Mỹ đã mua - bán ngân hàng như thế nào?
Ở Mỹ, ngân hàng có thể bị đóng cửa nếu tỉ lệ an toàn vốn dưới 3% chứ không chờ âm vốn.
Mặc dù thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết năm nay sẽ có khoảng 6-7 NH sáp nhập với nhau nhưng đến nay danh tính của những NH này chưa được tiết lộ hết. Thông tin về sáp nhập giữa các NH cũng như NHNN có tham gia mua 100% cổ phần NH nào nữa hay không đang được nhiều người quan tâm. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH (người từng mua bán NH ở Mỹ), cho rằng tại Mỹ việc mua bán, sáp nhập NH cũng giống như bao nhiêu thương vụ mua-bán khác.
Mỹ: Bơm vốn, không quản lý ngân hàng
Thưa ông, trước một NH đang có dấu hiệu mất thanh khoản, yếu kém, nợ xấu… thì chính phủ Mỹ sẽ làm thế nào, cứu hay để chết?
Vấn đề quản lý NH tại Mỹ thường có bốn cơ quan: Một là NH dự trữ Liên bang Mỹ, hai là Công ty Tiền gửi liên bang của Mỹ, ba là Cục Ngân khố thuộc liên bang, thứ tư là cơ quan quản lý các NH của bang. Tùy vào mức độ khó khăn, tùy đơn vị nào quản lý, việc xử lý NH yếu kém rủi ro sẽ khác nhau. Nếu NH đó thuộc bang thì các cơ quan quản lý của bang đó sẽ xử lý.
Trước hết, họ thanh tra giám sát NH yếu kém xem lý do nào nợ xấu cao, chất lượng tài sản suy giảm, ăn mòn vào vốn tự có… Và chỉ tiêu quan trọng đối với họ là hệ số an toàn vốn. Một NH ở Mỹ không để tình trạng an toàn vốn xuống quá mức 8%. Nếu xuống quá ngưỡng này thì các cơ quan quản lý buộc NH đó phải bổ sung vốn để trở lại mức 8%.
Trong trường hợp NH không bổ sung thêm vốn được mà hệ số an toàn vốn tiếp tục giảm xuống 5% họ sẽ bị cảnh cáo rất nặng nề. Từ mức 5% xuống 3% thì có thể được hiểu bất cứ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể đến đóng cửa NH chứ không cần để tỉ lệ này âm. Đóng cửa nghĩa là cho phá sản hay bán NH cũng là điều bình thường.
Những năm khủng hoảng 2007-2008, chính phủ Mỹ đã vào cuộc để cứu hay để NH chết?
Vào những năm đó đã có trường hợp chính phủ Mỹ phải bỏ ra 700 tỉ USD để cứu một NH bằng cách mua cổ phiếu ưu đãi của NH đang gặp khó khăn đó.
Ở Mỹ thông thường có hai loại cổ phiếu: Thông thường và đặc biệt. Với cổ phiếu thông thường, cổ đông có thể cử người đại diện tại NH hoặc người đại diện bên ngoài quản lý cho mình. Còn cổ phiếu đặc biệt thì không có quyền gửi người vào làm đại diện hoặc tham gia vào hội đồng quản trị. Chính phủ Mỹ chỉ tham gia cứu NH với mục đích là bơm vốn vào và nhận lãi chứ không mua hết 100% cổ phiếu hoặc điều hành NH đó. Tuy nhiên, quyền lợi mà chính phủ có được khi mua cổ phiếu đặc biệt này là dù NH có lãi hay không thì NH vẫn phải trả một khoản lợi tức cố định. Ngược lại, cổ phiếu phổ thông chỉ được nhận cổ tức khi năm đó NH làm ăn có lãi.
Với cách này, nhiều NH đã được cứu thoát khỏi khó khăn trong những năm khủng hoảng.
Sau khi NH vượt qua khó khăn, số cổ phiếu chính phủ Mỹ nắm sẽ được giải quyết ra sao?
Sau khi NH ăn nên làm ra, họ sẽ mua lại chính cổ phiếu ưu đãi đã bán cho chính phủ. Có nhiều trường hợp NH đã mua lại với giá cao hơn lúc phát hành và chính phủ có lợi. Đó là cách chính phủ dùng ngân sách để cứu NH khó khăn: Bơm vốn chứ không can thiệp quản trị.
Việt Nam: Chưa sẵn sàng đón nhận phá sản
Với cách này, theo ông, mình có thể áp dụng cho các trường hợp tại Việt Nam, thay vì mua cổ phiếu 100% thì mua một phần?
Ở Việt Nam như NH cổ phần Xây dựng mới đây, NHNN mua 100% cổ phiếu phổ thông nên Nhà nước có quyền quản trị NH đó. Trường hợp chúng ta không giống như trường hợp ở Mỹ nói trên. Dĩ nhiên ở một số nước như Ấn Độ, Pakistan đã có trường hợp chính phủ mua toàn bộ cổ phiếu thông thường. Tuy nhiên, có thể có khác biệt. Thứ nhất là mình mua NH đó khi vốn nó âm, còn đằng này người ta mua NH đó khi vốn còn dương… Thứ hai, thường ở các quốc gia trên nếu cứu như vậy thì phải nằm trong mục tiêu chung, tổng thể mới quốc hữu hóa chứ không phục vụ nhu cầu đơn lẻ.
Trường hợp của Việt Nam cũng là để đảm bảo an ninh tiền tệ, người gửi tiền không mất tiền, thưa ông?
Tại thời điểm này, ở Việt Nam để xử lý NH yếu kém, NHNN đã mua toàn bộ với giá trị bằng 0. Đó là cách chẳng đặng đừng. Nhưng người gửi tiền sẽ yên tâm vì họ biết NHNN đã bảo vệ và họ không mất tiền. Đó là cách giữ được lòng tin người gửi tiền. Cũng có thể hiểu NHNN mua lại NH đó và có kế hoạch xử lý sao cho NH này sớm phục hồi. Hoặc NHNN cũng có thể bán cho NH khác… Còn cách cho phá sản NH thời điểm này, có lẽ nền kinh tế Việt Nam chưa sẵn sàng đón nhận. Nhất là cơ quan bảo hiểm tiền gửi quốc gia hiện không tham gia vào việc thanh tra hay các hoạt động NH nhiều. Từ trước đến giờ việc vỡ nợ ở các quỹ tín dụng đã có Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả chứ chưa có trường hợp liên quan đến NH.
Xin cảm ơn ông!
Quyền lợi người gửi tiền vẫn an toàn
Tại Mỹ, các công ty đến đóng cửa NH gồm: Công ty tiền gửi liên bang của Mỹ và cơ quan quản lý tiểu bang sẽ kéo đến NH vào sáng thứ Sáu để đóng cửa. Lúc này tên NH vẫn giữ nguyên nhưng có kèm dòng chữ đơn vị quản lý. Và ngay lúc đó cho đến hai ngày cuối tuần họ thay đổi mật mã và ngày thứ Hai đầu tuần NH sẽ mở cửa hoạt động bình thường cho khách hàng.
Nếu một NH quyết định cho phá sản thì khách hàng nào có tiền gửi từ 250.000 USD trở lại sẽ được cơ quan bảo hiểm tiền gửi bồi thường ngay tức thì. Còn từ 250.000 USD trở lên thì chờ thanh lý tài sản. Họ sẽ trả ưu tiên theo thứ tự: Trả thuế má; trả lương cho người lao động; trả lại cho các khách hàng có tiền gửi trên 250.000 USD và sau đó trả tiền lại cho các bên cung cấp dịch vụ; trả cho các bên cho vay và cuối cùng còn lại mới đến các cổ đông.
Cũng có thể họ không chọn cách phá sản mà bán toàn bộ hoặc một phần NH cho NH khác nếu tìm được người mua. Nếu trước đó họ dàn xếp với NH mua rồi thì việc mua bán rất nhanh chóng.
Năm 2009, chính tôi cũng đã phải bán NH của mình như vậy và quá trình này diễn ra đúng một năm. Nhưng xin nhấn mạnh việc công bố NH mất tỉ lệ an toàn vốn và phải bán điều này không ảnh hưởng đến người gửi tiền. Trong thương vụ mua bán này chỉ có cổ đông là chúng tôi chịu lỗ vì cổ phiếu giảm thậm tệ chứ quyền lợi người gửi tiền, người đi vay… hoàn toàn không thay đổi.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH
----------------------------
Cảng Đà Nẵng từ chối vay ODA của Nhật
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng tuyên bố sẽ từ chức nếu không thể mở rộng được cảng Tiên Sa giai đoạn 2.
Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng, đã cho biết như trên trước lãnh đạo TP Đà Nẵng tại cuộc họp đồ án quy hoạch kiến trúc TP Đà Nẵng với các sở, ban ngành có liên quan sáng 27/3. Cuộc họp do ông Trần Thọ (Bí thư Thành ủy) và ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch TP) chủ trì.
Đã không vay ODA thì phải cam kết
Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thì Cảng Đà Nẵng xin được phép triển khai nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 về phía bắc với diện tích khoảng 8,6 ha, trong đó có 5,6 ha là mặt nước. Xét thấy đề xuất này là phù hợp với quy hoạch nên Sở Xây dựng đề nghị TP thống nhất cho phép triển khai. Theo đó, dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 sẽ có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo TP đã rất bất ngờ khi Cảng Đà Nẵng tuyên bố sẽ tự huy động vốn và từ chối nhận nguồn vốn ODA của JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật). Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Sia cho biết dự án này đúng ra sẽ vay vốn ODA của Nhật tài trợ “nhưng xét thấy là một công ty cổ phần, bản thân chúng tôi thấy có thể huy động vốn được cho nên chúng tôi sẽ tự làm dự án này. Dự kiến trong quá trình lập thủ tục giấy phép thì quý IV-2015, chúng tôi sẽ khởi công dự án”.
Sau khi nghe ông Sia báo cáo, ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) nói: “Các anh muốn tự huy động vốn để làm vì cho rằng như vậy sẽ có hiệu quả hơn. Việc tính toán này là việc của các anh. Nhưng các anh đã từ chối ODA thì các anh phải bảo đảm đủ tiền để đầu tư. Chứ với tốc độ cảng tăng trưởng 10%-20% như hiện nay thì khoảng 5-6 năm nữa là lên tới 10 triệu tấn/năm. Khi đó sẽ không có đường đâu mà chạy nữa hết”.
Cũng theo ông Thơ, trước việc này UBND TP đã có ý kiến từ chối gửi Bộ GTVT. Bộ GTVT cũng đã ủng hộ để cảng tự huy động trên 1.000 tỉ đồng để đầu tư. Tuy nhiên, việc này đã gây mất lòng rất lớn và ảnh hưởng khá nghiêm trọng mối quan hệ giữa TP Đà Nẵng với JICA.
“Do đó, anh Sia phải có cam kết nếu không làm được cảng này mà để xảy ra bế tắc là anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm chứ không phải anh cứ tính toán thiệt hơn. Chẳng ai cho anh vay được 1.000 tỉ đồng để làm hết nếu cuối cùng anh bỏ lại đó là không được. Cho nên tôi lưu ý cảng phải có trách nhiệm với TP. Nếu không làm được thì TP cũng “chết” luôn” - ông Thơ nhấn mạnh.
“Không làm được tôi sẽ từ chức”
Trước yêu cầu của lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Sia đứng dậy nói chắc rụi: “Báo cáo anh Thơ là tôi cũng dũng cảm để nói rằng cá nhân tôi theo đuổi dự án mà do thiếu vốn không làm được thì tôi xin từ chức”.
Sau lời khẳng định như đinh đóng cột của ông Sia. Ông Huỳnh Đức Thơ cho hay sẽ không đợi đến khi ông Sia xin từ chức mà ông sẽ ép ông Sia phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và phải từ chức nếu dự án triển khai không xong. “Anh phải nói cho chắc. Không làm được là tôi ép anh phải chịu trách nhiệm, từ chức luôn chứ không đợi đến lúc anh xin được từ chức đâu” - ông Thơ nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tuyên bố của mình, ông Nguyễn Hữu Sia cho biết: “Tôi đã nói là quyết tâm chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi dự định khởi công vào tháng 12-2015. Còn nếu tôi không hoàn thành dự án ni trong năm 2016-2018 thì tôi sẽ nghỉ. Cảng Đà Nẵng bây giờ đã cổ phần thì việc thực hiện mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự, cái này quan điểm của tôi rất rõ ràng”.
Ông Nguyễn Hữu Sia cũng khẳng định sau khi từ chối vốn vay ODA của JICA thì Cảng Đà Nẵng có đủ nguồn lực để xây dựng giai đoạn 2. “Nếu không đủ nguồn vốn, vậy thì chúng tôi cổ phần để làm chi. Tôi cổ phần trên thị trường là để lấy vốn trên thị trường vào. Chắc chắn sẽ làm được và quyết tâm làm bằng mọi giá. Tuy nhiên, vẫn còn một phần quan trọng là còn có HĐQT nữa. Tôi là tổng giám đốc nhưng người dìu dắt còn HĐQT, còn anh Thu nữa (ông Nguyễn Thu, Chủ tịch HĐQT). Nhưng với bản thân tôi, nếu làm không được là tôi xin nghỉ” - ông Sia tái khẳng định.
Theo ông Sia, hiện tại năng lực vận tải qua cảng Đà Nẵng đã đạt 6,5 triệu tấn/năm. Sau giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm. “Để mở rộng nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn 2, Cảng Đà Nẵng sẽ tự huy động vốn. Vốn của chúng tôi là 30%, sau đó phát hành cổ phiếu 30% và sẽ vay 30%” - ông Nguyễn Hữu Sia cho hay.
-----------------------
Sữa "khoác áo mới", giá còn tiếp tục tăng!?
Giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm nhưng giá sữa trong nước vẫn chưa giảm, thậm chí công bố giá trần sản phẩm mới của Bộ Tài chính giá có thể còn tiếp tục tăng.
Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu các công ty sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi rà soát, tiết giảm các khoản chi phí hình thành giá thành, giá bán sản phẩm và kịp thời giảm giá bán khi các khoản chi phí trong cơ cấu giảm.
Thông tin từ Bộ này cho biết, trên thị trường thế giới, giá sữa nguyên liệu những tháng đầu năm 2015 giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2014. Cùng với đó, chi phí quảng cáo, khuyến mãi của sữa dành cho trẻ từ 24 tháng trở xuống được cắt giảm. Tuy nhiên, giá sữa vẫn chưa giảm. Thậm chí, công bố giá trần sản phẩm sữa mới của Bộ Tài chính với nhiều mặt hàng sữa mới đây, giá còn tiếp tục tăng.
Đơn cử như 10 mặt hàng sữa mới được công bố áp giá trần từ 1/4 tới đây được biết đều là những sản phẩm mới, có mẫu mã mới và được bổ sung một số vi chất. Còn các sản phẩm cũ "chưa được cải tiến" của những sản phẩm này hiện được bán trên thị trường thấp hơn so với giá bán lẻ khuyến nghị mới trên dưới 50.000 đồng/hộp.
Ví dụ như giá hộp sữa Dutch Baby Step 1 Gold 0-6 tháng (900g) của hãng Friesland Campina Việt Nam hiện được các cửa hàng bán với mức giá 280.000 - 320.000 đồng/hộp. Theo bảng giá trần mới công bố, sản phẩm cải tiến mới là Dutch Baby Mau lớn Gold có giá bán buôn tối đa hơn 305.000 đồng/hộp và giá bán lẻ khuyến nghị lên tới 339.000 đồng/hộp, cao hơn giá bán lẻ của mặt hàng cũ nhiều nhất lên tới khoảng 60.000 đồng/hộp. Điều này cũng xảy ra tương tự với các mặt hàng khác trong những sản phẩm mới này.
Mặc dù hầu hết vẫn chưa có nhiều thông tin từ nhà phân phối về việc sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm mới này, "tuy nhiên, nếu nhà phân phối áp dụng chính sách giá mới cho sản phẩm mới thì chúng tôi cũng sẽ chấp hành theo", chủ một cửa hàng nằm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) khẳng định. Như vậy, rất có thể giá các mặt hàng sữa sau khi được "thay mẫu" này sẽ được các đại lý điều chỉnh theo hướng tăng lên so với mặt hàng cũ trong những ngày tới. Kéo theo đó, không loại trừ các hãng khác "tát nước theo mưa" tăng giá sản phẩm lên.
Một thực tế nữa cũng cần phải kể tới là giá nhiều mặt hàng sữa hiện tương đối cao so với thu nhập của đại đa số người dân và có sự chênh lệch rất lớn giữa các hãng. Ví dụ một hộp sữa bột dành cho trẻ trên 24 tháng khối lượng 900g của Nestle khoảng 430.000 đồng/hộp, dòng sản phẩm cho đối tượng tương tự tại các hãng khác có thể lên tới 550.000-600.000 đồng, hoặc thấp hơn một chút đối với các hãng sữa nội.
"Làm một phép tính đơn giản, với nhu cầu trung bình của con bạn hết khoảng 4 hộp sữa/tháng, mỗi tháng bạn phải chi khoảng trên dưới 2 triệu đồng. Tuy khá khập khiễng, nhưng nếu so sánh với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chưa tới 1.500 USD/năm (khoảng 30 triệu đồng/năm) có thể thấy, không phải vị phụ huynh nào cũng đáp ứng được điều đó", một vị chuyên gia trong ngành chia sẻ.
Giá sữa tại Việt Nam cao có nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp sữa đã đổ quá nhiều tiền vào quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị, vượt mức quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. Một nghiên cứu của Bộ Công Thương từng xác nhận, chi phí quảng cáo và tiếp thị, mức chiết khấu của hãng sữa luôn cao hơn 1,5-2 lần mức quy định và đều được tính vào giá thành sản phẩm.
Giá cả cao và tăng nhanh, đặc biệt là với những mặt hàng thiết yếu là điều mà không một người tiêu dùng nào mong muốn. Chung tâm lý này, chị N.M.H (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: "Việc giá sữa cao ảnh hưởng rất nhiều tới cân đối chi tiêu trong gia đình, nhất là khi đồng lương thu nhập eo hẹp. Gia đình tôi có 2 con nhỏ, cả 2 đều đang sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa, mỗi khi các hãng sữa thông báo tăng giá, tôi lại rất lo lắng bởi điều đó đồng nghĩa các khoản chi tiêu sẽ bị đội lên trong khi thu nhập tăng không kịp".
Một người tiêu dùng khác thì lại chia sẻ "vừa vui vừa buồn" rằng: "Chắc chỉ còn cách là các bà mẹ hãy cố gắng ít lệ thuộc vào sữa bò, chúng ta cho con bú sữa mẹ và tự nấu những món ăn cho những đứa con yêu của mình mà vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Đừng để các hãng sữa, các nhà phân phối bắt tay nhau móc túi mình!".
---------------------