Hỏi: Tôi muốn hỏi vấn đề liên quan đến di chúc. Cha mẹ tôi khi còn sống có chuyển nhượng cho tôi 1 mảnh đất, còn chị tôi (bị bại liệt từ nhỏ) được thừa kế 1 ngôi nhà của cha mẹ. Nhưng khi mất, chị lại lập 1 di chúc miệng (đúng hình thức pháp luật) để lại ngôi nhà đang thờ cúng cha mẹ và chị cho 1 người xa lạ (không bà con).
Vậy xin hỏi, tôi có quyền kiện về di chúc của chị không? Tôi có quyền hạn gì về vấn đề này không? Trong khi tôi là con trai duy nhất trong nhà, mọi việc thờ cúng đều tôi gánh vác. Thảo Lê (lethuthao1492@gmail.com)
Trả lời: Do câu hỏi bạn nêu có nhiều điểm chưa rõ, nên chúng tôi giả sử các trường hợp như sau:
1. Về tặng cho quyền sử dụng đất:
Nếu bố mẹ bạn khi còn sống đã tặng cho bạn quyền sử dụng đất trên đó có ngôi nhà thì phải có hợp đồng tặng cho được công chứng theo đúng quy định pháp luật, sau khi nhận tặng cho thì bạn phải đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền.
Khi tặng cho quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện như có Giấy chứng nhận, đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên, trong thời hạn sử dụng đất.
Theo Điều 188 khoản 3 Luật Đất Đai 2013, việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
2. Thừa kế theo pháp luật:
Nếu bố mẹ bạn chỉ nói miệng về việc tặng cho, sau đó bạn chưa đăng ký quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất được xem là di sản thừa kế của bố mẹ bạn. Nếu bố mẹ bạn để lại di chúc thì di sản được chia theo di chúc.
Nếu bố mẹ bạn mất không để lại di chúc, di sản thừa kế sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Theo đó, người thừa kế hàng thứ nhất (bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của ông bà của bạn) sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Nếu người thừa kế thuộc hàng thứ nhất chỉ có bạn và chị bạn sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau đối với phần di sản thừa kế của bố mẹ để lại. Khi bố mẹ bạn mất, nếu di sản vẫn mang tên bố mẹ bạn, thì phải tiến hành khai nhận thừa kế thì lúc đó chị bạn mới được quyền để lại thừa kế phần di sản mà chị bạn nhận từ bố mẹ.
Như vậy, chị bạn chỉ có quyền để lại thừa kế đối với ½ di sản mà bố mẹ để lại. Mặt khác, di chúc miệng chỉ có hiệu lực theo Ðiều 652 của BLDS quy định di chúc miệng chỉ coi là hợp pháp như sau:
“3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”.
3. Thời hiệu khởi kiện:
Thời hiệu khởi kiện về thừa kế được quy định tại Điều 645 BLDS như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Bạn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên có quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Theo Điều 202 Luật Đất Đai 2013: “2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
(Cty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)