Một thanh niên bị cảnh sát cơ động dùng dùi cui đánh vào mắt
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao thông tin liên quan đến sự việc mới xảy ra với anh Lê Thanh Hải (22 tuổi, quê ở Bình Định, đang tạm trú tại quận Bình Tân, TPHCM). Anh Hải cho rằng, mình đã bị một cảnh sát cơ động dùng dùi cui đánh vào mắt, khiến mắt phải anh tổn thương nặng.
Sáng 27.10, chúng tôi đã có buổi tiếp xúc với anh Lê Thanh Hải và các bác sĩ khoa Mắt, BV Chợ Rẫy TPHCM.
BS. Nguyễn Hữu Chức, Trưởng khoa Mắt, BV Chợ Rẫy TPHCM cho biết, anh Hải đã được chuyển từ BV Mắt TPHCM sau khi điều trị tại BV Chợ Rẫy vào chiều ngày 23.10. Khi tiếp nhận, anh Hải bị chấn thương ở mắt phải, bao gồm: giảm thị lực, giãn đồng tử, không nhận thức được ánh sáng. Qua chụp CT cho thấy, anh Hải bị tụ dịch và máu ở xoang sàng, vỡ thành xoang chán và xoang hàm.
Đến sáng ngày 27.10, BS Chức cho biết, anh Hải đã nhận thức được ánh sáng. Bệnh nhân bị chấn thương vùng xoang lên quan đến dây thần kinh thị giác, thủy tinh thể phù nề. Với tình trạng này, BS Chức cho biết phải mất từ 1-2 tuần để theo dõi sự hồi phục. Hiện, BS không ghi nhận sự tổn thương sọ não và các tổn thương khác. Mắt phải bệnh nhân có thể được phục hồi.
Anh Lê Thanh Hải kể rằng, vào khoảng 3h sáng ngày 21.10, anh Hải chở bạn gái bằng xe gắn máy lưu thông từ hướng quận 1 về ngã tư Bảy Hiền. Khi đến giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Trường Sơn, đèn tín hiệu giao thông đang từ xanh chuyển sang vàng, nhưng quan sát thấy đường vắng người qua lại, anh Hải đã tiếp tục cho xe chạy. Vừa qua giao lộ, bất ngờ, một người mặc sắc phục cảnh sát cơ động xông ra dùng dùi cui đánh thẳng vào mắt anh Hải. Cú đánh trời giáng khiến anh Hải loạng choạng tay lái, va chạm với một xe gắn máy đi ngược chiều và cả hai ngã xuống đất. Mãi cho đến khi có nhiều người dân vây lại hối thúc, hai cảnh sát giao thông đi cùng với người cảnh sát đã đánh anh Hải mới đưa anh lên taxi đi cấp cứu.
Anh Hải cho rằng, điều khiến anh bức xúc nhất là hành động đánh người không thể chấp nhận được của cảnh sát cơ động. “Tôi không vi phạm luật giao thông, tôi đồng ý đóng tiền nộp phạt hoặc giữ xe. Nhưng tôi không hiểu vì sao cảnh sát cơ động lại có thể ra tay như vậy với tôi”. Anh Hải cho biết, từ lúc được đưa đi cấp cứu tại BV 115 TPHCM, rồi được chuyển đến BV Mắt và cuối cùng là về BV Chợ Rẫy, anh không thấy một sự phản hồi, cơ quan chức năng nào đến hỏi han sự việc của mình.
Ngày 27.10, chúng tôi cũng liên lạc với chị Võ Thị Vy, là người bạn gái đi cùng anh Lê Thanh Hải vào ngày 21.10. Tỏ thái độ vô cùng bức xúc chị Vy nói: “Lúc anh Hải ngã xuống, tôi vô cùng sợ hãi và lúng túng khi thấy mắt anh bị chảy nhiều máu. Bản thân tôi cũng bị xây sát khắp người”.
Anh Lê Thanh Hải kể, gia đình anh từ Bình Định vào xã Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TPHCM để sinh sống và làm việc. Hiện, cha mẹ anh đi bán rau ở chợ, còn Hải làm công nhân. Hải cho rằng, mình còn quá trẻ và còn tương lai phía trước nên rất khó chấp nhận việc mắt mình có thể bị mù vĩnh viễn.
Khi tìm hiểu sự việc trên, chúng tôi đã liên lạc với cơ quan chức năng TPHCM. Nhưng phía cơ quan công an cho biết, đang thực hiện xác minh, điều tra sự việc trên.
(Theo Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/mot-thanh-nien-bi-canh-sat-co-dong-dung-dui-cui-danh-vao-mat-261483.bld)
-------------------------
Án oan Lương Ngọc Phi, kỳ án Lê Bá Mai
Bị tuyên án tù 20 năm. Ngồi tù 3 năm mới được minh oan. Năm 2004 ra tù, năm 2006 mới được xin lỗi. Và đến bây giờ, sau hơn 10 năm, việc bồi thường oan sai vẫn chưa xử lý xong- Vụ án Lương Ngọc Phi ở Thái Bình sáng nay (25.10) đã được phản ánh trước Quốc hội như một ví dụ cho tình trạng oan sai và xử lý oan sai.
4 báo cáo, về công tác phòng chống tội phạm, về thi hành án, về công tác của Chánh án và Viện trưởng VKSNDTC đã chiếm gần hết thời gian phiên họp ngày thứ bảy 25.10 kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIII.
Nhưng ngay trong ý kiến thảo luận đầu tiên, “kỳ án vườn mít” đã được ĐBQH Bùi Mạnh Hùng đặt lên bàn nghị sự. Đây là vụ án quá lâu, quá lạ, quá nhiều tình tiết mâu thuẫn trong kết án. Ông Hùng đề nghị đích thân Chánh án phải xem xét lại vụ án này. “Chúng ta cần hạn chế những kỳ án. Không lọt tội nhưng cũng không để oan sai và nếu có oan sai thì cũng phải dũng cảm sửa chữa”- ông nói.
Cả 3 bản báo cáo trước đó đều ít nhiều nhắc tới oan sai, nhục hình. Báo cáo của Viện trưởng VKSND TC Nguyễn Hòa Bình cũng xác nhận tình trạng “một số địa phương còn xảy ra oan sai”. Và theo ông, những hạn chế là do năng lực trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện làm việc chưa đáp ứng, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện.
Báo cáo của Chánh án Trương Hòa Bình cũng đưa ra con số có 1,61% các vụ án bị hủy sửa do lỗi của tòa án và 21 trường hợp tòa tuyên không phạm tội.
Riêng báo cáo Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm có mở ngoặc “Đáng chú ý để xảy ra một số vụ nhục hình ngây hậu quả nghiêm trọng, gây chết người, làm bức xúc dư luận”.
ĐBQH Huỳnh Nghĩa sau đó dẫn số liệu trong báo cáo Chính phủ về số bị can bị khởi tố điều tra gần (160 ngàn), nhưng số phải ạm đình chỉ và đình chỉ cũng lên tới gần 5.500 trường hợp, tăng 15%. Ông Nghĩa nhấn mạnh đến 91 trường hợp công dân bị oan sai, trong đó 60 trường hợp đình chỉ điều tra cho bị can không phạm tội.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền dẫn lại vụ án Lương Ngọc Phi, bị xử 20 năm về tội “Lạm dụng tín nhiệm”. Bị tuyên án tù 20 năm. Ngồi tù 3 năm mới được minh oan. Năm 2004 ra tù, năm 2006 mới được xin lỗi. Và đến bây giờ, sau hơn 10 năm, việc bồi thường oan sai vẫn chưa xử lý xong. Theo ông Xuyền đang có vấn đề sợ trách nhiệm trong việc bồi thường oan sai và từ đó dẫn tới việc vô cảm với nỗi đau của người dân. “Chúng ta hô hào người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, nhưng chính các cơ quan Nhà nước chưa làm được điều này”- vị ĐBQH hiện đang là Phó giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình nói.
-------------------------
Hà Nội xác minh nghi vấn 'bôi trơn' 8 triệu đồng làm sổ đỏ
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về thông tin “bôi trơn 8 triệu đồng để làm sổ đỏ", Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết thanh tra đang tích cực xác minh.
Ông Nghị cho biết, hiện chưa có ai đến gặp ông để đưa thông tin tố cáo vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở.
"Hàng ngày tôi vẫn nhận được rất nhiều loại đơn. Kể cả khi đi công tác nước ngoài, người ta vẫn nhắn vào điện thoại của tôi báo tin. Điều đó có nghĩa không có bất kỳ một kênh nào ngăn chặn thông tin đến tôi cả", ông Nghị nói và cho biết đang có dự định đến thẳng khu dân cư đó để gặp người dân, tiếp nhận thông tin.
Bí thư thành ủy Hà Nội cho biết, sau khi đại biểu Nguyễn Sĩ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật - chỉ ra những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc cấp sổ đỏ thời gian qua ở Hà Nội, ông đã chỉ đạo thanh tra gặp đại biểu Cương để nhờ cung cấp thông tin. Đồng thời, thanh tra cũng gặp trực tiếp, phát phiếu cho hơn 40 hộ dân đã được cấp sổ đỏ ở Mễ Trì Thượng để xem thời gian qua có hay không việc họ phải chi tiền để làm sổ đỏ. Nếu có thì chi cho ai, bao nhiêu.
"Đợt này tôi cũng chỉ đạo thanh tra gặp luôn những hộ đã nộp hồ sơ nhưng chưa được cấp sổ đỏ để tìm hiểu họ có bị gợi ý phải đưa tiền hay không", ông Nghị cho hay.
Bí thư thành ủy Hà Nội khẳng định muốn xử lý việc này một cách triệt để. Vì vậy, nếu người dân không tin cơ quan chức năng thì có thể tìm đến người đứng đầu thành phố. "Ai đến tôi cũng tiếp. Nếu họ vẫn ngại thì có thể đến gặp báo chí, cung cấp tài liệu, chứng cứ đưa tiền cho người này, người kia rồi công bố ra, cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm xác minh", ông Nghị nói.
Trước đó, ngày 29/9, tại Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho biết có chuyện người dân được gợi ý nộp 8 triệu đồng để "bôi trơn" khi cấp sổ đỏ. Nhiều người xót xa không nộp, tiếp tục chờ nhưng không biết đến bao giờ. Bí thư thành ủy Hà Nội sau đó đã yêu cầu UBND thành phố và các sở ngành làm rõ vụ việc.
-------------------------
Vụ Quảng Nam “cáo buộc” Đà Nẵng bảo kê lâm tặc: Chưa tìm ra bằng chứng bảo kê
Như đã đưa tin, liên tiếp trong nửa đầu tháng 10.2014, kiểm lâm Quảng Nam và Đà Nẵng phát hiện lâm tặc đã đốn đốn hạ, cất giấu gần 500 phách gỗ kiền kiền, gõ với khối lượng hơn 45m3 tại vùng rừng giáp ranh của 2 địa phương. Ngay sau đấy, UBND tỉnh Quảng Nam lập tức họp các sở ngành, địa phương liên quan để giải quyết vụ việc. Theo đó, nhận định có sự bảo kê của lực lượng bảo vệ rừng Đà Nẵng.
Trước nghi vấn này, Đà Nẵng một mặt đề nghị công an vào cuộc làm rõ, mặt khác triển khai các lực lượng chức năng liên tục vào thực địa để tổng kiểm tra rừng, triệu tập 5 cán bộ quản lý rừng, trong đó có 2 cán bộ kiểm lâm trạm Cà Nhông giải trình, kiểm điểm vụ việc.
Ngày 24.10, các lực lượng kiểm lâm, cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (Đà Nẵng) vẫn tiếp tục lội vào thực địa để tổng rà soát, kiểm tra thực trạng vụ phá rừng. Chi cục kiểm lâm tiếp tục họp, xem xét các báo cáo giải trình của kiểm lâm viên, cán bộ BQL rừng đặc dụng Bà Nà Núi Chúa tại trạm Cà Nhông để giải quyết vụ việc.
Ông Phạm Ngọc Sự - Trưởng BQl rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa cho biết bất ngờ trước những nhận định của các ngành chức năng, cho rằng các cán bộ BQL cùng kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa bảo kê cho lâm tặc. "Bảo kê hay không, ai bảo kê cho đối tượng nào, tất cả có công an điều tra làm rõ” – ông Sự nói.
Ông Trần Viết Phương – Phó GĐ Sở NN&PT NT TP.Đà Nẵng cho biết, đây là vụ phá rừng lớn nhất từ trước nay tại Đà Nẵng. Tính chất vụ việc phức tạp, nhưng không nên vội cáo buộc bảo kê hay không khi chưa có bằng chứng xác đáng. Cũng theo ông Phương, Trạm kiểm lâm Cà Nhông có từ 1988, tức thời còn tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng chưa chia tách, là tấm bình phong giữ rừng Bà Nà – Núi Chúa. Không có trạm này thì rừng tự nhiên, rừng phòng hộ trong khu đặc dụng này rơi vào tay lâm tặc từ lâu. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
-------------------------
Phạt hơn 6,6 tỉ đồng hành nghề y, dược, mỹ phẩm sai phạm
Cuối tuần qua, Sở Y tế TP.HCM thông báo về kết quả kiểm tra đợt 1 hoạt động hành nghề y, dược, mỹ phẩm trên địa bàn TP.
Theo đó, đoàn kiểm tra của Sở và các quận huyện đã kiểm tra 1.508 cơ sở (CS) hành nghề y, phát hiện 235 CS sai phạm, phạt 111 CS với số tiền hơn 4,5 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 17 CS; kiểm tra 148 CS y học cổ truyền, có 17 CS sai phạm, phạt 6 CS với số tiền 340 triệu đồng, đình chỉ 1 CS.
Đoàn cũng kiểm tra 2.699 CS hành nghề dược, phát hiện 369 CS sai phạm, phạt gần 1,6 tỉ đồng đối với 32 CS, đình chỉ 48 CS; kiểm tra 69 CS dược cổ truyền, có 19 CS sai phạm, phạt 15 CS với số tiền hơn 152 triệu đồng, đình chỉ 5 CS; kiểm tra 5 CS mỹ phẩm, có 3 CS sai phạm, phạt tiền 3 CS 35 triệu đồng.
Phần lớn các CS hành nghề y sai phạm gồm: khám chữa bệnh không phép, không có chứng chỉ hành nghề...; các CS dược thì sai phạm do người đứng tên chuyên môn không có mặt khi CS hoạt động, kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề...
-------------------------