Mỹ khẳng định giúp Hàn Quốc đối phó CHDCND Triều Tiên
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục đồn trú ở Hàn Quốc nhằm giúp Seoul củng cố lực lượng đối phó với mối đe dọa quân sự leo thang từ CHDCND Triều Tiên.
Trong cùng ngày, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc Curtis Scaparrotti cảnh báo Bình Nhưỡng có khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân cho tên lửa. "Khả năng này của CHDCND Triều Tiên hiện nay cao hơn những điều mà thế giới tưởng" - AFP dẫn lời chỉ huy Scaparrotti nhấn mạnh.
Quân đội Mỹ từng nắm quyền chỉ huy binh lính Hàn Quốc trong thời kỳ chiến tranh Liên Triều 1950-1953 và đã trở lại kiểm soát quân sự trong thời bình đối với Seoul vào năm 1994.
Theo Yonhap, đây là lần thứ hai quá trình chuyển giao này bị tạm hoãn, một phần cho thấy mối quan ngại về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang dâng cao, thêm vào đó là mối lo lắng về khả năng quốc phòng của Hàn Quốc chưa đủ mạnh để có thể tự kiểm soát.
Một ngày sau đó, ngày 24-10, tại cuộc gặp Bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-Se, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng khẳng định rằng còn quá sớm để bàn về việc Mỹ cắt giảm quân số đang đồn trú ở châu Á cũng như Hàn Quốc.
AFP dẫn lời Ngoại trưởng Kerry khẳng định chưa có chuyện quân đội Mỹ sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc cho đến khi Bình Nhưỡng chứng minh được rằng nước này thực hiện đúng lời hứa tham gia trở lại vòng đàm phán 6 bên, thảo luận về việc kết thúc chương trình hạt nhân của mình.
“Chúng tôi vẫn mở đường đối thoại với CHDCND Triều Tiên và nước này phải chứng minh được rằng họ nghiêm túc về việc giải giáp hạt nhân. Chúng tôi cần chắc chắn rằng Bình Nhưỡng đang sẵn sàng thực hiện bổn phận quốc tế của mình” - ông Kerry nhấn mạnh.
Theo Yonhap, hồi đầu tháng 10-2014 hai miền Triều Tiên đã nối lại các cuộc đàm phán cấp cao. Seoul đề xuất khôi phục lại các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên vào ngày 30-10 nhưng chỉ nhận được cảnh báo từ Bình Nhưỡng rằng các cuộc đàm phán này sẽ đổ vỡ.
-------------------------
Mỹ giảm quân số ở Seoul
Ngày 26-10, Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết quân đội Mỹ sẽ giảm 2/3 nhân sự tại căn cứ Yongsan ở Seoul.
Trước đó hai nước đã nhất trí trì hoãn vô thời hạn việc chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến từ Mỹ sang Hàn Quốc
Theo Yonhap, điều này đồng nghĩa với việc số nhân viên quân sự Mỹ lưu lại căn cứ này sẽ không quá 200 người, so với khoảng 600 lính Mỹ đang đồn trú hiện tại.
Trước đó, hôm 23-10, Washington và Seoul đã nhất trí trì hoãn vô thời hạn việc chuyển quyền kiểm soát các lực lượng quân sự đóng trên bán đảo Triều Tiên cho Seoul.
Một số cơ sở như sở chỉ huy Bộ tư lệnh các lực lượng hỗn hợp Hàn-Mỹ (CFC) và sở chỉ huy Quân đoàn số 8 của Mỹ vẫn ở căn cứ Yongsan, thay vì sẽ chuyển sở chỉ huy CFC đến Pyeongtaek, cách Seoul khoảng 70km về phía nam theo như thỏa thuận Mỹ-Hàn từ năm 2004.
Trong buổi tiếp Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo tại Lầu Năm Góc hôm 23-10, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh việc trì hoãn này đồng nghĩa với việc Washington sẽ tiếp tục vai trò chỉ huy các lực lượng quân sự Mỹ-Hàn.
Trước đó, theo dự kiến Mỹ sẽ chuyển giao quyền kiểm soát này cho Hàn Quốc vào cuối năm 2015.
--------------------------------
Thu nhỏ qui mô tập trận với Thái Lan
Cùng ngày 24-10, Washington cũng đã xác nhận chính phủ Mỹ sẽ giảm quy mô một cuộc diễn tập quốc phòng chủ chốt hàng năm tại Thái Lan.
Đài TNHK dẫn lời người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok cho biết cuộc tập trận Cobra Gold 2015 (Hổ Mang vàng 2015) diễn ra vào tháng 2 cùng năm sẽ có qui mô nhỏ hơn so với qui mô hàng năm.
"Trong bối cảnh tình hình chính trị hiện nay, chính phủ Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phi sát thương như viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai" - người phát ngôn trên cho biết.
Giới chuyên gia nhận định nguyên nhân Mỹ quyết định thu nhỏ qui mô tham gia cuộc tập trận "Hổ mang vàng 2015" có thể là do mối quan hệ Mỹ-Thái Lan không còn "mặn nồng” kể từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 5 của chính quyền quân sự Thái Lan. Tuy nhiên, giới chức Thái Lan đã bác bỏ những thông tin này.
-------------------------
Hàng chục ngàn người Hungary biểu tình chống thuế Internet
Hơn 10.000 người đã biểu tình tại Budapest, Hungary để yêu cầu chính phủ bỏ đề xuất đánh thuế Internet.
Họ chỉ trích đây là phương pháp đàn áp dân chủ mới của Thủ tướng Viktor Orban.
Với khẩu hiệu “Hungary tự do, tự do Internet”, như AFP đưa tin, đám đông biểu tình đã diễu hành qua trụ sở của đảng cầm quyền Fidesz ngày 26-10 và để lại những chiếc bàn phím máy vi tính đã qua sử dụng.
Không khí biểu tình trở nên căng thẳng hơn khi cảnh sát chống bạo động vây quanh trụ sở sau khi nhiều người biểu tình quá khích ném vỡ kính một số cửa số của tòa nhà này.
Trước đó hàng ngàn người biểu tình cũng đã tập trung bên ngoài Bộ Kinh tế Hungary với ngọn đuốc thắp lên từ những chiếc điện thoại thông minh.
“Sẽ không có thuế Internet… chúng tôi sẽ ngăn chặn điều đó”, người đứng ra tổ chức cuộc biểu tình Balazs Gulyas tuyên bố trước sự hưởng ứng của đám đông.
Ông Gulyas khẳng định nếu chính phủ Hungary không bãi bỏ thuế Internet trong vòng 48 giờ thì người biểu tình sẽ diễu hành một lần nữa.
Trước đó Bộ Kinh tế nước này cho biết thuế Internet với giá 0,61 USD trên mỗi gigabyte dữ liệu chuyển tải là cần thiết để giúp gánh vác gói thắt lưng buộc bụng năm 2015 tại quốc gia chịu nhiều nợ công này của liên minh châu Âu.
Một số người nhận định rằng việc đánh thuế Internet sẽ làm tổn hại đến các doanh nghiệp nhỏ và khiến cho việc truy cập Internet trở nên khó khăn hơn cho người dân, đặc biệt là tại các khu vực nghèo, tìm kiếm thông tin và các kiến thức giáo dục.
-------------------------
Tân Bộ trưởng Thương mại Nhật lại dính bê bối quỹ
Tân Bộ trưởng Kinh tế - Thương mại và công nghiệp Nhật Bản dính bê bối nhận tiền của doanh nghiệp nước ngoài - vốn bị cấm theo luật kiểm soát quỹ chính trị.
Trước đó tân Bộ trưởng này vừa mới “thanh minh” vụ nhân viên của mình dùng công quỹ trả tiền quán bar.
Theo Reuters ngày 27-10, ông Yoichi Miyazawa đã nhận tiền đóng góp của một công ty mà trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiếm đa số cổ phần. Tuy nhiên, ông không hề biết điều này mãi cho đến gần đây.
“Ông ấy (tức ông Miyazawa) không hề biết rằng các nhà đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn cổ phần trong công ty trên”, một phụ tá của ông nói với phóng viên. Người này cũng thêm rằng số tiền - tổng cộng 400.000 yen (khoảng 3.700 USD) và được nhận hồi năm 2007-2008, nay đã được trả lại.
Các báo cáo quỹ chính trị của ông Miyazawa hiện đang bị “săm soi” sau khi ông thừa nhận hồi tuần trước rằng một phụ tá của ông đã lấy tiền quỹ trả 18.230 yen tại một quán bar có biểu diễn khiêu dâm, và bản thân ông nắm giữ 600 cổ phiếu tại Tập đoàn điện lực Tokyo (đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima) mà bộ của ông có trách nhiệm giám sát.
Giới phân tích nhận định những diễn biến mới này có thể sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến Thủ tướng Shinzo Abe, mặc dù tỉ lệ ủng hộ ông hiện vẫn ở mức khoảng 50%, cũng như đến các chính sách mà ông dự kiến đưa ra vào cuối năm nay.
Tuần trước, ông Abe đã mất cùng lúc hai nữ Bộ trưởng Kinh tế-Thương mại và công nghiệp và Bộ trưởng Tư pháp do dính đến bê bối lạm dụng quỹ chính trị và vi phạm luật bầu cử.
-------------------------