Báo cáo về chương trình thẩm vấn nghi can khủng bố của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) mới được Thượng viện Mỹ công bố gây sốc bởi tính dã man.
Nữ thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện, trả lời báo chí sau khi công bố báo cáo ngày 9-12. Bà là người quyết tâm đưa báo cáo này ra công luận - Ảnh: Reuters
"Ngược đãi tù nhân sẽ đưa đến thông tin tình báo tồi tệ hơn là tốt "
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain
Báo cáo của Thượng viện Mỹ nói những biện pháp tra tấn của CIA dưới thời tổng thống George W. Bush dã man hơn người ta từng nghĩ và đã không thể đem lại các thông tin tình báo hữu ích.
Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ cho rằng CIA cũng đã lừa dối Nhà Trắng và Quốc hội với tuyên bố không chính xác về tính hiệu quả của chương trình.
Theo AFP, bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thừa nhận một số chiến thuật được nêu trong báo cáo tóm tắt 500 trang của Thượng viện là “độc ác”.
Ông phát biểu: “Có rất nhiều người đã làm việc cật lực sau vụ 11-9 để đảm bảo an toàn cho chúng ta trong tình thế nguy hiểm và trong một thời kỳ mà người dân không chắc điều gì đang xảy ra. Nhưng cũng có thực tế rằng chúng ta đã có một số bước đi trái ngược với hình ảnh và giá trị của chúng ta”.
Tra khảo dã man
Những gì được miêu tả trong bản báo cáo về CIA có thể khiến nhiều người rùng mình. Các biện pháp tồi tệ nhất đã bị lôi ra ánh sáng tại một địa điểm giam giữ bí mật của CIA với tên gọi COBALT, nơi các hình thức tra khảo phi pháp được thực hiện từ năm 2002.
Bắt đầu với tù nhân Al-Qaeda cấp cao đầu tiên của CIA là Abu Zubaydah. Nghi can này bị người thẩm vấn xô đập vào tường một cách đều đặn. Các hình thức khác như tát vào mặt hoặc đấm vào bụng cũng được sử dụng.
Các nghi can còn bị hành hạ với nhiều cách khác dã man hơn như không được cho ngủ với thời gian lên tới 180 giờ, tức hơn một tuần. Thông thường, họ sẽ bị bắt phải đứng hoặc bị ép vào các tư thế gây ức chế. Đôi khi tay của họ bị xích vòng trên đầu hay thậm chí là bị xích trên trần.
Abu Zubaydah đã bị giam trong một căn phòng toàn màu trắng và được thắp sáng 24/24 giờ. Đôi khi người này cũng bị không cho ngủ bằng cách bị thẩm vấn liên tục. Ít nhất năm nghi can đã bị lâm vào tình trạng “ảo giác nhiễu loạn” nhưng ít nhất hai trường hợp trong số này bị CIA tiếp tục dùng phương pháp kể trên.
Cũng liên quan đến trường hợp của Abu Zubaydah, trong vòng 20 ngày anh ta đã trải qua 266 giờ (11 ngày 2 giờ) trong một cái thùng có kích cỡ như chiếc quan tài và 29 giờ trong một cái thùng khác nhỏ hơn trong quá trình thẩm vấn. Có lúc tù nhân bị nhốt trong căn phòng tối hoàn toàn, thường là bị xiềng tay trên đầu và bị lột truồng.
Họ bị tra tấn bằng nhạc và tiếng ồn âm lượng lớn, chỉ được cho một cái xô để đi vệ sinh. Năm 2002, một tù nhân bị lột truồng một phần và bị xiềng vào nền bêtông đã chết, nghi là do bị hạ thân nhiệt. Các hình thức khác được nêu trong báo cáo còn có phương pháp cho nghi can tắm nước đá.
Nhiều nghi can cũng bị lôi ra khỏi xà lim, lột truồng rồi bị quấn bằng băng keo dán ống nước. Sau đó, nghi can sẽ bị trùm đầu rồi bị kéo lê lết trong một hành lang bẩn thỉu trong khi bị tát và đấm. Sau cái chết của Gul Rahman ở COBALT, người ta phát hiện trên thi thể của anh ta bị trùm kín với nhiều vết bầm tím.
Nhiều nghi can đã kể lại thẩm vấn viên dọa rằng họ sẽ chỉ có thể rời nơi giam giữ trong cái thùng hình dáng quan tài hay thậm chí là gia đình họ, con cái họ sẽ bị xử. Có nghi can nói anh ta bị dọa rằng người ta sẽ xâm hại tình dục mẹ anh hay thậm chí là cắt cổ bà. Các biện pháp này để đảm bảo tù nhân bị đẩy tới tâm trạng tuyệt vọng.
Tất nhiên không thể không kể đến phương pháp tra tấn ván nước từng được nhắc đến nhiều lần. Kẻ tự thú đứng sau vụ 11-9 Khalid Sheikh Mohammed được nói đã bị tra tấn ván nước 183 lần. Riêng trong tháng 3-2003, anh ta trải qua 5 đợt tra tấn như vậy trong hơn 25 giờ.
Thuê người không kinh nghiệm
Theo báo cáo của Thượng viện Mỹ, CIA đã chi tới 80 triệu USD để thuê một công ty được vận hành bởi hai cựu chuyên viên tâm lý không quân Mỹ. Những người này đã đưa ra các đề xuất về các hình thức tra tấn như ván nước, tát vào mặt và dọa chôn sống đối với nghi can khủng bố.
Theo Reuters, hai nhân vật này được nhắc đến trong bản báo cáo với tên Dunbar và Swigert nhưng đã được xác định là James Mitchell và Bruce Jessen. Đáng nói là họ không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm vấn và chống khủng bố.
CIA đã đẩy 80% khối lượng công việc trong chương trình thẩm vấn cho công ty của hai ông này. Công ty này làm việc từ năm 2005 đến khi kết thúc hợp đồng vào 2009. CIA cùng chi tới 1 triệu USD để bảo vệ công ty này cùng các nhân viên của họ khỏi các trách nhiệm pháp lý.
Báo cáo của Thượng viện Mỹ đã đặt dấu chấm hỏi về chất lượng của những nhà tâm lý này và cáo buộc họ vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức chuyên nghiệp.
“Không ai trong số những nhà tâm lý này có kinh nghiệm về thẩm vấn cũng như có kiến thức chuyên sâu về Al-Qaeda, chống khủng bố hay những kiến thức liên quan” - báo cáo nói.
Theo Reuters, người đứng đầu bộ phận thẩm vấn của CIA đã quá kinh hoàng khi nhận được kế hoạch thẩm vấn được đề xuất. Ông gửi thư cho đồng nghiệp nói rằng chương trình thẩm vấn này là một kế hoạch đang chực chờ sụp đổ và ông không muốn tham gia.
Ông Mitchell từ chối xác nhận trả lời câu hỏi của Reuters về chương trình. “Đi mà nói chuyện với CIA” - ông nói. Hồi tháng 4, trả lời tờ Guardian, ông Mitchell nói ông không có gì để xin lỗi cả. Đáng nói hơn, cả hai nhà tâm lý kể trên được phép tự đánh giá công việc của mình và bao giờ họ cũng cho họ điểm số cao nhất.
CNN cho biết CIA liên tục tuyên bố rằng các hình thức thẩm vấn của họ đã giúp tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden, nhưng báo cáo của Thượng viện Mỹ kết luận rằng hầu hết thông tin chính xác dẫn đến việc tiêu diệt trùm khủng bố đến từ một nghi can trước khi người này bị tra tấn.
Sẽ không ai bị truy tố?
Reuters cho biết việc truy tố hình sự đối với những người vận hành các nhà tù bí mật và các biện pháp thẩm vấn dã man từ năm 2002-2006 dường như sẽ không diễn ra bất chấp yêu cầu từ những nhà chủ trương quyền công dân.
Tổng thống Obama ra tín hiệu rằng ông quan tâm đến tương lai hơn là khơi lại quá khứ đen tối. Ông phát biểu rằng thay vì lấy lý do để tranh cãi lại những vấn đề cũ, bản báo cáo mới này giúp nước Mỹ bỏ lại những phương pháp thẩm vấn này vào quá khứ. Khi lên nắm quyền vào năm 2009, ông Obama đã cấm các hình thức thẩm vấn dã man.
CIA và những người ủng hộ cơ quan này lên tiếng phản đối điều tra hình sự, nói rằng hành động của họ được Bộ Tư pháp và Nhà Trắng dưới thời tổng thống Bush trao thẩm quyền.
Tuy nhiên, các nhà chủ trương quyền công dân nói việc chịu trách nhiệm là cần thiết để đảm bảo những hình thức tra tấn không được tái sử dụng trong tương lai. Theo AFP, cựu tổng thống Bush chỉ được báo cáo về việc tra tấn bốn năm sau khi chương trình này bắt đầu.
Tổng giám đốc Liên đoàn Các quyền tự do dân sự Mỹ Anthony Romero nói bản báo cáo của Thượng viện đã đưa ra một kế hoạch cho khả năng truy tố. Điều tra viên kiêm chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc Ben Emmerson cho rằng bản báo cáo đã tiết lộ một “chính sách rõ ràng được dựng lên ở một cấp cao trong chính quyền Bush” và kêu gọi truy tố những quan chức Mỹ ra lệnh tra tấn tù nhân.
Ông nói luật quốc tế cấm việc cấp quy chế miễn trừ đối với quan chức dính líu đến hành động tra tấn. Theo ông, tra tấn là một tội ác quốc tế và người vi phạm có thể bị truy tố ở bất kỳ quốc gia nào họ đi đến. Một số quan chức thời ông Bush đã được cảnh báo không đi đến châu Âu.
Các công tố viên Ba Lan đang điều tra các nhà tù bí mật của CIA ở nước này hôm 9-12 cũng đã yêu cầu tiếp cận báo cáo của Thượng viện Mỹ. Trước đây, các báo cáo cho rằng những nhà tù bí mật của CIA nằm ở Ba Lan, Thái Lan, Afghanistan, Romania và Lithuania.
Theo AFP, sau khi bản báo cáo được công bố, luật sư của nghi can vụ 11-9 Khalid Sheikh Mohammed nói người này không thể chịu án tử hình. “Sẽ là không hợp pháp, không nhân đạo và không công bằng khi xử tử một người sau khi đã tra tấn anh ta” - luật sư David Nevin nói.
Các nước phản ứng
Lên tiếng về bản báo cáo, Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu rằng: “Chúng ta không thể thành công nếu chúng ta đánh mất nguyên tắc đạo đức”. Đức nói rằng các biện pháp tra tấn của CIA là một “sự vi phạm thô bạo các giá trị tự do và dân chủ của chúng ta”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ “nghiêm chỉnh tuân thủ và tôn trọng các luật lệ của các công ước quốc tế liên quan”.
CHDCND Triều Tiên cũng yêu cầu Liên Hiệp Quốc điều tra Mỹ sau khi bản báo cáo về tra tấn được công bố. Theo AFP, Bình Nhưỡng cho rằng bản báo cáo là một phép thử lớn cho uy tín của Hội đồng Bảo an.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên nói không thể bàn luận thành tích nhân quyền của Bình Nhưỡng mà nhắm mắt trước sự vi phạm của một trong những thành viên thường trực của hội đồng.
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói việc tra tấn các nghi can của CIA cho thấy Chính phủ Mỹ là một “biểu tượng chuyên chế chống lại nhân loại”. Tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lên án “hành động vô nhân đạo này với những từ ngữ mạnh mẽ nhất”.