Âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc không thay đổi
“Hiện nay, dù Trung Quốc đã rút giàn khoan nhưng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm biển Đông là không thay đổi”, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội ngày 21.10.
Ông Tỵ nói: “Chính phủ đã có điều hành quyết liệt để đối phó với những biến động của tình hình biển Đông tác động đến đời sống KT-XH, vì thế chúng ta đã xử lý tốt vấn đề biển Đông bằng sự kết hợp hài hòa giữa quân và dân”. Theo thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, điều đáng mừng là nhiều ngư dân đã kiên quyết bám biển, thậm chí, có nhiều người bị thương vẫn tiếp tục đòi ra tuyến đầu.
“Không những thế, trên mặt trận ngoại giao chúng ta cũng đã xử lý tốt vì nếu chỉ một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến xung đột quân sự rất lớn. Theo tôi, Đảng và Chính phủ chỉ đạo rất tốt, kết hợp với dư luận quốc tế đã giải quyết ổn thỏa tình hình”, Thứ trưởng Đỗ Bá Tỵ nói.
Cũng theo Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam: “Dù Trung Quốc đã rút giàn khoan nhưng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm biển Đông của họ là không thay đổi”. Theo ông, chỉ có điều cuộc đấu tranh này sẽ chuyển sang giai đoạn khác, thậm chí quyết liệt hơn, phức tạp hơn. “Điều này buộc chúng ta phải có những chuẩn bị trước về mọi mặt thật tốt, kể cả vấn đề pháp lý, ngoại giao, an ninh quốc phòng và kinh tế”, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Đỗ Bá Tỵ, công tác đối ngoại rất quan trọng, nhiều khi chiến tranh hay hòa bình xuất phát từ công tác đối ngoại. Ông nói: “Ta cũng có thế mạnh về công tác này, có quan hệ với nhiều nước, đấu tranh mềm dẻo trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền, không liên kết với ai để chống lại các nước khác. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, thực hiện được việc đó là rất khó chứ không phải đơn giản: Từ sau khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn với nhau rất quyết liệt trong khi Việt Nam có một vị trí địa chính trị rất quan trọng, các nước ai cũng phải để ý đến. Cho nên lúc này ta phải giữ vững đường lối đối ngoại, độc lập tự chủ để tăng cường đoàn kết hữu nghị, trước hết là với các nước láng giếng như Lào, Campuchia, Trung Quốc…”.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đưa ra nhận định: “Việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông sẽ còn lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai nữa với phương châm: quyết liệt nên phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, mềm dẻo. Bên cạnh đó phải chuẩn bị điều kiện thật tốt để nếu có xung đột quân sự thì sẵn sàng chủ động”. Ông đề nghị các địa phương cũng cần tích cực hơn nữa trong việc xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc, trang bị vũ khí cho quân đội để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong tình huống xấu nhất. “Chúng ta không thể lơ là mất cảnh giác. Các cụ của ta cũng đã nói rồi: Nếu không muốn chiến tranh thì chúng ta phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh. Công tác chuẩn bị sẽ là một yếu tố để người ta tính đến khi muốn tấn công mình”, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nói.
-------------------------
Nợ công khiến dự án sân bay Long Thành bất lợi
Trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa nhận việc trình chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành ra Quốc hội thời điểm này là bất lợi.
“Mặc dù nhiều đại biểu chia sẻ việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết, song ý kiến chung của Quốc hội là quyết định ở thời điểm này chưa phù hợp. Rõ ràng đưa dự án Long Thành ra là không có lợi vì Quốc hội đang bàn nhiều về nợ công. Theo báo cáo cáo của Chính phủ, nợ vẫn trong tầm kiểm soát, song đang có chiều hướng tăng nhanh” - ông Thăng nói.
Theo bộ trưởng Thăng, sau khi có ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ tiếp thu và báo cáo lại một lần nữa để Bộ Chính trị cho ý kiến.
Trả lời câu hỏi: “Việc xây dựng Sân bay Long Thành đang trong quá trình nghiên cứu. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng trình dự án gấp giống như việc đặt Quốc hội vào thế phải làm. Ông bình luận ra sao?”, ông Thăng đáp: “Chính phủ mong muốn được Quốc hội thông qua chủ trương, sau đó sẽ tiếp tục làm các bước tiếp theo, chứ không nói nhất nhất phải làm".
"Trong báo cáo, chúng tôi nói có cả thuận lợi và khó khăn. Nhưng do lâu nay ta nói nhiều quá về thuận lợi, trong khi thực tế triển khai không hề đơn giản. Vốn, năng lực cạnh tranh, giải phóng mặt bằng... đều khó. Nhưng ta phải đặt chúng lên bàn để giải quyết. Không có dự án nào chỉ toàn thuận lợi. Với những công trình lớn như thế này càng cần phải thận trọng”, ông Thăng cho biết.
-------------------------
Điều chỉnh chính sách để giảm tác động rủi ro về kinh tế
Đó là nội dung trao đổi của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải với Thanh Niên bên hành lang QH hôm 21/10.
Thưa Phó thủ tướng, nhiều ĐBQH và chuyên gia kinh tế đề nghị Chính phủ cần có những điều chỉnh trong quan hệ kinh tế với TQ để giảm rủi ro một khi quan hệ hai bên có những chặng căng thẳng. Xin Phó thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Trong mối quan hệ hiện nay, TQ đang thực thi chính sách nước lớn, bất chấp luật pháp quốc tế. VN cũng chỉ yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế thôi chứ cũng không yêu cầu gì ghê gớm. Chính vì thế có những rủi ro nhất định về thị trường nên các DN, nhà đầu tư cũng phải tính toán. Bình thường, trong một thị trường có độ rủi ro như nhau thì thị trường nào có sự cạnh tranh hơn thì họ tham gia. Trong cơ cấu nền kinh tế của ta hiện nay, 31% là nhập khẩu từ TQ, là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN trong khi Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, chiếm 19% cho nên đó là cơ sở ta phải điều chỉnh chính sách để tỷ lệ nhập khẩu từ TQ giảm xuống. Thực tế bản chất là giảm rủi ro về kinh tế khi có bất ổn về an ninh chính trị nên sự điều chỉnh đó là cần thiết.
Khi đã điều chỉnh, yếu tố ổn định bền vững là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải kinh tế. Bình thường các yếu tố rẻ, chi phí thấp là ưu tiên nhưng khi có bất ổn, yếu tố rẻ không còn nữa thì việc điều chỉnh là cần thiết. Cái đó, tự các DN đã nhìn nhận ra trong điều chỉnh cơ cấu thị trường trong thời gian tới.
Nhập siêu từ TQ hiện vẫn rất lớn, trong đó có cả việc nhập khẩu công nghệ, trang thiết bị lạc hậu. Cần một giải pháp hạn chế nhập khẩu công nghệ, thiết bị lạc hậu thì đồng thời sẽ giúp giảm nhập siêu?
Hiện chúng ta cũng đã có làm rồi. Đối với đầu tư công, Chính phủ cũng sẽ có chính sách điều chỉnh phù hợp nhưng cũng phải hiểu, trong hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ đa phương nên ta cũng không thể ra quyết định cấm. Trước đây ta đã từng đưa ra chính sách cấm nhưng bị phản đối và phải thay đổi. Ta phải làm đúng theo quyết định đúng nguyên tắc của WTO.
Ví dụ như chính sách về đầu tư, TQ vẫn là thị trường vốn rất lớn không chỉ của VN mà cả thế giới. Nhưng sau sự kiện TQ cắm giàn khoan trái phép ở vùng biển của ta hồi tháng 5, thì chính sách đó rủi ro rất nhiều. Nên chúng ta phải tính toán cơ cấu lại các thị trường, lựa chọn lại. Một số ngành chúng ta có sự điều chỉnh rồi. Ví dụ như Nhà máy điện Vĩnh Tân đã quay sang tìm kiếm vốn từ thị trường Hàn Quốc rồi nhưng Hàn Quốc đáp ứng bao nhiêu thì mình còn phải xem. Nhưng đó là chính sách điều chỉnh cần thiết để giảm tác động rủi ro đến VN.
Có nghi vấn rằng, ở một số thời điểm, TQ có sự hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu công nghệ lạc hậu cho VN?
Tôi thì không nghĩ thế. Vấn đề quyết định là do mình chứ đâu phải do họ. Nói công nghệ lạc hậu, chủ đầu tư sẽ đưa ra quyết định là công nghệ đó đem lại hiệu quả không để đầu tư, nếu không họ không đi theo. Nguồn vốn tín dụng cũng đi theo, vì các nước cũng muốn khuyến khích xuất khẩu sản phẩm của họ, để cho vay. Mỹ, Anh, Pháp, Đức... cũng làm như vậy. Không có gì là sai cả. Vấn đề là người mua quyết định với công nghệ đó, vốn đó, anh có lời không. Anh đưa ra quyết định chứ tôi không lừa lọc gì anh ở đây cả.
Định hướng phát triển công nghệ của mình theo hướng tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh. Chúng ta mong muốn tốc độ đổi mới công nghệ nhanh hơn như giai đoạn trước, chúng ta đánh giá tốc độ đó chỉ 10% so với mức mà các nước ở trình độ như mình phải đạt 25%. Hiện nay có thúc đẩy hơn nhưng theo như báo cáo chỉ đạt được 13%, chưa đáp ứng nhu cầu mong muốn.
Muốn công nghiệp hóa thì phải làm chủ được công nghệ nhập, sau đó, anh mới sáng tạo công nghệ nội sinh của anh. Nhưng vừa qua, cùng với phát triển kinh tế, các DN đều đổi mới, phát triển công nghệ nhưng chúng ta làm còn chậm, hiệu suất tiêu thụ năng lượng thấp. Công nghệ trên thế giới hiện rất đa dạng, việc lựa chọn, quyết định công nghệ là do chủ đầu tư. Nhà nước đưa ra chính sách để không nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào.
(Mạnh Quân - Thanh Niên)
--------------------------
Nghi ngờ bảo kê lâm tặc, Quảng Nam quyết 'đuổi' Trạm Cà Nhông
Ngày 21.10, UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp với lãnh đạo H.Đông Giang liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn giữa địa phương này với H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) và các vấn đề về khu vực giáp ranh (Thanh Niên ngày 18.10 đã phản ánh).
Theo ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND H.Đông Giang, ngày 7.10, tổ công tác liên ngành của huyện phát hiện 2 bãi gỗ được cất giấu trong rừng, chỉ cách Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, TP.Đà Nẵng) khoảng 1 km. Qua kiểm đếm, có 66 phách gỗ gõ và kiền kiền với khối lượng hơn 14 m3. Tiếp đó vào ngày 12.10, tổ công tác của Đông Giang và lực lượng kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa phát hiện thêm hơn 31 m3 gỗ kiền kiền và gỗ các loại. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng gỗ được phát hiện tại 2 địa phương có khối lượng lên đến 45 m3. Theo ông Tài, qua vụ việc cho thấy trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng của Trạm Cà Nhông chưa cao nên để xảy ra việc gỗ lậu cất giấu trên lâm phận quá nhiều nhưng không được phát hiện kịp thời. Cũng theo ông Tài, qua phản ánh của người dân địa phương thì hiện nay trong lâm phận quản lý của Trạm Cà Nhông còn rất nhiều gỗ lậu cất giấu.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Bằng, Bí thư Huyện ủy Đông Giang, cho rằng hàng chục mét khối gỗ cất giấu trái phép vừa được phát hiện là cơ sở cho thấy có hẳn một bộ phận cán bộ Trạm Cà Nhông tham gia bảo kê, tiếp tay cho lâm tặc. “Rừng bị tàn phá, không chỉ mất tài nguyên, môi trường bị hủy hoại, mà lòng tin của người dân đối với chính quyền cũng mất theo... Cho nên phải giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trong vụ việc này”, ông Bằng nhấn mạnh.
Trước đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bùi Văn Thảo, Phó trưởng phòng TN-MT H.Đông Giang, cho biết trong một lần kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác lâm khoáng sản trái phép mới đây, lâm tặc và vàng tặc chạy qua gửi phương tiện xung quanh Trạm Cà Nhông. Nhưng khi đoàn đến kiểm tra thì trạm này không cho qua, gây khó khăn cho đoàn công tác.
Chính quyền H.Đông Giang nhận định, Trạm Cà Nhông hoạt động không hiệu quả. Nhất là trong vụ phá rừng vừa qua, mặc dù điểm tập kết gỗ lậu rất gần trạm và muốn vận chuyển gỗ ra khỏi rừng phải đi qua trạm này, nhưng cán bộ ở Trạm Cà Nhông không phát hiện được. Đã nhiều lần, chính quyền H.Đông Giang đề nghị di dời Trạm Cà Nhông ra khỏi địa phận xã Tư nhưng đến nay trạm này vẫn chưa chịu đi. Do vậy, theo ông Đỗ Tài, việc chậm di dời Trạm Cà Nhông ra khỏi địa phận đất của xã Tư (H.Đông Giang) dễ dẫn đến lâm tặc tiếp tục khai thác gỗ và vận chuyển số gỗ đang cất giấu trong lâm phận của trạm này. Ông Tài còn kiến nghị điều tra, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm để lượng lớn gỗ được cất giấu nhưng Trạm Cà Nhông không hề biết.
Tại cuộc họp, trước kiến nghị di dời Trạm Cà Nhông ra khỏi địa điểm đóng chân hiện nay, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho biết tỉnh thống nhất quan điểm này và ngay sau buổi họp, UBND tỉnh sẽ liên hệ làm việc với các bên liên quan của TP.Đà Nẵng để chuyển trạm này ra khỏi đất Quảng Nam.
-------------------------
Lập 4 đội đáp ứng nhanh đối phó Ebola
Chiều 21.10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định thành lập 4 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola tại các khu vực: miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây nguyên.
Các đội có nhiệm vụ: Thường trực công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola trên địa bàn phụ trách; Sẵn sàng làm nhiệm vụ chỉ đạo điều tra, giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh Ebola xảy ra trên địa bàn.
Cùng ngày, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết có 47 công dân VN về từ 4 nước vùng dịch: Liberia (33), Senegal (6), Nigeria (7), Guinea (1). Hiện còn 5 công dân chưa qua 21 ngày đang được giám sát sức khỏe tại Hải Phòng (3), Hà Nội (1), Thái Bình (1).
-------------------------