Ông Phạm Văn Phóng, nguyên Giám thị Trại giam Sông Cái, khẳng định ngoài Cục V26, ông còn gửi nội dung tố giác cho Công an tỉnh Bình Thuận để xem xét làm sáng tỏ vụ án
Chiều 3-11, tiếp phóng viên Báo Người Lao Động tại tư gia ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, ông Phạm Văn Phóng - nguyên Giám thị Trại giam Sông Cái (tỉnh Ninh Thuận) - kể khoảng tháng 7, 8 năm 2000, Nguyễn Phúc Thành (trú thị trấn Tân Minh, trước là xã Tân Minh, tỉnh Bình Thuận) đang thụ án tại Trại giam Sông Cái. Khi hay tin Huỳnh Văn Nén có thể lĩnh án nặng vì tội giết bà Lê Thị Bông (ngụ xã Tân Minh), Thành tâm sự với quản giáo rằng thủ phạm không phải là Nén mà là Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt (ngụ cùng địa phương).
Rất bất ngờ
“Nghe thuộc cấp báo cáo vụ việc, tôi rất bất ngờ nên gặp phạm nhân Thành để xác nhận thông tin. Thành tiếp tục khẳng định Nén bị oan vì không phải là thủ phạm của vụ án. Với lương tâm của một người làm công tác quản giáo, tôi nghĩ tố giác của Thành liên quan đến sinh mạng không chỉ của Nén mà còn cả gia đình, người thân của anh này nên tôi yêu cầu Thành viết tường trình” - ông Phóng nhớ lại.
Nguyễn Phúc Thành (phải) - người đã tố giác thủ phạm gây ra vụ án giết chết bà Lê Thị Bông Ảnh: Bạch Long
Theo vị cựu Giám thị Trại giam Sông Cái, để có căn cứ xác đáng về tố giác, ông yêu cầu Thành viết 2 đơn tố cáo, đồng thời cử cán bộ lập “biên bản hỏi - đáp” với Thành. “Tôi đã gửi văn bản báo cáo cấp trên là Cục V26 (Cục quản lý trại giam và các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng thuộc Bộ Công an), đồng thời gửi cho Công an tỉnh Bình Thuận để đơn vị này xem xét làm sáng tỏ vụ án” - ông Phóng khẳng định.
Cũng theo ông Phóng, sau khi nhận được công văn của trại giam, Công an tỉnh Bình Thuận có cử điều tra viên ra gặp Thành để xác tín đơn tố giác của anh này.
Tố cáo vì cắn rứt lương tâm
Cùng ngày, chúng tôi cũng đã gặp Nguyễn Phúc Thành tại thị trấn Tân Minh. Anh Thành kể còn nhớ buổi sáng sau đêm xảy ra vụ bà Bông bị giết, anh vừa thức dậy thì thấy Nguyễn Thọ cùng Hồ Văn Chiến (hàng xóm) đến nói bà Năm Tét (Lê Thị Bông) bị giết rồi. Khi anh tỏ ý ngờ vực thì Thọ lấy một chiếc nhẫn vàng giơ lên rồi vạch ống quần cho anh Thành xem chỗ chân bị thương do vật lộn với bà Bông.
Theo anh Thành, Thọ đã kể toàn bộ vụ việc. Theo đó, đêm xảy ra vụ việc, Thọ và Hồ Văn Việt đến nhà bà Bông để chờ con gái bà là Lê Thị Hồng (Thọ và Hồng có quan hệ tình cảm). Đợi mãi không thấy Hồng thì bà Bông về. Do có ý định giết bà Bông cướp tài sản nên Thọ chuẩn bị sẵn dao, dây cột gàu múc nước. Khi bà Bông đuổi Thọ về, Thọ quàng dây giật bà ngã ra đằng sau rồi siết cổ đến chết, lấy chiếc nhẫn vàng.
Sau đó, Thọ thuê xe ôm chở đi bán vàng rồi bỏ lên Đắk Lắk. Còn Việt vẫn sinh sống ở địa phương và chết cách đây vài năm.
Mấy hôm sau, thấy Nén bị giữ tại UBND xã, anh Thành đã nghĩ không phải Nén giết bà Bông nhưng cũng không tố giác vì Thọ là bạn. Một thời gian sau, Thành bị bắt vì liên quan một vụ gây rối trật tự. Lúc ở trại giam, bạn tù mới nhập trại cho biết Nén có thể bị tử hình vì giết bà Bông.
“Tôi thấy không thể để người vô tội bị oan. Hơn nữa, ông Nén là dượng tôi. Vì Thọ nói rõ cho tôi biết là Thọ giết bà Bông, tôi thấy cần để pháp luật làm rõ vụ việc nên đã viết đơn tố cáo” - anh Thành nói.
Sau khi làm đơn, anh Thành cho biết điều tra viên của Công an Bình Thuận đến trại giam gặp anh. Trong 2 lần làm việc, điều tra viên đều yêu cầu anh rút đơn đồng thời hăm dọa không rút thì sẽ bị tù nhiều hơn. Do lo sợ bị “thanh toán” nên anh viết tiếp cái đơn nữa, chờ mẹ lên thăm nuôi thì gửi đưa về cho chủ tịch UBND xã Tân Minh lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thận.
“Tôi viết đơn tố cáo vì muốn ai làm người đó chịu. Lúc đầu, tôi cũng tin tưởng pháp luật nhưng sau khi làm việc với điều tra viên thì tôi không tin vì làm việc không rõ ràng còn kêu tôi rút đơn, không thể tin tưởng nên tôi viết đơn thứ hai” - anh Thành khẳng định.
Vui mừng khi nhận được tin có kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Huỳnh Văn Nén (Báo Người Lao Động ngày 3-11), anh Thành chia sẻ: “Tôi thấy hoàn toàn minh bạch, họ làm sai hoàn toàn nhưng không quan tâm tới đơn tố cáo. Tôi thấy vui vì ông Nén có thể thoát tội, để tôi khỏi mang gánh nặng có lỗi với ông”.
Gia đình tan nát
Trong ngày, Huỳnh Thanh Lượng (con của Huỳnh Văn Nén) sau chuyến thăm cha ở trại giam trở về, cho biết: “Sức khỏe của cha càng ngày càng yếu. Một con mắt bên phải bị mờ không thấy gì, có nguy cơ mù”.
Sau khi Huỳnh Văn Nén vướng tù tội, gia đình ông rơi vào cảnh tan nát và khốn khổ. Căn nhà cấp 4 trống hoác, cửa không khóa, mỗi người trong nhà đi làm mướn một nơi. Vợ ông ở nhà bán bánh canh kiếm sống. Ba đứa con học đến lớp 3, lớp 4 đều phải nghỉ học. Một thời gian cả 3 anh em được gửi vào làng SOS, sau 2 năm thì bị cơ sở này trả về.
Con trai đầu là Huỳnh Thành Công (25 tuổi), từng phải đi tù 2 năm vì sử dụng ma túy, mãn hạn tù thì đi làm mướn. Lượng cũng vướng vòng lao lý vì trong một lần thấy mẹ bị người ta đánh nên em chém người này bị thương, bị phạt 3 năm tù. Nay ra tù, Lượng cũng đi làm mướn cùng đứa em út là Huỳnh Thành Phát.
Vui khôn tả
Ông Nguyễn Thận, người theo đuổi và đi kêu oan cho Huỳnh Văn Nén từ khi vụ án xảy ra cho đến nay, đón nhận tin có kháng nghị giám đốc thẩm vụ án trong niềm vui khôn tả. Ông Thận hồ hởi: “Khi vụ án xảy ra ở địa phương, tôi trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo công an xã phối hợp với cơ quan chức năng điều tra. Do nhận thấy có dấu hiệu oan sai nên khi tiếp nhận đơn thư tố cáo của công dân, tôi đã trình tập thể và cũng tự mình gần 15 năm theo đuổi sự thật. Đến bây giờ tôi thấy rất vui, phấn khởi và tin tưởng vào pháp luật, đặc biệt là VKSND Tối cao”.