Giới chức cấp cao Philippines ngày 27/11 tuyên bố chính phủ nước này sẽ không tha bổng 9 ngư dân Trung Quốc bị buộc tội đánh bắt trái phép trong vùng biển tranh chấp, bất chấp sức ép từ Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Herminio Coloma của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho hay 9 công dân Trung Quốc, bị kết án hôm 25/11 vì đánh bắt rùa biển quý hiếm, chỉ đơn thuần phải trả tiền phạt để được tự do.
"Đối với tội danh liên quan tới sở hữu động vật có nguy cơ tuyệt chủng, tòa đã áp dụng hình thức là trả tiền phạt. Sau khi trả tiền phạt, họ coi như đã thực hiện hình phạt một cách đầy đủ và sẽ không bị cản trở khi rời Philippines", phát ngôn viên Coloma nói.
Trong phiên tòa diễn ra trên đảo Palawan của Philippines hồi đầu tuần này, 9 công dân Trung Quốc đã bị tuyên bố có tội và bị phạt 100.000 USD mỗi người vì đánh bắt trái phép và thêm 2.730 USD mỗi người vì đánh bắt động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Nếu các ngư dân không trả tiền phạt, họ có thể bị phạt tù 6 tháng cho mỗi tội danh.
Nhưng do họ đã bị giam giữ 6 tháng trong khi chờ xét xử nên coi như họ đã thụ án xong về tội đánh bắt trái phép và giờ chỉ phải đối mặt với án tù về đánh bắt động vật có nguy cơ tuyệt chủng, ông Coloma nói.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng nhấn mạnh rằng hệ thống tòa án độc lập đã nhận thấy các ngư dân có tội, chứ không phải chính phủ.
"Chúng ta phải tôn trọng quyết định của tòa", ông Del Rosario cho biết trong một tuyên bố.
Vụ việc đã làm căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines, vốn đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Cảnh sát Philippines cho biết họ phát hiện hàng trăm con rùa biển - một loài động vật được bảo vệ - trên tàu của các ngư dân Trung Quốc khi bắt giữ họ hồi tháng 5 tại bãi Bán Nguyệt thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hôm 25/11, Trung Quốc đã kêu gọi Philippines thả các ngư dân, nói rằng việc bắt giữ họ là vi phạm chủ quyền của Bắc Kinh.
Bắc Kinh đơn phương tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có các khu vực gần bờ biển các quốc gia trong khu vực.
Trung Quốc bác tin lập 18 căn cứ hải quân ở Ấn Độ Dương
Báo chí Namibia gần đây đưa tin rằng Trung Quốc sẽ thiết lập 18 căn cứ hải quân tại các khu vực khác nhau ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Bắc Kinh hôm qua đã bác bỏ điều này.
Trước đó, tờ Namibian Times đưa tin Bắc Kinh đang thảo luận việc xây dựng một căn cứ trong 10 năm tới ở Namibia, tây nam châu Phi, cho quân đội Trung Quốc.
Căn cứ tại Vịnh Walvis là một trong 18 căn cứ mà Trung Quốc sẽ thiết lập tại các khu vực khác nhau, tờ báo cho biết thêm, trích dẫn truyền thông Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 27/11, người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói rằng thông tin trên là không chích xác.
Ông Cảnh nói rằng bài viết của Namibian Times dựa trên thông tin không thích thức trên mạng tại Trung Quốc từ 2 năm trước và vì thế "không có cơ sở".
Theo tờ Namibian Times, 18 căn cứ sẽ được thiết lập tại Pakistan, Sri Lanka và Mynanmar ở phía bắc Ấn Độ Dương, Djibouti, Yemen, Oman, Kenya, Tanzania và Mozambique ở tây Ấn Độ Dương; Seychelles và Madagascar ở nam Ấn Độ Dương.
Cũng trong cuộc họp báo hôm qua, ông Cảnh còn nói rằng việc tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Colombo tại Sri Lanka gần đây là bình thường.
Theo ông Cảnh, tàu ngầm của quân đội Trung Quốc đã thực hiện 2 lần neo đậu kỹ thuật tại cảng Colombo trong khi đang thực hiện một sứ mệnh hộ tống cho các chiến dịch chống cướp biển tại Vịnh Aden ở Somalia.
Việc tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Sri Lanka đã gây ra những lo ngại tại Ấn Độ, đặc biệt khi cảng Colombo đang được nâng cấp với nguồn vốn lớn từ Trung Quốc.
Ấn Độ được cho là đã nêu ra lo ngại trên với phía Sri Lanka, nơi Trung Quốc cũng đang xây một cảng khác tại Hambanthota.
-------------------------
"Tướng Trung Quốc" giả danh, lừa 5 triệu USD "bảo vệ lãnh hải quốc gia"
Một bọn lừa đảo "tướng Trung Quốc" giả danh đã lừa được 18 công ty xây dựng các công trình "bảo vệ lãnh hải quốc gia", chiếm đoạt số tiền 34 triệu Nhân dân tệ (5,5 triệu USD) chỉ trong vòng 3 tháng, theo báo nhà nước Tin tức buổi tối Qilu.
Bọn lừa đảo "tướng Trung Quốc" giả danh này giả là những sĩ quan cấp cao của Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) thuộc “Quỹ quốc gia vì chiến lược sẵn sàng phòng thủ”, vốn được lập nên hồi tháng 2.2014.
“Quỹ” này chỉ có vài chục nhân viên, chi 1 triệu NDT (163.273 USD) để thuê văn phòng và thuê bảo vệ đứng canh bên ngoài "Trụ sở căn cứ quốc phòng duyên hải" ở thành phố Penglai (tỉnh Sơn Đông, đông TQ). Các bảo vệ này mặc quân phục hệt như lính PLA.
Trụ sở còn gắn biển giả “Khu quân sự, không phận sự miễn vào, còn trên mái tòa nhà là dòng chữ: “Theo chỉ đạo của đảng, bảo vệ lãnh hải quốc gia”.
Các “lãnh đạo” của cơ quan giả danh này còn có chức rất kêu, như giả danh tướng quân ủy trung ương, đại tá cao cấp, hiệu trưởng trường đảng trung ương…
Dựa vào những chức hàm giả này, bọn lừa đảo tìm đến các công ty xây dựng, lấy cớ tìm sự hợp tác về những dự án xây dựng một quân trường cho PLA, gồm bãi tập bắn, bệnh xá, bảo tàng cùng các cơ sở hạ tầng quân sự…
Khi trao giấy phép cho các công ty chịu ký hợp đồng thực hiện dự án, bọn lừa đảo yêu cầu các công ty này “ứng trước” một số tiền đặt cọc để bảo đảm họ sẽ thực hiện hợp đồng.
Đến tháng 4, ông Shi phụ trách một công ty trúng thầu với “Quỹ” đã phải báo công an, sau khi ông bị chúng yêu cầu ứng 10 triệu NDT (1,6 triệu USD).
Công an vào cuộc điều tra và phát hiện âm mưu lừa đảo này. Hồi tháng 5, họ mở cuộc khám xét, bắt nhóm lừa đảo. “Trụ sở căn cứ quốc phòng duyên hải” của chúng không chỉ giống một cơ quan quân sự, mà còn có cả thẻ quân nhân giả, tài liệu giả, ảnh giả của bọn lừa đảo mặc quân phục treo lộng lẫy trên tường.
Ngay cả cách hoạt động của “cơ quan” cũng rất nghiêm kiểu “quân lệnh như sơn”, có thủ trưởng đơn vị ra lệnh cho cấp dưới phải tích cực học tập các tài liệu quân sự !
Một số nhân viên không hề biết đây là một tổ chức giả. Một nghi can bị bắt cho biết anh ta rất tin rằng Chủ tịch quân ủy trung ương (một trong 3 chức vụ của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình) sẽ cứu anh ta, theo báo Tin tức buổi tối Qilu.
Công an TQ bắt nghi can cuối cùng hồi tháng 8, và 3 tên đầu sỏ sẽ bị truy tố hình sự. Theo báo Tin tức Bắc Kinh. 3 tên này có tên Zhang Jie, Zhang Xiaoquan, và Shao Cunli, là nông dân ở tỉnh Thiểm Tây và Sơn Đông.
Chúng tự phong là là thứ trưởng quốc phòng, đại tá và đại tướng. Chúng lừa lãnh đạo 18 công ty xây dựng, rằng việc trả phí và đặt cọc sẽ giúp họ thắng thầu 6 "căn cứ đào tạo quốc phòng ven biển" mà TQ đang xây dựng ở bờ biển tỉnh Liêu Ninh và Quảng Tây.
Chủ của các công ty xây dựng được yêu cầu trả một khoản đặt cọc và "khoản phí bí mật", từ hàng chục nghìn tới hàng triệu NDT, đổi lấy việc trở thành nhà thầu phụ trong dự án "một trăm tỉ NDT" này. Tổng số tiền chúng chiếm đoạt được lên tới 34 triệu NDT (khoảng 5,5 triệu USD).
Các nạn nhân đã tin chúng, sau khi được xem những văn bản giả mạo là của chính phủ và đi tham quan "trụ sở", nơi "các nhân viên" mặc quân phục và hành xử hệt như những người lính.
Cũng theo Tin tức Bắc Kinh, cảnh sát nói ba nghi can khai chúng thực hiện hành vi lừa đảo, sau khi trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo tương tự, mất hàng chục ngàn NDT cách đây vài năm.
Tuy nhiên, thay vì báo cảnh sát, chúng được "truyền cảm hứng" để đi lừa đảo người khác, báo viết.
-------------------------
Lãnh đạo sinh viên Hồng Kông cáo buộc cảnh sát tra tấn
Joshua Wong, lãnh đạo nổi bật nhất trong phong trào sinh viên đòi dân chủ ở Hồng Kông, đã cáo buộc cảnh sát đã dùng bạo lực quá mức trong lúc anh ta bị bắt giữ.
Cáo buộc được Wong, 18 tuổi, đưa ra sau khi xuất hiện trước tòa án với tội danh cản trở nhà chức trách dẹp điểm biểu tình ở quận Mong Kok hôm 27.11.
Michael Vidler, luật sư của Wong, cho biết Wong đã bị cảnh sát nhắm tới. “Cảnh sát đá và đấm cậu, thậm chí còn quấy rối tình dục với cậu ta. Chúng tôi đang xem xét những bước tiếp theo và sẽ quyết định làm gì trong vài ngày tới”.
Các hình ảnh bắt giữ Wong cho thấy anh ta bị một người mặc áo khoác cảnh sát đẩy đi, sau đó Wong bị kéo mạnh và rồi biết mất trong một đám đông cảnh sát.
Đáp lại cáo buộc của Wong, cảnh sát ra tuyên bố nói rằng, nếu ai tin là họ bị cảnh sát đối xử không công bằng, họ có thể khiếu nại lên Văn phòng Khiếu nại Cảnh sát.
Luật sư Vidler nói rằng, cảnh sát Hồng Kông thể hiện cách hành xử ngày càng bạo lực trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ.
Wong bị bắt giữ cùng 2 lãnh đạo sinh viên khác hôm 27.11, sau đó được thả ra nhờ bảo lãnh, với điều kiện họ sẽ chỉ đạo giải tỏa khu Mong Kok. Phiên tòa xét xử họ sẽ diễn ra vào tháng 1.2015.
-------------------------