Tính đến 18h chiều 28/3, đã có 4 nạn nhân trong vụ sập giàn giáo tại Formosa Hà Tĩnh được đưa ra Hà Nội.
Trong tối nay, nạn nhân thứ 5 là Nguyễn Văn Hoàng cũng sẽ được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức.
Có mặt tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai vào chiều 28/3, chúng tôi chứng kiến cảnh các bác sĩ tại đây đang nỗ lực hết mình để cấp cứu cho nạn nhân Cao Xuân Hòa (34 tuổi, Nghĩa Đàn, Nghệ An). Đây là một trong 4 bệnh nhân nặng nhất trong vụ sập giàn giáo tại Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, bệnh viện Bạch Mai cho biết, 22h đêm qua, ekip tiếp nhận bệnh nhân Cao Xuân Hòa từ Hà Tĩnh chuyển ra.
"Đây là trường hợp chấn thương ngực rất nặng. Bệnh nhân bị dập phổi, vỡ phổi, tụ máu, tràn khí màng phổi 2 bên, gãy nhiều xương sườn", ông Hùng thông tin.
Theo ông Hùng, hiện chưa thể nói trước về tình hình sức khỏe của bệnh nhân Hòa. Bệnh nhân vẫn đang được thở máy, dùng thuốc tiêu máu, kháng sinh chống bội nhiễm... và được theo dõi hết sức chặt chẽ.
Đến thứ 2, bệnh viện sẽ có báo cáo đánh giá tổng thể. Trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể phải dùng phổi nhân tạo.
Bệnh nhân Phạm Anh Dũng là một trong 4 trường hợp nặng trong vụ sập giàn giáo, được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức lúc 16h30 ngày 28/3.
Bệnh nhân Phạm Anh Dũng là một trong 4 trường hợp nặng trong vụ sập giàn giáo, được chuyển ra bệnh viện Việt Đức lúc 16h30 ngày 28/3.
"Bệnh viện sẽ tăng cường tối đa các nguồn lực để cứu sống bệnh nhân. Đây là nhiệm vụ chính trị của ngành. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức", ông Hùng nhấn mạnh.
Ngoài nạn nhân Cao Xuân Hòa được chuyển ra Bạch Mai, 3 nạn nhân khác trong vụ sập giàn giáo cũng đã được đưa ra bệnh viện Việt Đức.
Nạn nhân mới nhất là Phạm Anh Dũng (30 tuổi, xóm 8, Diễm Mỹ, Diễn Châu, Nghệ An) được 2 bác sĩ bệnh viện Đa Khoa Hà Tĩnh đưa tới bệnh viện Việt Đức lúc 16h30 chiều 28/3.
BS Dương Đình Khuê, khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, nạn nhân Dũng bị đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương ngực, tràn khí, tràn máu màng phổi và gãy xương cánh tay phải.
Trước đó, bệnh viện Việt Đức cũng đã tiếp nhận 2 bệnh nhân Hoàng Văn Tuân (43 tuổi, Quỳ Hợp, Nghệ An) và Trần Văn Bằng (46 tuổi, Hậu Lộc, Thanh Hóa). Hiện cả 2 đang được điều trị tại khoa Tim mạch lồng ngực của bệnh viện, tình trạng đã ổn định.
Trong đó bệnh nhân Hoàng Văn Tuân nhập viện tối 27/3, trong tình trạng chấn thương khí quản, gãy cẳng chân phải. Bệnh nhân Trần Văn Bằng được chuyển ra Việt Đức hôm 26/3, bị chấn thương ngực, chấn thương hàm.
Anh Bằng là trường hợp nhẹ nhất được chuyển ra Hà Nội theo nguyện vọng của gia đình.
Đến nay, ngoài 13 người tử vong, danh sách những người bị thương trong vụ sập giàn giáo được cập nhật thêm 1 trường hợp đang điều tại Bệnh viện Trung ương Huế, nâng tổng số người bị thương lên 29 người.
-----------------------
Hai bé rụng ngón chân, ngón tay vì mắc bệnh quái ác
Trên cơ thể hai cháu bé luôn xuất hiện các vết rộp chứa dịch màu vàng khiến da bị bong tróc, rớm máu. Các ngón tay, ngón chân "rụng" dần do thịt bị hoại tử.
Những ngày này, vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung (34 tuổi, ngụ số 19/4, KP Đông A, Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) phải chạy ngược xuôi lo tiền bạc để thuốc thang cứu hai người con bị nhiễm căn bệnh hiếm gặp.
Theo anh Trung, con gái đầu lòng của gia đình là cháu Nguyễn Trần Phương Vy (3 tuổi) nhiễm bệnh lạ dẫn đến tứ chi bị teo tóp, không thể đi lại. Trên da cháu Vy thường xuyên nổi vết rộp nước màu vàng giống như vết bỏng do nhiệt gây nên. Khi vết rộp vỡ sẽ làm phần da hoại tử, bong tróc khiến vết thương rớm máu và lan rộng.
Nâng đôi chân nhỏ bé, biến dạng của bé Vy, anh Trung đau đớn tâm sự, lúc cháu chào đời, hai chân của cháu rớm máu vì không có da bọc ngoài. Các bác sĩ phải phẫu thuật và điều trị tái tạo da.
Tuy nhiên, khi vết thương vừa lành thì lại xuất hiện các vết bỏng rộp và từ đó đến nay không ngừng lan ra khắp cơ thể gây bong tróc. Vết rộp lan rộng và liên tục tái phát đã khiến sức khỏe của bé Vy suy giảm. Các ngón chân, ngón tay lần lượt bị cụt, biến dạng.
Cũng như người chị của mình, cháu Nguyễn Minh Nhật (18 tháng) cũng phải sống trong đau đớn. Ngoài các vết thương trên lưng, bụng, tay, chân… cháu Nhật còn bị vết bỏng rộp ăn vào miệng, lưỡi, tai. Phần da ở thành miệng, bề mặt niêm mạc lưỡi bị tứa máu tươi.
Mỗi khi vết bỏng nước trong miệng bị vỡ, cháu Nhật không thể tiếp nhận bất cứ thức ăn nào ngoài sữa và nước.
Chị Trần Thị Nhàn (33 tuổi, mẹ của hai cháu) cho biết, da của Vy và Nhật nhăn nheo, mỏng hơn người bình thường. Các vết thương trên da điều trị lành được khoảng 2-3 tuần lại bắt đầu rộp nước trở lại.
“Lúc sơ sinh, tay chân của các con tôi đầy đặn nhưng giờ đã biến dạng hoàn toàn. Ngón chân của hai cháu bị rụng gần hết. Các ngón không bị vết thương ăn cụt thì có xu hướng rụng móng và dính liền nhau”, chị Nhàn rớm nước mắt.
“Nhiều lần gỡ bông băng để rửa vết thương cho cháu, từng mảng da cứ thế dính chặt theo lớp bông và tróc ra khỏi cơ thể, để lộ vết thương rỉ máu. Những lúc đó, cháu bị đau rát, khóc thét lên khiến tôi đau thắt ruột”, anh Trung tiếp lời.
Anh chị đã đưa con đến nhiều bệnh viện chữa trị nhưng bệnh tình của Vy và Nhật không thuyên giảm. Đầu tháng 1/2015, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP HCM chẩn đoán hai cháu mắc bệnh "ly thượng bì bóng nước" bẩm sinh - căn bệnh do di truyền và hiếm gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Theo các bác sĩ, bệnh chưa có biện pháp điều trị triệt để nên chỉ dùng các loại thuốc sát khuẩn và kháng sinh để làm lành tạm thời các vết thương.
Xuất thân từ vùng quê nghèo ở tỉnh Hà Tĩnh, hai vợ chồng anh vào Bình Dương làm công nhân. Hiện, cả hai đều phải nghỉ việc tại công ty, làm ngoài để chủ động thời gian chăm sóc con.
Chi phí thuốc điều trị cho cháu Vy và cháu Nhật mỗi tháng hơn 20 triệu đồng khiến cuộc sống gia đình ngày càng rơi vào túng quẫn.
-------------------------
Xe hơi lật ngửa trên xa lộ, dân phá cửa cứu người
Chiều 28/3, một xe hơi chạy trên xa lộ Hà Nội (đoạn qua phường An Phú, quận 2, TP HCM) bất ngờ tông vào dải phân cách rồi lật nhào khiến hai người bị thương.
Trong chiếc xe hơi gặp nạn, lưu thông trên xa lộ Hà Nội, hướng từ Bình Thạnh đi Thủ Đức, có người đàn ông và một trẻ em.
Người dân khu vực chạy tới phá cửa xe để đưa nạn nhân đi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương.
Tại hiện trường, mảnh vỡ của kính xe vương vãi khắp mặt đường, đầu xe bị biến dạng, hư hỏng nặng.
Đến khoảng 16h cùng ngày, hiện trường được cơ quan chức năng giải tỏa.
---------------------------
Hai chị em băng qua đường sắt bị tàu tông tử vong
Sáng nay, khi rồ ga xe máy qua đường sắt, 2 chị em ruột bị tàu hỏa tông tử vong. Nơi đây không có gác chắn và đèn báo hiệu.
Sáng 28/3, tàu SE1 chạy hướng Bắc - Nam đến đường ngang dân sinh ở xã Hải Trường, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) gặp 2 phụ nữ phóng xe máy qua đường sắt. Mặc dù đã hãm phanh nhưng do khoảng cách gần nên tàu không kịp dừng.
Bị tàu tông phải, 2 phụ nữ bị hất văng một đoạn, tử vong tại chỗ. Riêng xe máy bị hư hỏng toàn bộ.
Danh tính nạn nhân là Nguyễn Thị Tuyết (45 tuổi) và Nguyễn Thị Thương (47 tuổi). Họ là chị em ruột, cùng ở xã Triệu Thượng (Triệu Phong, Quảng Trị).
Điểm xảy ra vụ tai nạn là đường ngang dân sinh không có gác chắn và đèn báo hiệu, chỉ có biển cảnh báo nguy hiểm.
----------------------