Vụ sàn vàng Công ty Khải Thái: khởi tố 6 bị can
Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với sáu nghi phạm trong vụ lập sàn vàng trái phép của Công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái.
Sáu bị can bị khởi tố, tạm giam để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND tối cao phê chuẩn.
Thông tin trên được Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho biết tại hội nghị khen thưởng được tổ chức ngày 14-10.
Cơ quan điều tra cũng cho biết đang khẩn trương truy xuất dữ liệu trong các máy tính của công ty và tập hợp các tài liệu liên quan để làm rõ số lượng người tham gia đầu tư, lượng tiền mà các nghi phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt, đồng thời xử lý các cá nhân khác có liên quan.
Bước đầu đã xác định được số tiền các nghi can huy động lên đến gần 500 tỉ đồng và hàng ngàn người bị hại ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Các bị can bị khởi tố gồm:
Hsu Minh Jung (còn gọi là Saga, người Đài Loan), hiện trú tại tòa nhà Keangnam, quận Cầu Giấy, Hà Nội - tổng giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đầu tư Khải Thái.
Nguyễn Mạnh Linh (giám đốc Công ty Khải Thái)
Đoàn Thị Luyến (giám đốc điều hành tại trụ sở chính của công ty đặt ở tòa nhà CharmVit, đường Trần Duy Hưng, Hà Nội)
Đinh Thị Hồng Vinh (giám đốc điều hành văn phòng tại tòa nhà Plaschem, đường Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội)
Tăng Hải Nam (giám đốc điều hành văn phòng tại tòa nhà Lotte, đường Liễu Giai, Hà Nội)
Trịnh Hòa Bình (kế toán trưởng công ty).
Trung tướng Trần Trọng Lượng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, đánh giá đây là thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đối tượng người Đài Loan đã cấu kết với một số người Việt Nam để thực hiện hình thức lừa đảo rất tinh vi thông qua việc ủy thác đầu tư sàn giao dịch vàng.
Nhóm này đã tạo ra một vỏ bọc doanh nghiệp làm ăn phát đạt, mở hàng loạt văn phòng công ty thuê tại các cao ốc hạng sang với diện tích hàng trăm mét vuông..
Các bị can cũng liên tục tuyển hàng trăm nhân viên tư vấn, cộng tác viên đào tạo ngắn hạn và giao nhiệm vụ thuyết phục, dụ dỗ khách hàng gửi tiền đầu tư với lãi suất cao. Bản chất của hình thức huy động tiền là theo kiểu kinh doanh đa cấp.
Để đội ngũ này hoạt động hiệu quả, công ty đã đưa ra các mức thưởng, lợi nhuận và lãi suất cao với các nhân viên tư vấn kêu gọi được khách hàng đầu tư khoản tiền lớn.
Sau nhiều tháng thu thập, xác minh thông tin, cơ quan điều tra đã làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của nhóm bị can này.
Cụ thể các nhân viên, cộng tác viên ngắn hạn sẽ được hưởng lãi suất 3-3,5%/tháng (tương đương 36-42%/năm) khi huy động được khách hàng có khả năng tài chính tham gia gửi tiền để công ty đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra công ty còn thưởng hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho nhân viên khi huy động được lượng tiền lớn với mục đích kích thích công việc. Bằng chiêu thức này, công ty đã huy động được 478 tỉ đồng của các nhà đầu tư ủy thác.
Số tiền này công ty không tiến hành hoạt động kinh doanh mà dùng tiền của người sau trả lãi cho người trước và rút tiền để chiếm hưởng.
Quá trình phá án, cơ quan điều tra đã thu giữ 56 tỉ đồng và một lượng lớn ngoại tệ, phong tỏa 4 tỉ đồng trong tài khoản và ba ôtô hạng sang của công ty này.
-----------------------
Bắt giám đốc lừa đảo chiếm đoạt 50 tỉ đồng
Ngày 14.10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định cho biết đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Ung Thanh Đông (49 tuổi, ở phường Thị Nại, TP.Quy Nhơn, Bình Định) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan công an, Ung Thanh Đông là giám đốc DNTN Thanh Đông chuyên mua bán gỗ và các sản phẩm khác từ gỗ.
Năm 2010, mặc dù không có nhiều vốn để kinh doanh nhưng vợ chồng Đông vẫn thành lập doanh nghiệp trên. Việc làm ăn không thuận lợi, ngay khi thành lập đã bắt đầu vay mượn nên doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
Tổng cộng, Ung Thanh Đông đã vay của 8 người có quan hệ làm ăn với mình với số tiền hơn 50 tỉ đồng. Trong khi đó tài sản hiện tại của Ung Thanh Đông không còn gì, ngôi nhà ở đường Đống Đa (TP.Quy Nhơn) cũng đã được vợ chồng Đông thế chấp cho ngân hàng, còn Đông đang tá túc nhà cha mẹ vợ.
-------------------------
Trạm phó trạm cân xe tự tử tại trụ sở công an nhận hối lộ 20 triệu đồng
Ngày 14.10, Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo để thông tin về cái chết của ông Nguyễn Tấn Mẫn (cán bộ Thanh tra Sở GTVT Đắk Nông) và kết quả điều tra ban đầu vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 56 thuộc Sở GTVT Đắk Nông.
Đại tá Lương Ngọc Lếp, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, bước đầu kết luận nguyên nhân tử vong của ông Mẫn là do nhảy từ tầng 2 trụ sở cơ quan điều tra xuống sân tự tử vào chiều 9.10.
Ông Mẫn là Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1, Phó trạm trưởng Trạm kiểm tra tải trọng xe cơ giới số 56.
Cùng với ông Mẫn, trong ngày 9.10, cơ quan điều tra còn triệu tập ông Lê Đình Trọng (Phó chánh Thanh tra sở, Trạm trưởng) và ông Nguyễn Quang Khải (Đội phó Đội Thanh tra giao thông số 1, cán bộ trạm). Chiều 13.10, ông Trọng đã bị cơ quan điều tra bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ.
Tại buổi họp báo, đại tá Lương Ngọc Lếp cho biết kết quả điều tra ban đầu xác định ông Trọng nhận hối lộ 21,5 triệu đồng; ông Mẫn nhận hối lộ 20 triệu đồng; ông Khải nhận hối lộ 23 triệu đồng do một số chủ xe ở TP.HCM, Đắk Lắk và Đắk Nông chuyển vào tài khoản. Khi qua trạm cân, các xe quá tải đã đưa hối lộ để không phải vào bàn cân.
Đại tá Lếp cho biết thêm, ngày 6.4, 3 cán bộ khác thuộc Thanh tra Sở GTVT Đắk Nông cũng bị bắt quả tang nhận tiền hối lộ của một số xe tải chở cát nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.
-------------------------
Thủ quỹ bưu điện phát lương hưu thiếu 100 triệu đồng?
Theo chị Trần Thị Thúy Nga, sau khi ký nhận hơn 514 triệu đồng, bận việc nên hơn một ngày sau chị mới cùng chồng mở ra đếm và thấy thiếu 100 triệu nên gửi đơn tố cáo.
Ngày 14-10, bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, nhân viên kiêm thủ quỹ của Bưu điện huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cho biết bà bỗng nhiên bị đồng nghiệp gửi đơn tố giác đưa thiếu 100 triệu đồng khi phát lương hưu.
Theo lời bà Ngọc, khoảng 14g ngày 3-10 bà cùng hai bảo vệ của Bưu điện huyện Kế Sách đến Ngân hàng Agribank huyện Kế Sách rút hơn 1,6 tỉ đồng (1.611.079.000 đồng) để về bưu điện phát lại cho nhân viên chi trả lương hưu cho các cán bộ, công nhân viên của thị trấn Kế Sách.
Sau khi hoàn thành xong thủ tục và kiểm tra đúng số tiền đã rút, bà cùng hai bảo vệ quay về bưu điện để phát lại tiền cho nhân viên nơi đây.
Đến khoảng 17g30 cùng ngày, chị Trần Thị Thúy Nga (nhân viên bưu điện) đến xin nhận tiền trước.
Bà Ngọc đưa cho chị Nga số tiền 514.961.500 đồng (do không có tiền lẻ nên bà Ngọc đưa 515.000.000 đồng) và bảo chị Nga kiểm tra và thối lại tiền thừa 39.000 đồng.
Sau khi kiểm tra và xác nhận đúng số tiền 514.961.500 đồng, chị Nga còn thối lại cho bà Ngọc 39.000 đồng và ký vào giấy tạm ứng là đã nhận đủ số tiền 514.961.500 đồng, có sự xác nhận của ông Lê Công Sở - kế toán trưởng của Bưu điện huyện Kế Sách.
“Tuy nhiên đến khoảng 21g30 ngày 4-10, tức gần một ngày rưỡi sau, chị Nga điện thoại lại cho tôi và bảo: Cô Ngọc ơi, cô đưa tiền cho con thiếu 100 triệu đồng rồi! Nghe đến đây tôi như người chết đứng vì không bao giờ có chuyện nghịch lý sai lầm như thế”, bà Ngọc nói.
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Trần Thị Thúy Nga (nhân viên bưu điện) cũng thừa nhận mình có ký nhận số tiền 514.961.500 đồng.
Theo chị Nga, do công việc lu bu nên sau khi nhận tiền về, đến ngày 4-10 chị mới cùng chồng đổ tiền ra đếm thì phát hiện thiếu mất 100 triệu đồng và báo cho bà Ngọc biết vụ việc.
Đồng thời, chị Nga cũng báo cáo với lãnh đạo Bưu điện Kế Sách và gửi đơn khiếu nại, tố giác bà Ngọc đưa thiếu 100 triệu đồng.
Trao đổi về việc này, thượng tá Lê Hoàng Điện - trưởng Công an huyện Kế Sách - cho biết đã nhận đơn tố giác của chị Nga.
Theo thượng tá Điện, do vụ việc ở mức độ nghiêm trọng và số tiền lớn nên công an đã mở rộng điều tra, sẽ làm rõ lời khai cả hai phía bà Ngọc và chị Nga để có hướng giải quyết vụ việc thỏa đáng, đúng pháp luật.
-------------------------
452 phách gỗ kiền kiền lậu dấu.. ngổn ngang rừng Cà Nhông
Chiều 14-10, ông Trần Văn Lương, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho biết, sáng cùng ngày, lực lượng kiểm lâm 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đã tiến hành vận chuyển, đưa 452 phách gỗ kiền kiền được lâm tặc cất giấu tại nhiều điểm khác nhau ở khu vực rừng Cà Nhông (thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa ,TP Đà Nẵng) về nơi tạm giữ.
Số lượng gỗ được phát hiện lần này lớn hơn rất nhiều so với “vườn gỗ lậu” mà lực lượng chức năng đã phát hiện ngày 6-10 cũng tại khu vực rừng này .
Cũng theo ông Trần Văn Lương, vì đây là vùng giúp ranh giữa Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, nên gỗ lậu tập kết ở địa phận nào, thì lực lượng kiểm lâm địa phương đó thu gom.
Trước mắt Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng yêu cầu Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thu gom gỗ lậu nằm trên địa bàn Đà Nẵng đưa về trụ sở tạm giữ, đồng thời xác định khối lượng.
Trong thời gian đến, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng sẽ phối hợp với Công an lập đoàn kiểm tra, truy tìm nguồn gốc gỗ để xác định khu vực khai thác trái phép. Trên cơ sở đó sẽ xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn này.
Trước đó, cũng tại khu vực rừng Cà Nhông, lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng cũng đã phát hiện 66 phách gỗ xẻ khai thác trái phép, tổng khối lượng lên đến 14,3m3, ở khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa của TP Đà Nẵng.
-----------------------