“Bầu” Kiên kêu oan cho Huỳnh Quang Tuấn
“Cho dù nếu có mất đi 716 tỉ đồng gửi Vietinbank thì ACB vẫn lãi gần 2.000 tỉ đồng cho toàn thương vụ, vì vậy nếu nói ACB bị thiệt hại là không đúng. Số tiền gần 700 tỉ đồng đầu tư cổ phiếu, ACB cũng không hề bị thiệt hại, mà nếu có thiệt hại thì người thiệt hại là ACBI- HN, là tôi”- đó là phát biểu của Nguyễn Đức Kiên tại phiên xử ngày 5.12.
Ngày 5.12, HĐXX vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã dành gần hết thời gian cho các luật sư xét hỏi các bị cáo và người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Phiên xét xử rất nhàm chán bởi những câu hỏi của các luật sư hầu như lặp lại những câu hỏi đã được đề cập từ phiên sơ thẩm hoặc đã được các thẩm phán, kiểm sát viên hỏi trước đó.
Liên quan đến số tiền 716 tỉ đồng ACB ủy quyền cho các nhân viên gửi Vietinbank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản được khá nhiều luật sư chú ý và đặt câu hỏi. Tuy nhiên, Huyền Như đều xác nhận tất cả những gì đã khai trong hồ sơ. Huyền Như cũng cho rằng số tiền đó là Huyền Như lập giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhân viên ACB.
Cũng liên quan đến số tiền gần 700 tỉ đồng bản án sơ thẩm cáo buộc Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã ra quyết định đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại cho ACB gần 700 tỉ đồng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo bị xét hỏi đều cho rằng số tiền này không mất đi đâu cả. “Cho dù nếu có mất đi 716 tỉ gửi Vietinbank thì ACB vẫn lãi gần 2.000 tỉ đồng cho toàn thương đem gửi trên 28.000 tỉ đồng, vì vậy nếu nói ACB bị thiệt hại là không đúng. Số tiền gần 700 tỉ đồng đầu tư cổ phiếu, ACB cũng không hề bị thiệt hại mà nếu có thiệt hại thì người thiệt hại là ACBI- HN, là tôi” – bị cáo Kiên biện hộ.
Tại phiên xử ngày 5.12, điều hết sức đáng lưu ý đó là phần xét hỏi bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (nguyên Phó Tổng giám đốc ACB). Bản án sơ thẩm cáo buộc Tuấn tham gia vào HĐQT trong việc ra quyết định cấp hạn mức 700 tỉ đồng đầu tư cổ phiếu ACB và tuyên phạt Tuấn 2 năm tù giam. Tại phiên xử phúc thẩm Tuấn đã khẳng định, phiên họp đó Tuấn chỉ được tham gia với tư cách khách mời. "Vì không phải lĩnh vực phụ trách nên không được phát biểu và cũng không được ký vào bất cứ văn bản nào, vì vậy đề nghị HĐXX xem xét lại việc buộc tội tôi- Tuấn nói.
Khi luật sư thẩm vấn Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải về vai trò của Tuấn trong vụ việc, cả hai đều khẳng định Tuấn không có vai trò gì trong việc quyết định cấp hạn ngạch 700 tỉ đồng.
Nguyễn Đức Kiên còn khẳng định đã có đơn gửi tòa án khẳng định việc buộc tội Huỳnh Quang Tuấn là rất oan vì Tuấn không có bất kỳ vai trò gì trong thương vụ này.
(Lao động)
-------------------------
ACB ủy thác nhân viên đem tiền gửi VietinBank không sai?
Phiên phúc thẩm vụ án "bầu" Kiên cùng đồng phạm tiếp tục sáng 5-12 với phần thẩm vấn của các luật sư tập trung vào việc Ngân hàng ACB cho nhân viên đem tiền qua VietinBank gửi.
Ngày 5-12, phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB) và các đồng phạm đã làm việc sang ngày thứ 6.
Trách nhiệm của VietinBank trong việc để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền của khách hàng tiếp tục được các luật sư đặt ra trong phần thẩm vấn đại diện VietinBank.
Luật sư Lưu Văn Tám (bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải - nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB) đã đặt nhiều câu hỏi dành cho đại diện VietinBank liên quan đến việc quản lý của ngân hàng này khi khách hàng gửi tiền bị mất.
Đề nghị VietinBank có trách nhiệm với tiền gửi của ACB
Luật sư Lưu Văn Tám đưa ra hợp đồng gửi tiền của một nhân viên ACB tên Phạm Công Hoàng, đại diện VietinBank thừa nhận hợp đồng này là do người có thẩm quyền của VietinBank thay mặt ngân hàng ký.
Hợp đồng tiền gửi thể hiện sự thỏa thuận giữa người gửi tiền và ngân hàng nhận tiền. Việc ký hợp đồng hoàn toàn ngay thẳng, không bị ép buộc.
Theo luật sư Tám, đến ngày 31-12-2013, VietinBank vẫn gửi công văn thông báo số dư tài khoản đến ông Hoàng. Bản in sao kê do VietinBank cung cấp cho ông Hoàng đều thể hiện những giao dịch.
Tại sao VietinBank nói chưa thực hiện hợp đồng lại phải gửi công văn báo số dư cho khách hàng? - luật sư Tám hỏi.
Đại diện VietinBank cho rằng toàn bộ nội dung bản in sao kê được thể hiện bằng lệnh chi của chủ tài khoản chứ không theo điều khoản của hợp đồng tiền gửi. Và ngày 31-12 hằng năm, toàn bộ số dư ngân hàng đều phải báo cho khách hàng, đó là hoạt động bình thường của ngân hàng.
Luật sư Tám đặt vấn đề: "Vậy bây giờ hợp đồng gửi tiền có giá trị nữa hay không?".
Đại diện VietinBank: Hợp đồng là thỏa thuận nhưng có được thực hiện hay không lại là chuyện khác. Như hôm qua tôi đã nói hợp đồng chưa được thực hiện nên không có giá trị.
Luật sư Tám: Những hợp đồng này có đủ điều kiện để ACB khởi kiện VietinBank hay không?
“Đây là chuyện của cơ quan pháp lý” - đại diện VietinBank đáp.
Theo luật sư Lưu Văn Tám, hiện nay ACB đã khởi kiện VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM bằng 5 vụ kiện và đã được tòa án thụ lý.
Trả lời câu hỏi của luật sư Tám: “Ai là người quản lý tiền cho khách hàng khi khách gửi tiền vào ngân hàng?”, đại diện VietinBank đáp: “Ngân hàng thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, trách nhiệm quản lý tài khoản là của chủ tài khoản”.
“Ví dụ tôi mang xe vào bãi gửi thì ai trông xe cho tôi?". Câu hỏi này của luật sư Lưu Văn Tám bị tòa ngắt lời: “Thôi, luật sư hỏi câu khác đi”.
Tại tòa, đại diện VietinBank khẳng định đối với tài khoản thanh toán thì khách hàng có quyền định đoạt tài khoản của mình, còn tài khoản tiết kiệm thì quyền này bị hạn chế, ngân hàng sử dụng tiền đến hạn mới tất toán cho khách hàng.
Đem tiền ngân hàng này gửi ngân hàng khác không vi phạm?
Trả lời luật sư Tám về chủ trương ủy thác tiền gửi, bị cáo Lý Xuân Hải cho biết đến thời điểm hiện nay, ACB chưa buộc bị cáo và bất cứ bị cáo nào trong HĐQT ACB phải chịu trách nhiệm về việc bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỉ đồng của ACB.
Trong khi đó, theo bản án sơ thẩm, việc Nguyễn Đức Kiên cùng nhóm cựu lãnh đạo ACB chủ trương ủy thác cho các nhân viên đem tiền qua VietinBank gửi lấy lãi dẫn đến hậu quả bị chiếm đoạt 718 tỉ đồng trên là hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước.
Tại tòa, ông Hải cho biết từ khi ACB tiến hành hoạt động ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền, ACB chưa từng bị Ngân hàng Nhà nước thanh tra, nhắc nhở về việc này.
“Tôi không nghĩ việc ủy thác gửi tiền là sai phạm, vì khi cơ quan công an vào làm việc, chúng tôi đã trình bày, báo cáo và không thấy ai nhắc nhở gì. Tôi cũng chưa bao giờ nghe về việc Ngân hàng Nhà nước có xử phạt lỗi về ủy thác” - ông Hải nói.
Theo ông Hải, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật doanh nghiệp.
“Tinh thần của Luật doanh nghiệp mới là doanh nghiệp được phép làm những gì pháp luật không cấm. Việc ủy thác chúng tôi tiến hành vào thời điểm pháp luật chưa có quy định. Tôi rất mong muốn tòa đánh giá lại hình phạt cho tôi” - bị cáo Lý Xuân Hải nói.
(Theo Tuổi Trẻ)
-------------------------
Bầu Kiên có quyền lực của cổ đông lớn?
Bầu Kiên cho rằng việc các cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo chỉ đạo chi phối toàn diện hoạt động của ACB là sai. Theo bầu Kiên, Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng không có khái niệm cổ đông lớn nên không có căn cứ nào để xác định bị cáo là cổ đông lớn. “Hoạt động quản trị điều hành của ACB đều tuân theo quy định của pháp luật và quy chế nội bộ. Những quy định này không cho phép tôi hay cá nhân nào khác có khả năng chi phối hoạt động của ACB” - bầu Kiên nói.
Trong khi đó, lời khai của những bị cáo khác tại tòa lại nói bầu Kiên nắm quyền chi phối ở ngân hàng này và các quyết định của HĐQT phải được hội đồng sáng lập đồng ý mới được thông qua. “Anh Kiên có ảnh hưởng rất lớn. Anh Kiên nói rất thuyết phục và có quyền lực của cổ đông lớn” - bị cáo Trịnh Kim Quang khai. Theo ông Quang, ở ACB định chế hội đồng sáng lập là cơ quan tập hợp các cổ đông lớn, có thể sở hữu lên đến trên 40% vốn điều lệ. Khi bầu Kiên phát biểu với tư cách hội đồng sáng lập thì mọi người hiểu đó là tiếng nói của 40% vốn điều lệ…
Tại tòa, ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh Thanh tra giám sát NHNN, khẳng định việc ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền ở ngân hàng khác là trái với Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng. Công văn 350 của NHNN do ông Đặng Văn Thảo ký có nội dung việc ủy thác này trái pháp luật và chưa có chế tài xử phạt. Ông Thảo giải thích chế tài ở đây là xử phạt vi phạm hành chính, còn vẫn có những chế tài khác để xử lý sai phạm này.
-------------------------