Hai tàu cá Việt Nam bị tấn công ở ngư trường Hoàng Sa
Trở về từ ngư trường Hoàng Sa, 2 tàu cá của ngư dân huyện Bình Sơn mang về nhiều thương tích sau khi bị tàu Trung Quốc tông mạnh, xịt vòi rồng,… Tổng thiệt hại của 2 tàu cá ước hơn 200 triệu đồng.
Hai tàu cá bị tấn công gồm tàu cá QNg 90226-TS do ngư dân Đỗ Văn Nam (ngụ thôn Định Tân, xã Bình Châu) làm Thuyền trưởng và tàu cá QNg 95159-TS do ngư dân Lê Đê (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) làm Thuyền trưởng.
Xuất bến từ ngày 8/11, tàu cá QNg 90226-TS cùng 7 lao động vươn ra vùng biển Hoàng Sa. Đến trưa ngày 26/11, khi đang thả lưới đánh cá chuồn gần đảo Đá Lồi (thuộc vùng biển Hoàng Sa), bất ngờ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi và tấn công.
“Khi đang loay hoay kéo lưới lên, bỗng xuất hiện tàu của Trung Quốc mang số hiệu 46102 áp sát, họ nhảy lên tàu, dùng dùi cui đập phá cabin, máy móc rồi cắt hư hỏng hết ngư lưới cụ. Chúng tôi chưa kịp hoàng hồn thì khoảng 1 giờ sau đó, lại xuất hiện 2 tàu Trung Quốc sơn màu trắng (trong đó có 1 tàu số hiệu 2) lao về phía tàu cá. Bọn chúng vừa dùng vòi rồng xịt mạnh vào cabin, vừa tông mạnh vào mạng trái làm tàu hư hỏng nặng”, thuyền trưởng Đỗ Văn Nam kể lại.
Bị tấn công liên tục 2 lần, tàu cá QNg 90226-TS có nguy cơ bị phá nước và chìm. Trước tình hình nguy cấp, Thuyền trưởng Nam thông báo các tàu cá trong tổ đội đánh bắt xa bờ đến ứng cứu và lai dắt vào đất liền.
Qua thống kê ban đầu, tàu cá QNg 90226-TS bị cắt đứt 80 tấm lưới, vỡ bô tàu và bô máy, gãy cần dò cá, hư hỏng thiết bị dò cá và cabin cùng 2 tấn cá chuồn. Tổng thiệt hại ước khoảng 200 triệu đồng.
Cùng thời điểm và vùng biển trên, tàu cá QNg 95159-TS cũng bị tàu Trung Quốc sơn màu trắng (số hiệu 2) tấn công bằng vòi rồng. Mức độ phun vòi rồng 3 lần (4 phút/lần).
Thuyền trưởng Lê Đê bức xúc nói: “Bảy anh em đang kéo lưới cá lên tàu thì phát hiện tàu Trung Quốc đến, chúng tôi nổ máy vừa chạy vừa kéo lưới nhưng không kịp. Đến lúc bị xịt vòi rồng, tôi thấy tình hình nguy cấp, cho nên cắt bỏ 50 tấm còn mắc lại dưới biển để giảm tải và tìm cách chạy thoát”.
Hậu quả, phần kính cabin bị vỡ, mất trắng 50 tấm lưới. Thiệt hại ước khoảng 20 triệu đồng. Sau khi bị tấn công, tàu cá QNg 95159-TS tiếp cận tàu cá của thuyền trưởng Đỗ Văn Nam và lai dắt về cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn).
Hiện sự việc đang được lực lượng Biên phòng cảng Sa Kỳ cùng cơ quan chức năng xác minh nguyên nhân và thiệt hại của 2 tàu cá trên.
-------------------------
Quân đội có thể có 3 Đại tướng
Theo Luật Sĩ quan QĐND sửa đổi, bổ sung một số điều vừa được đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua, cấp bậc quân hàm cao nhất - Đại tướng được áp dụng ở 3 vị trí: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Tại phiên thảo luận về dự luật này, ông Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc trần quân hàm Đại tướng của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong mối tương quan với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Tổng Tham mưu trưởng vì về mặt nhà nước Tổng Tham mưu trưởng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (theo nguyên tắc chung, cấp trưởng mang quân hàm cao hơn cấp phó 1 bậc).
Giải trình nội dung này UB Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật quy định Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng bằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là kế thừa Luật sĩ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tổng Tham mưu trưởng Chủ nhiệm Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Nội dung này được giữ nguyên và được Quốc hội nhất trí thông qua.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 27/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến cho rằng, hiện nay số lượng sĩ quan cấp Tướng nhiều nên đề nghị cần rà soát để quy định cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Cũng có ý kiến đề nghị đối với doanh nghiệp hay cơ quan chuyên môn đơn vị sự nghiệp có chức năng dịch vụ công, không nên nêu tên cụ thể mà quy định tiêu chí để xác định nhu cầu cấp Tướng. Cũng có một số ý kiến đề nghị không quy định trần quân hàm cấp Tướng đối với các chức vụ trên mà chỉ quy định cấp Đại tá là phù hợp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với các Binh đoàn Quốc phòng - Kinh tế và Tập đoàn Viễn thông Quân đội là doanh nghiệp lớn của quân đội có nhiệm vụ kết hợp quốc phòng và kinh tế, trong đó có các đơn vị dự bị động viên làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, do vậy Ủy ban đề nghị quy định trần quân hàm Thiếu tướng là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới.
Nhiều ý kiến cũng không đồng ý với quy định Tư Lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh có trần quân hàm Trung tướng và đề nghị chỉ quy định ở trần Thiếu tướng để không mâu thuẫn với mức quân hàm áp dụng cho Tư lệnh, Chính ủy Quân khu 7 - cũng là Trung tướng.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc quy định cấp bậc quân hàm cao nhất của Quân đội và Công an ở địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) phải bằng nhau là một chủ trương đúng của Đảng, theo đó Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh là người chỉ huy các lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ theo quy định tại Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, trong đó có lực lượng Công an nhân dân.
Tại phiên họp trước đó, đa số đại biểu đồng ý với trần quân hàm của Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh là Trung tướng, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quy định trần quân hàm Trung tướng đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp và đáp ứng yêu cầu chỉ huy khi có tình huống chiến sự, chiến tranh xảy ra.
-------------------------
Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận
Sau phiên họp lần thứ 9 của Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của Unesco diễn ra tại Paris (Pháp) - Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo thông tin mới nhất từ bà Đinh Thị Lệ Thanh UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - người có mặt tại Paris cho biết, vào hồi 23h10 hôm qua 27/11 (theo giờ Việt Nam), phiên họp lần thứ 9 Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của Unesco diễn ra tại Paris - thủ đô Cộng hoà Pháp đã chính thức vinh danh Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo bà Thanh, việc ghi danh Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa Đại diện của nhân loại góp phần thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.
Theo VOV.vn, phát biểu trước toàn thể kỳ họp trong niềm hân hoan vui mừng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt nam bà Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: "Quyết định tại Kỳ họp thứ 9 của Uỷ ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt nam về một loại hình dân ca được thực hành ở các làng quê, gắn bó với mọi việc của con người trong đời sống thường ngày".
Các biện pháp bảo vệ nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền và phương pháp giảng dạy truyền miệng cũng như trong chương trình giáo dục chính thức sẽ được thực hiện với sự tham gia tích cực của các học viên, các chuyên gia, các tổ chức chuyên ngành và với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.
Hồ sơ đề cử Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh được xây dựng với sự tham gia của các thành viên cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành và các chuyên gia, các thành viên cộng đồng tự nguyện đề cử và cùng cam kết bảo vệ.
Di sản Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh đã được Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam kiểm kê từ năm 2012 với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng. Năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Việc Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hoá thế giới; là cơ hội quảng bá rộng rãi di sản này đến cộng đồng quốc tế.
Từ đó, đúc kết được những phương pháp tiếp cận phù hợp và những biện pháp thiết thực để triển khai, bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca,Ví dặm Nghệ Tĩnh xứng với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo riêng.
---------------------------
Cảnh báo hơn 10.600 tàu chủ động tránh áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tính đến 6h sáng nay 28/11, có trên 10.600 tàu với gần 58.700 lao động đánh bắt trên các ngư trường, đã nhận thông báo về áp thấp nhiệt đới trên biển để chủ động trú, tránh.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 1h ngày 28/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,3 độ vĩ Bắc; 119,3 độ kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Pa-la-oan (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 1h ngày 29/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Song Tử Tây khoảng 70km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Hiện các tỉnh từ Đà Nẵng đến đến Ninh Thuận đã nhận và triển khai nghiêm túc Công điện số 29/CĐ-TW của VP BCĐ PCLB TW - VP UBQG TKCN về công tác chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
---------------------------