Chiều 28/3, Đại hội Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản đã bầu Bộ trưởng Đinh La Thăng làm Chủ tịch hội.
Chiều nay, Đại hội Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản đã hiệp thương bầu Ban chấp hành Hội khóa VI gồm 74 Uỷ viên, Ban thường vụ Hội gồm 24 Uỷ viên. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng được bầu làm Chủ tịch Hội.
Các ông Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Phú Bình, Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyễn Nguyên Hùng, Bùi Khắc Sơn, Ngô Minh Thủy, Nguyễn Thanh Tùng được bầu làm Phó chủ tịch Hội.
Bà Trần Thị Xuân Oanh, Phó trưởng ban Á- Phi, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam làm Tổng thư ký Hội.
Đại hội đã thống nhất phương hướng hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức và nội dung hoạt động, phát triển tổ chức Hội, gắn hoạt động Hội với việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.
Ra mắt đại hội, Tân Chủ tịch hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phát biểu cảm ơn Đại hội đã tín nhiệm giao trọng trách. Theo Bộ trưởng, chưa bao giờ mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tốt đẹp và trở nên quan trọng như hiện nay.
Mối quan hệ đó có cơ sở bền vững là dựa trên nền tảng của sự tương đồng về văn hóa và các giá trị đạo đức.
“Chúng ta cùng nỗ lực cho mục tiêu tăng cường, mở rộng quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nhật Bản, từ đó mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch giữ hai nước”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, các văn kiện được thông qua lần này là kết quả của sự tập trung trí tuệ cao, thể hiện tình cảm chân thành cũng như trách nhiệm với nhân dân hai nước Việt Nam – Nhật Bản của toàn thể đại hội.
Nội dung của văn kiện một lần nữa khẳng định con đường hợp tác vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình cho khu vực và thế giới mà hai nước đang tích cực theo đuổi là không thể đảo ngược.
Phát biểu tại Đại hội, ông Hiroshi Fukada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản cho biết, trong những năm qua Việt Nam luôn là đối tác quan trọng nhất của Nhật Bản tại khu vực châu Á.
Trên lĩnh vực kinh tế, Chính phủ Nhật Bản luôn dành sự hỗ trợ đặc biệt cho Việt Nam. Điều đó, được thể hiện trong chính sách viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam. Trong suốt 20 năm qua, Nhật Bản luôn là quốc gia dành viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam.
Ông Fukada đánh giá, Việt Nam là một nước còn nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế hơn nữa. Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực khôi phục lại nền kinh tế.
“Trong bối cảnh như vậy việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ là mối hợp tác đôi bên cùng có lợi”, ông Fukada nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ tập trung chỉ đạo hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 22 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trước ngày 15/5/2015.
Tính đến ngày 25/3/2015, còn 21 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng quy định chi tiết thi hành 9 luật đã có hiệu lực chưa được ban hành, trong đó có 8 Nghị định chưa trình dự thảo lên Chính phủ.
Cụ thể, có 2 Nghị định, 1 Quyết định quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường; 1 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật hải quan; 1 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; 1 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; 2 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật việc làm; 6 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật xây dựng; 4 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư công; 2 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật giáo dục đại học; 2 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật tài nguyên nước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ Tư pháp, Công an, Tài chính, Xây dựng, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 22 văn bản nói trên trước ngày 15/5/2015.
Đối với 8 dự thảo Nghị định chưa trình Chính phủ, các Bộ được giao chủ trì soạn thảo phải khẩn trương hoàn tất việc soạn thảo, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp kịp thời hoàn tất việc thẩm định và các thủ tục theo quy định, trình Chính phủ trước ngày 10/4/2015.
Đối với những dự thảo văn bản đã được các Bộ trình Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tập trung thẩm tra, hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau thì Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thống nhất xử lý; nếu không thống nhất được thì báo cáo Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực chỉ đạo xử lý.
Đối với những dự thảo nghị định đã hoàn thành thủ tục lấy ý kiến thành viên Chính phủ, Văn phòng Chính phủ cần tăng cường đôn đốc và chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo trên cơ sở ý kiến các thành viên Chính phủ, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng, trình Thủ tướng ký ban hành.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng các Bộ chủ trì soạn thảo phải trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc soạn thảo, trình các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh thuộc trách nhiệm được phân công, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng văn bản.
------------------------
Chủ tịch Đà Nẵng dùng email như thế nào?
Ông Huỳnh Đức Thơ cho hay, một tháng qua, ông đã nhận được tới 1.247 email các loại.
Trả lời phỏng vấn qua email, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ cho hay, một tháng sau khi công bố hộp thư huynhductho@danang.gov.vn, ông đã nhận được tới 1.247 email các loại.
Trong số này, số email có nội dung, gồm email của công dân, tổ chức gửi đến có nội dung phản ánh, đề xuất, góp ý cụ thể; email phản hồi của sở, ngành, địa phương là 678. Còn lại là mail chúc mừng, cảm ơn, phản ánh chung chung...
Nội dung email gửi đến thuộc rất nhiều lĩnh vực, như các thủ tục hành chính gây phiền hà, việc giải quyết các thủ tục cho công dân ở một số đơn vị còn quan liêu. Bên cạnh đó là năm văn hoá, văn minh đô thị Đà Nẵng 2015, trật tự giao thông, đô thị, lấn chiếm vỉa hè, ý thức của một số người tham gia giao thông.
Các vấn đề liên quan đến quản lý đô thị như thảm nhựa các tuyến đường, thoát nước, điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường. Vấn đề đầu tư cho văn hoá, chính sách cho các đối tượng xã hội, đối tượng chính sách.
Cũng có cả một số thư xin việc...
Về quy trình tiếp nhận, xử lý, ông Thơ cho biết, tranh thủ thời gian rảnh, ông và thư ký kiểm tra hộp thư, chuyển cho giám đốc sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện liên quan, yêu cầu kiểm tra, xử lý, trả lời công dân.
Những trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo lại ông để xử lý. Trường hợp bận quá thì ông giao thư ký in và gửi lại, ông sẽ bút phê vào giấy, thư ký chuyển nội dung cho cơ quan liên quan.
Cũng có một số trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý của UBND thành phố, mà thuộc thẩm quyền xử lý của các bộ, ngành Trung ương. Những trường hợp này, ông Thơ chỉ đạo văn phòng có văn bản đề nghị cơ quan Trung ương xem xét, xử lý.
"Cũng có một số email tôi không trả lời, hoặc chỉ ghi nhận. Những trường hợp này là mail có nội dung chung chung, không thể xác minh, xử lý được. Cũng có trường hợp, tôi đề nghị công dân nêu cụ thể hơn để có cơ sở xử lý", ông Thơ cho biết.
Trả lời câu hỏi về đánh giá của Chủ tịch Đà Nẵng đối với vấn đề truyền thông và mạng xã hội, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, việc thông tin càng chính xác, công khai, minh bạch thì việc xử lý vấn đề càng trở nên dễ dàng, dĩ nhiên là trừ những vấn đề không được phổ biến theo quy định của pháp luật.
"Đối với các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đây là một kênh truyền thông cực kỳ nhanh chóng, rộng rãi, đặc biệt là trong giới trẻ. Nếu được sử dụng một cách đúng đắn thì hiệu quả sẽ rất cao.
Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó, những thông tin không chính xác, hoặc cố tình tung tin sai sự thật thì cái sai này cũng sẽ lan rộng, có khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân, tổ chức, thậm chí cho quốc gia", ông Thơ viết.
"Tôi ủng hộ việc sử dụng việc sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với công dân. Vấn đề là mình sử dụng các công cụ này như thế nào mà thôi", vị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm.
Hiện tại, vẫn theo vị Chủ tịch, một số cán bộ, công chức Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã lập một trang tin trên Facebook có tiêu đề "Quản lý đô thị Đà Nẵng - xanh - sạch - đẹp", đến nay có trên 11.000 người tham gia.
Đã có nhiều thông tin phản ánh, góp ý liên quan đến quản lý đô thị của thành phố Đà Nẵng, và thành phố cũng xem đây là một kênh để tiếp nhận ý kiến người dân, giải quyết công việc nhanh chóng và tốt hơn.
Trước đó, ngày 27/2, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã công bố email của mình với mục đích thực hiện "chủ trương công khai nối kết thông tin giữa lãnh đạo địa phương cùng giới báo chí truyền thông và cộng đồng xã hội nhằm tạo mối quan hệ tương tác minh bạch và kịp thời hơn trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn".
---------------------