Kinh tế 2015 mang nỗi ám ảnh của thập niên 90
Biến động tài chính ở Nga, giá dầu lao dốc, USD mạnh lên, các hãng công nghệ bùng nổ, kinh tế Mỹ phục hồi, Đức - Nhật Bản yếu đi và tiền tệ các nước mới nổi lao dốc đang gợi nhớ đến thời kỳ khủng hoảng thập niên 90.
Economist nhận định khủng hoảng 2008-2009 là sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử kinh tế toàn cầu trong vài thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, nếu nhìn lại 15 năm qua, thế giới sẽ rút ra được những điều nên làm và nên tránh.
Khi ấy, cũng như bây giờ, Mỹ là nước tiên phong trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Sự ra đời của Internet đã thổi bùng đột phá và mang lại hy vọng về triển vọng của nước này. Đến năm 1999, GDP Mỹ đã tăng hơn 4% mỗi năm, gần gấp đôi trung bình các nước giàu khác. Tỷ lệ thất nghiệp cũng xuống 4% - thấp nhất 30 năm. Nhà đầu tư nước ngoài ào ạt đổ tiền, đẩy chứng khoán và USD tăng mạnh. Cổ phiếu các hãng công nghệ tăng giá như vũ bão.
Trái với Mỹ, Nhật Bản lại rơi vào giảm phát năm 1997. Đức bị coi là "kẻ ốm yếu của châu Âu", các công ty bị kiềm chế bởi thị trường lao động ngặt nghèo và chi phí cao. Các thị trường mới nổi, sau vài năm tăng trưởng mạnh, đã rơi vào khủng hoảng. Giai đoạn 1997-1999, tiền tệ các nước từ Thái Lan đến Brazil đều lao dốc khi vốn đầu tư nước ngoài ào ạt chảy ra, và nợ niêm yết bằng USD không thể trả nổi.
Sau đó, đến lượt Mỹ cũng gặp rắc rối. Bong bóng cổ phiếu công nghệ vỡ vụn năm 2000 khiến hàng loạt mã lao dốc. Đầu tư vào doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ, suy giảm. Và vì chứng khoán đi xuống, khiến túi tiền của người dân ảnh hưởng, tiêu dùng cũng bị cắt giảm. Đến đầu năm 2001, Mỹ cùng nhiều quốc gia giàu có khác đã trượt vào suy thoái, dù chỉ ở cấp độ nhẹ.
Dĩ nhiên, tình hình hiện nay không hoàn toàn trùng khớp. Khác biệt lớn nhất là Trung Quốc. Năm 1999, nước này chỉ là một quốc gia không có mấy ảnh hưởng. Còn ngày nay, họ đã là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng toàn cầu.
Nhưng thế giới vẫn cần chú ý đến 3 xu hướng đã gây xáo trộn kinh tế toàn cầu khi đó, và rất có thể ảnh hưởng tương tự đến hiện tại.
Đầu tiên là khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế Mỹ và các nước còn lại. Hồi thập niên 90, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó - Larry Summers đã cảnh báo kinh tế toàn cầu "đang bay chỉ với một động cơ". Các chuyên gia trong hội đồng dự báo của The Economist cũng cho biết năm 2015, Mỹ có thể tăng trưởng 3%. Trong khi đó, tốc độ này tại Nhật Bản và khu vực đồng euro là 1,1%. Còn Trung Quốc có thể xuống quanh 7%.
Người Mỹ có thể thở phào, cũng như cuối thập niên 90, khi số việc làm đang được tạo ra nhanh nhất từ năm 1999. Giá dầu giảm cũng sẽ hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp cũng đang tăng lên. Tuy nhiên, tin tức này không hoàn toàn là tốt đẹp. Giá dầu giảm có thể đẩy nhiều hãng sản xuất dầu đá phiến Mỹ vào cảnh phá sản năm tới. Trong khi đó, USD mạnh và kinh tế các nước khác yếu đi sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, cũng tương tự 15 năm trước. Anh cũng có thể bị tác động mạnh bởi tình hình eurozone.
Xu hướng thứ 2 là triển vọng ảm đạm tại hai cường quốc kinh tế lớn của thế giới - Đức và Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng tại Đức đã xuống quanh 1% năm nay. Đây là sự bất ổn sau nhiều năm suy giảm đầu tư, chính sách năng lượng bất hợp lý, Chính phủ quá quan tâm đến mục tiêu tài khóa khi chi tiêu, và quá bị ám ảnh với viễn cảnh người dân đòi cải tổ cấu trúc như những gì cựu Thủ tướng Gerhard Schröder thực hiện năm 2003. Trong khi đó, Nhật Bản đang lặp lại sai lầm của năm 1997, vứt bỏ nỗ lực thoát giảm phát bằng tăng thuế tiêu dùng sớm.
Cuối cùng là rủi ro từ các nước đang phát triển. Khi đó, vấn đề nằm ở chỗ họ sử dụng cơ chế neo tỷ giá và phải gánh nợ nước ngoài quá lớn. Còn hiện tại, nợ đã thấp hơn, tỷ giá đã được thả nổi và phần lớn Chính phủ tích trữ được khối dự trữ lớn.
Tuy nhiên, những tín hiệu rắc rối vẫn còn, đặc biệt là tại Nga. Những nước xuất khẩu hàng hóa, như các quốc gia châu Phi, cũng vậy. Dầu mỏ chiếm 95% xuất khẩu của Nigeria và 75% ngân sách nước này. Ghana đã phải viện đến sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Ở các quốc gia khác, nguy hiểm lại nằm trong lĩnh vực doanh nghiệp. Nhiều công ty Brazil đang mắc nợ lớn bằng USD. Vỡ nợ hàng loạt như trong khủng hoảng châu Á thập niên 90 có thể không xảy ra, nhưng chúng sẽ khiến nhà đầu tư lo lắng và đẩy giá USD lên.
Tổng hợp tất cả những điều này lại, năm 2015 vẫn có thể nhiều sóng gió. Những người bi quan có thể đánh cược rằng đồng đôla mạnh lên, tình hình eurozone ảm đạm, và cuộc khủng hoảng tại một vài nước mới nổi vẫn có thể đẩy Mỹ vào suy thoái. Nhưng mặt khác, thị trường chứng khoán Mỹ đã ổn định hơn nhiều so với thập niên 90. Dù nhiều hãng công nghệ lớn đang đầu tư vô tội vạ, phần lớn lại có bảng cân đối kế toán khá khỏe mạnh. Hệ thống tài chính toàn cầu cũng ít nợ hơn và ít chịu hiệu ứng domino hơn trước đây.
Dù vậy, nếu kinh tế thế giới tiếp tục chao đảo, khả năng phục hồi lần này sẽ khó khăn hơn, do các nhà hoạch định chính sách có ít lựa chọn hơn trước đây. Năm 1999, lãi suất cơ bản do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ấn định là 5%. Tức là họ có nhiều cơ hội cắt giảm khi kinh tế đi xuống. Nhưng ngày nay, lãi suất các nước giàu đều đã gần 0%.
Bối cảnh chính trị ngày nay cũng có sự khác biệt, và còn theo chiều hướng xấu. Cuối thập niên 90, hầu hết người dân các nước giàu được hưởng lợi từ bùng nổ kinh tế. Thu nhập thực trung bình của người Mỹ tăng 7,7% giai đoạn 1995-2000. Nhưng từ năm 2007, tốc độ này gần như đứng yên, thậm chí tại Anh và phần lớn khu vực eurozone còn giảm.
Tất cả người dân các nước giàu cũng đang bất mãn với Chính phủ, khi ngày càng nhiều người sẵn sàng bỏ phiếu cho các đảng đối lập. Nếu họ tiếp tục bị dồn ép năm tới, sự bất mãn này sẽ chuyển thành giận dữ. Kinh tế 2015 có thể giống với thập niên 90, nhưng chính trị có lẽ sẽ tồi tệ hơn nhiều.
(VNEX)
-------------------------
Tốn tỷ đô ra nước ngoài chữa bệnh: Vì sao?
Hiện cả nước có khoảng 170 bệnh viện tư nhân với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng (chưa kể hệ thống bệnh viện công xuống tới cấp huyện). Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, hằng năm người Việt vẫn đem hơn 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Điều gì đang khiến bệnh viện gắn sao trong nước kém hấp dẫn?
Chuyện của những bệnh nhân VIP
Có những câu chuyện khiến ngay cả người vai vế trong xã hội cũng phát khóc khi phải chịu đựng lối ứng xử hống hách của một số bác sĩ tại bệnh viện của giới nhà giàu. Không ít bệnh viện gắn sao được xây to, trang bị hiện đại, nhưng cung cách ứng xử chưa tương xứng.
Nỗi khiếp đảm của nhạc sĩ Thanh Tùng
Mấy tháng trước, nhạc sĩ Thanh Tùng (nổi tiếng với nhiều ca khúc trữ tình: Lối cũ ta về, Lời tỏ tình của mùa xuân, Một mình...) bị sốt nhẹ, gia đình đưa ông vào Bệnh viện Quốc tế Việt Pháp (Hà Nội) khám. Sau khi xét nghiệm, chụp chiếu, gia đình được thông báo sức khỏe ông không đáng ngại, nhưng nên ở lại bệnh viện theo dõi thêm.
Với thẻ thành viên ưu tiên (VIP), nhạc sĩ Thanh Tùng được nằm phòng riêng, có y tá chăm sóc, người nhà không cần ở lại (dù trước đó đã xin).
Sáng hôm sau, anh Nguyễn Thanh Thông - con trai nhạc sĩ Thanh Tùng tới viện thăm, bất ngờ được thông báo bố đang nguy kịch phải chuyển Khoa Chăm sóc tích cực và thở máy.
“Khi đó, bác sĩ Thọ (bác sĩ Nguyễn Ngọc Thọ, Trưởng khoa Chăm sóc tích cực - PV), nói bố tôi tình trạng rất xấu, khó qua khỏi, gia đình về chuẩn bị lo hậu sự là vừa. Tôi không hiểu bố mình bị làm sao nữa, mới hôm trước nhập viện, bác sĩ bảo không có gì đáng ngại. Sau một đêm đã phải thở máy”, anh Thông nhớ lại.
Anh Thông hỏi bệnh tình thì được bác sĩ Thọ liệt kê đủ các lý do: Gãy xương, đột quỵ, viêm phổi nặng…
“Nếu viêm phổi thì phải phát hiện ra ngay hôm đưa vào, sao sau một đêm đã nguy kịch?”, anh Thông nói. Gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng khẳng định không tiếc tiền để ông được sử dụng liệu pháp chữa trị tốt nhất, thậm chí đưa ra nước ngoài nếu bác sĩ hướng dẫn.
Nhận tin “về lo hậu sự đi”, anh Thông gọi các anh chị từ trong Nam, nước ngoài về bên bố.
“Tôi xin gặp bác sĩ nhưng phải chờ gần hết buổi sáng vẫn không được ai tiếp. Lo lắng, tôi gõ cửa gặp bác sĩ Thọ một lần nữa hỏi, nhưng vị này không đưa ra được biện pháp chữa trị xác đáng và chỉ nhăm nhe giữ bệnh nhân ở lại thở máy từ 1 tuần tới 1 tháng để theo dõi”, anh Thông bức xúc.
Trước tình cảnh này, con trai nhạc sỹ Thanh Tùng quyết định xin chuyển bố sang Bệnh viện Bạch Mai cạnh đó với hy vọng “còn nước, còn tát”. Tuy nhiên, bác sĩ Thọ không đồng ý, dẫn tới hai bên xảy ra to tiếng. Theo anh Thông, lúc gia đình đang bối rối, bác sĩ Thọ đáng ra phải có thái độ đúng mực để gia đình yên tâm. Đổi lại, bác sĩ Thọ to tiếng thách thức.
“Ông ấy cởi kính, đập tay xuống bàn, rút máy ghi âm rồi tuyên bố: Anh nói đi, tôi sẽ ghi lại hết. Lúc đó, tôi chỉ muốn khóc vì bất lực. Chả lẽ muốn cứu bố mà cũng không được sao. Tôi đã tin tưởng đây là bệnh viện tư quốc tế nên không tiếc tiền đưa bố tới đây”, anh Thông kể.
Sau một hồi cự cãi, van xin, thậm chí nhờ cả những người có vai vế trong xã hội tác động xin chuyển viện (trong khi bệnh nhân mỗi lúc càng nguy kịch), bác sĩ Thọ miễn cưỡng đồng ý cho gia đình đưa nhạc sĩ Thanh Tùng sang Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, phía Bệnh viện Việt Pháp không bố trí bất cứ phương tiện nào hỗ trợ.
Khi nhạc sĩ Thanh Tùng được đưa sang Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), căn cứ vào kết quả chụp chiếu, bác sĩ kết luận có dị vật trong phổi và có thể chữa được.
“Các bác sĩ nghi dị vật là cháo, nếu đúng vậy thì chỉ có thể trong quá trình y tá Bệnh viện Việt Pháp cho ăn tối hôm trước làm bố tôi bị sặc. Vì khi nhập viện, ông chỉ bị sốt nhẹ, Bệnh viện Việt Pháp cũng đã làm đủ các xét nghiệm, chụp chiếu, không phát hiện bất thường ở phổi”, anh Thông nói. Sau hơn một tuần chữa trị tại Bệnh viện Bạch Mai, nhạc sĩ Thanh Tùng khỏe lại, được xuất viện.
Muốn giữ bệnh nhân để kiếm tiền?
Bức xúc với thái độ và chuyên môn của bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp, ít tuần sau khi nhạc sĩ Thanh Tùng khỏe lại, anh Thông quay lại làm việc với lãnh đạo bệnh viện.
Phó Tổng giám đốc Võ Văn Bản tiếp chuyện và khẳng định: Bệnh viện luôn có xe để bệnh nhân chuyển viện khi cần và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nếu gia đình muốn. “Không hiểu sao bác sĩ Thọ lại nói như vậy”, ông Bản nói.
Khi nghe anh Thông thuật lại sự việc, ông Bản tỏ ra bất ngờ trước thái độ bác sĩ Thọ và khẳng định hành vi như vậy là sai; không đúng tôn chỉ làm việc của bệnh viện. Ông này cũng hứa sẽ có biện pháp xử lý thích đáng. Tuy nhiên, tới nay Bệnh viện Việt Pháp vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng.
Một bác sĩ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Những trường hợp như nhạc sĩ Thanh Tùng không phải hiếm, khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp chuyển từ bệnh viện tư sang cấp cứu. “Bệnh viện tư nhiều khi vì sức ép thu hút bệnh nhân và thu viện phí nên cố giữ bệnh nhân; khi chuyển sang cho chúng tôi bệnh tình đã khá nặng”, vị bác sĩ này nói.
Mê bệnh viện nước ngoài vì… dịch vụ
Vừa chữa bệnh ở Singapore về, bà Nguyễn Thị Nguyệt (70 tuổi, ở Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội), cho biết: Năm 2008, bà bị tai biến do bệnh tiểu đường. Sau 2 năm chạy chữa tại Việt Nam nhưng chỉ hồi phục 70%, một số di chứng vẫn không hết. Năm 2010, bà Nguyệt quyết định sang Singapore. Sau gần 1 tháng cả chữa bệnh và du lịch, bà Nguyệt đã phục hồi hơn 90%, với chi phí chữa trị, thuốc men hơn 80 triệu đồng.
“Bệnh viện của họ sạch sẽ, thái bộ bác sĩ, y tá phục vụ rất chu đáo vì người bệnh mà không đòi hỏi. Họ chỉ thu đúng số tiền hóa đơn”, bà Nguyệt nói.
Anh Nguyễn Văn Nam (ở TP Vinh, Nghệ An) cho biết, cậu anh bị khối u ở phổi, nên anh đưa sang Singapore. Sau gần 1 năm, mỗi tháng khám và chữa trị khoảng 2 ngày. Tổng chi phí gia đình anh bỏ ra cho 1 năm chữa trị hơn 3 tỷ đồng. “Dịch vụ của họ thì luôn xứng đồng tiền bát gạo”, anh Nam kể.
-------------------------
Cảng container quốc tế Cái Lân mỗi tháng lỗ 1 triệu USD
Chính thức đi vào hoạt động vào tháng 8-2012, Công ty TNHH cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) - liên doanh giữa Công ty CP đầu tư cảng Cái Lân (CPI-Việt Nam) và Công ty TNHH SSA Holdings International Việt Nam (SSA-Mỹ), theo tỉ lệ 51% và 49% - cho đến thời điểm này vẫn liên tục lỗ nặng, khiến đối tác trong nước, dù nắm cổ phần chi phối, “hoa mắt, chóng mặt” vì những khoản lỗ kinh hoàng.
Lý do lỗ, theo giải thích của lãnh đạo CICT có vẻ hợp lý, nhưng liệu đằng sau câu chuyện lỗ triền miên này có việc nhà đầu tư ngoại đang tìm cách “thôn tính” nhà đầu tư nội như đã từng xảy ra ở nhiều Công ty liên doanh trước đó?
Mỗi tháng lỗ 1 triệu USD
CICT có tổng vốn đầu tư 155,3 triệu USD, trong đó cổ đông trong nước gồm Vinalines, cảng Quảng Ninh, Geleximco và các nhà đầu tư cá nhân giữ 51% cổ phần; số còn lại do SSA nắm giữ.
Theo thông báo mới nhất của CICT, chỉ tính riêng trong 11 tháng của năm 2014, số lỗ của liên doanh này là trên 218 tỉ đồng. Không tiết lộ chi tiết tổng số lỗ kể từ khi cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc của CICT đón con tàu container đầu tiên cách đây hơn 2 năm nhưng một lãnh đạo CICT khẳng định rằng: Bình quân mỗi tháng lỗ 1 triệu USD.
Theo ông Trần Nam Trung - Phó Tổng Giám đốc CICT, cảng Cái Lân là cảng nước sâu, chủ yếu đón tàu lớn, nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, nên thời gian gần đây, các hãng tàu chủ yếu dùng tàu cỡ nhỏ và vừa, và vì thế thường chọn Hải Phòng làm điểm đến do hạ tầng giao thông, hậu cần thuận tiện hơn. Một số hãng tàu lớn như Maersk và Cosco có ghé qua cảng Cái Lân nhưng cũng chỉ để giảm tải để có thể đi vào cảng Hải Phòng.
Vì thế, mặt hàng chủ đạo của CICT là hàng container trong 11 tháng đầu năm nay chỉ đạt 96.617 TEU, bằng 44% kế hoạch. “Hơn nữa, nhiều cảng bên Hải Phòng đã hết khấu hao nên giảm giá chi phí thấp hơn ít nhất 10USD/TEU so với CICT, cùng với hạ tầng bên đó thuận lợi hơn, nên CICT khó có thể cạnh tranh nổi” - ông Trung cho biết.
Ông Trịnh Vũ Khoa - Giám đốc VOSA Quảng Ninh, đơn vị làm đại lý cho 80% các hãng tàu biển tại Quảng Ninh - thừa nhận CICT chỉ là sự lựa chọn sau cùng bởi chi phí tàu vào xuất và nhập hàng ở cảng của CICT luôn cao hơn các cảng khác, cùng những chính sách cứng nhắc.
“Nhiều tàu vào nhận hàng xong phải ra vội cảng rồi mới cân, đong, đo, đếm lượng hàng vì nếu ở lại sẽ phải trả phí ít nhất 200USD/giờ. Trong khi đó, các cảng khác tạo điều kiện hết mức cho các tàu vì ra ngoài cảng cân, đong, đo, đếm lượng hàng sẽ không an toàn bằng ở trong cảng” - ông Khoa chia sẻ.
Một lý do nữa khiến CICT liên tục lỗ là do cơ cấu vốn vay của dự án chiếm tỉ lệ quá cao - 67,82% (hơn 105 triệu USD) trong tổng mức đầu tư nên chi phí lãi vay là rất lớn. Cụ thể, CICT phải trả lãi vay hơn 4,4 triệu USD năm 2012; gần 9,5 triệu USD cả gốc và lãi vay năm 2013; gần 13,6 triệu USD gốc và lãi năm 2014…
Ông Patrick Avice - Tổng Giám đốc CICT - cho biết ban đầu không nghĩ tình hình khó khăn như vậy, bởi các ngành chức năng đều nói “các cảng bên Hải Phòng đã quá tải và sẽ không mở rộng thêm, nhưng sau đó lại liên tục mở rộng”.
Nhà đầu tư ngoại đề nghị thoái vốn trong nước
Cho đến nay, các khoản trả gốc, lãi suất ngân hàng và các nguồn vốn khác đều trích từ lợi nhuận kinh doanh và vốn do SSA cho CPI vay. Vì thế, số nợ của CPI mỗi ngày một lớn, mà một trong những chủ nợ chính là đối tác trong liên doanh của mình. Được biết, trong hơn 105 triệu USD vốn vay thì có tới hơn 100 triệu USD là vay của các ngân hàng nước ngoài; số còn lại vay từ chính SSA.
Chính sự nợ nần, lỗ triền miên khiến dòng tiền của CICT ngay trong tháng 12 này bị thiếu hụt ít nhất 7,9 triệu USD. Để bù đắp sự thiếu hụt này, CICT cần sự hỗ trợ từ các cổ đông dựa trên tỉ lệ cổ phần tương ứng; theo đó, CPI đóng 4,03 triệu USD, SSA đóng 3,87%.
Tuy nhiên, Vinalines và CPI không có khả năng tiếp tục góp vốn để hỗ trợ sự thiếu hụt vốn này, ngày 3-12-2014, các ngân hàng cho vay đã đồng ý cho CICT dãn trả nợ gốc 4 triệu USD trong khi chờ Chính phủ phê duyệt phương án thoái vốn và chỉ phải trả 2,7 triệu USD tiền lãi vào ngày 15-12-2014.
Để CICT có nguồn tài chính thanh toán kịp thời vào ngày 15-12-2014, SSA đề xuất cung cấp cho CICT một khoản vay không tính lãi để trả lãi cho ngân hàng.
Tuy nhiên, Vinalines không đồng ý với giải pháp này vì không giải quyết được triệt để tình hình tài chính của liên doanh và sẽ hình thành gánh nặng tài chính rất lớn đối với CICT sau này, trong đó có CPI.
Được biết, SSA cũng đã có kiến nghị về việc thoái vốn của CPI và Vinalines trong liên doanh CICT và hiện đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu. Theo CICT, Bộ GTVT đã trình lên Thủ tướng Chính phủ về sự thay đổi trong kế hoạch tái cơ cấu của Vinalines bao gồm đề xuất phê duyệt giảm cổ phần của CPI tại CICT.
Theo CICT, thoái vốn của CPI nhanh trong CICT là biện pháp hữu hiệu hiện nay để tránh việc các ngân hàng cho vay thu hồi và đóng cửa dự án.
Vấn đề, ai sẽ mua số cổ phần CPI tại CICT khi mà số lỗ, số nợ cùng thị trường đang khó khăn trong bối cảnh hiện nay?
Nếu nhà đầu tư trong nước e ngại, để nhà đầu tư nước ngoài mua thì có thể rằng cán cân quyền lực trong liên doanh có thời gian hoạt động 50 năm nay sẽ thay đổi: Quyền chi phối sẽ thuộc về các đối tác nước ngoài khi tỉ lệ cổ phần của họ vượt qua mức 49% hiện nay.
CICT xin được khai thác hàng rời và đề xuất thành lập văn phòng kiểm định chất lượng xe và thiết bị cơ giới tại Cái Lân...
-------------------------