Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Châu Âu: Ký kết viện trợ 400 triệu euro của EC dành cho Việt Nam
Việt Nam và EU nhất trí tăng cường tiếp xúc và trao đổi ở các cấp; khuyến khích doanh nghiệp hai bên đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau; đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại và hợp tác phát triển.
Trụ cột hợp tác
Tối 13.10, (giờ Việt Nam), tại Trụ sở Ủy ban châu Âu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso.
Tại hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã thông báo cho nhau về tình hình kinh tế - xã hội và chính sách đối ngoại của mỗi bên, trao đổi biện pháp thúc đẩy toàn diện hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-EU.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao quan hệ hợp tác Việt Nam-EU trong thời gian qua, cảm ơn EC và các nước thành viên EU đã hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh mong muốn hai bên sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vào thời gian sớm nhất, đề nghị EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam vào thời điểm hai bên kết thúc đàm phán.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với Chủ tịch EC rằng việc hoàn tất EVFTA sẽ giúp Việt Nam với tư cách một nền kinh tế thị trường hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh EVFTA cùng với PCA là những trụ cột chính trị và kinh tế quan trọng, vững chắc để quan hệ hợp tác Việt Nam-EU ngày càng phát triển, tương xứng với tiềm năng và mong đợi của cả hai bên.
Hai bên nhất trí tăng cường tiếp xúc và trao đổi ở các cấp; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam và EU đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau; đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại và hợp tác phát triển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành như y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, môi trường, biến đổi khí hậu…
Sau hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso đã chứng kiến lễ ký chính thức khoản viện trợ trị giá 400 triệu Euro của Ủy ban châu Âu dành cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020 và ra Tuyên bố giữa Chủ tịch EU và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về định hướng kết thúc đàm phán EVFTA, trong đó nhấn mạnh mong muốn xây dựng một Hiệp định thương mại tự do hiện đại, toàn diện và cân bằng để giúp hai bên có thể đáp ứng các thách thức về kinh tế hiện nay và trong tương lai.
Cần thiết đảm bảo tự do hàng hải
Trong hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng còn đánh giá cao đóng góp của EU vào hợp tác ASEAN-EU, hợp tác Mekong-Danube trong khuôn khổ ASEM; khẳng định với vai trò Điều phối viên quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam ủng hộ sự tham dự của EU vào các vấn đề khu vực do ASEAN đóng vai trò chủ đạo và nỗ lực thúc đẩy hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược. ASEAN-EU.
Bên cạnh các vấn đề song phương, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Manuel Barroso cũng trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên cùng nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Chủ tịch EC khẳng định lại lập trường của EU ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; kêu gọi các bên liên quan không tiến hành các hành động đơn phương gây phương hại cho hòa bình, ổn định ở khu vực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
-------------------------
Việt Nam – EU ra tuyên bố chung về định hướng kết thúc đàm phán FTA song phương: Sẽ là hiệp định hiện đại, toàn diện và cân bằng
Việc hoàn tất FTA sẽ giúp Việt Nam, với tư cách một nền kinh tế thị trường, hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới. Lãnh đạo hai bên chỉ đạo hai đoàn đàm phán nỗ lực hoàn thành đàm phán theo tinh thần đã được thống nhất.
Tối 13.10 (theo giờ Việt Nam), tại Trụ sở Ủy ban châu Âu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso.
Sau hội đàm hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-EU về định hướng kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA):
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc sớm kết thúc đàm phán FTA, với vai trò là công cụ chủ chốt để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện song phương và tăng cường quan hệ thương mại-đầu tư tốt đẹp hiện có trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
EU và Việt Nam mong muốn xây dựng FTA này thành một Hiệp định hiện đại, toàn diện và cân bằng để giúp nền kinh tế của cả hai bên giải quyết các thách thức hiện nay và trong tương lai, và là một nền tảng quan trọng góp phần tăng cường quan hệ giữa châu Âu và Đông Nam Á.
Hai nhà lãnh đạo đã điểm lại và hoan nghênh những tiến bộ tốt đẹp và khối lượng lớn các thỏa thuận đã đạt được trong tất cả các lĩnh vực đàm phán và thống nhất về định hướng giải quyết những vấn đề còn lại với mục tiêu kết thúc đàm phán trong vài tháng tới.
Sau khi trao đổi về các khả năng của giai đoạn đàm phán cuối cùng, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần đạt một kết quả cân bằng, tham vọng trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến tiếp cận thị trường (thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, các dòng đầu tư, mua sắm chính phủ) cũng như các quy định, luật lệ (bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý của cả hai bên, doanh nghiệp Nhà nước, nội luật, bảo hộ đầu tư, thuế xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu… và các lĩnh vực khác).
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc hoàn tất FTA sẽ giúp Việt Nam, với tư cách một nền kinh tế thị trường, hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.
Với mục tiêu trên, hai nhà lãnh đạo đã chỉ đạo hai đoàn đàm phán nỗ lực hoàn thành đàm phán theo tinh thần đã được thống nhất ở đây, theo sự lãnh đạo và chỉ đạo của Cao uỷ Thương mại EU và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, nhằm kết thúc đàm phán trong một vài tháng tới.
-------------------------
Việt Nam – Bỉ ký thỏa thuận vay vốn cho dự án vệ tinh nhỏ của Việt Nam
Trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã thảo luận nhiều vấn đề an ninh hợp tác tại Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có cả an ninh hàng hải. Hai Thủ tướng cũng chứng kiến việc ký kết một số dự án song phương.
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, chiều 13.10 (theo giờ Việt Nam), tại lâu đài Egmont ở thủ đô Brussels, Tân Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel đã chủ trì lễ đón trọng thể Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta sang thăm chính thức Vương quốc Bỉ.
Hai Thủ tướng đã tiến hành hội đàm, cùng nhau trao đổi sâu rộng và thống nhất các biện pháp nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị tốt đẹp và thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế. Hai Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Hội nghị cấp cao Á-Âu, coi đây là một kênh đối thoại, chương trình hợp tác và trao đổi quan trọng giữa hai châu lục, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Việt Nam – Bỉ qua cơ chế này.
Phía Bỉ khẳng định ủng hộ việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam, cho rằng hiệp định này cùng với Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU là cơ sở vững chắc cho phát triển hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên EU.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bỉ Charles Michelcũng nhất trí tăng cường hợp tác thương mại, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, kết nối trong các lĩnh vực ưu tiên như cảng biển, dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, công nghệ xanh, công nghệ cao, hàng không – vũ trụ.
Hai bên thống nhất duy trì cơ chế họp Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế để định hướng quan hệ kinh tế, xác định trọng tâm ưu tiên, nâng cao hiệu quả các dự án đã và đang thực hiện, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác giữa hai nước cũng như hợp tác Vùng, Cộng đồng.
Hai bên cũng cho rằng hợp tác văn hóa - giáo dục là điểm sáng trong quan hệ hai nước; khẳng định tạo điều kiện để các trường đại học, viện nghiên cứu hai nước tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hướng tới mục tiêu lâu dài đào tạo đội ngũ chất lượng cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã trao đổi về các vấn đề hợp tác và an ninh tại Châu Á – Thái Bình Dương. Bỉ khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác với khu vực cả trong khuôn khổ song phương và đa phương.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Kết thúc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã chứng kiến lễ trao Giấy phép đầu tư cho Công ty Rentaport đầu tư tại huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng. Đây là một dự án điển hình trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Hai Thủ tướng cũng chứng kiến lễ ký thỏa thuận nguồn vốn vay của Chính phủ Bỉ dành cho Việt Nam trong không khổ dự án vệ tinh nhỏ VNREDSAT 1B.
-----------------------
Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Đức
Trưa 14-10 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới TP Stuttgart, bang Baden-Wurttemberg, bắt đầu các hoạt động thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức.
Tại buổi tiếp Thủ tướng, Thủ hiến bang Winfried Kretschmann đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế năng động của Việt Nam. Ông Winfried Kretschmann bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa bang Baden-Wurttemberg với các địa phương của Việt Nam, nhất là những lĩnh vực mà bang có thế mạnh như giáo dục đào tạo, công nghiệp chế tạo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức đang phát triển tích cực trên các lĩnh vực. Hiện Đức là đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính phủ Việt Nam sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp bang Baden-Wurttemberg hoạt động lâu dài và có hiệu quả tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như sản xuất thiết bị, hóa dược, năng lượng sạch, dạy nghề,...
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và bang Baden-Wurttemberg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề, lao động, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ...
-------------------------