Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo thu nhập bình quân hằng tháng của viên chức quản lý tập đoàn, tổng công ty năm 2013 trực thuộc Bộ. Theo đó, lương của chủ tịch các tập đoàn dầu khí, điện lực, than có mức 53-65 triệu đồng. Đây cũng là một trong những mức cao của lãnh đạo các tập đoàn.
Ai chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội của 60 lao động?
- Cập nhật : 24/09/2014
Mới đây, gần 20 công nhân Cty CP thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền liên quan, phản ánh về việc họ không được chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) đúng quy định, dù nhiều năm qua phải tự bỏ tiền để tham gia BHXH bắt buộc.
Vẫn đóng tiền, không chốt được sổ
Theo công nhân (CN) Phạm Thị Hải, tình hình sản xuất kinh doanh của Cty CP thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang (gọi tắt là Cty) mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Sản xuất bị đình trệ, NLĐ không có việc làm, không thu nhập, khiến đời sống gặp nhiều vất vả. Chị Hải và nhiều CN khác phải bươn chải để kiếm sống và phải lo đóng BHXH, BHYT, BHTN cho Cty theo quy định. Nhiều CN đã nộp các khoản tiền BHXH, BHYT, BHTN cho Cty đến hết tháng 5.2013, nhưng Cty chỉ nộp cho cơ quan BHXH đến hết... năm 2010.
Chính vì thế, một số CNLĐ của Cty nghỉ việc nhưng không chốt được sổ BHXH và nhiều người khác không được thanh toán chế độ BHYT, BHTN hay ốm đau, thai sản… Điều này khiến cho NLĐ vô cùng thiệt thòi và bức xúc. “Hiện tôi đã chuyển sang Cty khác làm việc hơn 1 năm, nhưng vẫn chưa chốt được sổ BHXH. Tôi vô cùng lo lắng, vì hơn 12 năm làm việc và đóng BHXH ở Cty cũ có nguy cơ mất trắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ nghỉ hưu của tôi” - chị Phạm Thị Hải rầu rĩ.
Được biết, hiện ở Cty có gần 60 LĐ đang có cùng cảnh ngộ như trên. Người có thâm niên làm việc nhiều nhất là trên 10 năm, người ít cũng 6 - 7 năm.
Ai chiếm đoạt?
Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị của các CN, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đã chuyển ngay đến các cơ quan chức năng để giải quyết, đồng thời chỉ đạo LĐLĐ huyện Lục Ngạn cử cán bộ tìm hiểu, đeo bám vụ việc, nhằm bảo vệ quyền lợi của CN.
Sau khi xác minh, LĐLĐ huyện Lục Ngạn cho biết, sự việc CN phản ánh là có thật. Điều này cũng được ông Nguyễn Anh Tuấn - GĐ Cty - xác nhận trong buổi làm việc với đoàn công tác. “Phản ánh của CNLĐ là đúng sự thật, nhưng hiện tại, Cty nợ hơn 2 tỉ đồng tiền BHXH và đang gặp rất nhiều khó khăn, nên chưa thể giải quyết ngay các chế độ cho CNLĐ” - ông Tuấn cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Duy Long - Phó TGĐ kiêm Phó Chủ tịch CĐ TCty Rau, quả, nông sản VN (CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở của Cty CP thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang) - cũng cho biết: "Cty đang trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Thậm chí, tài sản cố định của Cty cũng đang nằm trong diện “phong tỏa” của ngân hàng… Tuy nhiên, Cty đã cổ phần hóa nên về mặt hoạt động SX-KD, TCty không thể hỗ trợ".
Tìm hiểu thêm, phóng viên được biết, trước đây việc SX-KD của Cty rất tốt, chính vì thế, có một doanh nhân ở tận TPHCM ra mua lại cổ phần chi phối tới 51%. Nhưng do mở rộng sản xuất vượt khả năng thanh toán nên nợ nần dần dần... chồng chất. Có thông tin cho hay, ông Nguyễn Tiến Kết (giám đốc cũ của Cty), vì quá lo lắng nên bị đột quỵ, nằm một chỗ mấy năm nay. Ban lãnh đạo Cty quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn - con của ông Nguyễn Tiến Kết - làm giám đốc. Ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi làm giám đốc là việc “cực chẳng đã”, quyền lợi của bản thân tôi và gia đình cũng đang trong tình cảnh giống như tất cả các CNLĐ khác.
Biết và hiểu bức xúc của NLĐ, nhưng hiện giờ, tôi không thể giải quyết được ngay những tồn tại ấy… Cty đang cố gắng đàm phán lại với ngân hàng, Sở LĐTBXH để được khoanh nợ, tiếp tục sản xuất, hướng dẫn giải quyết các chế độ BHXH”.
Như vậy, có thể nói, việc thanh toán BHXH và các chế độ khác cũng như việc chốt sổ BHXH cho CNLĐ đang làm việc hay đã chuyển khỏi Cty CP thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang đang bị bế tắc và NLĐ có nhiều nguy cơ bị thiệt hại, khó khắc phục. Điều các cơ quan chức năng cần làm rõ là những khoản tiền mà NLĐ đã nộp về cho Cty trong suốt 3 năm (2010-2013), do ai nhận và sử dụng vào mục đích gì?
Theo: LĐ