Cờ bạc núp bóng hội chợ
Ngày 27/10, đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra, xử lý việc đánh bạc ăn tiền xảy ra tại hội chợ đêm đặt tại khu đất trống trên đường Bùi Văn Bình, thuộc khu phố 8, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một.
Trước đó, tại hội chợ “Trung tâm vui chơi giải trí, ca nhạc tổng hợp” có đến 4 sòng bầu cua chơi dưới hình thức quay vòng ăn tiền trực tiếp, thu hút khá đông người tham gia.
Ban đầu, giải thưởng là các lon bia. Sau đó, chủ sòng gạ chơi ăn tiền nhưng quy đổi dưới hình thức thẻ để né tránh việc đặt tiền trực tiếp. Thẻ màu đỏ có mệnh giá 50.000 đồng; xanh lá cây 20.000 đồng và xanh dương là 10.000 đồng hoặc tờ giấy được ép nhựa in đơn vị tương đương số tiền mà người chơi cần đổi.
Với các thẻ này, người chơi thoải mái đặt cược với cơ cấu trúng là: ô may mắn tỷ lệ đặt 1 trúng 5; ô đặc biệt có tỷ lệ cược 1 trúng 10, còn các ô khác in hình bầu cua… tuỳ số lượng hình có được khi vòng quay dừng mà người chơi sẽ nhận được giải thưởng tương ứng. Tuy nhiên, khi có đông người chơi, việc đổi thẻ trở nên rườm rà nên nhà cái hô hào cá cược công khai bằng tiền mặt.
Lúc đầu ai cũng thắng nhưng càng chơi càng thua, ít vài trăm nghìn, còn đa số thua bạc triệu. "Thấy nhiều người ăn mình ham quá chơi theo. Lúc đầu cũng có ăn chút đỉnh nhưng chơi khoảng 30 phút thì thua đúng một triệu", nam công nhân tên Minh có mặt tại quầy bầu cua tối 26/10, cho biết.
Hội chợ này được phép của nhà chức trách địa phương hoạt động dưới hình thức phục vụ người dân và công nhân ở trọ, có lực lượng đảm trách công tác bảo vệ an ninh trật tự bên ngoài.
Hiện, một số tỉnh thành có khu công nghiệp thường xuất hiện loại hình hội chợ kèm chương trình ca nhạc tạp kỹ do các ca sĩ không tên tuổi biểu diễn.
-------------------------
Nữ công nhân bị vợ ông chủ lột quần áo vì ghen
Ngày 27/10, Công an huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết đã khởi tố bị can với Nguyễn Thị Quý (30 tuổi, quận Liên Chiểu) về hành vi làm nhục người khác trong lúc đánh ghen.
Theo hồ sơ vụ việc, chị Lan (30 tuổi) làm nhân viên tại trại nấm ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang do ông Phan Xuân Huyền làm chủ. Chiều 28/6, hết giờ làm việc, chị Lan chuẩn bị ra về thì ông chủ mời ngồi lại phòng uống nước. Một lát sau, nghi can Quý (vợ ông Huyền) cùng em gái xông vào phòng hỏi lai lịch Lan.
Ông Huyền giải thích nhưng Quý vẫn tiếp tục vặn hỏi và bị chồng tát vào mặt. Trong cơn ghen, chị em Quý xô xát, cãi vã với ông Huyền và gọi thêm mẹ và em gái út đến.
Chị Lan lẻn xuống nhà trồng nấm định về thì bị 4 mẹ con Quý lao vào túm tóc đánh. Mặc chị van xin, giải thích, đám đông vẫn đánh, xé quần chị. Hơn 20 phút sau, thêm hai người đàn ông là thân nhân của Quý tới cùng tham gia hành hung Lan. Họ cầm gạch đuổi đánh, cản ông Huyền vào can ngăn. 6 người bị cáo buộc đã trói chị Lan vào gốc cây rồi cầm dao lam cắt tóc.
Sau hơn một tiếng đánh ghen, đám đông bỏ đi, mặc nạn nhân giữa trại nấm hoang vắng. Tối cùng ngày, chị Lan được một cán bộ hội phụ nữ xã Hòa Sơn đến cởi trói, mặc quần áo và được công an đưa đi cấp cứu.
----------------------
11 doanh nghiệp tố giám đốc Cảng vụ Thanh Hóa nhận tiền phi pháp
Bộ trưởng Giao thông yêu cầu Cục Hàng hải làm việc với Hiệp hội Vận tải biển Thanh Hóa xung quanh tố cáo Giám đốc Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa lợi dụng chức vụ, cản trở hoạt động của nhiều doanh nghiệp vận tải.
Ngày 27/10, ông Phạm Duy Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển Thanh Hóa cho biết vừa đứng đơn đại diện cho 11 công ty thành viên trong Hiệp hội tố cáo những sai phạm của ông Nguyễn Duy Dũng (nguyên Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa) cùng một số cán bộ chủ chốt công tác tại Cảng vụ. Đơn được gửi đến Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng và Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật.
Cùng ngày trả lời VnExpress, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Hàng hải Việt Nam cho biết, đoàn Thanh tra của Cục do ông Phạm Văn Hà (Trưởng phòng Thanh tra) làm trưởng đoàn đang có mặt tại Thanh Hóa để xác minh vụ việc.
"Bộ trưởng đang giao chúng tôi khẩn trương làm rõ vụ việc. Quan điểm của Cục là không bao che", ông Nhật nói và cho hay, đây là vụ việc phức tạp nên cần có thời gian điều tra.
Theo tố cáo, ông Nguyễn Duy Dũng trong thời gian đương chức đã nhiều lần có hành vi gây trở ngại cho các doanh nghiệp vận tải biển để trục lợi bất chính. Từ 2010 đến 2014, ông Dũng bị cho là đã chỉ đạo ông Lê Quang Trung, nguyên Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa tại Nghi Sơn (hiện ông Trung giữ chức Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa) thu trái quy định với các tàu vận tải Thành Hưng 45 (Công ty TNHH vận tải biển Thành Hưng) 20 triệu đồng, Đại Lộc 27 (thuộc Công ty TNHH vận tải biển Sơn Hải) 10 triệu đồng, tàu Ánh Khắc 36 (thuộc Công ty THHH dịch vụ thương mại Ánh Khắc) 30 triệu đồng.
Các khoản thu này đều không có hóa đơn chứng từ và được thực hiện khi chủ tàu cho phương tiện cập cảng nước sâu Nghi Sơn bốc dỡ hàng hóa, sửa chữa hay làm các thủ tục xin cấp phép hoạt động…
“Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ sai phạm, có biện pháp xử lý thích đáng nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả”, ông Mạnh nói và cho hay, sẽ cung cấp đầy đủ những chứng cứ vi phạm của ông Dũng cho các cơ quan có thẩm quyền để chứng minh nội dung trong đơn tố cáo đã gửi là đúng sự thật.
Trả lời báo chí liên quan đến vụ việc, ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa phủ nhận toàn bộ vụ việc và cho hay, bản thân rất bất ngờ khi nhận được thông tin bị các doanh nghiệp tố cáo nhận tiền phi pháp.
“Suốt thời gian làm Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa tại Nghi Sơn, từ năm 2008 đến tháng 6/2014, tôi không nhận bất kỳ khoản tiền nào trái quy định từ phía doanh nghiệp vận tải biển”, ông Trung khẳng định. Còn ông Nguyễn Duy Dũng chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Ông Nguyễn Duy Dũng có hơn 24 năm làm Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa (từ tháng 2/1990 đến tháng 10/2014). Ngày 13/10, ông Dũng được Cục Hàng hải Việt Nam cho thôi chức chờ bố trí công việc mới.
-------------------------
Y sĩ sử dụng ma túy bị phạt hành chính
Ngày 27-10, nguồn tin từ UBND xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết y sĩ Nguyễn Xuân Đô (SN 1984, ngụ thị xã Đồng Xoài) vừa bị xử phạt hành chính 750.000 đồng về hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy”.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào ngày 11-10, y sĩ Đô bị Công an xã Tiến Hưng bắt quả tang khi đang sử dụng ma túy cùng một nhóm nghiện tại xã Tiến Hưng. Sau khi xét nghiệm, mẫu nước tiểu ông Đô cho kết quả dương tính nên công an xã gửi văn bản đến Trung tâm Giám định Y khoa đề nghị nơi này xử lý ông Đô. Hiện Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã lập đoàn thanh tra để xử lý.
Trước đó, tháng 6-2012, y sĩ Đô đã dùng ghế sắt đánh nữ dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh (SN 1983, công tác tại Phòng Giám định Y khoa (nay nâng cấp là Trung tâm Giám định Y khoa) sau khi bà Oanh tố cáo tiêu cực của lãnh đạo Phòng Giám định Y khoa. Bà Oanh sau đó đã kiện ông Đô ra tòa và TAND thị xã Đồng Xoài thụ lý đơn trong vụ án “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”.
-------------------------
Khởi tố quản lý hồ bơi để nam sinh chết đuối
Ngày 27/10, Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau (Cà Mau) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Đoàn Đức Trí (62 tuổi, ngụ phường 8, TP. Cà Mau) để điều tra về hành vi “vô ý làm chết người”.
Trước đó, vào ngày 30/8, sau khi dự lễ khai giảng, em Đặng Gia Nguyễn (11 tuổi, học sinh lớp 5- Trường Tiểu học Quang Trung, TP Cà Mau) cùng các bạn đã đến bơi tại hồ bơi Trung tâm Thể dục thể thao Cà Mau. Tuy nhiên, sau một hồi bơi, em Nguyễn bất ngờ bị đuối nước.
Khi xảy ra vụ việc, em Nguyễn được đưa đi cấp cứu nhưng em đã tử vong trước khi đến bệnh viện.
Qua điều tra, hồ bơi do ông Đoàn Đức Trí thuê lại của Trung tâm. Ông Trí có cam kết sẽ đảm bảo an toàn khi khách đến vui chơi tại đây. Tuy nhiên đã xảy ra vụ em Đặng Gia Nguyễn chết đuối.
Hiện ông Trí được cho tại ngoại và CQĐT đang tiếp tục làm rõ thêm vụ việc.
-------------------------