Đồng thuận “mở” cho người nước ngoài mua nhà
Thảo luận về Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cuối tuần qua (24.10), quy định mở cửa cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam đã nhận được nhiều sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội. Mở toang cửa, thay vì e dè, “đóng” lại và chỉ có như vậy toàn bộ chế định về quyền sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài trong dự thảo luật mới thật sự thông thoáng và phù hợp với thế giới
Theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi được Chính phủ đệ trình tại Quốc hội kỳ này, các cá nhân, tổ chức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm cá nhân được phép nhập cảnh vào Việt Nam; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Hình thức sở hữu nhà ở cũng đa dạng hơn trước khi các tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại VN theo pháp luật; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ hoặc xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở được phép phân lô trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở đã được nhiều nước áp dụng. Cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại VN là một biện pháp quan trọng để xuất khẩu tại chỗ đối với nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) còn đề nghị mở rộng quyền sở hữu nhà cho cá nhân, tổ chức người nước ngoài hơn nữa, như có quyền cho thuê lại để đảm bảo công bằng với công dân VN. Theo ông, cần cho người nước ngoài quyền xây dựng, miễn không vi phạm quy hoạch…
Được biết, từng báo cáo trước Chính phủ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng bày tỏ rõ quan điểm của cơ quan soạn thảo là dự luật được thông qua sẽ huy động được các nguồn lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm của nước ngoài để phục vụ phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy thị trường xây dựng trong nước phát triển, phá băng cho thị trường BĐS.
Thực tế, mặc dù số người nhập cảnh vào VN trong những năm gần đây rất lớn, chỉ riêng năm 2012 có 6,5 triệu người nhập cảnh. Tuy nhiên, theo Báo cáo đánh giá tác động dự án luật cho biết, tính đến hết tháng 1.2014, mới có 750 người VN định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở tại VN. Một trong những nguyên nhân là quy định và thủ tục pháp lý của Việt Nam quá chặt chẽ và rườm rà khiến người nước ngoài, dù khao khát muốn sở hữu nhà, phần lớn đều nản lòng, bỏ cuộc. Cũng vì vậy một nguồn vốn lớn từ nước ngoài chực chờ đổ vào Việt Nam cũng bị tắc nghẽn.
Quan điểm chung đã mở cửa nên mở hết cỡ, trong đó quy định mang tính đột phá chính là cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh có quyền sở hữu nhà ở Việt Nam. Và người nước ngoài, doanh nghiệp BĐS Việt Nam đang trông đợi Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với chủ trương “mở”, thoáng hơn trong quy định sở hữu nhà của người nước ngoài sớm được thông qua.
-------------------------
3 năm không làm xong 30m cầu: Hết hạn lại... gia hạn tiếp
Hết thời hạn thi công, cầu Đen vẫn chưa hoàn thành. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định gia hạn thời gian hoàn thành cầu đến cuối năm 2015.
Như Dân trí đã thông tin, công trình Cầu Đen (bắc qua Kênh thấp nối xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên với phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Trung Việt thi công. Công trình có chiều dài 39m, tổng giá trị đầu tư hơn 53 tỷ đồng, thời gian thi công 18 tháng (từ 7/12/2011-7/6/2013). Tuy nhiên, hết thời gian nhưng công trình vẫn không được hoàn thành nên được gia hạn đến 30/9/2014.
Nguyên nhân được chủ đầu tư đưa ra là do năng thực yếu của nhà thầu thi công và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và không được bố tri nguồn vốn. Việc thi công cầu Đen đã khiến lòng sông bị co hẹp do nhà thầu đắp đất để đặt máy khoan nhồi cọc, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, gây cản trở dòng chảy của sông.
Trước tính hình đó, UBND huyện Hưng Nguyên đã giao BQL dự án chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu thi công, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các cọc khoan nhồi còn lại của trụ cầu T2 để thanh thải lòng sông trước mùa bão lụt 2014, chậm nhất là ngày 15/9/2014. Trong trường hợp nhà thầu chưa hoàn thành việc thanh thải lòng sông trước ngày 15/9, làm ách tắc dòng chảy trong mùa lũ lụt, gây hậu quả thì Công ty TNHH Trung Việt phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Công văn của UBND huyện Hưng Nguyên cũng khẳng định “Đến ngày 30/9/2014, nhà thầu thi công không hoàn thành các hạng mục công trình theo tiến độ đã cam kết, UBND huyện Hưng Nguyên sẽ chấm dứt, thanh lý hợp đồng, lựa chọn nhà thầu khác có đủ năng lực để tiếp tục thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng”.
Tuy nhiên, có mặt tại công trình thi công cầu Đen vào cuối tháng 10/2014, chúng tôi không ghi nhận được bất kỳ hoạt động thi công nào ở đây. Các thiết bị, máy móc phục vụ cho thi công đã được rút khỏi công trường. Ụ đất được nhà thầu đắp để thi công vẫn chưa được thanh thải, choán hết nửa lòng sông. Sau đợt mưa lớn, mực nước sông dâng cao, chảy cuồn cuộn. Dòng nước chảy với áp lực lớn, bị ụ đất ngăn lại, biến đổi dòng chảy xói thẳng vào bờ sông phía đối diện gây nên 2 điểm sạt lở, đất và cây cối bị xói lở trôi xuống dòng nước.
Trao đổi với chúng tội, ông Nguyễn Văn Hào – Trưởng BQL dự án huyện Hưng Nguyên cho biết: Tính tới thời điểm hiện tại, đơn vị thi công đã hoàn thành việc khoan cọc nhồi trụ cầu T2. Việc không thanh thải lòng sông, theo ông Hào là chưa thực sự cần thiết bởi hiện mưa lũ chưa lớn, mực nước sông chưa dâng cao, ụ đất nhà thầu đắp để thi công chưa cản trở dòng chảy, gây ách tắc trong việc tiêu thoát nước. “Lúc nào nước lũ lớn thì thanh thải lòng sông”, ông Trưởng BQL dự án cho biết?
Trước câu hỏi của PV về việc thanh thải lòng sông lúc nước lũ dâng cao liệu có kịp và đảm bảo an toàn không? Ông Nguyễn Văn Hào cho rằng, lúc cần, chỉ cần dỡ các cọc sắt bao quanh ụ đất, tự nước lũ sẽ cuốn số đất đá này đi (?!).
Việc hoàn thành công trình cầu Đen theo thời hạn gia hạn lần thứ nhất (ngày 30/9/2014) là hoàn toàn không thể thực hiện được. Mới đây, ngày 15/10/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành công trình này. Theo đó, công trình cầu Đen sẽ được gia hạn thời gian hoàn thành đến 31/12/2015.
Như vậy, thay vì 18 tháng như kế hoạch dự án được phê duyệt, sau 2 lần gia hạn, công trình này sẽ mất tới 36 tháng thi công. Mặc dù vậy, việc hoàn thành công trình này theo thời gian gia hạn lần 2 cũng sẽ khó cán đích nếu không được bố trí nguồn vốn để thi công. Ban đầu, theo dự án được phê duyệt thì công trình này có tổng giá trị xây lắp là hơn 35 tỷ đồng. Sau khi gai hạn lần 1, số vốn đề thực hiện “đội” lên 53 tỷ đồng. Trong thời gian gia hạn hơn 1 năm tiếp theo liệu công trình này có tiếp tục đội vốn?
-----------------------
Lễ hội qua hơn nửa năm, công trình phục vụ vẫn... dang dở
Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần I- 2014 đã qua nửa năm nay nhưng công trình phục vụ cho lễ hội cấp quốc gia này vẫn đang còn... thi công.
Để phục vụ Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần I- 2014, tỉnh Bạc Liêu cho xây dựng, trùng tu 2 công trình là Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (gọi tắt là Nhà 3 nón lá) và Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (gọi tắt Khu lưu niệm Cao Văn Lầu) với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng.
Trong khi Khu lưu niệm Cao Văn Lầu với kinh phí tôn tạo, trùng tu hơn 70 tỷ đồng đã đưa vào khai thác sử dụng trong dịp Festival vào tháng 4/2014 (cách đây nửa năm) thì Nhà hát 3 nón lá với kinh phí hơn 200 tỷ đồng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành, dù đây là một trong những công trình trọng điểm phục vụ cho Festival.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, hiện Nhà hát 3 nón lá vẫn đang được các công nhân thi công mà chưa biết khi nào mới có thể đưa vào sử dụng.
Trước đó, để kịp đưa vào sử dụng trong dịp Festival trong tháng 4/2014, tỉnh Bạc Liêu đã đẩy nhanh tiến độ, cho thi công ngày đêm nhưng công trình vẫn không hoàn thành khiến một số chương trình dự kiến diễn ra tại Nhà hát 3 nón lá phải đổi địa điểm.
Đây là công trình được tỉnh Bạc Liêu chỉ định thầu thay vì đấu thầu theo quy định như nhiều công trình khác. Tuy nhiên, việc chỉ định thầu đã không đạt được mục tiêu đề ra là tiết kiệm thời gian để sớm hoàn thành công trình phục vụ cho lễ hội.
Trong khi đó, dù chưa hoàn thành nhưng Nhà hát 3 nón lá đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là khối nhà có hình 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam vào ngày 19/4/2014.
----------------------
TPHCM thành "biển nước" do sai lầm trong xây dựng đô thị?
Sau mỗi trận mưa, đặc biệt thời điểm kết hợp triều cường, TPHCM biến thành "biển nước"... Thực trạng ngập ngày càng nặng chính là hệ lụy của những sai lầm chiến lược xây dựng đô thị và công tác chống ngập hiện nay của TPHCM.
GS. TSKH Lê Huy Bá nhận định, việc TPHCM ngập lụt là có nhiều nguyên nhân. Trong đó, vị trí của thành phố trên nền đất yếu, vùng trũng, thấp lại có dạng lòng chảo nên việc thoát thủy rất khó.
TPHCM là "đô thị ngập triều". Nhưng, khi quy hoạch chúng ta chưa nắm bắt được bản chất của đô thị này, chưa rõ bản chất loại đô thị trên nền môi trường sinh thái của đất ngập nước, tính chất đất khu vực nhận nước tiêu thoát, chưa thấy hết được tính mất cân bằng nước của lưu vực đô thị trong quá trình đô thị hóa. Hướng thoát nước chính của thành phố là Tây Bắc – Đông Nam. Nhưng, khi xây dựng đô thị, hướng thoát nước bị chặn nên nước cứ chảy lòng vòng.
Theo Giáo sư Lê Huy Bá, chiến lược xây dựng đô thị của thành phố cũng rất tùy tiện. Việc xây dựng nhiều nhà cao tầng, đường xá ở phía Đông và phía Nam thành phố là sai lầm. Cả việc xây dựng khu Phú Mỹ Hưng cũng là sai lầm. Bởi, thực tế khu vực này là hồ điều hòa tự nhiên. Mà khi chúng ta xây dựng rồi thì lấy gì chứa nước? Cứ một khối đất lấp xuống thì một khối nước tràn lên, làm sao mà không ngập được?
Sau khi có khu Nam Sài Gòn, đã tạo cho thành phố như một khối bánh đúc trong một chảo nước. Để xây dựng đô thị, người ta đã lấp 30% diện tích kênh rạch trong thành phố, đây là nguyên nhân không nhỏ gây ngập.
Giáo sư Lê Huy Bá đặt ra câu hỏi, tại sao những khu vực như Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức cao hơn thì không quy hoạch mà lại quy hoạch về phía Đông Nam thành phố? Nếu có quy hoạch thì ở khu quận 7, huyện Nhà Bè thì nên xây cầu cảng, nhà nổi.
Theo GS Lê Huy Bá, vấn đề chống ngập cũng sai lầm chiến lược. Con người ta phải phải sống chung với thảm họa môi trường, biết né tránh thiên nhiên, lợi dụng thiên nhiên một các tối đa. Chúng ta không thể chống lại thiên nhiên.
Việc ngồi vẽ ra một công trình bờ đê thì rất dễ. Nhưng vấn đề là đất đâu mà đắp, nếu bê tông hóa thì bê tông hóa bằng cái gì? Rất tốn kém. Hay có ý kiến cho rằng phải khoanh vùng trung tâm lại để chống ngập, điều này lại càng không thể. Bởi, diện tích đâu mà đắp đê, đất đâu mà đắp và kinh phí đâu mà làm?
“Người ta đã giải quyết bài toán ngập theo biện pháp công trình mang tính cục bộ: ngập đâu đắp đó, ngập đâu bơm hút ở đó, mà hậu quả là giải quyết ổn chỗ này lại ngập chỗ kia, giống như vá một ruột xe đã quá cũ nát, vá được chỗ này lại xì hơi chỗ kia. Các điểm ngập không những không bị xóa sổ mà mỗi ngày một tặng cả về số lượng lẫn mức độ ngập. Thành phố đã đầu tư rất nhiều tiền cho công tác chống ngập nhưng lại không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, tình hình ngập lại ngày nặng nề hơn”, Giáo sư Lê Huy Bá cho rằng việc chống ngập hiện nay đang rơi vào vòng luẩn quẩn.
Chống ngập, chiến lược lâu dài phải có hồ điều hòa
Giáo sư Lê Huy Bá khẳng định việc chống ngập phải có một chiến lược cao hơn chứ không thể làm theo kiểu “du kích”, thiếu tính thống nhất. Trước cũng có nhiều dự án được thông qua rồi xây dựng, nghiệm thu nhưng rõ ràng không có tính khoa học và hiệu quả mang lại không cao, mà kinh phí thì rất nhiều.
Muốn chống ngập ở "đô thị ngập triều" như TPHCM thì phải bảo tồn khu hệ thống hồ tự nhiên hoặc được thay thế bằng những hồ điều hòa nhân tạo có dung tích tương đương. Bên cạnh đó phải đảm bảo dòng lưu thoát.
Về lâu dài phải xây dựng các hồ điều hòa dạng chìm ở nơi có điều kiện địa hình cho phép như công viên, dưới bùng binh, dưới vườn hoa, thậm chí là sân vận động, nghĩa là dưới lòng đất có hồ chứa, trên mặt đất vẫn là công viên, vườn hoa, tiểu đảo. Việc xây dựng hồ điều hòa ở ngoại thành thì dễ hơn, nhưng ở trung tâm cũng phải cố gắng tận dụng triệt để nơi nào có khả năng thực hiện.
Còn đối với vùng thấp thì xây hồ ở dạng chìm – hở, chứa nước chưa kịp tiêu thoát; sau đó khi triều rút, cho nước tự chảy. Còn những vùng khác thể xây dựng hồ điều hòa hở - chìm. Trên cơ sở đó, từng bước xây dựng những hồ này thành hồ sinh thái, điều hòa tiểu khí hậu, nâng cao thẩm mỹ sinh thái đô thị những nơi có thể.
Một giải pháp quan trọng khác, đối với hệ thống cống thoát nước đã có phần “lạc hậu”, thì thành phố chỉ có thể từng bước thay thế dần dần ống đường lớn hơn. Vì hiện với hơn 3.200km ống cống kinh phí sẽ rất khổng lồ và kéo theo nhiều vấn đề khác mà trong một sớm một chiều không thể giải quyết nổi. Việc có hệ thống cống lớn hơn rất quan trọng bởi ngoài việc thoát nước thì đây có thể xem là hồ chứa nước tạm thời.
Đối với khu vực, ngập do mưa, không do triều, thì cần làm thêm các mạng đường cống nối từ nơi này sang nơi khác, tạo thành mạng thoát nước. Tạo hệ thống cống lấy và dẫn nước mưa vùng phía Bắc trực tiếp ra sông Sài Gòn, không cho đi qua vùng trung tâm nữa. Cố gắng tối đa để tạo cho hệ thống thoát có khả năng tự chảy. Một số biện pháp khác như là tăng khả năng thẩm lậu, dẫn nước xuống túi nước ngầm.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không phát triển khu trung tâm thành nhiều nhà cao tầng. Bởi nhà cao tầng thì sẽ gây sụt lún mạnh, càng sụt lúng thì càng phá vỡ hệ thống nước ngầm và thấm nước. Đối với những hộ dân ở những vùng quá trũng, ngập quá nặng có thể di dời đến vùng cao hơn. Thậm chí trong tương lai, để xử lý nước mang tính tập trung, một số khu vực dân cư có thể đối diện với cảnh sống chung với lũ. Tất nhiên, khi đó con người ta ở thế chủ động nên có thể xử lý tốt. Bản thân người dân khi sống ở khu vực biết là sẽ ngập thì sẽ phải lên phương án thích nghi với cảnh lụt như hy sinh tầng trệt, thậm chí có mùa phải di chuyển bằng thuyền, ghe…
Thành phố không cho xây dựng những nhà máy, khu công nghiệp ở vùng trũng nữa. Các biện pháp hành chính – xã hội là không được phép lấp thêm một mét kênh rạch nào nữa, giải phóng triệt để lấn chiếm mặt thoáng hiện có của kênh rạch.
“Các theo dõi gần đây chứng tỏ độ ngập của thành phố ngày một tăng, trong tương lai gần, nước biển dâng thì đô thị ngập triều ta tính sao đây, khi mà ngập này là ngập mặn, ngập bẩn chứ không chỉ là ngập ngọt nữa rồi? Ngập lụt đô thị là bài toán khó. Chúng ta cùng nhau bàn bạc, thành phố phải tập họp các nhà khoa học lên phương án, cùng nhau đưa ra lời giải có thể chấp nhận. Đó là việc làm cấp thiết. Mọi bảo thủ, giải thích mơ hồ đều vô nghĩa!”, giáo sư Lê Huy Bá cho rằng tuy có hơi muộn nhưng nhất quyết phải làm nếu không muốn thành phố sống trong cảnh ngập.
Giáo sư Lê Huy Bá đề xuất một hướng ra cho tình trạng ngập của TPHCM hiện nay: Có thể đào một kênh đủ lớn, chạy thành một vòng đai nhận nước cho thành phố, vành đai này càng ưu tiên ở vũng trũng, khu đang đô thị hóa và điểm đầu sẽ nối với sông Sài Gòn, điểm cuối thông ra sông Nhà Bè. Vành đai này kết hợp xây dựng cảnh quan để khai thác du lịch. Tất nhiên việc này phải nghiên cứu sâu và đòi hỏi kinh phí lớn.
-----------------------
Khôi phục quan hệ Việt-Trung phát triển ổn định
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ quan điểm, lập trường của VN trong vấn đề Biển Đông, theo đó luôn ưu tiên thông qua các biện pháp hòa bình để cùng TQ giải quyết tranh chấp, bất đồng.
Tại phiên họp do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và ủy viên Quốc vụ TQ Dương Khiết Trì chủ trì tại Hà Nội sáng nay, hai bên cho rằng, quan hệ hữu nghị VN - TQ phát triển lành mạnh, ổn định là phù hợp với nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực.
"Tôi rất vui mừng gặp lại đồng chí Dương Khiết Trì. Trước hết, tôi xin thay mặt các thành UB chỉ đạo hợp tác song phương phía VN nhiệt liệt chào mừng đồng chí Dương Khiết Trì cùng các đồng chí TQ sang thăm và chủ trì cuộc họp lần thứ 7 của UB. UB có vai trò rất quan trọng trong điều phối chỉ đạo hợp tác giữa hai nước cũng như giải quyết các vấn đề tồn tại nảy sinh giữa hai nước.
VN rất coi trọng việc đồng chí Dương Khiết Trì sang thăm và đồng chủ trì phiên họp UB chỉ đạo hợp tác song phương VN - TQ lần này.
Hy vọng với sự nỗ lực chung của hai bên, phiên họp sẽ đạt được nhiều thành quả tích cực, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho việc khôi phục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của hai nước" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu mở đầu phiên họp.
Giải quyết vấn đề nảy sinh về biên giới
Tại phiên họp, VN và TQ khẳng định sẽ cùng nhau nỗ lực thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện VN - TQ phát triển ngày càng đi vào chiều sâu.
Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa hai nước; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược VN - TQ; khẩn trương thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực liên quan.
VN và TQ cũng nhất trí thực hiện nghiêm túc 3 văn kiện về biên giới trên đất liền VN - TQ, phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý biên giới. Hai bên cho rằng, xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước.
Bên cạnh đó thực hiện nghiêm chỉnh nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, căn cứ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN - TQ” thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển.
Dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, sớm triển khai công việc khảo sát chung, tạo cơ sở cho việc thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ đi đôi với hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này như Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường đã nhất trí với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc gặp tại Milan, Italia ngày 16/10 vừa qua.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định VN luôn coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với TQ; nhấn mạnh hai bên cần triển khai hiệu quả những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm TQ của ông Lê Hồng Anh, đặc phái viên của Tổng bí thư tháng 8/2014 về việc khôi phục giao lưu hợp tác, kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề Biển Đông, khẳng định VN luôn ưu tiên thông qua các biện pháp hòa bình để cùng TQ giải quyết tranh chấp, bất đồng tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN-TQ, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì bày tỏ, Trung-Việt là hai nước láng giềng quan trọng của nhau, Đảng, Chính phủ và nhân dân TQ hết sức coi trọng và luôn kiên trì phương châm hợp tác hữu nghị với VN. Với sự nỗ lực chung, hai bên đã khắc phục được những khó khăn gặp phải trong thời gian vừa qua.
Hiện quan hệ song phương đang từng bước khôi phục, hai bên cần nắm chắc phương hướng phát triển quan hệ hai nước, xử lý thoả đáng và kiểm soát tốt bất đồng trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác song phương.
Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì nhất trí tăng cường chỉ đạo các cơ quan hữu quan TQ tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được tại phiên họp lần này.
Sau cuộc họp, hai đồng Chủ tịch đã chứng kiến lễ ký biên bản phiên họp lần 7 UB chỉ đạo hợp tác song phương VN - TQ.
--------------------------