Cần trên 250 triệu USD để tẩy độc dioxin
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy khối lượng đất, trầm tích bị nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) lớn gấp nhiều lần ước tính trước đó
Ngày 21-10, tại Đồng Nai, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng Ban Chỉ đạo 33) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa - những việc cần làm”.
Trên 250.000 m3 đất bị ô nhiễm
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo 33, trong chiến tranh tại Việt Nam (từ tháng 12-1969 đến tháng 3-1970), ở sân bay Biên Hòa đã để xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa. Trong đó, 2 vụ tràn chất trắng với khối lượng 2.500 lít; 2 vụ tràn chất da cam với khối lượng 25.000 lít. Các chuyên gia ước tính tại đây có khoảng trên 75.000 m3 đất bị ô nhiễm. Thế nhưng, kết quả khảo sát mới đây nhất cho thấy khối lượng đất, trầm tích nhiễm chất độc hóa học ở đây có thể lớn hơn 250.000 m3, trong điều kiện có kinh phí cũng phải mất hơn 5 năm mới xử lý hết ô nhiễm.
Cũng theo Ban Chỉ đạo 33, từ khi lượng lớn chất trắng và chất da cam từ các bể chứa bị tràn ra ngoài đến một thời gian dài sau đó, nồng độ dioxin trung bình tại sân bay Biên Hòa được xác định là khoảng hơn 35.000 ppt; nồng độ dioxin trong máu của những người thường xuyên tiếp cận với “điểm nóng” này, đặc biệt là những người đánh bắt cá trong sân bay Biên Hòa là 2.000 ppt, trong khi tỉ lệ cho phép của WHO là 10 ppt. Đây là những yếu tố để xác định sân bay Biên Hòa bị ô nhiễm dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới.
“Khoảng 250.000 m3 đất tại TP Biên Hòa bị ô nhiễm dioxin với nồng độ từ 1.000 ppt đến hơn 1 triệu ppt” - ông Lê Kế Sơn, Giám đốc Ban Chỉ đạo 33, nói.
Khó và lâu dài
Theo đại diện Bộ Quốc phòng, những năm qua, với nguồn kinh phí khoảng 73 tỉ đồng, bộ đã xử lý gần 100.000 m3 đất trên diện tích 4,3 ha bằng phương pháp chôn lấp cô lập, cách ly hoàn toàn đất nhiễm với môi trường bên ngoài, ngăn không cho dioxin phát tán vào môi trường.
Ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc UNDP, cũng cho biết từ năm 2009, UNDP đã tăng cường hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam nhằm xử lý ô nhiễm dioxin ở các điểm nóng. Tại TP Biên Hòa, UNDP đã tiến hành đánh giá ô nhiễm dioxin ở các khu vực trong sân bay để xác định quy mô và phạm vi của ô nhiễm, đồng thời thử nghiệm 3 công nghệ xử lý dioxin tiềm năng trong phòng thí nghiệm cũng như trên thực tế, hoàn thành các biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn sự lây lan của dioxin đến các vùng xung quanh.
Tuy nhiên, ông Lê Kế Sơn lưu ý trong khi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng công nghệ sinh học, hóa học để xử lý dioxin thì ở Việt Nam, do mức độ ô nhiễm quá nặng, diện tích ô nhiễm lớn và thời tiết khắc nghiệt nên những công nghệ này khi đem thực hiện đều không mang lại thành công như mong muốn.
“Với khối lượng đất, trầm tích được ước tính bị ô nhiễm, chúng ta phải cần đến khoản kinh phí trên 250 triệu USD mới có thể xử lý trong thời gian nhiều năm” - ông Sơn khẳng định.
-------------------------
Ba máy bay ra Trường Sa cứu một ngư dân
Chiều 21-10 Quân chủng Phòng không Không quân đã điều máy bay trực thăng từ Tân Sơn Nhất ra đảo Trường Sa lớn để đưa một ngư dân bị áp xe hàm về bờ cứu chữa.
Trước đó, lúc 14g45 ngày 19-10, Quân y đảo Trường Sa lớn tiếp nhận ngư dân Lê Quang Minh, 20 tuổi của tàu cá BĐ 96574 TS (Bình Định) và chuẩn đoán ngư dân này bị áp xe hàm nên đã tổ chức phẫu thuật.
Nhưng đến ngày 21-10, tình trạng bệnh nhân diễn biến phức tạp, nguy cơ tử vong cao.
Theo đề nghị của Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân sử dụng 3 máy bay (1 Mi 171 chở bệnh nhân, 2 An 26 bay chuyển tiếp chỉ huy) của Sư đoàn 370 cùng một kíp y bác sỹ bệnh viện Quân y 175 đi cấp cứu bệnh nhân.
Các máy bay cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 14g15 và máy bay trực thăng đến đảo Trường Sa lớn lúc 17g30. Dự kiến sáng 22-10, bệnh nhân tới Bệnh viện Quân y 175.
-------------------------
Xe cứu thương chạy ẩu tông vào xe máy, một người nguy kịch
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 21 giờ ngày 21.10, tại khu vực đầu đường Cầu Dậu (huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Nhiều nhân chứng có mặt ở hiện trường cho biết, thời điểm kể trên, chiếc xe cứu thương biển kiểm soát 30A - 03303 di chuyển theo hướng Nguyễn Xiển - Cầu Dậu, tới đoạn qua số 1 đường Cầu Dậu thì bất ngờ chạy lấn đường tông trực diện xe máy đi chiều ngược lại.
Do cú va chạm mạnh khiến nạn nhân ngã ra đường và bị thương nặng. Tại hiện trường, chiếc xe máy dừng sát khu vực vỉa hè, bị hư hỏng nặng. Sau khi xảy ra tai nạn, nạn nhân được lái xe cứu thương gây tai nạn đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Theo quan sát, trên thân xe cứu thương có đề số đường dây nóng 18001117. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, không có bệnh nhân trên xe. Người dân chứng kiến vụ tai nạn tỏ ra bức xúc khi thấy chiếc xe cứu thương chạy ẩu.
Liên hệ tới số điện thoại ghi trên thân xe, nhân viên trực tổng đài đã từ chối cung cấp thông tin khi yêu cầu xác minh xe cấp cứu kể trên.
-------------------------
Tàu phải dừng khẩn cấp vì người nằm giữa đường ray
Chiều 21-10, đoàn tàu SE7 chạy từ Hà Nội vào TP.HCM phải dừng lại khi còn cách ga Sài Gòn gần 1km vì một người đàn ông nằm giữa đường ray (đoạn qua cầu Bà Xếp, P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).
Theo chị Phan Thị Thế - nhân viên gác chắn trạm bắc cầu Bà Xếp (Km1725 + 521), chị thấy người đàn ông (khoảng 40 tuổi) đi qua đi lại giữa đường ray ngay trên cầu Bà Xếp từ lúc 14g cùng ngày.
Có ba người tới cản ngăn nhưng người này cầm hai cây tre đâm liên tục nên không kéo vào được.
“Tôi biết đến 16g sẽ có một chuyến tàu qua đây nên luôn canh chừng ông này có đi ra khỏi đường ray chưa. Khi tàu sắp đến nhưng người đàn ông này lại cởi trần và nằm gác đầu lên đường ray. Tôi vội chạy ra cách trạm hơn 20m ra dấu hiệu báo tàu ngừng lại. Tôi thật sự rất mừng vì khi tàu dừng lại thì chỉ cách ông này 5m” - chị Thế kể lại.
Ngay sau đó, nhân viên trên tàu xuống đưa người đàn ông ra khỏi đường ray để tàu tiếp tục hành trình về ga Sài Gòn.
Vì phải chắn đường ngang lại nên giao thông qua đường Hoàng Sa (Q.3) và đường Trường Sa (Q.Phú Nhuận) kẹt cứng gần một giờ.
-------------------------
Hai vụ cháy lớn đêm 18/10 ở Hà Nội thiệt hại gần 140 tỷ
Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết 2 vụ cháy xảy ra vào 18/10 gây thiệt hại lên đến gần 140 tỷ đồng, tuy nhiên may mắn không thiệt hại về người.
Chiều 21/10, tại cuộc báo hàng tuần do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức,
Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc PCCC Hà Nội - cho biết từ đầu năm đến hết tháng 9/2014, trên địa bàn xảy ra 126 vụ cháy nổ làm 8 người chết, 14 bị thương, gây thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy do điện và có liên quan tới điện chiếm khoảng 43%.
Đối với 2 vụ cháy vào tối 18/10, Đại tá Sơn cho biết hiện chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân. Tuy nhiên, thiệt hại về của là gần 140 tỷ đồng, rất may không có thiệt hại về người.
Vụ cháy tại khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh) diễn ra trên tổng diện tích 13.000 m2, ước tính thiệt hại 130 tỷ đồng. Với vụ cháy này, lực lượng PCCC Hà Nội đã huy động 17 xe nước, có sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Thủ đô với 4 xe chữa cháy, 30 xe nước của công ty Môi trường đô thị, trong 3 giờ mới cơ bản dập tắt đám cháy.
Còn vụ hoả hoạn tại đường Dương Đình Nghệ cháy trên diện tích 3.000 m2, lực lượng PCCC huy động 18 xe chữa cháy và 2 máy xúc, máy ủi và chữa cháy trong vòng 3 giờ.
Qua 2 vụ cháy tối 18/10, Đại tá Sơn tiết lộ hiện nay nguồn nước chữa cháy tại chỗ quá ít, trụ nước cũng không đạt công suất tiêu chuẩn.
“Với vụ cháy tại khu công nghiệp Quang Minh, nếu có hồ khoảng 1.000 m3 nước tại chỗ thì mới giúp công tác chữa cháy hiệu quả”, đại tá Sơn nói và cho biết hiện nay TP.Hà Nội thiếu tới 6.000 trụ nước cứu hỏa theo đúng tiêu chuẩn.
Cũng tại buổi họp báo, vấn đề chữa cháy cho nhà cao tầng được nhiều phóng viên quan tâm với hàng loạt câu hỏi: "Chữa cháy cho nhà cao tầng như thế nào? Thiếu nước thì giải quyết ra sao?"
Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết không phải tòa nhà cao tới đâu thì thang chữa cháy phải cao tới đó. Tại Việt Nam hiện nay thang chữa cháy cao nhất là 72 m, nhưng tòa nhà cao nhất lại hơn 300 m.
"Công tác PCCC tại các tòa nhà cao tầng trước tiên thuộc về trách nhiệm của ban quản lý tòa nhà, khu dân cư và của chính từng hộ dân, cá nhân. Còn xe thang phục vụ cho việc chữa cháy và công tác cứu hộ, cứu nạn", đại tá Sơn nói.
Ông Sơn khẳng định công tác chữa cháy phải từ trong ra ngoài, đặc biệt tại các chung cư người dân phải tích cực phòng cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đại diện PCCC Hà Nội cũng nêu thực trạng hiện nay việc đầu tư cho công tác PCCC rất tốn kém, vì thế nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc dẫn tới tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
---------------------------