Nhà Trắng phản hồi đơn kiến nghị trừng phạt Trung Quốc
Nhà Trắng tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp và ủng hộ giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, khi hồi đáp đơn đề nghị Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì từng đặt giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Trả lời kiến nghị đăng trên trang web của Nhà Trắng hồi tháng 5, cơ quan này hôm qua tuyên bố Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng có lập trường về cách thức theo đuổi, xử lý các tranh chấp này cũng như liệu các tuyên bố hàng hải của một quốc gia ven biển có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không.
Đơn thỉnh cầu hồi giữa năm đề nghị Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì đã đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
"Washington từ lâu đã kêu gọi Trung Quốc và tất cả các bên liên quan theo đuổi tuyên bố chủ quyền và các quyền hàng hải đi kèm một cách hòa bình, không ép buộc, phù hợp với luật pháp quốc tế", thông báo viết.
Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông, bao gồm tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại hợp pháp không bị cản trở.
"Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực làm giảm căng thẳng và mở rộng không gian cho các giải pháp hòa bình và ngoại giao để giải quyết tranh chấp", thông báo cho hay. "Chúng tôi đã bày tỏ lo ngại trước các hành động của Trung Quốc, bao gồm việc nước này triển khai giàn khoan dầu Hải Dương 981, tới các lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc".
Đơn kiến nghị trừng phạt Trung Quốc được một người dùng có tên T. D, ở San Diego, bang California đăng tải trên website chính thức của Nhà Trắng từ hôm 13/5. Người này cần thu thập đủ 100.000 chữ ký ủng hộ nếu muốn Nhà Trắng xem xét và đưa ra phản hồi về nội dung kiến nghị.
Trong đơn kiến nghị, T. D kêu gọi chính phủ Mỹ xem xét các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Trung Quốc về vụ giàn khoan Hải Dương 981. Theo T. D, chỉ lên án và phê phán bằng lời nói là chưa đủ. "Chúng tôi cần Nhà Trắng xem xét các phương án trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc bởi đây là phương pháp duy nhất có hiệu quả", người này cho biết thêm.
Đơn kiến nghị hoạt động theo chương trình "We the People" (Chúng tôi là người dân) trên trang web của Nhà Trắng. Đây là nơi các cá nhân có thể tạo kiến nghị, thu thập chữ ký để kêu gọi chính quyền liên bang có hành động với vấn đề nào đó. Theo đó, một kiến nghị cần phải thu thập được 5.000 chữ ký để được công bố trên website Nhà Trắng và 100.000 chữ ký trong vòng 30 ngày để được chính quyền Tổng thống Obama xem xét.
Kiến nghị đạt yêu cầu phần lớn nhận được phản hồi từ các quan chức khác nhau trong chính phủ Mỹ, bao gồm cả nhân viên Nhà Trắng, chỉ có một số ít được Tổng thống Obama trả lời. Ngoài ra, thời gian phản hồi còn phụ thuộc vào chủ đề và số lượng đơn kiến nghị từ "We the People".
-------------------------
Buôn bán trẻ em, bắt đi ăn xin: có hay không?
Tổ chức Lao Động Thế Giới (ILO) từ lâu đã nhìn nhận khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một điểm nóng của nạn buôn bán trẻ em. Việc buôn bán trẻ em xuyên biên giới hoặc trong nội bộ quốc gia để biến chúng thành những đứa trẻ ăn xin không còn mới. Nhưng thực tế này có diễn ra tại Việt Nam?
Việc buôn bán trẻ em xuyên biên giới và bắt chúng trở thành trẻ ăn xin - hay nói cách khác, một dạng nô lệ xin tiền về cho "chủ" đã không còn mới trong khu vực Đông Nam Á. Đã có rất nhiều bài phóng sự của báo chí quốc tế về việc những đứa trẻ Campuchia bị bán sang Thái Lan rồi sau đó bị vứt ra đường phố Bangkok, bán rong hoặc ăn xin.
Kịch bản của bộ phim đoạt giải Oscar, "Triệu phú khu ổ chuột", khi những đứa trẻ bị bắt và tra tấn để trở thành trẻ ăn xin là một trong những mô-típ phổ biến tại khu vực Đông Nam Á và Nam Á.
Một phóng sự trên CNN, được thực hiện tại Bangladesh năm 2011, mô tả về việc một đứa bé bị bắt cóc, cắt gần đứt dương vật để tra tấn và bắt đi ăn xin, đã gây chấn động dư luận thế giới.
Tại Việt Nam, cũng đã có những phóng sự về những kẻ chăn dắt trẻ em ăn xin.Nhưng liệu tình trạng bắt cóc, buôn bán trẻ em để biến chúng thành ăn xin - tức là một mức độ cao hơn nhiều so với "chăn dắt" có tồn tại ở nước ta?
Theo quan sát của nhiều tổ chức quốc tế, thì thực trạng này có tồn tại. Trên website humantrafficking.org - trang tổng hợp các báo cáo từ những tổ chức uy tín nhất thế giới về nạn buôn người - có đoạn viết trong báo cáo chung về Việt Nam:
"Buôn bán trẻ em trong nội bộ quốc gia vẫn tồn tại như một thách thức đối với nạn bóc lột tình dục ở trẻ nhỏ, ăn cắp trên đường phố và ăn xin".
Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực nóng nhất trên thế giới về tình trạng buôn bán trẻ em. Theo một điều tra của UNICEF năm 2000, thì khu vực này chỉ đứng thứ 2 về số lượng trẻ em bị buôn bán hàng năm, xếp sau vùng Mỹ Latinh, nhiều hơn cả châu Phi.
Năm ngoái, Bộ Công An cũng khẳng định tình trạng buôn bán người tại nước ta đang gia tấng với những diễn biến phức tạp, và mang cả yếu tố quốc tế.
Nếu tình trạng này có tồn tại, đây chắc chắn là một thách thức, không chỉ với quản lý hành chính, mà còn cả với các cơ quan an ninh. Và chắc chắn, không chỉ trông chờ vào một chủ trương "không cho tiền người ăn xin" tại TP.HCM để giải quyết khi vấn đề đặt ra là các băng nhóm tội phạm có tổ chức và có thể là đa quốc gia.
-------------------------
Bình Phước, Vĩnh Phúc có Phó Chủ tịch mới
Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu cử chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trần Ngọc Trai, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước.
Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Văn Lợi để nhận nhiệm vụ mới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Văn Chúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên.
-------------------------
Hà Nội di dời 6.500 hộ dân phố cổ sang Long Biên
Sau thời gian dài chuẩn bị, thành phố Hà Nội đã có quyết định chấp thuận cơ chế xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ, quận Hoàn Kiếm sang đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên.
Theo quyết định ngày 22/12, do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn ký, khu nhà giãn dân phố cổ gồm các dự án: hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị; hạ tầng xã hội khu nhà ở giãn dân (nhà trẻ); công trình hỗn hợp (trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở, các dịch vụ khác) và dự án xây dựng nhà giãn dân.
Đối tượng mua nhà ở giãn dân được xác định là các hộ gia đình di dời ra khỏi khu vực phố cổ theo đề án giãn dân phố cổ được phê duyệt. Giá bán nhà không được vượt tổng mức đầu tư của dự án đã phê duyệt và lợi nhuận định mức 10% so với chi phí đầu tư xây dựng.
Với các hộ gia đình trong diện phải di dời, giãn dân ra ngoài khu phố cổ nhưng không đủ điều kiện tài chính để mua nhà ở giãn dân theo tiêu chuẩn sẽ được xem xét thuê nhà hoặc thuê mua.
Sau thời hạn một năm kể từ thời điểm hoàn thành công trình, các hộ trong danh sách di dời ra ngoài khu vực phố cổ mà không ký hợp đồng mua bán nhà ở thì nhà đầu tư được phép bán nhà cho các đối tượng mua nhà xã hội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trong trường hợp không có hoặc bán không hết thì được bán cho các đối tượng mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
Thành phố Hà Nội cũng cho phép nhà đầu tư doanh thương mại theo quy định hiện hành với 15% diện tích sàn xây dựng nhà ở tại khu giãn dân,.
Trước đó (tháng 5/2014) trao đổi với báo chí, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho hay, quận sẽ khởi công công trình khu nhà giãn dân phố cổ vào quý IV/2014 và hoàn thành vào năm 2016.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, khu nhà gồm 16 tòa nhà cao 8-9 tầng, một tòa nhà hỗn hợp (trung tâm thương mại dịch vụ, chung cư, công trình công cộng) cao 15 tầng. Khu ở được bố trí đầy đủ các công trình phúc lợi như nhà trẻ - mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng.
Khoảng 30% số hộ dân di dời sẽ được bố trí kios kinh doanh, bán hàng ở tầng 1 các tòa nhà. UBND quận sẽ quy hoạch các cửa hàng theo nhóm ngành hàng, có cả tuyến phố đi bộ... để người dân có điều kiện kinh doanh, kiếm sống.
Mục tiêu của đề án giãn dân nhằm làm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha - là mật độ theo quy hoạch đến năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 dân.
Theo UBND Hà Nội, phố cổ nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm, có diện tích là 81 ha, mật độ dân số 840 nườgi một ha (tổng dân số trên 66.000 người). Mật độ dân số quá cao khiến hệ thống cơ sở kỹ thuật quá tải, ô nhiễm môi trường.
-------------------------