Liên danh các nhà thầu về dịch vụ hàng không vừa có đề xuất Bộ GTVT đầu tư xây dựng dự án nhà ga hành khách quốc tế, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Thăng Long-TASECO, Công ty cổ phần Đầu tư-AOV và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội-HANCORP (Tổ hợp nhà đầu tư TAH) vừa có đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xin đầu tư xây dựng dự án nhà ga hành khách quốc tế, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Theo đại diện Tổ hợp nhà đầu tư, Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ đường bộ mà cả đường sắt, hàng hải, hàng không....
Vì thế, với các cảng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được đưa vào hoạt động và dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt công suất thiết kế 4-6 triệu hành khách. Tuy nhiên, với việc tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách đến Đà Nẵng (đặc biệt là việc mở thêm rất nhiều đường bay quốc tế đến Đà Nẵng) thì cuối năm 2014, cảng hàng không Đà Nẵng đón trên 5 triệu hành khách, đạt công suất thiết kế của nhà ga.
Tổ hợp nhà đầu tư TAH xin xây dựng mới nhà ga hành khách phục vụ các chuyến bay quốc tế đi và đến Đà Nẵng (bên cạnh nhà ga hiện tại) với công suất 4 triệu hành khách/năm theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Đại diện liên danh nhà đầu tư TAH, ông Phạm Ngọc Thanh (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Thăng Long) nhấn mạnh, với năng lực hiện có, Tổ hợp nhà đầu tư TAH mong muốn và tin tưởng sẽ triển khai xây dựng nên một Nhà ga hành khách đẹp, hiện đại với chất lượng tốt, góp phần tăng cường năng lực giao thông hàng không của cảng Đà Nẵng (là cảng hàng không thứ 3 trong cả nước có nhà ga quốc nội và nhà ga quốc tế tách biệt).
Nếu được tham gia đầu tư dự án trên, Tổ hợp nhà đầu tư TAH cam kết sẽ chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của Nhà nước, đảm bảo dự án triển khai sớm nhất và đạt hiệu quả cao.
Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN cho biết, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sẽ được tổ chức vào ngày 13/3.
Theo đó, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 ha. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức công đoàn cùng tất cả công nhân lao động trên cả nước và huy động từ các cơ quan, đơn vị, tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Ông Tùng cho biết, sau khi tổ chức cuộc thi tuyển thiết kế công trình khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, ban tổ chức đã chọn đồ án của Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - kiến trúc TP HCM) với chủ đề “Hành trình khát vọng” và đồ án của tác giả Lý Thị Liễu (Công ty TNHH mỹ thuật - nhiếp ảnh Oanh Vũ) có chủ đề “Những người nằm lại ở phía chân trời” để phối hợp thành một đồ án tổng thể.
"Khu tưởng niệm ( tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), thuộc khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh.sẽ là một địa chỉ đỏ để mỗi người khi đến với Khánh Hòa sẽ có dịp dừng chân, suy ngẫm về những đóng góp của các liệt sĩ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, từ đó nâng cao trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", ông Đặng Ngọc Tùng.
Hiện, đồ án tổng thể đang hoàn thiện để lên dự toán toàn công trình. Dự kiến, trong năm nay công trình sẽ triển khai thi công và đến năm 2016 khánh thành.
Theo ông Tùng, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng nhằm tưởng niệm những người con đất Việt đã hy sinh trên Biển Đông trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Dự kiến nhân lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm này, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phát động mỗi công nhân viên chức - lao động đóng góp một viên gạch (tương đương 20.000 đồng) hoặc tham gia nhắn tin với cú pháp “GM” gửi 1407 để xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Trong thông cáo báo chí về buổi lễ đặt đá cho công trình này, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ: Ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam. Lực lượng hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và chịu nhiều tổn thất, hy sinh.
Trong trận chiến, thiệt hại của Việt Nam bao gồm ba tàu bị bắn cháy và chìm, ba người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người mất tích. Sau này, Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 10 người bị bắt, 64 người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh. Đã tròn 27 năm, kể từ ngày trận hải chiến nổ ra, người dân Việt Nam vẫn khắc khoải tưởng nhớ hướng về các anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ Tổ quốc.
-----------------------
Tham vấn chuyên gia về Dự án Cảng hàng không Long Thành
Sáng 12/3, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đây là cuộc tọa đàm tham vấn lần thứ 2 của Ban Kinh tế Trung ương cho dự án quan trọng này. Tại cuộc tọa đàm, các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tập trung thảo luận 10 vấn đề mà Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ gợi mở.
Trong đó, các vấn đề tập trung làm rõ gồm sự cần thiết xây dựng; đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội của Cảng hàng không quốc tế Long Thành trên cơ sở so sánh với các cảng càng không quốc tế trong khu vực và khả năng trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế; sự phù hợp với quy hoạch của dự án; tác động của dự án đối với các ngành kinh tế - kỹ thuật, du lịch, công nghiệp hàng không và phát triển đô thị...
Tọa đàm cũng đã tiếp nhận được các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới về xây dựng, quản lý cảng hàng không trung chuyển quốc tế; vấn đề đảm bảo quốc phòng – an ninh quốc gia, phối hợp trong quản lý điều hành bay.
Sau khi lắng nghe ý kiến chuyên gia, Ban Kinh tế T.Ư tiếp tục có cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan về dự án rất quan trọng này.
-----------------------