Nhiên liệu, thuốc phiện, tống tiền, mãi lộ, cướp bóc... các tổ chức khủng bố Hồi giáo như al-Qaeda, IS đã thành lập cả một hệ thống luân chuyển tiền bạc rất lớn để triển khai các kế hoạch của mình, theo BBC.
Các tổ chức khủng bố Hồi giáo như al-Qaeda, IS đã thành lập cả một hệ thống luân chuyển tiền bạc rất lớn - Ảnh: Reuters
Trước tình hình Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda cùng nổi lên như một mối họa toàn cầu, theo tuyên bố của Liên Hiệp Quốc trên Reuters hồi tháng 10, tờ BBC đã có bài viết nghiên cứu cách kiếm tiền của các nhóm khủng bố này hôm 12.12. Đồng tiền là động lực lớn nhất và là bầu sữa nuôi các kế hoạch khủng bố. Thế nhưng làm thế nào những kẻ bị phần lớn thế giới tẩy chay lại kiếm được tiền?
Sinh lợi “khủng” từ hành động bất chính
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa tuyên bố từ chức Chuck Hagel đã mô tả IS là “một nhóm hoạt động tinh vi và được tài trợ tốt ngang ngửa với tất cả các tổ chức ông đã nhìn thấy trước đây”.
Chỉ trong thời gian ngắn, IS đã kiểm soát một vùng rộng lớn phía bắc Syria và Iraq, và sức mạnh ấy được hình thành từ các hoạt động kiếm tiền bao gồm: buôn bán dầu, ăn tiền mãi lộ, cướp bóc và bắt cóc tống tiền.
Trong tài liệu được hãng tin AFP tung ra, IS là tổ chức khủng bố sinh lợi “khủng” nhất hàng năm. Theo đó, IS thu xấp xỉ 800 triệu USD từ các hoạt động nêu trên. Tiếp đến là nhóm Taliban ở Afghanistan kiếm 400 triệu USD từ thuốc phiện và tiền tài trợ, trong khi al-Shabab ở Somalia thu 100 triệu từ bán than và bắt cóc.
IS kiểm soát các vùng đất và thu lợi từ đó - Ảnh: Reuters
Trong các hoạt động trên, việc bắt cóc con tin là vấn đề gây nhức nhối. BBC dẫn tin cho biết nhóm al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) đã thu 20 triệu USD từ việc tống tiền từ năm 2011 đến 2013.
Liên Hiệp Quốc cũng công bố tài liệu cho thấy các tổ chức khủng bố nói chung đã kiếm gần 120 triệu USD từ năm 2012 đến 2014. Chỉ tính riêng IS, tổ chức khủng bố “nổi tiếng” hiện nay, đã thu tới 45 triệu USD chỉ trong vòng 1 năm qua.
Hệ thống luân chuyển hoàn hảo
Lẽ tất nhiên, chỉ kiếm tiền đơn giản từ bắt cóc hay buôn báo dầu mỏ, sản xuất than thì không thể bành trướng trước sự dòm ngó của Mỹ và các tổ chức quân sự khác. IS và các nhóm khủng bố nói chung đã hành động với kế hoạch rất chi tiết, kỹ lưỡng, theo BBC.
Để đối phó với những giai đoạn “làm ăn” không tốt, các tổ chức khủng bố cầu cứu... những “nhà tài trợ”. Đây là những người được cho có cảm tình với nhóm khủng bố, thường là những cá nhân, tổ chức giàu có từ vùng Vịnh. Họ được gọi là “chuỗi vàng”.
Từ đó, các tổ chức này liên minh với nhau xuyên quốc gia. Cũng có thể hiểu đó là cơ sở manh nha đầu tiên cho việc IS tự xưng là Nhà nước Hồi giáo, tức tận dụng sức mạnh quân sự và tài chính của nhiều nhóm khủng bố cùng tư tưởng hoạt động.
Các nhóm khủng bố tạo một đường dây kiếm tiền khá kín kẽ - Ảnh: Reuters
BBC cho biết năm 2012, tổ chức phiến quân tên Boko Haram ở Nigeria đã được al-Qaeda ở nhánh Hồi giáo Maghreb rót 250.000 USD. Đổi lại, Boko Haram đang làm loạn tại Nigeria để lật đổ chính phủ, nhằm tạo một nhà nước Hồi giáo của al-Qaeda (khác với IS).
Như vậy, từ bên trong, từng nhóm khủng bố sẽ hoạt động cướp bóc, bắt cóc, buôn bán dầu mỏ, nhiên liệu để sinh lợi. Bên ngoài, họ liên kết với nhau. Kế hoạch của các nhóm này luôn là “biến nguồn thu bên ngoài thành bên trong”, nghĩa là sẽ tạo ra một con đường luân chuyển tiền bạc riêng biệt, tránh sự can thiệp của những tổ chức chống khủng bố”, theo BBC.
Trên thực tế kể từ vụ 11.9 ở Mỹ, nước này đã kết hợp với Liên Hiệp Quốc, NATO và các nước mạnh khác tập trung cắt nguồn thu của các tổ chức khủng bố. Tài chính là bầu sữa cho khủng bố, cũng là gót chân Achilles của nó, như BBC nói.
Tuy vậy, các nỗ lực ngăn chặn cho đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả, mà việc IS đang nổi lên là minh chứng rõ nhất.