Bộ GD & ĐT ‘nhầm lẫn’ trong hướng dẫn chứng chỉ miễn thi ngoại ngữ
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT có công văn quy định chứng chỉ và đối tượng được miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 thì nhiều trường ĐH cho biết, Bộ đã hướng dẫn sai thông tin đơn vị cấp chứng chỉ IELTS.
Trong công văn Bộ quy định: Trong kỳ thi năm 2015 sẽ thực hiện miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh có nguyện vọng và đáp ứng một trong các điều kiện: có một trong các chứng chỉ còn giá trị sử dụng tính đến ngày tổ chức kỳ thi (ngày 9/6/2015).
Theo đó, có 3 chứng chỉ TOEFL, TOEIC và IELTS đều phải do đơn vị cấp chứng chỉ là ETS (Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ). Tuy nhiên, trên thực tế ETS không hề cấp chứng chỉ IELTS. Trước thông tin trên, Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT đã xác nhận về sự nhầm lẫn trên. Bộ đang sửa và có hướng dẫn kèm theo cho các nhà trường.
Được biết, IELTS chỉ do Hội đồng Anh (British Council) và IDP Education cung cấp. Còn ETS chỉ cung cấp hệ thống bài thi ngoại ngữ TOEIC, TOEFL, hoàn toàn không cung cấp bài thi IELTS
-------------------------
TP.Hồ Chí Minh: Gần 4.000 công nhân ngừng việc yêu cầu Cty tăng lương
Liên tục nhiều ngày qua, công nhân 3 xưởng sản xuất của Cty TNHH Vina Duke (2 xưởng ở TP.HCM, 1 xưởng ở Tiền Giang) ngừng việc vì bức xúc với cách tính lương và quản lý hà khắc của Cty, với tổng số CN tham gia gần 4.000 người. Tính đến ngày 21.10, vụ ngừng việc của Cty Vina Duke đã kéo dài 7 ngày nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Tại xưởng sản xuất của Cty tại Hóc Môn (nơi có gần 700 công nhân), các công nhân cho biết, từ tháng 9.2014, Cty đột ngột giảm đơn giá mỗi sản phẩm xuống 200 đồng nhưng không giải thích lý do. Trong khi đó, tiền lương cơ bản, phụ cấp lại không tăng khiến thu nhập của công nhân bị giảm. Các công nhân cho biết thêm, Cty có những quy định khắt khe, Cty rất dễ bị phạt, dễ bị trừ tiền như, mỗi tháng công nhân chỉ có 150 phút đi vệ sinh, bữa ăn có 12.000 đồng trong khi giá cả thì tăng liên tục…
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây, Cty có trụ sở chính ở Hóc Môn nhưng sau đó đã chuyển lên huyện Củ Chi (Hiện tại xưởng trên huyện Củ Chi có hơn 3.000 công nhân). Mặc dù đã chuyển trụ sở nhưng Công đoàn cơ sở Cty vẫn trực thuộc Công đoàn huyện Hóc Môn, khi xảy ra sự việc Công đoàn huyện Hóc Môn phải lên trụ sở ở huyện Củ Chi giải quyết.
Đáng nói, khi sự việc xảy ra, các công nhân tại xưởng sản xuất ở huyện Hóc Môn cho biết, không có ai tiếp xúc để lắng nghe công nhân, chỉ có dán thông báo “Đề nghị công nhân vào làm việc, những ngày công nhân ngừng việc Cty không tính lương, các khoản phụ cấp như chuyên cần, phụ cấp lương…đều bị trừ”. Đến sáng 21.10, phía Cty đã cho người xuống tiếp xúc lấy ý kiến công nhân.
Phía LĐLĐ huyện Hóc Môn cho biết, trước bức xúc của công nhân, giám đốc Cty cho biết sẽ điều chỉnh lại tiền cơm, xây mới nhà vệ sinh cho công nhân. Đối với yêu cầu tăng lương của công nhân, phía Cty cho biết, tình hình sản xuất đang khó khăn nên chưa tăng được, Cty sẽ đợi đến kỳ tăng lương của Nhà nước sẽ tăng.
-------------------------
Hà Nội công bố quy hoạch 3 thị trấn ven đô
UBND thành phố Hà Nội đã có các quyết định công bố quy hoạch chung 3 thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì; thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa và thị trấn Nỉ, huyện Sóc Sơn có tỉ lệ 1/5.000.
Về định hướng, quy hoạch chung thị trấn Tây Đằng trở thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá, du lịch của huyện Ba Vì, là cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô theo hướng đô thị sinh thái và phát triển bền vững. Trọng tâm là phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và lợi thế về giao thông đường thuỷ, đường bộ, đặc biệt là phát triển du lịch...
Về định hướng quy hoạch, phía Tây Bắc thị trấn Vân Đình, trên cơ sở khu công nghiệp Vân Đình quy mô 60ha đang hình thành phát triển dọc quốc lộ 21B, Khu trung tâm dịch vụ thương mại và nhà ở Vân Đình quy mô 40ha đã được phê duyệt quy hoạch, kênh Tân Phương đang được cải tạo mở rộng, Dự án bảo tồn chuôm Vân Đình... là động lực chính phát triển không gian đô thị của thị trấn Vân Đình trong tương lai...
Về quy hoạch chung, thị trấn Nỉ nằm trên địa phận hai xã Trung Giã và Hồng Kỳ, cửa ngõ phía Bắc huyện Sóc Sơn, tỷ lệ 1/5000 nhằm hướng đến mục tiêu hình thành thị trấn mới đóng vai trò trước mắt là trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội tại vùng nông thôn phía Bắc huyện Sóc Sơn và dự kiến về lâu dài, khi đô thị Sóc Sơn được nâng cấp thành thành phố vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, thì thị trấn Nỉ có thể phát triển thành trung tâm của vùng huyện Sóc Sơn
-------------------------
Đấu tranh trên biển sẽ dài lâu
Ngày 21-10, phát biểu trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên - nhận định Việt Nam đã xử lý tốt vấn đề biển Đông bằng sự kết hợp hài hòa giữa quân và dân.
Điển hình là nhiều ngư dân đã kiên quyết bám biển, dù bị thương vẫn tiếp tục ra khơi. Cùng với đó, nước ta đã xử lý tốt trên mặt trận ngoại giao vì nếu chỉ một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến xung đột quân sự rất lớn.
Về các đối sách trong thời gian tới, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: “Mặc dù Trung Quốc đã rút giàn khoan nhưng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm biển Đông là không đổi. Chỉ có điều cuộc đấu tranh này sẽ chuyển sang giai đoạn khác, thậm chí quyết liệt hơn, phức tạp hơn. Điều đó buộc chúng ta phải chuẩn bị thật tốt về mọi mặt; kể cả vấn đề pháp lý, ngoại giao, an ninh quốc phòng và kinh tế”.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đánh giá công tác đối ngoại rất quan trọng. Đó là thế mạnh của nước ta khi có quan hệ với nhiều nước, đấu tranh mềm dẻo trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền, không liên kết với ai để chống lại các nước khác. Song trong tình hình hiện nay, thực hiện được việc đó rất khó. Từ sau khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất quyết liệt, trong khi Việt Nam có vị trí địa chính trị rất quan trọng.
“Lúc này, ta phải giữ vững đường lối đối ngoại, độc lập tự chủ để tăng cường đoàn kết hữu nghị; trước hết là với các nước láng giếng như Lào, Campuchia, Trung Quốc...” - Thứ trưởng Quốc phòng khẳng định.
Đánh giá về cuộc đấu tranh trên biển, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nhận định: “Sẽ còn lâu dài, với phương châm quyết liệt nên phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, mềm dẻo. Bên cạnh đó phải chuẩn bị điều kiện thật tốt để nếu có xung đột quân sự thì sẵn sàng chủ động”.
Tổng Tham mưu trưởng đề nghị các địa phương tích cực hơn nữa trong xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc, trang bị vũ khí cho quân đội để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong tình huống xấu nhất.
“Chúng ta không thể lơ là mất cảnh giác. Nếu không muốn chiến tranh thì phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh. Công tác chuẩn bị là một yếu tố để người ta tính đến khi muốn tấn công mình” - Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ quả quyết.
-------------------------
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp nguyên Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak
Ngày 21/10, tại Nhà khách Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp nguyên Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam. Hoan nghênh chuyến thăm, làm việc của nguyên Tổng thống Lee Myung-bak, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng về sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, nhất là kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2009.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt coi trọng, mong muốn cùng với Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực một cách sâu rộng, bền vững, thiết thực, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước và hai dân tộc; trong đó trọng tâm là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch; hợp tác về chính trị - ngoại giao; quốc phòng - an ninh; hợp tác về lao động, văn hóa, giao lưu nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng với sự nỗ lực của hai bên, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ sớm hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) vào cuối năm 2014. Thủ tướng cũng đánh giá cao ông Lee Myung-bak khi còn trên cương vị Tổng thống đã có những đóng góp quan trọng cho quan hệ hai nước và mong muốn nguyên Tổng thống Lee Myung-bak tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.
Vui mừng được trở lại thăm Việt Nam, nguyên Tổng thống Lee Myung-bak cho rằng những năm qua, quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam đã đem lại sự phát triển cho cả hai nước. Ông cho rằng mối quan hệ Hàn - Việt là mối quan hệ điển hình hướng đến tương lai bởi 2 nước không chỉ dừng lại ở mối quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại mà còn thiết lập được sự đồng cảm, gần gũi trên cơ sở quan hệ văn hóa, giao lưu nhân dân. Nguyên Tổng thống tin tưởng vào tương lai phát triển của Việt Nam và cho rằng Hàn Quốc đã đúng khi có Việt Nam là đối tác.
Nguyên Tổng thống cho biết cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam và hàng loạt doanh nghiệp chuyên về sản xuất các sản phẩm công nghệ cao đi cùng đoàn lần này tới Việt Nam là một minh chứng.
Nguyên Tổng thống Lee Myung-bak mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam; đồng thời hy vọng FTA - một Hiệp định mà ông và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khởi động đàm phán - sẽ sớm được ký kết, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước
-------------------------