Trung Quốc bị “tố” liên quan đến vụ “sập” Internet của Triều Tiên
Báo cáo Trung Quốc có liên quan trong việc hệ thống Internet của Triều Tiên bị “sập” là “vô trách nhiệm”, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Liên kết Internet duy nhất của Triều Tiên với thế giới bên ngoài là thông qua Trung Quốc, tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, Bắc Kinh không có bất cứ sự liên quan nào đến việc Triều Tiên bị “sập” Internet. Bà Hoa cũng kêu gọi Mỹ và Bình Nhưỡng trao đổi với nhau về cuộc tấn công mạng gần đây vào hãng Sony Pictures.
“Chúng tôi đã tiếp nhận những nhận xét gần đây của Mỹ và các ý kiến của Triều Tiên”, bà Hoa nói và cho biết thêm: “Chúng tôi cho rằng, Mỹ và Triều Tiên nên nói chuyện về vấn đề này”.
Mỹ cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công gần đây vào Sony Pictures và cũng yêu cầu Trung Quốc xác định bất cứ tin tặc Triều Tiên nào hoạt động ở Trung Quốc, và nếu tìm thấy thì đưa họ trở về Bình Nhưỡng.
Trước đó, kết nối Internet giữa Triều Tiên và thế giới bị cắt đứt hoàn toàn vào rạng sáng nay (23.12) (giờ Việt Nam) và đã được phục hồi một phần sau khi bị đứt trong 9 tiếng 31 phút, BBC dẫn báo cáo của công ty an ninh mạng Dyn Research, ở New Hampshire, Mỹ.
Nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống mạng của Triều Tiên đã bị hacker đánh sập.
Hôm 20.12, Cục Điều tra liên bang (FBI) chính thức cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau những vụ tấn công nhằm vào mạng của Mỹ, một trong số đó là việc lấy cắp dữ liệu và đe dọa khủng bố hãng Sony Pictures Entertainment.
Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ có những động thái đáp trả thích đáng với hành vi phá hoại của Triều Tiên, và yêu cầu quốc gia Châu Á đền bù 200 triệu USD thiệt hại ước tính.
-------------------------
Hội đồng Bảo an gạt bỏ phản đối của Trung Quốc về Triều Tiên
Trung Quốc ngày 23-12 kêu gọi tất cả các bên tránh leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố trên được Bắc Kinh đưa ra ngay sau khi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) bác bỏ sự phản đối của Trung Quốc và chính thức bổ sung các cáo buộc về vi phạm nhân quyền của Triều Tiên vào chương trình nghị sự của hội đồng.
Trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đại diện của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Lưu Kết Nhất, lên tiếng kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh và có hành động kiềm chế trên bán đảo Triều Tiên. Trước cuộc bỏ phiếu của HĐBA về vấn đề nhân quyền của Triều Tiên, ông Lưu nói “HĐBA không phải là một diễn đàn để can thiệp vào các vấn đề nhân quyền”. Do đó, HĐBA “cần kiềm chế các hành động có thể gây leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”.
Trong khi đó, tại cuộc họp đầu tiên của HĐBA về hồ sơ nhân quyền của Bình Nhưỡng, Mỹ đã lên án Triều Tiên là "cơn ác mộng" với chính công dân nước này. Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho biết ủy ban điều tra của LHQ đã thu thập lời khai của những người Triều Tiên đào tẩu.
Ngoài ra, bà Power cáo buộc Triều Tiên tiến hành vụ tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures, đồng thời gọi lời đề nghị tiến hành cuộc điều tra chung vụ việc này của Bình Nhưỡng là “lố bịch”.
-------------------------
Quốc hội Ukraine bỏ quy chế “không liên kết”, Nga tức tối
Quốc hội Ukraine hôm 23-12 đã từ bỏ quy chế “không liên kết” của Ukraine với đích đến cuối cùng là gia nhập khối NATO. Động thái muốn gần phương Tây của Ukraine được cho là chọc giận Nga vì mang lại mối đe dọa an ninh cho nước này.
Kiev đã lần đầu tiên công khai mong muốn cần được các thành viên của khối NATO che chở sau khi Nga triển khai quân đội trong cuộc chiến với quân ly khai tại phía Đông Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi hành động từ bỏ quy chế phi liên minh quân sự (trung lập) của Ukraine là bước đi “phản tác dụng”, khiến cuộc khủng hoảng ở phía Đông Ukraine ngày càng leo thang.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cam kết sẽ phấn đấu trở thành thành viên NATO sau khi Nga âm thầm hỗ trợ quân nổi dậy phía Đông Ukraine ngày một mạnh mẽ.
Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Ukraine mới đây, các nghị sĩ ủng hộ việc bỏ quy chế “không liên kết” lên đến 303 và chỉ 8 người phản đối. Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, ngoại trưởng Pavlo Klimkin cho biết Ukraine đã xác định đi theo phe châu Âu và phương Tây, tạo điều kiện cho đất nước hội nhập và phát triển.
Nga không giấu giếm thái độ phản đối trước thái độ của Ukraine đối với NATO.
BBC dẫn lời Andrei Kelin, Đặc phái viên của Nga gia nhập Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), phát biểu ngày 23-12: “Đây là bước đi không thân thiện đối với chúng tôi. Hướng đi chính trị này chỉ khiến Ukraine nếm thêm phiền hà và đối đầu trong các mối quan hệ”.
Trong khi đó, hãng tin RIA Novosti đưa tin Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cùng ngày nhận định nền kinh tế Nga đang có nguy cơ bước vào thời kỳ suy thoái sâu.
-------------------------
Nga đã rơi vào “khủng hoảng kinh tế toàn diện"
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga, Alexei Kudrin hôm 22.12 cho rằng, nền kinh tế Nga đã rơi vào “khủng hoảng toàn diện” do chính phủ không giải quyết nhanh chóng các vấn đề về tài chính.
Ông Kudrin cảnh báo: “Hôm nay, tôi có thể nói rằng chúng ta đã bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự. Năm tới, chúng ta sẽ cảm nhận điều này rõ ràng hơn”.
“Chính phủ đã không đủ nhanh chóng trong việc giải quyết tình hình... Tôi chưa nghe thấy... đánh giá rõ ràng về tình hình hiện nay”, Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga nói.
Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayev cho rằng, Nga đã bị ảnh hưởng bởi một “cơn bão hoàn hảo” do sự sụt giảm giá dầu và những lệnh trừng phạt của phương Tây do cáo buộc Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga cũng dự báo một loạt vụ vỡ nợ trong số các doanh nghiệp vừa và lớn của đất nước, mặc dù các ngân hàng có thể được nhà nước hỗ trợ nhiều hơn. Các hãng xếp hạng tín dụng phương Tây sẽ hạ bậc tín dụng Nga xuống mức “rác”. Trong năm nay, phần lớn các hãng xếp hạng tín dụng đều đã hạ bậc Nga xuống chỉ còn một mức trên mức “rác”.
Theo ông Kudrin, 25-35% sự mất giá của đồng rúp là do các lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó, có thể do đồng đôla mạnh hơn và các nhà đầu tư mất niềm tin vào các nhà chức trách Nga và hành động của họ.
Trong khi tình hình tiền tệ có thể ổn định hơn trong quý đầu năm 2015, tình trạng này có thể đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức 12-15% trong năm 2015, theo ông Kudrin. Ngân hàng trung ương dự kiến mức lạm phát năm tới sẽ đạt khoảng 8%.
Cũng theo ông Kudrin, ngay cả khi giá dầu đã tăng lên 80 USD/thùng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) vẫn có khả năng sẽ giảm hơn 2% trong năm 2015. Với mức 60 USD mỗi thùng dầu, GDP vẫn có thể giảm 4% hoặc hơn thế, theo một đánh giá mới nhất của Ngân hàng trung ương được công bố tuần trước.
Các quan chức chính phủ Nga cũng đang cố gắng giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt với nước này và đồng rúp. Tổng thống Nga Putin tuyên bố, những "yếu tố bên ngoài" như giá dầu là những thủ phạm then chốt đằng sau tình trạng khó khăn của đất nước trong thời gian gần đây.
-------------------------