Mặc dù vậy, diễn biến dịch bệnh hiện nay vẫn còn khá tồi tệ và cộng đồng quốc tế cần cảnh giác cao độ cho tới khi ca nhiễm cuối cùng được điều trị.
Có thể ngăn chặn tình trạng bùng phát dịch bệnh chết người Ebola trước năm 2015. Lời khẳng định này vừa được Điều phối viên của Liên Hợp Quốc về dịch bệnh Ebola, ông David Nabarro đưa ra khi trả lời phỏng vấn hãng tin AP.
Ông Nabarro bày tỏ lạc quan rằng, trong những tháng tới chúng ta sẽ được chứng kiến số người nhiễm Ebola suy giảm dần và hy vọng trong năm tới tình trạng bùng phát dịch bệnh nguy hiểm này sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, ông Nabarro cũng nhận định, diễn biến dịch bệnh hiện nay vẫn còn khá tồi tệ và cộng đồng quốc tế cần cảnh giác cao độ cho tới khi trường hợp nhiễm Ebola cuối cùng được điều trị. Vị quan chức này cũng đồng thời cảnh báo nếu không có sự huy động các nỗ lực chung của toàn cầu, thì thế giới sẽ mãi mãi phải sống chung với dịch bệnh tử thần này.
Tính đến ngày 5/11 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận tổng cộng 13042 trường hợp nhiễm virus Ebola ở Tây Phi, và số người tử vong vì dịch bệnh này đã lên tới con số 4.818 người./.
Obama thất bại, quan hệ Nga-Mỹ sẽ ra sao?
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa bị cử tri trừng phạt vì sự “nhu nhược” trong chính sách đối ngoại khiến Mỹ mất vai trò “sếp sòng” của thế giới. Đảng Cộng hòa thắng thế liệu có đẩy quan hệ Nga-Mỹ tới bờ vực thẳm?
Nga-Mỹ khó thay đổi?
Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Obama đã thất bại thảm hại, từ Trung Đông đến Nga-Ukraina. Với cuộc tranh chấp Israel-Palestine, vào lúc nhậm chức, ông Obama từng cam kết giải quyết trong một năm. Nhưng mục tiêu hai Nhà nước Israel và Palestine cùng song song tồn tại vẫn rất xa vời, tiến trình Israel xâm chiếm các vùng đất trên nguyên tắc là của người Palestine vẫn tiếp tục...
Iraq là một thất bại lớn thứ hai. Việc ông Obama cho rút quân quá sớm khỏi nước này vào năm 2010, là một lỗi lầm gần nặng bằng quyết định tấn công Iraq của ông Bush vào năm 2003. Và khi phải can thiệp chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã ngóc đầu dậy từ khi người Mỹ rút đi, ông Obama lại phạm sai lầm khi công khai báo trước cho kẻ thù rằng sẽ không có vấn đề can thiệp trên bộ. Tại vùng Trung Đông, chính sách của Mỹ còn gặp khó khăn tại Syria, tại Ai Cập.
Còn ở châu Âu, đường lối gọi là khởi động lại quan hệ với Nga cũng thất bại. Kết quả là ngoại giao Mỹ-Nga lâm vào bế tắc. Một số chuyên gia tin rằng mối bang giao giữa Washington và Moskva đang ở điểm thấp nhất trong nhiều thập niên.
Xung quanh vấn đề Ukraina, ông Obama đã để cho các nhà ngoại giao của mình công khai ủng hộ những người biểu tình trên quảng trường Maidan chống lại một Tổng thống được bầu lên một cách hợp pháp. Nước Mỹ lại có thái độ coi nhẹ Liên minh châu Âu trong việc giải quyết khủng hoảng bùng lên, và đã phá vỡ một khả năng thỏa hiệp với Nga ngày 21/4/2014.
Nay khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả hai viện quốc hội, liệu điều đó có một ảnh hưởng nào đối với bang giao Nga Mỹ hay không? Bày tỏ ý kiến riêng của mình, ông John Parker, chuyên gia về Nga tại Đại học Quốc phòng Quốc gia nói: “Sẽ không có thay đổi lớn nào sau kết quả cuộc bầu cử kỳ này về mặt bang giao Nga-Mỹ. Ta sẽ nghe thấy những tiếng nói mạnh hơn từ thượng viện vào những thời điểm khủng hoảng với Nga, có thể có sự hối thúc phải có hành động quyết liệt hơn về mặt cấm vận mà Mỹ đã áp dụng ở một mức độ nào đó. Nhưng tôi cho rằng sẽ không có gì là đáng kể”.
Nhà nghiên cứu Robert Legvold của trường Đại học Columbia nói: “Chính quyền Obama sẽ tiếp tục chính sách hiện thời đối với Nga, đầu tiên và trên hết là tìm cách cô lập Moskva trên chính trường quốc tế. Tiếp đó là duy trì các biện pháp chế tài. Và giả sử mọi thứ không đi đúng hướng ở Ukraina, thì gia tăng áp lực áp đặt thêm các biện pháp chế tài, hợp tác với phía châu Âu để làm việc đó”.
Về phần mình, cựu ngoại trưởng Henry Kissinger nói rằng Nga phải là một phần cấp thiết của bất cứ hệ thống quốc tế nào. Hiện có rất ít thiện chí ở Washington hoặc ở Moskva muốn xoay chuyển tình hình bang giao.
--------------------------------
Chính sách đối ngoại sắp tới của Mỹ?
Việc phe Cộng hòa kiểm soát cả hai viện quốc hội sẽ thu hẹp không gian hoạt động của Tổng thống Obama về những mục tiêu lớn nhất của ông trong chính sách đối ngoại. Điều này sẽ tạo thêm nhiều sự khó khăn cho Tổng thống Obama trong việc đạt được những tiến bộ mà ông muốn thấy trong cuộc thương thuyết về vấn đề hạt nhân Iran và tiến trình hòa bình giữa Israel với Palestine. Cả hai vấn đề này trong những năm qua đã trở thành một quả bóng chính trị mà cả hai đảng đã mang ra đá ở quốc hội.
Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran theo lịch trình sẽ kết thúc trong tháng này và các nhà thương thuyết quốc tế đang ra sức thuyết phục Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy sự nới lỏng của một số biện pháp chế tài kinh tế.
Thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa dẫn đầu phe chỉ trích sự hậu thuẫn chậm chạp của Mỹ dành cho phe nổi dậy có chủ trương ôn hòa ở Syria và có thể ông McCain sẽ thúc đẩy cho một vai trò quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ ở Syria. Nhà phân tích Robert Manning của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định: "Tôi nghĩ rằng về mặt an ninh, chúng ta sẽ thấy Thượng nghị sĩ McCain lên nắm chức Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Việc đó sẽ tạo ra nhiều ý kiến bất đồng đối với vấn đề chi tiêu quốc phòng và một số hoạt động quân sự của chúng ta ở Trung Đông và những nơi khác".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng, các nhà ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với bất cứ ai nắm quyền kiểm soát quốc hội. "Bộ Ngoại giao là một nơi không có tính chất đảng phái và là nơi mà chúng tôi làm việc với phe Dân chủ và phe Cộng hòa. Cho nên chúng tôi sẽ tiếp tục đi tới với nhận thức đó".
Về vấn đề ông Kerry có tiếp tục giữ chức ngoại trưởng hay không, các bài tường thuật của giới truyền thông trong cuộc vận động bầu cử giữa kỳ trích dẫn những nguồn tin trong chính phủ Obama chỉ trích ông Kerry là không tuân hành sát sao chính sách đối ngoại của ông Oabma. Phát ngôn viên Jen Psaki nói rằng “ông Kerry sẽ tiếp tục giữ chức Ngoại trưởng”.
--------------------------
"Làn sóng" Cộng hòa sẽ chi phối chính sách đối ngoại Mỹ
Chiến thắng áp đảo của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua của Mỹ sẽ mở đường cho sự kiểm soát Thượng viện của các nghị sĩ phe Cộng hòa, mà họ chắc chắn sẽ có tiếng nói đóng góp vào chính sách đối ngoại Mỹ và các vấn đề an ninh trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.
5 gương mặt nổi bật trên mặt trận chính sách đối ngoại trong quốc hội thứ 114 của Mỹ:
Mitch Mc Connell
Sau khi đánh bại đối thủ Đảng Dân chủ Alison Lundergan Grimes trong cuộc bầu cử vừa qua, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell đã tổ chức một cuộc họp báo công bố kế hoạch mở rộng sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa ở Thượng viện. Trên cương vị là lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông McConnell sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc xác định luật chính sách đối ngoại của Mỹ.
Khi được hỏi đâu là vấn đề chủ chốt mà McConnell có thể hợp tác với Tổng thống Obama, ông Connell đã đề cập tới một trong những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Tổng thống: “Các hiệp định thương mại”
McConnell là người lạc quan về thương mại quốc tế, hứa hẹn sự thuận lợi trong việc thúc đẩy “quyền đàm phán nhanh” (fast track authority), một công cụ pháp lý có thể giúp Tổng thống Obama hoàn tất các thỏa thuận thương mại lớn đang được thảo luận ở khu vực châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.
Các vấn đề chính sách đối ngoại hợp tác khác mà ông McConnell và ông Obama đã đề cập hôm 5/11 bao gồm một chiến lược đã được Quốc hội chấp thuận, đó là cuộc chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, và tăng ngân sách cho các phản ứng của Lầu Năm Góc với cuộc khủng hoảng Ebola ở Tây Phi.
John McCain
Với bài phát biểu và quan điểm hiếu chiến về chính sách đối ngoại xuất hiện rộng rãi trên truyền thông Mỹ ngày 2/11, Thượng nghị sĩ bang Arizona John McCain đã là một trong những cái gai lớn nhất trong đội hình của chính quyền Obama.
Tuy nhiên, căng thẳng sẽ chỉ gia tăng khi cựu ứng viên Tổng thống McCain nắm kiểm soát Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, một vị trí mà McCain kỳ vọng sẽ cho phép ông điều hành các buổi điều trần thường xuyên về việc giải quyết mối đe dọa IS hay cuộc nội chiến ở Syria.
McCain, một người ủng hộ việc triển khai bộ binh ở Syria và Iraq, cũng sẽ cố gắng thúc đẩy chính quyền Mỹ đổ người và của vào cuộc chiến ở Trung Đông. Ông cũng hy vọng sẽ tìm ra cách tiết kiệm trong hệ thống “mua sắm công” cồng kềnh của Lầu Năm Góc, một ưu tiên cải tổ của hầu hết các chức vị trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện.
Tom Cotton
Ở Arkansas, ứng viên Cộng hòa Tom Cotton đánh bại ứng viên Dân chủ, thượng nghị sĩ đương nhiệm Mark Pryor.
Là một cựu binh quân đội thường nhắc tới thời tham chiến ở Afghanistan và Iraq, Cotton đã chỉ trích chính quyền Obama trên một số mặt trận, đặc biệt là vụ việc thả tự do 5 tù nhân Taliban bị giam ở nhà tù Vịnh Guantanamo để giải cứu trung sĩ lục quân Bowe Bergdahl bị Taliban bắt làm tù binh.
Ông Tom Cotton từng phát biểu hồi tháng 6: “Chúng tôi tụng kinh Ranger mỗi ngày, rằng sẽ không bao giờ bỏ rơi một đồng đội ngã xuống. Khi chúng tôi thực hiện những lời hứa đó với nhau, chúng tôi đã không hứa sẽ bị trao đổi với 5 kẻ giết người Taliban máu lạnh, và cũng không có người lính nào muốn điều đó xảy ra”, Cotton nói hồi tháng 6.
Tom Cotton, một thành viên của Ủy ban quan hệ đối ngoại Hạ viện Mỹ, không nói ông muốn một ghế trong Ủy ban tình báo, Ủy ban quan hệ đối ngoại hay Ủy ban Quân vụ của Thượng viện, nhưng ông hy vọng sẽ tiếp tục giữ tiếng nói thẳng thắn của mình trong các vấn đề của Lầu Năm Góc.
Joni Ernst
Tại tiểu bang Iowa, chiến thắng trước nghị sĩ Dân chủ Bruce Braley, Joni Ernst là nữ nghị sĩ đầu tiên được bầu vào quốc hội.
Hồi tháng trước, trung tá vệ binh quốc gia Iowa từng phát biểu: “Điều tôi muốn làm là so sánh và đối chiếu quan điểm của mình về chính sách đối ngoại, quân sự với nghị sĩ Bruce Braley và Tổng thống Obama".
Ernst chỉ trích kịch liệt chính quyền Obama đã chờ đợi quá lâu để giải quyết mối đe dọa từ lực lượng IS và thất bại trong việc giải quyết những vấn đề lộn xộn của Bộ Cựu chiến binh Mỹ.
Ernst cũng cho biết mình thiếu thông tin về cuộc chiến Iraq. Trả lời Des Moines Register, Ernst nói: “Tôi có lý do để tin rằng có vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq”, bất chấp thực tế là những vũ khí như vậy chưa từng được tìm thấy ở Iraq.
Chưa thể trả lời rằng Ernst có hướng tới một vị trí trong các ủy ban liên quan tới chính sách đối ngoại trong quốc hội hay không, nhưng chắc chắn rằng Ernst sẽ không im lặng trước những vấn đề này bất chấp vị trí của mình là ở đâu.
Bob Corker
Ứng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Bob Corker có quan hệ mật thiết với Chủ tịch Ủy ban này, Bob Menendez. Chính vì vậy, có lẽ “hương vị” hiếu chiến trong chính sách đối ngoại của Ủy ban sẽ không thay đổi nhiều dưới sự điều hành của ông Corker nếu ông có may mắn lên nắm quyền Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Corker cho rằng Tổng thống Obama đã thất bại trong việc thực thị “giới hạn đỏ” về việc vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria, và rằng ông Obama nên phát động tấn công quân sự trừng phạt chế độ Bashar al-Assad hồi năm ngoái, một biện pháp được Corker ủng hộ.
Corker cũng đã thúc ép ông Obama gửi vũ khí và trang thiết bị cho Ukraine, nơi Kiev đã và đang thỏa thuận với phiến quân ly khai ủng hộ Nga nhiều tháng qua.
Những vấn đề này sẽ không biến mất, và Corker có khả năng sẽ tiếp tục đóng góp tiếng nói của mình vào các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại Mỹ.
-------------------------