Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì lại sang Việt Nam
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ đến Việt Nam để bàn thảo về vấn đề hợp tác song phương.
Ông Dương Khiết Trì sẽ đến Việt Nam vào ngày 27.10 để gặp gỡ với Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Reuters ngày 24.10 dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Hai bên sẽ thảo luận về “vấn đề hợp tác song phương Trung Quốc - Việt Nam”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Ông Dương Khiết Trì từng đến Việt Nam vào tháng 6, khi căng thẳng trên biển Đông leo thang do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Như Thanh Niên Online đã đưa tin, trong cuộc hội đàm với ông Dương Khiết Trì vào ngày 18.6, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, kiểm soát tình hình không để xảy ra xung đột, đàm phán giải quyết tình hình căng thẳng cũng như các bất đồng khác giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
-------------------------
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ
Thông cáo ngày 23.10 của Bộ Ngoại giao cho biết nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 27-29.10.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Ấn... Thông cáo chung Việt Nam-Ấn Độ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao... Xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng 32% Đẩy mạnh quan hệ hợp tác Việt Nam-Ấn Độ Trước đó, ngày 15.9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, nhân dịp ông thăm cấp Nhà nước Việt Nam.
Tại hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng và mong muốn cùng với Ấn Độ nỗ lực đưa quan hệ hữu nghị, truyền thống, đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Với tiềm năng hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư song phương còn rất lớn, hai bên cần phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 8 tỷ USD hiện nay lên 15 tỷ USD trước năm 2020.
Nhấn mạnh mục tiêu mà Chính phủ mới của Ấn Độ đang tiến hành là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, Tổng thống Pranab Mukherjee cho biết Ấn Độ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí, sản xuất điện, công nghệ thông tin, chế biến nông sản, dược phẩm, dệt may, du lịch; tin tưởng mục tiêu kim ngạch song phương 15 tỷ USD đặt ra là hoàn toàn hiện thực, đồng thời chào đón các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Ấn Độ.
Với tinh thần này, Tổng thống Pranab Mukherjee cho biết Ấn Độ mong chờ và chào đón chuyến thăm Chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và coi đây là một dấu mốc mới để tiếp tục đưa quan hệ hợp tác toàn diện, đối tác chiến lược Ấn Độ - Việt Nam lên một tầm cao mới.
-------------------------
Cưỡng chế thu hồi nếu không trả nhà công vụ
Sẽ cưỡng chế thu hồi nhà công vụ nếu người thuê không tự nguyện trả là một trong những nội dung của dự luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại phiên họp sáng nay 24.10.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTV QH) đề nghị bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như luật Nhà ở hiện hành, phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức (CBCC) khi thuê nhà ở công vụ.
Tối đa sau 90 ngày phải trả nhà
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, tiêu chí được thuê nhà ở công vụ.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ thời hạn thuê nhà ở công vụ trong 1 năm, hết thời hạn thì phải trả lại nhà ở công vụ, đồng thời cần nêu rõ trách nhiệm quản lý nhà ở công vụ và có chế tài xử lý đối với trường hợp không trả lại nhà công vụ.
Đáng chú ý, ông Lý cho biết dự thảo Luật sửa đổi cũng quy định rõ việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ, khi người thuê không còn thuộc đối tượng được thuê và không tự nguyện trả lại nhà ở công vụ.
“Việc quy định thời hạn cho thuê nhà ở tương ứng với thời hạn đảm nhận chức vụ, công tác để người thuê yên tâm làm việc, khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đi nơi khác, người thuê nhà công vụ có trách nhiệm trả lại nhà, nếu không tự nguyện trả lại thì sẽ bị cưỡng chế thu hồi”, ông Phan Trung Lý nói.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ông Phan Trung Lý cho biết, UBTV QH đã bổ sung quy định tại Điều 34 dự thảo Luật về thời hạn cụ thể trả lại nhà công vụ cho Nhà nước khi người thuê không còn thuộc đối tượng được thuê nhà, khi không còn nhu cầu thuê, hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở, với thời hạn trả nhà không quá 90 ngày, kể từ thời điểm nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ.
Nên thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách nhà công vụ. Lý do là dự thảo lần này đã bổ sung nhiều cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Việc thu hẹp đối tượng nhà công vụ để họ tiếp cận thị trường nhà ở xã hội. Điều này, theo ông Vinh, sẽ giúp tiết kiệm nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho nhà ở công vụ, trong điều kiện kinh tế - xã hội đất nước còn gặp nhiều khó khăn.
ĐB Vinh đề nghị chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, các đối tượng khác chỉ được hưởng chế độ nhà ở công vụ khi họ được điều động luân chuyển về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
-------------------------
Đang kiểm tra việc kê khai tài sản của cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền
Trả lời báo chí về việc xử lý đơn thư tố cáo ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ bổ nhiệm cán bộ sai nguyên tắc và có nhiều tài sản lớn, Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: “Về vấn đề này, Ban Bí thư TƯ Đảng đã có chỉ đạo và Uỷ Ban kiểm tra Trung ương đã có kết luận và Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thực hiện kết luận của Uỷ Ban kiểm tra Trung ương".
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Thanh tra Chính phủ ngày 23.10, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết toàn ngành Thanh tra đã triển khai 2.146 cuộc thanh tra hành chính và 47.390 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 150.351 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 9.069 tỷ đồng, 183 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.535 tỷ đồng và 154,5 ha đất (đã thu hồi 3.964 tỷ đồng, 82,7 ha đất); xử phạt vi phạm hành chính 931 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 2.534 tỷ đồng, 28,4 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 322 tập thể, 384 cá nhân; ban hành 43.558 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Cũng tại cuộc họp báo, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết qua công tác thanh tra, cơ quan thanh tra đã phát hiện 06 vụ, 12 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 1.362 triệu đồng (đã thu hồi 1.319 triệu đồng, đạt 96,8%). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 04 vụ, 08 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan nhà nước đã phát hiện 02 vụ, 02 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Tổng số vụ việc tham nhũng đã phát hiện trong quý III là 12 vụ với 22 đối tượng có liên quan đến hành vi tham nhũng và đã chuyển CQĐT xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng theo ông Lượng qua công tác thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế trong quý 6.500 tỉ đồng, thu hồi được hơn là 4.500 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động về việc có thể công khai danh tính những đối tượng qua công tác thanh tra phát hiện có dấu hiệu tham nhũng được không?, ông Trần Đức Lượng cho rằng việc càng công khai minh bạch càng tốt và càng giảm được tham nhũng. Pháp luật cũng quy định về việc công khai minh bạch việc xử lý những hành vi tham nhũng, ví dụ như đưa ra xét xử là công khai toàn bộ. Tuy nhiên những hành vi có dấu hiệu tham nhũng mà thanh tra chuyển cơ quan điều tra để điều tra thì quá trình đó chưa công khai bởi cần phải điều tra xem xét cho khách quan. Khi có kết luận chính thức thì sẽ công khai.
Về vấn đề xử lý nội bộ đơn thư tố cáo ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ bổ nhiệm cán bộ sai nguyên tắc và có nhiều tài sản lớn, Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: “Về vấn đề này, Ban Bí thư TƯ Đảng đã có chỉ đạo và UBKTTƯ đã có kết luận và Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thực hiện kết luận của UBKTTƯ.
Cụ thể ông Trần Văn Truyền có 2 nội dung: Thứ nhất là việc bổ nhiệm cán bộ sai nguyên tắc, về vấn đề này chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ và thấy rằng về cơ bản số cán bộ được bổ nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn và phát huy năng lực sở trường, tuy nhiên có một một số trường hợp lúc bổ nhiệm chưa đảm bảo tiêu chuẩn nhưng đến giờ đã hoàn thiện đầy đủ những tiêu chuẩn để giữ chức danh. Thanh tra Chính phủ cũng đã giao Vụ Tổ chức cán bộ rà soát lại lần nữa, những vị trí cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc thì sẽ không bổ nhiệm lại.
Vấn đề thứ hai của ông Truyền là việc kê khai tài sản, việc này UBKTTƯ đang làm, chúng tôi chưa có thông tin nên chưa nói được”.
-------------------------
Quy định rõ mới xử được bức cung, nhục hình
"Chúng tôi đã kiến nghị những trường hợp không cần thiết thì không thực hiện giam giữ, nên áp dụng biện pháp bảo lãnh, cho đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú", đại biểu Đương nói.
Ngày 23/10, trả lời báo chí, đại biểu Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực UB Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: Những quyền mà pháp luật không hạn chế, không tước bỏ như tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người ta phải được tôn trọng.
“Đồng thời, pháp luật cần quy định rõ hơn thì mới xử được người có hành vi bức cung, nhục hình”, ông Đương nói.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người Quốc hội đang xem xét cũng chẳng khác gì nhiều lắm và cơ bản tương thích với pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, để rõ hơn thì như Tờ trình của Chính phủ nêu, cần phải sửa một số luật, nhất là Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự và những quy định về tạm giữ, tạm giam người phạm tội, bị can. Những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền con người phải được quy định rõ hơn về khái niệm, nội dung, để sau này có cơ sở pháp lý nhằm xử lý người có trách nhiệm đối với những hành vi bức cung, nhục hình, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Đồng thời, tạo điều kiện cho nhận thức trong các lực lượng liên quan đến những công tác này phải tôn trọng tính mạng, danh dự, nhân phẩm, không có những hành vi nhục hình.
Việc phê chuẩn Công ước là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan cũng như những người liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phải tôn trọng những quyền của người phạm tội không bị pháp luật tước bỏ như tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm. Việc giam giữ phải bảo đảm các chế độ về ăn ở, sinh hoạt và các chế độ khác của người bị giam giữ mà pháp luật không hạn chế.
- Giám sát của UBTVQH vừa qua cho thấy, việc giam giữ người phạm tội trong các nhà tạm giam, tạm giữ hiện nay ra sao, thưa ông?
- Việc tạm giữ, tạm giam hiện nay cơ bản bảo đảm an toàn và chế độ tương đối bảo đảm. Cơm ăn, nước uống của người bị giam giữ, theo chúng tôi quan sát đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ khẩu phần ăn.
Ban quản lý các trại tạm giam, tạm giữ đã tạo điều kiện cho người bị giam giữ tăng gia lao động sản xuất lấy thực phẩm cải thiện. Còn về chế độ ăn uống là tốt, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng Nhà nước vẫn quan tâm đến chế độ của phạm nhân và họ luôn ở trong tình trạng sức khỏe tốt.
"Những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền con người phải được quy định rõ hơn về khái niệm, nội dung, để sau này có cơ sở pháp lý nhằm xử lý người có trách nhiệm đối với những hành vi bức cung, nhục hình, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác", đại biểu Đỗ Văn Đương
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng các cơ sở giam giữ của chúng ta vẫn có tình trạng quá tải. Nhiều năm nay, việc quy định 2 m2/chỗ nằm vẫn chưa đảm bảo được. Một vấn đề khác làm quá tải nhà giam giữ là tội phạm ma túy phát sinh nhiều. Từ ma túy dẫn đến trộm cắp, cướp… là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải các khu vực tạm giam, tạm giữ.
Ở góc độ tư pháp, chúng tôi đã kiến nghị có lộ trình nâng cấp cải tạo xây dựng mới cơ sở hạ tầng nơi giam giữ, đảm bảo diện tích chỗ nằm.
- Để giảm quá tải trong các nhà tạm giam, tạm giữ có nên áp dụng hình thức bảo lãnh những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng?
Chúng tôi đã kiến nghị những trường hợp không cần thiết thì không thực hiện giam giữ, nên áp dụng biện pháp bảo lãnh, cho đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, trên thực tế loại tội phạm ít nghiêm trọng từ 2 năm tù trở xuống, nhưng lại trộm cắp vặt suốt ngày, phạm tội có tính chất nhỏ nhặt, gây bức xúc xã hội bảo lãnh có khi phản tác dụng. Có trường hợp vì không bắt giữ và đưa ra xét xử được, nên kéo dài nhiều năm có thể có tới hơn 1.000 người, trong đó có trường hợp rất nguy hiểm.
Trong điều kiện hiện nay, cần nâng cao trách nhiệm của người bảo lãnh và nếu để tội phạm bỏ trốn người bảo lãnh phải bị phạt tiền. Nhưng hiện người bảo lãnh để tội phạm bỏ trốn vẫn chưa được luật quy định phải bị xử lý. Một chính sách pháp luật đưa ra không phù hợp với thực tiễn sẽ gây khổ cho cả cộng đồng.
------------------------