Hàn Quốc chuyển giao Việt Nam 167 công nghệ quan trọng
Bộ Thương mại năng lượng và công nghiệp Hàn Quốc đã chính thức cung cấp danh sách 167 loại công nghệ sẵn sàng chuyển giao cho Việt Nam.
Theo Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, Bộ Thương mại năng lượng và công nghiệp Hàn Quốc đã chính thức cung cấp danh sách 167 loại công nghệ sẵn sàng chuyển giao cho Việt Nam.
Đó là những công nghệ Việt Nam đang cần hoàn thiện trong các ngành ôtô, dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử như: phương pháp sản xuất quần áo chống dao đâm, thiết bị sản xuất băng kỹ thuật số, lò phản ứng bơm nhiệt hóa học, quy trình sản xuất xơ polyester có chứa thành phần kháng khuẩn, kỹ thuật phân tích và hoàn tất mẻ nhuộm...
Đặc biệt, Hàn Quốc công bố sẵn sàng cung ứng công nghệ sản xuất ghế làm mát và sưởi nhiệt cho xe, công nghệ tạo khuôn đồng thời cho khung ôtô, công nghệ mạ bộ phận gioăng pittông...
Bộ Công thương cho hay đây là kết quả của chương trình hợp tác về phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa bộ này với Bộ Thương mại năng lượng và công nghiệp Hàn Quốc.
Bộ Công thương thông báo để doanh nghiệp nào có nhu cầu thì tham khảo, đề xuất để được chuyển giao công nghệ.
--------------------------
Lập tiểu đoàn cảnh sát cơ động tại Vũng Áng
Hà Tĩnh đã thành lập tiểu đoàn cảnh sát cơ động tại Khu kinh tế Vũng Áng để tăng cường lực lượng đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh.
Ông Võ Kim Cự - chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết thông tin này trong buổi làm việc với đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an cùng đoàn công tác trong chuyến kiểm tra, khảo sát tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS).
Sau khi thông báo một số tình hình liên quan tại khu kinh tế, đặc biệt sau sự cố xô xát 14-5, ông Võ Kim Cự - chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã thành lập tiểu đoàn cảnh sát cơ động, đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại Khu kinh tế Vũng Áng để tăng cường lực lượng đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh.
-------------------------
Thanh tra đấu thầu thuốc tại Sở Y tế TP.HCM
Đó là một trong những nội dung mà đoàn thanh tra Bộ Y tế sẽ thực hiện khi tiến hành thanh tra Sở Y tế TP.HCM kể từ ngày 14-10 đến 28-11.
Quyết định thanh tra Sở Y tế TP đã được ông Dương Xuân An - trưởng đoàn Thanh tra Bộ Y tế - công bố sáng 14-10.
Theo quyết định, đoàn thanh tra bộ sẽ tiến hành thanh tra công tác quản lý nhà nước về chính sách pháp luật bảo hiểm y tế và xã hội hóa y tế; quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc và quản lý mỹ phẩm của Sở Y tế TPHCM giai đoạn từ 1-1-2013 đến tháng 9-2014.
-------------------------
Tàu lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ thăm Đà Nẵng
Sáng 14.10 tàu Samudra Paheredar của Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ cập Cảng Tiên Sa bắt đầu chuyến thăm hữu nghị TP.Đà Nẵng.
Lực lượng chỉ huy và thủy thủ đoàn gồm 122 người, từ nay đến 16.10 đại diện tàu Samudra Paheredar sẽ đến chào xã giao lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2.
Đồng thời, tàu Samudra Paheredar cũng mời đại diện các sở, ban ngành TP.Đà Nẵng cùng lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tham quan tàu.
Đối với hoạt động lực lượng 2 nước, thủy thủ tàu Samudra Paheredar sẽ có buổi thi đấu giao hữu bóng chuyền với cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2.
Trong chuyến thăm lần này, tàu Samudra Paheredar sẽ trình diễn sử dụng trang thiết bị kiểm soát ô nhiễm trên tàu và cùng với phía Việt Nam diễn tập tìm kiếm và cứu nạn trên biển trước khi rời Đà Nẵng.
-------------------------
Ninh Thuận đưa vào hoạt động công viên biển 20 ha
Sáng 14.10, sau hơn 3 năm xây dựng, Công ty CP đầu tư bất động sản Thành Đông chính thức bàn giao Công viên biển Bình Sơn cho UBND TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) quản lý và đưa vào hoạt động.
Công viên biển Bình Sơn rộng hơn 20 ha nằm dọc bờ biển Ninh Chữ - Bình Sơn, gồm các hạng mục, như: quảng trường, hồ phun nước nghệ thuật, khu vui chơi giải trí, nhà tắm nước ngọt, cây xanh… được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, với tổng kinh phí hơn 86 tỉ đồng, do Công ty CP đầu tư bất động sản Thành Đông làm chủ đầu tư.
Đây là điểm dừng chân, vui chơi giải trí mới của người dân địa phương và du khách khi đến Ninh Thuận.
-------------------------
Cá quả Tàu tiêm thuốc mê đổ về chợ
Sau rau, quả, gà thải loại,... người tiêu dùng lại phát hoảng khi thấy con cá tươi rói đang quẫy trong chậu cũng bị nghi là “cá Tàu”. Nhiều tiểu thương tiết lộ, một số loại cá còn bị tiêm thuốc mê để “ngủ đông” trước khi nhập vào Việt Nam.
Cuối tuần qua, chị Nguyễn Thị Quyên (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) tranh thủ ngày nghỉ ở nhà cải thiện đồ ăn dặm cho con. Sau khi lòng vòng chọn lựa gà, bò, chị quyết định mua cá quả. Để đảm bảo đồ tươi ngon nhất, chị chọn con cá quả gần 1 kg vẫn còn đang quẫy rất mạnh trong chiếc thau lớn gồm nhiều loại cá khác. Chị Quyên được người bán hàng tiếp thị với rất nhiều lời ngon ngọt “cá dọn ao, cá đồng, ăn vào mê ngay”. Tuy nhiên, khi người bán hàng tiến hành làm cá, chị Quyên thấy bụng cá nhiều ruột và nhiều mỡ hơn cá lần trước chị mua.
Dự định làm món cá chiên xù cho ngày đầy tháng cháu, bà Cù Thị Cải (Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội) lại lóc cóc lên chợ đầu mối từ sáng sớm. Bà dự định đi chợ lớn để chọn cá tươi, to và giá cả phải chăng nhất. Bà Cải rất hài lòng vì giá cá quả loại lớn hơn 1kg con chỉ có khoảng 80.000 đồng/kg, cá nhỏ 75.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, bà cũng có phần lăn tăn khi màu cá đen nhẻm, da bóng và vằn vằn như da rắn.
Cũng giống như chị Quyên, bà Cải, chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi mua cá quả về ăn cứ lăn tăn về xuất xứ. Mang con cá ra hỏi người bán cá quen hơn 1 năm nay, người này trả lời, loại cá chị đã mua là cá quả có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hiện, mặt hàng này rất sẵn ở các chợ của Việt Nam. Đặc biệt, loại cá này có giá rất rẻ. Loại cá nhỏ được bán buôn với giá 60.000-65.000 đồng/kg, loại cá lớn được gọi là “đại ca” cũng chỉ dao động 70.000-80.000 đồng/kg.
“Nếu cá quả Trung Quốc có màu da đen sậm, nhẵn bóng như da rắn thì cá quả Việt Nam lại có màu hơi ngả vàng. Bụng cá quả Trung Quốc khi mổ sẽ nhiều ruột và nhiều mỡ, trong khi cá quả ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại”, chị Trần Thị Lý, một tiểu thương chuyên bán cá ở chợ đầu mối Long Biên cho biết.
Khi nhiều người mua lăn tăn tại sao cá quả chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam mà cá vẫn giãy khỏe, một nhà phân phối loại cá này cho biết: Không chỉ có loại cá cao cấp như cá tầm, cá quả cũng là một loại cá được nhập nhiều từ Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Để đảm bảo cá còn sống khi về Việt Nam, người ta tiêm vào cá một lượng nhỏ thuốc mê sau đó mới cấp đông nhẹ. Hiện, giá thành của 1kg cá quả chỉ tương đương 1kg cá trắm cỏ loại to nên được rất nhiều người lựa chọn.
Khi biết nguồn gốc con cá quả mình vừa mua, chị Quyên chia sẻ: “Tôi vẫn chưa biết nên xử lý như thế nào với con cá quả vừa mua, nhưng chắc chắn là không dám cho con ăn vì không biết độc hại đến đâu. Muốn cho con ăn dặm thêm miếng cá cũng không được, chắc lại nhờ chuyển từ quê lên như rau sạch vậy”.
Cứ nghĩ là con cá bé chỉ chừng 4, 5 lạng thì “bõ bèn gì mà nhập”, chị Quyên đã rất nhiều lần cải thiện cho con bằng cá quả ngay khi con chị được 7 tháng tuổi. Khi biết loại cá này có thể tiêm thuốc mê chị vô cùng sợ hãi.
Chị chia sẻ: “Tôi không biết thuốc mê ở đây là thuốc gì? Nó ở lại bao lâu trong con cá? Người ăn cá có bị tác động như thế nào? Tôi sẽ dừng hẳn việc cho con ăn loại cá này”.
Để so sánh sự khác biệt giữa cá quả Trung Quốc và cá quả Việt Nam, chính phóng viên đã thử luộc hai con cá quả. Nếu cá quả Việt Nam có mùi tanh khi mới sơ chế, thì cá Trung Quốc độ nhớt và độ tanh ít hơn. Thịt cá khi luộc chín thịt cứng, không thơm và dẻo như cá quả Việt Nam".
-----------------------------