Nơi X rời quê lên TPHCM kiếm sống.
Do còn nhỏ, tính ham chơi nên sau một tháng đi bán vé số, Tăng Mỹ X (SN 1999, trú tại xã Tân Phong, huyện Giá Rai, Bạc Liêu) bị lỗ gần 1 triệu đồng. Sợ bố mẹ mắng, X bỏ nhà đi lang thang.
Số phận đưa đẩy thiếu nữ này đến Bến xe Miền Tây (TPHCM) và xin được việc làm tại một quán càphê. Trong khi hàng ngày, X làm nhân viên bưng bê đồ uống và để cho khách “sờ mó”, thì tại quê nhà, bố mẹ X tưởng con mình đã chết, nên lập bàn thờ...
Số phận đưa đẩy
Gia đình X là một trong những hộ nghèo nhất ở xã Tân Phong, huyện Giá Rai, trong nhà chỉ có độc chiếc tivi đen trắng cùng với chiếc âm ly đầu đĩa đã cũ rích. Ngay từ nhỏ, X đã phải lăn lộn ra ngoài làm việc, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Công việc hàng ngày của X là đi lấy vé số từ các đại lý về bán. Thấy hoàn cảnh gia đình X khó khăn, một người bà con ở TPHCM, trong một lần về chơi, đã ngỏ ý bảo X lên thành phố và họ sẽ giúp xin việc. Nhưng lo sợ con gái mình tuổi đời còn quá nhỏ, chưa thể làm được việc gì, nên bố mẹ X đã từ chối.
Do ít tuổi lại ham chơi nên X thường xuyên không bán hết số vé được giao. Sau gần một tháng đi làm, X nợ chủ đại lý vé số gần 1 triệu đồng. Đó là số tiền quá lớn đối với một gia đình nghèo, không có công việc ổn định ở vùng miền Tây Nam Bộ nên X sợ hãi, không dám nói với bố mẹ. X quyết định bỏ nhà lên thành phố tìm việc, tự mình kiếm đủ tiền trả nợ thì sẽ trở về. Chính suy nghĩ bồng bột đó đã đẩy cuộc đời X vào những tháng ngày lưu lạc nơi xứ người. Bắt xe lên được TPHCM nhưng X lại không biết địa chỉ cụ thể của người bà con nên đành đi lang thang kiếm việc làm. Sau một ngày ngang dọc ở bến xe Miền Tây, X cũng xin vào làm nhân viên của một quán cơm. Sau đó 1 tháng, do không phù hợp với công việc này nên X đã xin nghỉ, tiếp tục ra bến xe miền Tây tìm công việc khác.
X cũng nghĩ đến chuyện về nhà nhưng vì không có tiền trong túi, nên X có ý “muốn nhờ một anh lái xe nào tốt bụng cho mình quá giang về nhà”. Ý nghĩ đó của X nhanh bị dập tắt khi nhận được cái lắc đầu của gần chục anh tài xế.
Trong lúc X đang mệt mỏi, chán chường thì một anh xe ôm “tốt bụng” ở bến xe Miền Tây đã thương cảm, đồng ý chở X đến một quá càphê ở Q.9, TPHCM để xin việc. Tại đây, nhờ vào lời giới thiệu của anh xe ôm cùng với thân hình nảy nở của đứa con gái mới lớn, X nhanh chóng được chủ quán nhận vào. Tuy nhiên, X đâu ngờ mình đang rơi vào “lò xay”của những kẻ kiếm tiền trên thân thể người khác.
Thiếu nữ Tăng Mỹ X chia sẻ với PV.
Trong lúc X đang lưu lạc trên TPHCM thì ở nhà bố mẹ của thiếu nữ này lo lắng đi khắp nơi tìm con. Mọi cố gắng đều trở nên vô vọng khi gia đình không có chút thông tin nào về X. Vì vậy, bố mẹ của X nghĩ đến trường hợp xấu nhất là có thể con gái mình đã bỏ mạng ở đâu đó mà không tìm thấy xác, nên gia đình đã lập bàn thờ và lấy ngày giỗ cho X là ngày cô mất tích”.
Gần hai năm trôi qua, bố mẹ X sống trong nỗi đau buồn về sự mất tích bí ẩn của người con gái thì đến ngày 22.10 vừa qua, gia đình cô nhận được tin báo của cơ quan chức năng đến phối hợp để giải cứu X ra khỏi quán càphê trên TPHCM. Thông tin này đã khiến bố mẹ X choáng váng xen lẫn vui mừng. Mẹ X nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi tưởng con gái mình chết rồi, gia đình đang chuẩn bị lần giỗ thứ 2 cho cháu thì bất ngờ biết tin cháu còn sống. Ban đầu, gia đình hoang mang nghĩ đó chỉ là sự nhầm lẫn nhưng vẫn hy vọng một sự may mắn nhỏ nhoi sẽ đến với gia đình. Tôi thật không ngờ sau hai năm mất tích con gái mình nay đã trở về, ngồi trước mắt tôi bằng da bằng thịt… Thật không có niềm hạnh phúc nào bằng”.
Hành trình lưu lạc
Gặp X tại căn nhà rách nát ở xã Tân Phong, huyện Giá Rai, Bạc Liêu, không ai có thể nghĩ được thiếu nữ này chưa đủ 15 tuổi, bởi vẻ bề ngoài cứng cáp, trưởng thành hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Chiếc điện thoại cảm ứng trên tay X đang dùng còn đáng giá hơn toàn bộ tài sản mà gia đình cô có. Nhưng tất cả những thứ đó chỉ là vẻ bề ngoài, X tâm sự: “Hai năm bị lừa vào làm việc tại quán càphê ôm, con đã bị chủ kèm cặp, thậm chí chửi bới vô cớ, không những thế, còn phải bán rẻ cả danh dự, để cho khách sờ mó khắp người. Những thứ mà con sắm được đều là tiền mà khách bo sau những lần đã thỏa mãn, khám phá cơ thể”.
X kể: “Sau khi người lái xe ôm chở con đến quán càphê, ông ta được chủ quán đưa cho 700.000 đồng. Quán càphê này chuyên phục vụ công nhân lao động, người qua đường. Ban ngày, quán ít khách nhưng ban đêm rất đông, nhất là thứ bảy, chủ nhật. Khách vô quán, con ra hỏi họ uống gì, rồi bưng nước và xin phép họ ngồi phục vụ. Khách gật đầu mới được ngồi, từ chối thì đổi người khác. Khi khách đồng ý cho mình ngồi chơi là phải ngồi để họ rờ mó… Nhiều khách quá đáng khi đòi hỏi đủ thứ. Nhưng con còn nhỏ nên từ chối làm theo yêu cầu của họ. Khi đó, họ đuổi con và mách lại với bà chủ. Có những người khách còn đòi dẫn đi xa nhưng con không chịu. Bà chủ quán mấy lần phạt tiền do con từ chối, làm cho khách phiền lòng”.
Theo lời kể của X, khi vào làm ở đây, nhân viên sẽ có hai lựa chọn, một là nhận lương 2,5 triệu đồng/tháng còn tiền bo của khách phải trả lại cho chủ. Hai là làm việc không công, chủ sẽ bao ăn ở còn tiền bo của khách thì nhân viên được giữ hết. “Mỗi nhân viên làm việc ở đó ngày nào ít nhất cũng nhận được tiền bo từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày, có ngày cao nhất cũng được cả triệu đồng nên chẳng ai chọn nhận lương theo tháng. Để bảo đảm việc kinh doanh không bị lộ ra ngoài, chủ quán không cho chúng con dùng điện thoại di động, đi đâu, gặp ai cũng phải báo cáo và có người theo dõi. Mọi thứ đồ dùng sinh hoạt cá nhân, bọn con phải mua lại của chủ quán với giá cắt cổ”, X kể và cho biết, chủ quán có người thân mở tiệm massage, hai bên thường xuyên trao đổi "đào" nhưng X chưa lần nào bị đổi.
Dãy nhà của bố mẹ X ở huyện Giá Rai, Bạc Liêu.
Công việc kiếm nhiều tiền nhưng lòng tự trọng bị bán rẻ, X cảm thấy tủi nhục nên luôn tìm cách thoát ra khỏi quán càphê để trở về với gia đình. Đã một lần, X toan bỏ trốn nhưng bị chủ nhà bắt lại, sau lần đó X bị quản lý chặt hơn. Nhưng rồi, niềm may mắn đến với X khi vào một ngày cuối tháng 9.2014, một người gần nhà X ở Giá Rai (Bạc Liêu) vào quán càphê cô làm việc. "Trò chuyện với khách, con hay hỏi quê và bất ngờ gặp được người quen ở Bạc Liêu. Anh này nhận lời tìm giúp số điện thoại một người cùng xóm. Vừa có được số là con gọi về quê ngay trong đêm khi mọi người xung quanh say ngủ, vì chủ ít cho xài điện thoại", thiếu nữ chia sẻ.
Sau lần lén gọi này, X chờ gần một tuần thì thấy hai thanh niên đến uống nước với ánh mắt đầy dò xét. Thiếu nữ biết ngày về đã đến gần nhưng vẫn vờ không chú ý để đánh lạc hướng chủ. Vài phút sau khi một trong hai người đi ra thì không lâu công an phường đến kiểm tra hành chính, X được giải cứu. Ngồi trong căn nhà đơn sơ tại quê nhà, X chia sẻ: “Ba mẹ không rầy, thương con và dặn đừng đi xa nữa. Mẹ nói đang xin việc cho con ở chỗ giặt quần áo nhưng họ chưa trả lời. Những ngày qua, con phụ mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, nhắc em đi học đúng giờ. Ba mẹ dặn không đi đâu xa, để từ từ kiếm việc làm, phụ cha mẹ”.