Tại cuộc làm việc với đại diện Uber chiều 22/12, bộ trưởng Đinh La Thăng nói sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh vận tải mà ký hợp đồng với Uber.
Tại buổi làm việc với với ông Jodan Condo (Giám đốc chính sách của Uber tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định sẽ khuyến khích nếu Uber hoạt động đúng pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, khi phía Uber không cung cấp cụ thể về những doanh nghiệp sử dụng Uber, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giao Thanh tra Bộ GTVT thực hiện thanh tra đột xuất, định kỳ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sử dụng Uber.
Ông Thăng nói các doanh nghiệp đã ký và sẽ ký hợp đồng với Uber để kinh doanh vận tải khách mà không đúng luật định sẽ bị xử lý nghiêm.
Nhiều câu hỏi về hoạt động của Uber tại Việt Nam được đặt ra trong cuộc làm việc được nhưng đại diện Uber vẫn không cung cấp danh sách các đơn vị hợp tác sử dụng Uber để kinh doanh vận tải. Phía Uber cho biết chỉ ký hợp đồng với doanh nghiệp vận tải thương mại có giấy phép kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết bản thân ông đã đi thử 10 chuyến xe taxi Uber nhưng tất cả các xe sử dụng Uber đều không thuộc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đáp ứng đúng luật định.
Theo ông Hùng, nếu Uber chỉ có thể bán công nghệ cho doanh nghiệp thuộc 5 loại hình kinh doanh vận tải (taxi, vận tải khách tuyến cố định, xe hợp đồng, buýt, hàng hóa) thì là hoạt động hợp pháp và được ủng hộ.
Còn Uber cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp không thuộc các loại hình trên là tiếp tay cho vi phạm.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giao cho Vụ Vận tải có Công văn gửi cho Uber đề nghị Uber khi ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải theo đúng Nghị định 86/2014/NĐ-CP.
Chỉ cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có xe chở khách đủ phù hiệu, logo, thiết bị giám sát hành trình…
Đồng thời, Vụ Vận tải có công văn gửi các đơn vị kinh doanh vận tải đã và sẽ ký hợp đồng với Uber thì phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật khi cung cấp phương tiện và lái xe theo ứng dụng của Uber.
Ông Thăng cũng giao Thanh tra Bộ GTVT thanh tra đột xuất hoặc định kỳ của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sử dụng dịch vụ của Uber cũng như thanh tra các phương tiện mà Uber sử dụng.
Nếu không đủ điều kiện theo quy định thì cả Uber và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều phải chịu trách nhiệm, phương tiện không được hoạt động...
Ông Thăng cũng đề nghị Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng và các đơn vị liên quan của Bộ GTVT xem xét có cần bổ sung các qui định, văn bản qui phạm pháp luật để đảm bảo quản lý nhà nước hiệu quả trong lĩnh vực vận tải hay không.
Vụ Vận tải sớm hoàn thiện báo cáo Chính phủ và trả lời đối với các Hiệp hội taxi về hoạt động của Uber.
Ðó là tử tù Nguyễn Văn Chưởng (31 tuổi, quê Hải Dương) đang chờ thi hành án tử hình tại trại tạm giam Trần Phú, TP Hải Phòng.
8 năm kể từ khi xảy ra vụ án mạng, tử tù Nguyễn Văn Chưởng và gia đình vẫn đang có nhiều đơn kêu oan đề nghị các cấp xem xét lại bản án.
Một số tình tiết chưa được làm rõ
Theo bản án sơ thẩm ngày 12/6/2008 của TAND TP Hải Phòng, ngày 14/7/2007 Vũ Toàn Trung và Ðỗ Văn Hoàng đi xe máy đến quán cà phê của Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng để vay tiền mua heroin.
Chưởng hẹn với Trung và Hoàng buổi tối quay lại để cùng nhau đi cướp. 8h cùng ngày, cả 3 chuẩn bị dao, kiếm đi theo hướng cảng nước sâu Ðình Vũ (Hải An, Hải Phòng).
Trên đường đi, cả nhóm gặp anh Nguyễn Văn Sinh là cán bộ Công an phường Ðông Hải. Khi anh Sinh dừng xe nghe điện thoại, Chưởng và đồng bọn dùng dao chém nhiều nhát làm anh Sinh tử vong.
Xét xử sơ thẩm, TAND TP Hải Phòng tuyên phạt Chưởng án tử hình tội Giết người, 4 năm tù về tội Cướp tài sản.
Ðỗ Văn Hoàng tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tù về tội Cướp tài sản. Vũ Toàn Trung 20 năm tù về tội Giết người, 3 năm tù về tội Cướp tài sản.
Nguyễn Thị Lan Phương 12 tháng tù treo về tội Không tố giác tội phạm. Em trai của Chưởng là Nguyễn Trọng Ðoàn (27 tuổi) cũng phải lãnh 2 năm tù về tội Che giấu tội phạm.
Sau phiên tòa cả Chưởng, Hoàng và Ðoàn đều kháng cáo. Tại hai phiên tòa, cả 3 bị cáo đều kêu oan, không nhận tội. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo, y án sơ thẩm.
Năm 2011, viện trưởng VKSND tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm.
Quyết định kháng nghị nêu rõ vụ án có một số vấn đề cần phải làm rõ, đề nghị xem xét về phần hình phạt theo hướng giảm nhẹ cho Nguyễn Văn Chưởng từ tử hình xuống chung thân.
Tuy nhiên tháng 12/2011, TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, không chấp nhận kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao, giữ nguyên án phúc thẩm.
Lời kêu oan trải dài 8 năm
8 năm qua, tử tù Nguyễn Văn Chưởng, bố mẹ Chưởng là ông Nguyễn Trường Chinh, bà Nguyễn Thị Bích và một số luật sư có rất nhiều đơn kêu oan gửi các cấp đề nghị xem xét lại bản án.
Thời gian gần đây, biết con sắp bị thi hành án, vợ chồng ông Chinh càng thêm lo lắng. Ông Chinh phải cầm cố nhà cửa và lang thang ở Hà Nội nhiều tháng nay kêu oan cho con.
Luật sư Hoàng Văn Quánh (Ðoàn luật sư Hà Nội), người bảo vệ cho Nguyễn Văn Chưởng ở phiên phúc thẩm, cho biết tại tòa cả hai anh em Chưởng khai bị đánh đập nên phải nhận tội. Các bản cung phía dưới chữ ký Chưởng đều viết chữ “EC” (tức bị ép cung).
Hồ sơ vụ án có một số tài liệu bị mất, biên bản xác định thương tích trên người bị cáo Chưởng khi anh ta về trại tạm giam Trần Phú do giám thị trại giam lập, có y sĩ trại giam chứng kiến nhưng không có trong hồ sơ.
Khi bị bắt, Chưởng bị tịch thu điện thoại. Bị cáo và luật sư đề nghị cơ quan điều tra khôi phục cuộc gọi và xác định xem Chưởng có mặt tại Hải Phòng vào tối 14/7 hay không nhưng yêu cầu này cũng không được thực hiện.
Ðôi dép, khẩu trang màu xanh và thanh đoản kiếm thu giữ tại hiện trường thì cơ quan điều tra không làm rõ của ai. Quần dài và áo lót của nạn nhân là tang vật thu giữ, sau đó bị hủy mà không hiểu vì lý do gì.
Quá trình tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra, các luật sư bị Công an TP Hải Phòng gây khó dễ, kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận bào chữa, không cho tiếp xúc với bị can. Họ phải gửi đơn kiến nghị đến Bộ Công an, VKSND tối cao và Phó thủ tướng Chính phủ.
"Bài bào chữa của tôi dành cho Chưởng dài 23 trang với gần 20 vấn đề đặt ra đề nghị tòa và viện xem xét không được chấp nhận. Tôi cho rằng việc kết tội Chưởng giết người là chưa có cơ sở", luật sư Quánh nhấn mạnh.
Bị án có chứng cứ ngoại phạm?
Theo cáo trạng và các bản án thì sau khi gây án, sáng 15/7, Chưởng từ Hải Phòng về Hải Dương, tuy nhiên nhiều nhân chứng lại nói Chưởng có mặt tại Hải Dương vào đêm 14/7.
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Trọng Ðoàn (em trai Chưởng, chấp hành xong hình phạt tù) tại xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Ðoàn cho biết năm 2007, hai anh em đi làm tại Hải Phòng, cứ cuối tuần lại đi xe máy về quê thăm bố mẹ. Theo anh Ðoàn, chiều 14/7, anh từ Hải Phòng về quê trước. Chưởng và bạn là Trịnh Xuân Trường về sau.
Khoảng 7h ngày 14/7, Ðoàn ra quán Internet và đợi Chưởng về để lấy xe máy đi chơi. Sau khi Chưởng về thì ghé quán đưa xe cho em trai, về nhà ăn cơm với bố mẹ, ra nhà văn hóa xem văn nghệ, rồi đến một số nhà bạn bè chơi.
Khi anh trai bị bắt, Ðoàn đi xin xác nhận của những người làm chứng để nộp cho công an thì bị bắt luôn. Sau khi Ðoàn bị bắt, tất cả các nhân chứng này đều thay đổi lời khai, nói rằng có gặp Chưởng tại Hải Dương nhưng không nhớ rõ có phải đêm 14/7 hay không.
Trong số các nhân chứng có anh Trần Quang Tuất (32 tuổi). Lời khai của anh Tuất ở cơ quan điều tra thể hiện không nhớ rõ đêm Chưởng về quê.
Sau đó anh Tuất có đơn xác nhận lại và tại tòa sơ thẩm, anh đều khai rõ: đêm 14/7, Chưởng ghé nhà anh chơi.
Khi bị triệu tập đến cơ quan điều tra, anh bị đánh đập nên mới phải khai không nhớ rõ ngày. Sau đó về suy nghĩ lại thấy áy náy, anh và vợ làm đơn khẳng định tối 14/7 có gặp Chưởng tại Hải Dương.
Anh Trịnh Xuân Trường (28 tuổi) cũng có đơn xác nhận nêu rõ tối 14/7, anh cùng Chưởng về Hải Dương chơi và đến nhà một số bạn bè. Nhưng khi được triệu tập lên Công an TP Hải Phòng, bị nhục hình anh phải xác nhận theo công an là sáng 15/7 mới cùng Chưởng về quê.
Cần xem xét lại
Ông Lê Đình Khanh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho biết: “Tôi đọc qua hồ sơ vụ án và thấy còn có nhiều vấn đề. Vụ án có năm bị cáo thì ba bị cáo kêu oan.
Tôi cũng phân vân, đây là vụ giết thiếu tá công an phường, liệu Công an TP Hải Phòng có vì điều đó mà làm không khách quan hay không?
Mọi việc phải được xem xét cẩn trọng. Tôi xem lại vụ việc và sẽ báo cáo lên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Có thể đưa vụ án này vào những vụ án cần thiết phải xem xét, rà soát lại”.
Được biết, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được hồ sơ do gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng và các luật sư gửi đến.
Theo ông Lê Đình Khanh, trong cuộc họp sáng 23/12 tại Hà Nội, ông sẽ báo cáo vụ việc cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
------------------------
Triệt phá đường dây tiêu thụ gần một tỷ đồng tiền giả
Để tránh bị phát hiện, nhóm này thường chọn lúc sáng sớm hoặc chiều tối đến các chợ, tiệm tạp hóa trên địa bàn Đồng Nai để mua hàng hóa.
Ngày 22/12, cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai cho biết vừa chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp truy tố 9 bị can trong đường dây tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả với số lượng lớn.
Trước đó, ngày 11/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang Phan Thị Nẩy (34 tuổi, quê Bắc Ninh) đang vận chuyển hơn 300 triệu đồng tiền giả loại giấy bạc mệnh giá 200.000 đồng từ Bắc Ninh vào Đồng Nai tiêu thụ.
Mở rộng điều tra, công an bắt giữ 8 nghi can trong đường dây lưu hành tiền giả trong đó có Đặng Thị Lan (quốc tịch Trung Quốc).
Theo kết quả điều tra, Lan sinh sống tại Trung Quốc nhưng thường xuyên về Việt Nam để vận chuyển tiền giả qua biên giới. Cuối năm 2013 đến giữa năm 2014, Lan đã 8 lần mua gần 960 triệu đồng tiền Việt Nam giả với mệnh giá 100.000 và 200.000 đồng của một đầu mối Quảng Tây (Trung Quốc). Sau đó bán lại cho 3 người khác, số tiền giả này tiếp tục được bán cho những người khác để hưởng chênh lệch.
Sau khi mua đước số tiền trên, Nguyễn Minh Luân (quê Cà Mau) bán lại tiền giả cho Đinh Xuân Mạnh (quê Nghệ An).
Để tránh bị phát hiện nhóm này thường chọn lúc sáng sớm hoặc chiều tối đến các chợ, tiệm tạp hóa trên địa bàn Đồng Nai để mua hàng hóa có giá trị vài chục ngàn đồng rồi trả tiền giả để được thối lại tiền thật.
Ngoài địa bàn Đồng Nai, tiền giả còn tiêu thụ ở nhiều tỉnh khác. Cơ quan điều tra đã tạm giữ gần 360 triệu đồng tiền giả và nhiều tang vật liên quan.
-----------------------
TGĐ công ty sản xuất hàng triệu đĩa sex mỗi tháng bị bắt
Ông Heng Lian Choo (quốc tịch Singapore, TGĐ Công ty TNHH Huge Gain Holdings Vietnam) bị khởi tố, bắt giam về hành vi sản xuất hàng cấm và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Ngày 22/12, Cơ quan điều tra Công an Hải Phòng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Heng Lian Choo (quốc tịch Singapore, tổng giám đốc Công ty TNHH Huge Gain Holdings Vietnam) để điều tra về hành vi Sản xuất hàng cấm và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam Phó tổng giám đốc Huang Sheng Ping (quốc tịch Trung Quốc), Xu Quan Sheng (quốc tịch Trung Quốc, tổ trưởng sản xuất, quản lý công nhân) cùng 2 nhân viên Vũ Thị Hằng (32 tuổi) và Phạm Thị Lãm (34 tuổi).
Sau thời gian theo dõi, thu thập chứng cứ, cơ quan công an kiểm tra trụ sở công ty tại Khu công nghiệp Đồ Sơn (Hải Phòng) và phát hiện tại công ty này có 5 máy ghi đĩa DVD cùng nhiều thùng đĩa đang được in sao và đóng gói.
Trong các kho xưởng của công ty có 38 nhân viên đang làm việc, trong đó có 7 người nước ngoài (1 người Singapore, 2 người Indonesia, 4 người Trung Quốc) và 31 người Việt Nam.
Kết quả giám định của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hải Phòng xác định nội dung của hàng triệu đĩa thu được tại công ty có nội dung đồi trụy.
Theo kết quả điều tra ban đầu, trung bình mỗi tháng công ty sản xuất và tiêu thụ khoảng 7-9 triệu băng đĩa lậu ở Việt Nam và nhiều nước khác.
------------------------