Trong vụ anh Võ Minh Tuấn bị một nhóm người bắt trói rồi tống vào bệnh viện tâm thần, chúng tôi phát hiện, quy trình tiếp nhận bệnh nhân có nhiều bất cập. Anh Tuấn càng nói chuyện tỉnh táo, bác sĩ càng nghi anh bị “tâm thần”.
“Cấp cứu tâm thần"
Liên quan đến việc anh Võ Minh Tuấn bị trói bằng dây dù và dây điện, lấy băng keo dán miệng rồi đưa vào Bệnh viện Tâm thần TPHCM, trong 2 ngày 29 và 30.10, chúng tôi đã đến bệnh viện để làm rõ. Bác sĩ Trần Duy Tâm - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - cho biết: “Bước đầu khi bệnh nhân được người thân, tổ chức đưa đến chúng tôi sẽ tiếp nhận. Sau đó lấy lời khai của tổ chức hay người nhà đưa bệnh nhân.
Khi bệnh nhân có biểu hiện la hét, đập phá, cười nói không rõ tiếng, trước tiên bác sĩ sẽ phải quan tâm đến sức khỏe của chính người bệnh bằng việc khám và dùng chuyên môn để làm sao trấn an được tinh thần, làm giảm sự kích động cho người bệnh. Những bệnh nhân bị người nhà trói hay bị xích chúng tôi phải mở trói và xích cho họ. Những bệnh nhân có biểu hiện này chúng tôi gọi là “loạn thần”.
Chúng tôi gọi đây là “Cấp cứu tâm thần”. Sau đó bác sĩ tư vấn hay cho bệnh nhân nghỉ ngơi để ổn định lại tinh thần người bệnh. Nhưng cũng có trường hợp phải lưu bệnh để điều trị dài ngày. Thường khi bệnh nhân ổn định tinh thần là bệnh viện cho về để điều trị ngoại trú.
Lý giải việc anh Tuấn đã có xác định không bị tâm thần nhưng khi anh này bị đưa vào bệnh viện lại được chẩn đoán là “loạn thần cấp” và cho nhập viện, bác sĩ Tâm trả lời “Bệnh án của anh Tuấn tôi chưa nghiên cứu kỹ nhưng bệnh nhân này phải có biểu hiện của bệnh “loạn thần” thì các bác sĩ mới tiếp nhận và cho lưu trú điều trị”.
Chúng tôi đặt vấn đề, đối với tình huống người không bị bệnh nhưng bị người khác thù ghét bắt trói đưa vào bệnh viện và cũng sẽ có hành vi đập phá, la hét… giống biểu hiện của “loạn thần” bệnh viện xử lý thế nào? Bác sĩ Tâm nói: “Trước tiên chúng tôi cũng phải làm những thủ tục như trên. Sau khi xác định bệnh nhân không gây nguy hiểm đến chính tính mạng họ và cộng đồng thì cho ra viện”.
Vào viện là phải tâm thần
Theo hồ sơ do bệnh viện này cung cấp, chúng tôi thực sự “phát hoảng” với quy trình tiếp nhận bệnh nhân. Bởi, chỉ cần bắt trói được một ai đó rồi đưa vào đây, tự nhận là người nhà thì nạn nhân tỉnh táo cũng thành tâm thần.
Toàn bộ hồ sơ cho thấy, anh Tuấn là “nạn nhân” của bệnh viện này không phải một lần, mà là 2 lần. Cụ thể, năm 2003, khi mới 21 tuổi, khi đang thay cha ruột anh là ông Võ Minh Châu giám sát việc thi công san lấp Cụm Công nghiệp Hoàng Gia, anh Tuấn cũng bị lừa đưa vào bệnh viện tâm thần. Hồ sơ nhập viện, “người nhà” khai đúng tên anh là Võ Minh Tuấn, nhưng không biết năm sinh nên khai năm 1981 thay vì năm 1982, không rõ địa chỉ nên khai anh Tuấn ở xã Bình Đức thay vì xã Thạnh Phú.
Anh Võ Minh Tuấn bên mảnh đất đã bị chiếm đoạt.
Khi anh Tuấn khai được cha giao nhiệm vụ giám sát công trình, do bầy xe ben có hàng chục chiếc giành tài, chạy ẩu trong công trường nên anh Tuấn chắn barie giảm tốc, cắt tài các xe chạy ẩu nên bị nhiều người thù ghét, lừa cho anh uống thuốc mê rồi đưa vào đây. Kết quả, không ai tin anh. Tuy nhiên, sau vài ngày “điều trị”, anh được bệnh viện cho về.
Tương tự, năm 2007, khi bị nhóm công an và dân phòng bắt trói đưa vào bệnh viện, anh nói với bác sĩ anh đang ngồi với ông Phó Bí thư Huyện ủy, đang chuẩn bị ký hợp đồng với nhiều đối tác nước ngoài, rằng trang trại nuôi gần 1.000 con dê, hàng trăm con bò, rằng công việc đang bù đầu, cần phải ra viện gấp vì anh đang bị hãm hại để chiếm tài sản...
Thế nhưng, hồ sơ bệnh viện ghi luôn: “Tư duy không liên quan hoang tưởng bị hại: Cho rằng người ta chiếm đoạt của cải mình”. Anh Tuấn kể: “Tôi kể xong thì bị đè xuống, chích cho mũi thuốc. Loại thuốc này làm tôi trẹo cả hàm, vẹo cả cổ”. Chứng thực cho lời kể của anh Tuấn, hồ sơ bệnh án cho anh Tuấn xuất viện cũng ghi rõ: “Bệnh nhân bị trẹo hàm, vẹo cổ”.
Trao đổi với phóng viên, anh Tuấn bức xúc: “Hồi bị đưa vào viện lần đầu, lúc đó còn trẻ nên tôi sợ quá nên lớn tiếng đòi về thì họ nói tôi loạn thần, ghi trong bệnh án là “tiếp xúc khó khăn, nét mặt cau có”. Mấy năm sau, họ lập mưu đưa tôi vào viện lần nữa, do có kinh nghiệm nên tôi nói năng từ tốn, mạch lạc thì họ nói tôi hoang tưởng. Tôi phải sống chung với cả trăm người bệnh, khổ sở vô cùng. Tôi không biết bệnh viện có tiếp tay người ta hãm hại tôi hay không, nhưng rõ ràng quy trình nhận bệnh như thế thì bất cứ ai đã rơi vào đây thì kiểu gì cũng là tâm thần”.