm để các yếu tố tiêu cực phát tác”, giáo sư Therese Hesketh của Viện Sức khỏe toàn cầu UCL nói. “Nhưng điều rõ nhất là nay, phụ nữ Trung Quốc rõ ràng muốn lấy đàn ông giàu có và có tương lai, nghĩa là họ đã nhận thức được giá trị của mình. Đây không phải là đàn ông áp bức đàn bà, mà là ngược lại”.
Nghèo đói cũng là nguyên nhân dẫn đến những làng ế vợ, trong bối cảnh thừa nam thiếu nữ. Đàn bà có thể cải thiện cuộc sống bằng việc lấy chồng, đàn ông hiếm khi làm được vậy. Các cô gái ở những vùng nghèo có thể “thoát ly” bằng một cuộc hôn nhân.
“Mặc dù trong làng cũng có con gái, nhưng họ biết họ có thể có cuộc sống tốt hơn nếu lấy chồng nơi khác”, Duan nói.
Vào cuối mùa hè, ngôi làng trên núi Banzhushan trở nên đẹp đến nao lòng. Hàng đàn bướm bay phấp phới khắp thung lũng.
Nhưng đơn giản đây là nơi xa xôi hoang vắng và cực nhọc đối với 300 cư dân. Họ phải làm lụng vất vả, hết xoay từ khoai tây, ngô đến lúa để nuôi sống mình. Bán củi cũng mang lại chút tiền, nhưng thu nhập cả năm cũng chỉ được 300-400 Nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng). Nhà cửa tồi tàn, với những mảnh nhựa hoặc bìa các-tông thay cho cửa sổ kính. Vào mùa đông, mỗi đợt tuyết rơi dày có thể cô lập làng trong nửa tháng. Mà như thế vẫn tốt hơn nhiều so với 20 năm trước đây. Bây giờ làng đã có đường đất dẫn vào, có điện, có sóng TV, có điện thoại di động. Chính phủ thậm chí còn cho xây một nhà văn hóa cộng đồng cao hai tầng, sáng choang giữa rừng thông và tre.
Nhưng những thứ này chỉ khiến tình cảnh của những người đàn ông ế vợ thêm thê thảm. Đàn bà dễ dàng học được những thứ cao sang bên ngoài và cũng dễ dàng ra đi hơn. Người ta biết rằng vài cải thiện ở làng như thế chẳng thấm gì so với sự hiện đại của đô thị. “30-40 năm trước, con gái ở đây luôn sẵn sàng lấy chồng ở quê”, bà Jin Shixiu, 54 tuổi, nói. “Lúc đó ai cũng nghèo và đói. Đi lại khó khăn. Giờ đường sá đến tận nơi, nhưng làng thì vẫn nghèo như xưa. Thanh niên làng có nhiều người đi tìm hiểu phụ nữ bên ngoài nhưng khi mấy cô đến chơi, thấy chúng tôi nghèo, họ bỏ đi ngay”.
Bà Jin khao khát có một đứa cháu, nhưng giờ chẳng còn hy vọng. Bà khuyến khích hai con trai lên thành phố Thẩm Quyến giàu có để kiếm tiền, kiếm vợ, nhưng đứa con cả, năm nay 32 tuổi, vẫn cô đơn.
Ngay cả khi lên thành phố làm thuê, thanh niên nông thôn vẫn không đủ bằng cấp, trình độ để tìm việc tốt. Và cũng khó mà tìm vợ.
Để có vợ, anh cả Duan phải đi làm rể ở một làng khác. Anh kế đi làm thuê, nhưng cũng 40 tuổi rồi vẫn ở không. Chị gái Duan thì lấy chồng nơi xa. Chỉ còn Duan ở nhà chăm sóc bố mẹ già. “Có muốn chuyển đi thì cũng chẳng biết đi đâu, lấy tiền đâu mà mua đất, xây nhà, lấy ruộng đâu mà cày”.
Có một quan niệm phổ biến ở Trung Quốc: Đàn ông muốn lấy vợ phải có nhà trước. “Ai cũng phàn nàn rằng áp lực này rất lớn”, nhà kinh tế Zhang Xiaobo nói.
Zhang, làm việc cho tổ chức Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (Mỹ) tin rằng chênh lệch giới tính góp phần khiến giá bất động sản tăng lên. Ông kể chuyện một nông dân ở tỉnh Quý Châu phải bán máu lấy tiền xây nhà mới để con trai dễ lấy vợ.
“Nhưng điều đó thật vô ích. Hầu hết thanh niên nông thôn, cả nam cả nữ đều đổ về thành phố làm thuê rồi. Họ xây hai, ba tầng, nhưng các tầng trên hầu như trống rỗng”, Zhang nói.
Những phụ nữ “khát tình”
Hồi đầu năm, hãng tin Tân Hoa Xã đưa tin tình trạng phụ nữ nông thôn xa chồng lâu ngày đã thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách.
Theo bài báo, việc thiếu vắng chuyện chăn gối và sự yêu thương của chồng, những người lên thành phố làm thuê đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của phụ nữ nông thôn và thông tin này được đại biểu Xiong Tong đề cập trong phiên họp của Chính hiệp (tương tự Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam) tỉnh Giang Tây.
Theo Xiong, phó thị trưởng thành phố tỉnh Cương Sơn, sự xa cách thường xuyên giữa các cặp vợ chồng đe dọa hôn nhân của họ. Đàn ông ra ngoài thường có quan hệ ngoài hôn nhân, trong khi vợ chồng họ chỉ gặp nhau vào dịp tết, khi người chồng về nghỉ lễ.
Tuy nhiên, tình dục là đề tài cấm ky ở Trung Quốc, nhất là những vùng nông thôn và những người vợ cô đơn buộc phải giữ trong lòng bao nhiêu ẩn ức.
Số liệu của chính phủ cho thấy Trung Quốc có hơn 47 triệu phụ nữ nông thôn “bị bỏ rơi”, hầu hết trong độ tuổi từ 30-50. Ngoài vấn đề tình dục, phụ nữ nông thôn còn phải đối diện với những khó khăn như một mình nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ già, việc nhà và đồng áng.
Không có chồng bên cạnh, họ còn phải chống chọi với bạo lực và thậm chí là tấn công tình dục. Nhưng đa số đều chọn cách im lặng vì sợ trả thù hoặc điều tiếng.
Ông Xiong đề nghị chính phủ tạo nhiều việc làm ở vùng nông thôn, giúp đàn ông không phải đi xa tìm việc.
________
Các bài viết trích dẫn, tổng hợp dựa trên những bài báo của Tân Hoa Xã, Hoàn cầu thời báo (Trung Quốc), Guardian, Telegraph (Anh)... tại các địa chỉ xinhuanet.com; globaltimes.cn; telegraph.co.uk; theguardian.co.uk; china.org.cn...
Hồi năm 2011, Liên hiệp phụ nữ toàn Trung Quốc phát động chiến dịch xây dựng các nhóm hỗ trợ giữa các phụ nữ nông thôn để cùng giúp nhau khi chồng đi vắng. Nhưng tất nhiên là chiến dịch này cũng khó có thể đưa được các ông chồng quay về hay có phương cách làm dịu cơn khát tình của những phụ nữ cô đơn.