“Dù quá tải nhưng để mở rộng cảnh hàng không ở những địa điểm cũ rất khó khăn. Trong khi đó nhiều nơi ở khu vực đã làm cảng hàng không hiện đại, nếu Việt Nam không làm thì không cạnh tranh được, dẫn đến mất lợi thế”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Bên hành lang Quốc hội ngày 27/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trao đổi với báo chí những vấn đề liên quan đến nguồn vốn đầu tư xây dựng sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Định hướng lâu dài cần thiết phải làm sân bay Long Thành để đáp ứng nhu cầu phát triển. Bởi hiện nay, lưu lượng qua các cảng hàng không đã quá tải, trong khi đó, cơ hội mở rộng làm hiện đại ở những địa điểm cũ rất khó khăn. Hơn nữa, trong khu vực chúng ta rất nhiều nơi đã làm cảng hàng không hiện đại, nếu Việt Nam không làm thì không cạnh tranh được, dẫn đến mất lợi thế.
Còn vốn đầu tư dự án đúng là thực sự lớn nên ngân sách chỉ đảm nhận một phần. Vì vậy, phải tính với chủ trương huy động nhiều nguồn khác nhau. Tất nhiên khi dùng ngân sách thì phải tính toán cụ thể hiệu quả thế nào, an ninh tài chính quốc gia ra sao, an ninh nợ công ra làm sao.
Trong bối cảnh tài chính như hiện nay, lo ngại của đại biểu là có lý. Thế nhưng ở đây chúng ta tính bài toán lâu dài, làm sao hiệu quả nhất. Vay về để đầu tư, quan trọng nhất là làm ăn hiệu quả, trả được nợ. Nợ công trên GDP chỉ là một chỉ tiêu rất quan trọng nhưng chưa phải là quan trọng nhất. Có những nước nợ công đến 100% GDP nhưng vẫn “khỏe mạnh”, an toàn, không có vấn đề gì. Nhưng có những nước chỉ vay 20-30% nhưng vẫn vỡ nợ vì không trả được. Đi vay có trả được nợ hay không mới là chỉ tiêu quan trọng. Như trong một gia đình nếu đi vay, làm ăn tốt, trả được nợ thì phát triển. Còn nếu đi vay, không trả được nợ thì vỡ nợ thôi.
Cái đó thể hiện trách nhiệm của đại biểu. Còn Chính phủ phải làm rõ những vấn đề mà đại biểu lo ngại để Quốc hội cân nhắc, quyết định, sao cho đạt được lợi ích của Quốc gia. Người làm cũng phải tính những vấn đề ấy chứ đâu phải làm tới đi mà được.
Đương nhiên khi đưa ra chủ trương thì phải có bài toán tổng thể, nhưng nó chưa hoàn toàn đầy đủ mà chỉ sơ bộ về định hướng. Sau này quyết định phê duyệt có làm hay không thì còn rất nhiều yếu tố.
Tôi đã nói đó chỉ là một yếu tố để mình xem xét. Điều này còn phụ thuộc nhà đầu tư, nếu nhà đầu tư nước ngoài vào thì có khi Chính phủ không cần phải bảo lãnh.
Mọi thứ bây giờ mới chỉ là chủ trương, khái toán, chưa tính cụ thể. Do vậy, lúc nào đi vào cụ thể mới tính chính xác được.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, việc bắt ông Hà Văn Thắm chỉ liên quan đến một cá nhân, không giống như vụ bắt bầu Kiên trước đây có tính sai phạm hệ thống.
Bên hành lang Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trao đổi quanh sự kiện bắt ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương và vấn đề tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Gần đây, một số lãnh đạo ngân hàng đã bị cơ quan điều tra bắt giam (Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Đại dương, Ngân hàng Xây dựng) vì những sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực tiền tệ, liệu đây có phải là các cơ quan điều tra đang quyết tâm thanh lọc hệ thống ngân hàng hay không?
Việc xử lý sai phạm của các cá nhân lãnh đạo ở các doanh nghiệp tư nhân là chuyện bình thường, nước nào cũng làm. Qua sự việc của ACB, OceanBank, cơ quan quản lý đã rút kinh nghiệm từ sự việc của ACB để xử lý ở OceanBank.
Nếu nhìn ở thị trường chứng khoán chúng ta thấy không có nhiều xáo trộn, điều đó cho thấy thông tin của cơ quan quản lý đưa ra đã không gây mất bình tĩnh cho thị trường.
Một số vụ việc lãnh đạo ngân hàng gần đây rơi vào vòng lao lý , người gửi tiền có thể lo ngại về sự an toàn của đồng tiền, rủi ro ngân hàng, ông đánh giá vấn đề này thế nào?
Việc các cơ quan bảo vệ pháp luật có quyết định tạm giữ 4 tháng để điều tra đối với ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại dương - PV), vì không phải là cơ quan điều tra nên chúng ta không đi sâu vào phân tích việc đó. Nhưng chúng ta phải thấy rằng, cái hiện tượng của ông Hà Văn Thắm với chuyện ông Nguyễn Đức Kiên của Ngân hàng ACB khác nhau.
Xét bản chất, đối với hiện tượng của ACB, hội đồng thành viên của ACB có nghị quyết làm việc này việc kia. Và cái nghị quyết ấy là do ông này, ông kia tư vấn và tổ chức chỉ đạo thực hiện.
Còn với trường hợp ông Hà Văn Thắm, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, chúng ta thấy đó là sai phạm của cá nhân ông Hà Văn Thắm chứ không phải là sai phạm của hệ thống Ngân hàng Đại Dương. Ở đây chúng ta phải phân tích rõ ra như thế.
Tuy nhiên, qua hoạt động cơ quan bảo vệ pháp luật vừa rồi, việc thực thi pháp luật không ảnh hưởng nhiều lắm đến thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ, tài chính toàn quốc.
Nếu chúng ta so sánh lại thời điểm tháng 8/2013 (bắt bầu Kiên- PV) và thời điểm tháng 10/2014 (bắt tạm giam ông Hà Văn Thắm- PV) thấy rằng, các cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta đã rút được kinh nghiệm trong việc thực thi pháp luật. Chúng ta đã kịp thời cung cấp thông tin cho xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân hiểu vụ việc, vì vậy, nó không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính tiền tệ của chúng ta.
Trong 3 ngày tới, Quốc hội sẽ được nghe về các đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu ngân hàng là trọng tâm. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể thông tin cho người dân hiểu, không phải vì thực hiện tái cơ cấu mà hy sinh một số ngân hàng, lãnh đạo ngân hàng?
Trước hết phải nói, luật pháp là thượng tôn, bất kể ông hoạt động trong lĩnh vực nào, là ai nếu vi phạm pháp luật cũng đều bị bắt. Bất kể là cá nhân hay tổ chức nào, ở đây tôi nhấn mạnh luôn là kể cả tổ chức nào vi phạm pháp luật đều bị xử lý.
Thứ nữa, các cơ quan quản lý nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng 11, chúng tôi triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã rõ chương trình hành động của mình. Ví dụ như đối với ngân hàng, ngay từ đầu chúng ta đã sửa Luật các tổ chức tín dụng.
Và ngay năm 2012, chúng ta thực hiện Quyết định 254 về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Quốc hội đã thông qua Luật bảo hiểm tiền gửi. Chúng ta đã nâng pháp lệnh tiền gửi lên thành Luật bảo hiểm tiền gửi, khẳng định rõ là đảm bảo tài sản gửi tại các tổ chức tín dụng, các ngân cũng buộc phải mua bảo hiểm tiền gửi… Có thể thấy rằng, chúng ta đã có hệ thống để khống chế, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền ít bị ảnh hưởng nhất. Nói chung về mặt pháp lý, người dân cũng không phải lo lắng gì nhiều so với trước khi chúng ta tái cơ cấu.
Chúng ta phải cam kết với người dân rằng, qua quá trình tái cơ cấu, việc gửi tiền của người dân được đảm bảo hơn, linh hoạt hơn… Hiện nay người gửi tiền có thể thỏa thuận với các tổ chức tín dụng về mức lãi suất tiền gửi mà họ gửi, tạo ra quyền bình đằng giữa người gửi và người được gửi. Đó là cái quan trọng.
Một điểm cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta đã có 2 năm thực hiện đề án 254 về tái cơ cấu ngân hàng, và chúng ta đã thấy 2 năm qua thì đã có 8 tổ chức tín dụng được tái cơ cấu trong đó có 4 tổ chức tín dụng đã mất tên. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng quyền lợi của người gửi tiền tại các tổ chức ngân hàng mất tên đó không bị ảnh hưởng. Hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn bình thường, lãi suất cho vay vẫn trên đà giảm xuống, tương đương với của năm 2006, 2007. Như vậy có thể thấy người gửi tiền hét sức yên tâm với cái chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
Từ vụ việc của nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank có thể thấy, bức tranh tội phạm ngân hàng đang ngày càng phức tạp, không chỉ có nhân viên phạm tội mà cả các ông chủ lớn nhất. Theo ông, đó có phải là vấn đề đáng báo động trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngân hàng không?
Không, chẳng có gì đáng báo động cả. Nó thể hiện một điều là hệ thống pháp luật của chúng ta đã phát hiện rất tốt những sai phạm. Chúng ta cũng nhận thấy rằng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng không phải là một cá nhân làm được, mà nó phải có từ nhân viên cho đến phó phòng, trưởng phòng rồi đến trưởng ban… như vậy là phải có cả hệ thống, cả một đường dây. Lợi ích nhóm chính là ở chỗ này, nếu xử lý được thì không có vấn đề gì cả.
Sau hàng loạt những sai phạm của ngân hàng vừa qua thì có nhiều ý kiến cho rằng, vì suốt một thời gian dài chúng ta để ngân hàng phát triển quá bùng nổ nên đến giờ cứ "sờ" đến ngân hàng nào thì ngân hàng đó sẽ có "vấn đề". Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi khẳng định rằng không phải hàng loạt sai phạm, mà chỉ có một số vụ thôi. Chúng ta có hơn 100 tổ chức tín dụng, mà vừa qua chỉ xử lý ở vài tổ chức tín dụng thì không thể nói là hàng loạt được.
Nếu dùng từ hàng loạt sẽ dễ gây hoảng loạn trên thị trường, gây hoảng loạn xã hội, tác động xấu đến việc ổn định thị trường chúng khoán và thị trường tiền tệ.
Còn việc bùng nổ ngân hàng nên dẫn đến sai phạm cũng chưa chuẩn đâu. Từ năm 2007, 2008, thì chúng ta đã phát triển mạnh mẽ hệ thống ngân hàng rồi. Nó có mấy dạng bùng nổ, thứ nhất là ta bùng nổ về vốn. Ta nâng vốn lên. Cái thứ 2 là ta chuyển các tổ chức tín dụng nhân dân thành các ngân hàng thương mại. Thứ 3 là chúng ta cho thành lập mới các tổ chức tín dụng.
Cả 3 cái sự kiện đó lại không diễn ra vào thời điểm này. Sự bùng nổ ấy nó cách đây nhiều năm rồi.
Là đại biểu Quốc hội, ông có nhắn nhủ gì tới những người hoạt động trong ngành ngân hàng nói chung và các ngành nghề nói riêng?
Làm đúng theo luật thôi, đừng có tham quá là được.
Xin cảm ơn ông!
----------------------------
Việt Nam-Trung Quốc tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, chiều ngày 27/10, tại thủ đô Bắc Kinh, đã diễn ra Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ tư Việt Nam - Trung Quốc.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và ông Quách Thanh Côn, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc thời gian qua, nhất là từ sau Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ ba tại Hà Nội, tháng 10/2012 đến nay, đã góp phần bảo đảm an ninh, trật tự của mỗi nước và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn nhiệt liệt chào mừng, đánh giá cao chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Bộ trưởng Trần Đại Quang dẫn đầu và Hội nghị lần thứ tư hợp tác phòng, chống tội phạm giữa Công an hai nước trong việc góp phần củng cố, phát triển quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước cũng như giữa Bộ Công an Trung Quốc và các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc với Bộ Công an Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ và Bộ Công an Trung Quốc, Bộ trưởng Quách Thanh Côn cám ơn Bộ Công an Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương tích cực phối hợp với Công an Trung Quốc trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người... góp phần bảo đảm an ninh, trật tự của mỗi nước, nhất là khu vực biên giới Việt - Trung.
Hội nghị thống nhất đánh giá, quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an hai nước không ngừng được tăng cường; cơ chế hợp tác giữa các đơn vị nghiệp vụ của hai bên tiếp tục được hoàn thiện; lĩnh vực, phạm vi hợp tác được mở rộng. Hai bên đã phối hợp tổ chức thành công các hội nghị chuyên đề về phòng, chống ma tuý, quản lý xuất, nhập cảnh, đấu tranh chống tội phạm vượt biên...; phối hợp tổ chức nhiều cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, phòng, chống tội phạm ma tuý, tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Từ năm 2012 đến nay, lực lượng Công an hai nước đã phối hợp điều tra, khám phá nhiều vụ án, giải cứu hàng trăm nạn nhân, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, truy bắt hàng trăm đối tượng truy nã...
Trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hai bên thống nhất tiếp tục thực hiện những nhận thức chung đã đạt được của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và áp dụng các biện pháp thiết thực để triển khai hợp tác toàn diện, sâu rộng trong lĩnh vực thực thi pháp luật, tập trung phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố, tội phạm buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, tội phạm tổ chức vượt biên và hoạt động vượt biên trái phép, tội phạm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán tiền giả và rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao, như: lừa đảo viễn thông, tội phạm mạng...; tiếp tục phối hợp tổ chức các cao điểm truy nã tội phạm ở khu vực biên giới Việt - Trung. Tăng cường hợp tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và hỗ trợ phương tiện kỹ thuật trong các lĩnh vực phòng, chống tội phạm, kỹ thuật hình sự, quản lý xuất, nhập cảnh... Tổ chức Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ năm giữa Bộ Công an hai nước vào năm 2016 tại Việt Nam.
Trước khi diễn ra Hội nghị, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Bộ trưởng Trần Đại Quang dẫn đầu đã tiến hành hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Trung Quốc do Bộ trưởng Quách Thanh Côn làm trưởng đoàn. Hai bên đã thống nhất đánh giá tình hình, kết quả hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc thời gian qua và phương hướng tăng cường hợp tác thời gian tới.
Cùng ngày, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam đã đến thăm Học viện Cảnh sát Đặc nhiệm thuộc Tổng bộ Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc, Tổng đội Cảnh sát hình sự thuộc Công an Thành phố Bắc Kinh, Bảo tàng Công an Thành phố Bắc Kinh và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc.
Nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Bộ trưởng Trần Đại Quang hoan nghênh, đánh giá cao những kết quả công tác mà cán bộ, công nhân viên sứ quán đã đạt được trong thời gian qua; nhắc nhở cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, tích cực góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc.
----------------------------
Đã bố trí hơn 5.500 tỷ cho dự án Nhà Quốc hội
Dù đã đưa vào sử dụng nhưng dự kiến tới trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, toàn bộ công trình Nhà Quốc hội mới được bàn giao.
Chính phủ vừa gửi báo cáo tới các đại biểu Quốc hội về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà Quốc hội.
Theo báo cáo, công trình Nhà Quốc hội gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, kích thước mặt bằng 102 m x 102 m. Chiều cao công trình khoảng 39 m. Tổng diện tích sàn khoảng 63.240 m2. Nơi đỗ xe ngầm của công trình này có sức chứa khoảng 550 xe tại lô E (trong đó có khoảng 50 xe dành cho các lãnh đạo cao cấp). Quy mô gồm 3 tầng hầm.
Đến nay hạng mục công trình Nhà Quốc hội, đường hầm và cải tạo đường Bắc Sơn, đường Độc Lập đã cơ bản hoàn thành; trong đó, phòng họp Quốc hội gồm 575 ghế có bàn của đại biểu và 339 ghế khách mời; 1.200 m2 vách gỗ tường; khoảng 4.100 m2 trần kim loại. Ngoài ra, còn sản xuất và lắp đặt khoảng 8.000 bộ bàn, ghế, đồ đạc nội thất cho các phòng làm việc và phòng họp.
Để bảo đảm hệ thống an ninh, an toàn công trình, tòa nhà có 128 bộ camera quan sát; hệ thống quản lý ra/vào và điều khiển cửa (máy chủ, máy trạm, màn hình quan sát, tủ điều khiển và các thiết bị chấp hành)...
Hệ thống thang máy, thang cuốn gồm 12 thang máy và 12 thang cuốn; 2 thang nâng cho người tàn tật (chiều cao nâng 1,5 m), tải trọng 300 kg. Riêng hệ thống chiếu sáng của công trình này có tới khoảng 21.000 bộ đèn nội thất; Hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn; Hệ thống điều khiển chiếu sáng.
Về chất lượng, Chính phủ khẳng định Ban quản lý dự án, trực tiếp là tư vấn giám sát độc lập và các nhà thầu tham gia thi công xây dựng công trình, đã lập đầy đủ quy trình quản lý chất lượng và kiểm soát chất lượng thi công, từ khâu cung cấp vật tư, vật liệu, thiết bị đến thi công xây dựng, lắp đặt tại công trình và nghiệm thu. Công trình cũng đã thực hiện kiểm định thêm các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu nhà nước và các thiết bị, hệ thống bắt buộc phải kiểm định theo quy định để đảm bảo an toàn.
Theo báo cáo, tổng số vốn bố trí thực tế cho Dự án đến nay là 5.517,59 tỷ đồng (trong đó năm 2014 được bố trí 1.600 tỷ). Đến nay, dự án đã giải ngân được 4.377 tỷ, từ đầu năm 2014 đến nay giải ngân được 1.012,57 tỷ đồng. Công trình cũng đã được Kiểm toán nhà nước 4 lần kiểm toán và đánh giá: các nội dung đầu tư nhìn chung chấp hành đúng quy định của nhà nước về công tác quản lý đầu tư xây dựng cũng như công tác lựa chọn nhà thầu.
Chính phủ khẳng định đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về tiện ích, công năng của kỳ họp Quốc hội, đảm bảo đủ điều kiện phục vụ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Tuy nhiên, do công trình được xây dựng trong khu vực có nhiều di tích khảo cổ; cần thêm thời gian điều chỉnh, hoàn thiện thiết kế kiến trúc, nội thất Nhà Quốc hội; phải chờ nhập khẩu một số thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại của tòa nhà…; việc thi công hoàn thiện phần còn lại và vận hành chạy thử công trình thông thường phải từ 12 - 15 tháng nhưng thực tế đã được thực hiện trong 9 tháng, dẫn đến một số chi tiết hoàn thiện công trình còn chưa thật sự đảm bảo yêu cầu mỹ thuật.
Sau kỳ họp thứ 8, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các nhà tư vấn, các nhà thầu sẽ hoàn thiện lần cuối, vệ sinh sạch sẽ, căn chỉnh thiết bị, chạy thử liên động toàn bộ công trình... phấn đấu bàn giao toàn bộ công trình trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
------------------------