Việt Nam chi gần 100 triệu USD nhập than Trung Quốc
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, từ đầu năm đến hết tháng 9/2014 Việt Nam đã nhập khẩu hơn 356.000 tấn than đá từ Trung Quốc, giá trị kim ngạch là 92,5 triệu đô la Mỹ (tương đương 1.932 tỷ đồng).
Theo Tổng cục Hải Quan, Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu than đá từ Trung Quốc trong năm nay. Đây là điểm khác biệt vì từ trước đến nay Việt Nam chủ yếu xuất khẩu than sang Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị như Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Dầu khí mới thí điểm nhập khẩu hơn 9.500 tấn than cám từ Indonesia và 41.500 tấn than antraxit từ Nga.
Số than cám của Indonesia được phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện phía Nam và than antraxit – (than chất lượng cao của Nga để pha trộn với than chất lượng thấp trong nước) phục vụ nhiệt điện phía Bắc.
Hiện có các nhà máy như Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (600MW), Vĩnh Tân 4 (1.200MW), Duyên Hải 3 (1.200MW), Long Phú 1, Quảng Trạch 1 và Sông Hậu 1… được bố trí sử dụng than nhập khẩu.
Ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhập khẩu than cho các nhà máy của mình, thì Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng được phép tìm kiếm đối tác nhập khẩu than cho các nhà máy của PVN nhằm tránh sự lệ thuộc vào Tập đoàn Than và khoán sản Việt Nam.
Mới đây, Bộ Công Thương cho biết năm 2015, Việt Nam sẽ nhập siêu trở lại sau 3 năm liên tiếp xuất siêu. Giá trị nhập siêu được Bộ Công Thương dự báo là từ 6 – 8 tỷ USD, bằng 5% giá trị xuất khẩu cả năm và Bộ cũng chỉ rõ nhập khẩu than cũng là 1 nguyên nhân khiến tăng nhập siêu.
Theo Quy hoạch điện 7 của Chính phủ, để đáp ứng như cầu điện năng tăng cao, bắt đầu từ năm 2015 trở đi Việt Nam sẽ nhập khẩu 23 – 25 triệu tấn than/năm. Đến năm 2020 mức nhập khẩu than trung bình là 20-30 triệu tấn/năm. Cũng từ năm 2015 trở đi, 1/3 nhà máy nhiệt điện chạy than trong nước sẽ phải dùng than nhập khẩu.
-----------------------
Việt Nam tham dự hội chợ triển lãm thiết bị quân sự Indonesia
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Hội chợ Triển lãm thiết bị quân sự "Indo Defence Expo 2014" do Indonesia tổ chức, diễn ra từ ngày 5-9/11 đã thu hút gần 700 công ty quốc phòng từ 56 nước trên thế giới và trên 15.000 quan chức chính phủ và doanh nghiệp tham dự.
Đoàn Việt Nam do Phó Tổng Tham mưu trưởng, Trung tướng Võ Văn Tuấn dẫn đầu, tham dự Hội chợ.
Tại "Indo Defence Expo 2014,'' các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới như Thụy Điển, Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy, Nga, Hàn Quốc với các công ty tên tuổi như Saab (Thụy Điển), BAE system (Anh), Sukhoi Aviation (Nga), Northrop Grumman (Mỹ), Beretta Defence Technologies (Italy), và các công ty quốc phòng-an ninh chủ chốt của nước chủ nhà như Pidad, PAL Indonesian và Dirgantara, đã giới thiệu những sản phẩm và công nghệ mới nhất của ngành công nghiệp quốc phòng.
Trong số sản phẩm trưng bày tại hội chợ lần này có các loại vũ khí chiến thuật và chiến lược như xe bọc thép Anoa của Indonesia, máy bay trực thắng Bell 142 của Mỹ, xe tăng Marder của Đức, xe lội nước BMP-3F của Nga, hay một số hệ thống radar tiên tiến.
Phát biểu tại lễ khai mạc với sự tham dự của nhiều Bộ trưởng trong chính phủ mới thành lập và tướng lĩnh đứng đầu các quân binh chủng của quân đội Indonesia, tân Phó Tổng thống Indonesia Yusuf Kalla nhấn mạnh ý nghĩa của hội chợ là tạo điều kiện cho sự hợp tác, chia sẻ kiến thức và tăng cuờng trao đổi thương mại giữa các nước cũng như giữa hai khu vực công và tư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Bên lề hội chợ, Bộ Quốc phòng Indonesia đã tổ chức một loạt cuộc hội thảo để trao đổi về các cơ hội và quy định về hợp tác với các công ty quốc phòng Indonesia, trong đó có việc các nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ tới 49% cổ phần trong các dự án hợp tác quốc phòng với các đối tác Indonesia.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội chợ "Indo Defence Expo 2014,'' Indonesia cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chế tạo xe tăng hạng trung với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hợp đồng này sẽ do công ty Pindad (Indonesia) và công ty FNSS (Thổ Nhĩ Kỳ) thực hiện.
----------------------
Bộ Tài chính: Chưa doanh nghiệp nào đăng ký giảm giá sữa
Trước xu hướng giảm giá một số nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới nhưng ở trong nước chưa có doanh nghiệp nào đăng ký điều chỉnh giảm giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.
Trong thời gian qua, giá một số loại nguyên liệu để sản xuất sữa (sau đây gọi tắt là nguyên liệu sữa) tại một số thị trường trên thế giới có xu hướng giảm nhưng chưa thấy động thái giảm giá của các doanh nghiệp đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.
Trước thực tế này, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra và theo dõi việc đăng ký giá, kê khai giá của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho biết: Qua theo dõi, giá một số loại nguyên liệu sữa tại một số thị trường trên thế giới (sữa bột gầy và sữa bột nguyên kem) có xu hướng giảm trong một vài tháng gần đây tại thị trường Tây Âu và Châu Úc.
Theo số liệu do Tổng cục Hải Quan cung cấp về giá một số loại nguyên liệu sữa nhập khẩu về Việt Nam từ tháng 6 đến tháng 9/2014, trên thực tế giá một số loại nguyên liệu sữa nhập khẩu về Việt Nam phần lớn không giảm hoặc ổn định, chỉ có bột sữa nguyên kem (nguyên liệu chế biến sữa) giảm 2,57%.
Trong đó, giá bột lactose ổn định; bột sữa gầy chưa pha thêm đường và chất ngọt khác - nguyên liệu trực tiếp sản xuất sữa tăng 1,45%; bột sữa nguyên kem - Nguyên liệu chế biến sữa: giảm 2,57%; bột váng sữa tăng 19,52%; sữa bột gầy có hàm lượng chất béo không quá 1.5% tính theo trọng lượng, chưa pha thêm đường hoặc chất làm ngọt khác tăng 4,47%; nguyên phụ liệu dùng trong sản xuất sản phẩm sữa - Dầu bơ khan - Anhydrous Milk Fat tăng 0,48%.
“Trước xu hướng giảm giá như vậy nhưng chưa có doanh nghiệp nào đăng ký điều chỉnh giảm giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi”, ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, quy định của Luật giá, Nhà nước chỉ thực hiện bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. Trong khi đó, nguyên liệu sữa chỉ là một trong số các yếu tố hình thành nên giá bán sữa thành phẩm dành cho trẻ em dưới 06 tuổi của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ngoài ra, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới (Tây Âu và Châu Úc) chỉ là giá chào cho các hợp đồng tương lai.
Bên cạnh đó, theo danh sách kê khai hải quan của các công ty nhập khẩu sữa thành phẩm lớn, mức giá đã khai báo nhập khẩu các sản phẩm sữa thành phẩm từ tháng 6 đến tháng 9 không thay đổi.
Như vậy, “trên thực tế giá nguyên liệu sữa , sản phẩm sữa thành phẩm của các đơn vị sản xuất nhập khẩu phần lớn không giảm hoặc ổn định, do đó chưa tác động nhiều đến giá sữa bán trong nước”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra và theo dõi việc đăng ký giá, kê khai giá của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi, yêu cầu các doanh nghiệp tiết giảm chi phí trong cơ cấu giá và kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào để quản lý đăng ký, kê khai giá của các doanh nghiệp khi có yêu tố giảm,
Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu Sở Tài chính và các cơ quan liên quan cùng tiến hành sơ kết 06 tháng thực hiện bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi theo Nghị quyết của Chính phủ, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan cùng với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này thực hiện tốt công tác bình ổn giá.
--------------------------
Việt Nam chào bán thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế
Theo đánh giá của tạp chí FinanceAsia, trái phiếu quốc tế của Việt Nam phát hành đợt này có tỷ lệ đấu thầu thành công nhất trong lịch sử thị trường huy động vốn quốc tế tại châu Á.
Lúc 1 giờ chiều giờ San Francisco (Mỹ) ngày 6/11/2014 (tức 4 giờ sáng ngày 7/11/2014 giờ Việt Nam) Bộ Tài chính đã phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ USD.
Đợt chào bán trái phiếu lần này diễn ra đồng thời với giao dịch hoán đổi hai trái phiếu Chính phủ đã phát hành ra thị trường vốn quốc tế trước đó với đến hạn thanh toán vào năm 2016 và 2020.
Theo đánh giá của tạp chí FinanceAsia, trái phiếu quốc tế của Việt Nam phát hành đợt này có tỷ lệ đấu thầu thành công nhất trong lịch sử thị trường huy động vốn quốc tế tại châu Á.
Cụ thể, số liệu từ Bộ Tài chính Việt Nam cho thấy, tổng trị giá đăng ký mua trái phiếu của Chính phủ từ 437 nhà đầu tư quốc tế là trên 10,6 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với lượng chào bán ra là 1 tỷ USD, trong đó có 17% nhà đầu tư ở Châu Á, 28% nhà đầu tư ở Châu Âu và 55% nhà đầu tư ở Mỹ.
Nếu phân loại theo loại hình nhà đầu tư, có 84% nhà đầu tư là các công ty quản lý quỹ đầu tư, 12% nhà đầu tư là các ngân hàng và 4% nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí.
Tổng mệnh giá đăng ký hoán đổi lại trái phiếu đã phát hành được chấp nhận mua lại là 726,626 triệu USD, trong đó mua lại 436,452 triệu USD trái phiếu phát hành năm 2005 và 290,174 triệu trái phiếu phát hành năm 2010.
Thông tin chính thức phát đi từ Bộ Tài chính chiều nay (7/11) cho biết, với điều kiện thị trường vốn quốc tế diễn biến thuận lợi và nhu cầu nắm giữ trái phiếu Chính phủ Việt Nam của các nhà đầu tư quốc tế đạt mức kỷ lục so với khối lượng phát hành, trái phiếu quốc tế của Chính phủ đạt mức lãi suất cố định 4,8%/năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,125%/năm, đây là mức lãi suất thấp nhất trong các đợt phát hành từ trước đến nay (lần lượt là 6,875%/năm và 6,755/năm đối với trái phiếu phát hành năm 2005 và 2010).
Cùng với việc Fitch nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc (từ B+ lên BB-) và Moody (từ B2 lên B1), thành công của đợt phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế lần này đã giúp thiết lập mức lãi suất chuẩn thấp hơn nhiều so với trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn trên thị trường quốc tế với lãi suất hợp lý hơn so với trước đây.
Đồng thời, đợt phát hành trái phiếu lần này cũng giúp giảm rủi ro tái cấp vốn và rủi ro lãi suất đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ. Đây là việc chủ động thực hiện nghiệp vụ quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công, tiếp cận với thông lệ quản lý nợ công của quốc tế.
Các ngân hàng là Deutsche Bank, HSBC, và Standard Chartered Bank đóng vai trò là Tổ hợp quản lý cho đợt phát hành trái phiếu và giao dịch hoán đổi/mua lại các trái phiếu cũ. HSBC là ngân hàng thanh toán và phân phối trái phiếu.
Bộ Tài chính đánh giá, thành công của đợt phát hành trái phiếu 2014 được thể hiện ở một số mặt sau:
Thứ nhất, lãi suất phát hành thấp (4,8%/năm so với mức lãi suất dự kiến ban đầu khi chào bán là 5,125%/năm), tiết kiệm được khoảng 32,5 triệu USD tiền thanh toán lãi trái phiếu Chính phủ (trong 10 năm);
Thứ hai, hoán đổi được 54,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2005 và 25,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2010 với tổng lợi ích sau khi hoán đổi là 13,9 triệu USD; góp phần cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
"Với thành công vượt mức mong đợi về lãi suất đối với trái phiếu mới phát hành lần này, đồng thời tận dụng thị trường vốn quốc tế đang diễn biến rất thuận lợi, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và báo cáo Chính phủ khả năng phát hành trong thời gian tới để tiếp tục chủ động tái cơ cấu danh mục nợ công hiện hành", Bộ Tài chính cho biết.
--------------------------