Nhìn nhận bất cập về việc nhận vé tàu điện tử 4 tiếng trước khi tàu chạy, ĐSVN vừa điều chỉnh lại, theo đó hành khách sau khi thanh toán cần đến ga lấy vé 30 phút trước khi tàu chạy hoặc được miễn phí giao vé đến tận nhà.
Thông tin này vừa được ông Vũ Tá Tùng - Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - quyết định chính thức vào sáng nay (18/11), liên quan đến việc triển khai hệ thống bán vé điện tử sẽ được vận hành vào ngày 21/11 và bán vé tàu Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.
Ông Vũ Tá Tùng khẳng định: “Sau khi đặt chỗ thành công và thanh toán tiền, hành khách đến ga nhận vé từ thời điểm thanh toán xong cho đến trước giờ tàu chạy 30 phút”.
Theo Tổng Giám đốc ĐSVN, mục tiêu của Tổng công ty trong việc xây dựng Hệ thống bán vé điện tử là hành khách có thể đặt chỗ, trả tiền và in vé để ra ga đi tàu không phải đến ga làm thủ tục nhận vé (bán vé điện tử). Tuy nhiên, để kịp thời phục vụ hành khách đi tàu, đặc biệt là trong dịp Tết Ất Mùi 2015, Tổng công ty ĐSVN chia việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thành các giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 của hệ thống (áp dụng từ ngày 21/11/2014) chỉ phục vụ hành khách đặt chỗ, thanh toán tiền vé, sau đó trực tiếp ra ga nhận vé đi tàu mà chưa thể in vé điện tử.
“Việc hành khách mua vé qua mạng rồi phải mất thêm công đoạn ra ga nhận vé là do ĐSVN chưa đủ thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý với các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Tài chính và Tổng cục thuế) để chuyển đổi từ vé đi tàu truyền thống sang vé đi tàu điện tử” - ông Tùng giải thích.
Trước đó, khi công bố hệ thống bán vé điện tử vào sáng 17/11, ĐSVN đã đưa ra quy định sau khi đặt vé thành công trên hệ thống, hành khách thực hiện thanh toán thông qua nhiều hình thức (trực tuyến, tiền mặt) rồi phải đến ga nhận vé chậm nhất là 4 tiếng trước khi tàu chạy. Quy đinh này cho thấy sự bất cập trong quản lý vận hành của ĐSVN, gây những phiền toái và bất tiện rất lớn đối với hành khách.
Một ngày sau đó, người đứng đầu ĐSVN đã đưa ra quyết định điều chỉnh việc nhận vé tàu tại ga với thời gian chậm nhất là 30 phút trước khi tàu chạy, sự điều chỉnh này được cho là phù hợp, tạo thuận lợi nhiều hơn cho hành khách đi tàu và tránh những chi phí phát sinh không đáng có.
Theo ĐSVN, hành khách có thể đặt chỗ trên hệ thống bán vé điện tử bắt đầu từ 8h sáng ngày 1/12 tới đây, ĐSVN tổ chức bán vé trên hệ thống bán vé điện tử cho hành khách cá nhân có nhu cầu đi lại trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, mỗi khách hàng được đặt chỗ trên web mỗi lần không quá 4 vé cho 1 chiều.
Có 4 phương thức đặt vé tàu điện tử, cụ thể: Tự đặt vé trên hệ thống bán vé điện tử qua các website: www.dsvn.vn; www.vetau.com.vn (Thanh toán tiền mặt - chậm nhất là 48h sau khi đặt vé thành công; thanh toán trực tuyến bằng thẻ nội địa - 24h sau khi đặt vé thành công); đối với hành khách đặt chỗ muộn, sau khi đặt chỗ thành công trước giờ tàu chạy từ 24h đến 60h thì cần thanh toán tiền vé trước giờ tàu chạy 12h, nếu không thanh toán thì chỗ đã đặt sẽ tự động hủy.
Đặt vé qua các bưu cục của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, hành khách được hỗ trợ miễn phí để đặt chỗ và thanh toán tiền vé tàu qua các điểm giao dịch (bưu cục). Hành khách đã đặt chỗ và đã thanh toán tiền tại các bưu cục nếu có nhu cầu sẽ được nhận vé tại nhà (miễn phí) trong phạm vi trung tâm các tỉnh, thành phố.
Hành khách có thể đặt vé qua các chi nhánh của Ngân hàng Thương mại CP Quốc tế Việt Nam (VIB). VIB sẽ hỗ trợ (miễn phí) khách hàng của Tổng công ty ĐSVN tại khu vực TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đặt chỗ và thanh toán tiền vé tàu.
Ngoài ra, hành khách cũng có thể sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS do Công ty Cổ phần công nghệ phần mềm và nội dung số OSP cung cấp để tra cứu thêm thông tin về mã đặt chỗ, giờ tàu.
Liên quan đến việc bán vé điện tử, trao đổi với PV Dân trí, bà Phùng Thị Lý Hà - Trưởng ga Hà Nội - cho biết, Ga Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách đi tàu, đặc biệt là dịp cao điểm Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
“Quy định chậm nhất là 30 phút trước khi tàu chạy để hành khách chủ động hơn và tránh bị muộn tàu, với những trường hợp hành khách đến muộn sẽ được nhà ga ưu tiên giải quyết nhận vé và đưa hành khách lên tàu kịp thời. Song song với việc triển khai bán vé điện tử thì ga Hà Nội sẽ miến phí giao vé tận nhà cho hành khách trong phạm vi 7km tính từ ga, đây cũng là cách để nhà ga có thể chăm sóc và phục vụ hành khách tốt hơn, chu đáo hơn” - bà Hà khẳng định.
Bản báo cáo bổ sung do Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thay mặt Chính phủ ký gửi Quốc hội về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo nhiệm vụ Quốc hội giao, đưa ra nhiều con số cập nhật về vấn đề an ninh, an toàn hàng không.
Cụ thể, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, có tới 226 vụ việc liên quan đến an ninh, an toàn hàng không, tăng 104 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Cùng thời gian này, cơ quan chức năng đã thực hiện 91 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, ban hành 236 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng với số tiền xử phạt là 1,7 tỷ đồng.
Mặc dù không để xảy ra vụ việc mất an toàn, an ninh nào, nhưng vẫn còn xảy ra các sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn tàu bay và khai thác tàu bay.
Bộ trưởng Thăng điểm lại 1 vụ việc được xếp loại có nguy cơ uy hiếm an toàn bay ở mức B. Đó là sự cố khi tàu bay đang thực hiện cất cánh phát hiện hỏng động cơ, do nguyên nhân công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tại cảng hàng không Melbourne, Úc.
Sau sự việc này, liên tục trong các tháng 6, 7 và 8/2014, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị an toàn bay, yêu cầu các hãng hàng không rà soát, chuẩn hóa tài liệu và thực hiện nghiêm quy trình ứng phó trong trường hợp có bão theo quy trình nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các hoạt động bay, đồng thời tổ chức và chỉ đạo công tác giảng bình an toàn, thực hiện ngay các biện pháp có hiệu quả để ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không.
Nguyên nhân trực tiếp của các vi phạm về an ninh hàng không được Bộ trưởng đánh giá là từ nhận thức của hành khách, công dân. Như tung tin có bom, vật liệu nổ, hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định, gây rối, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không hoặc âm nhập bất hợp pháp khu vực hạn chế.
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ đơn vị khai thác cảng hàng không, quản lý điều hành bay, báo cáo viết.
Cho rằng do ảnh hưởng của vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, trong 6 tháng đầu năm 2014 tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay tăng cao, song báo cáo lại không nêu con số để so sánh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết từ tháng 7/2014 đến nay tình hình chậm, hủy chuyến đã được cải thiện rõ rệt. Sang quý 3/2014, tỷ lệ chậm chuyến bay giảm xuống còn 15,9%, riêng tháng 9/2014, tỷ lệ chỉ còn 9,9%.
Về công tác đảm bảo an toàn hàng hải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014.
Cũng tính trong 9 tháng đầu năm 2014, trong lĩnh vực hàng hải đã xảy ra 10 vụ tai nạn hàng hải, trong đó, có 6 vụ tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển, 4 vụ xảy ra ngoài biển.
Tình hình an toàn giao thông đường thủy được đánh giá là vẫn diễn biến phức tạp, toàn quốc xảy ra 57 vụ tai nạn làm chết 43 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm 2013 tăng 5 vụ (9,62%), tăng 6 người chết và 1 người bị thương.
Giảm cả 3 tiêu chí song tại nạn giao thông đường bộ cũng vẫn còn diễn biến phức tạp. Phân tích số liệu so sánh tai nạn giao thông giữa 9 tháng đầu năm 2014 với cùng kỳ năm trước, Bộ trưởng cho biết, tỷ lệ tai nạn xảy ra trên địa bàn đô thị giảm sâu (chiếm 23,8% tổng số vụ so với 32,4% của 9 tháng năm 2013).
Tỷ lệ số vụ tại nạn giao thông do xe mô tô, xe gắn máy gây ra cũng giảm, chiếm 70,1% tổng số vụ so với 72,25% cùng kỳ năm trước.
Bản báo cáo bổ sung đưa ra thông tin phân tích, tỷ lệ tai nạn xảy ra vào buổi chiều (12h-18h) và buổi tối (18h-20h) tăng nhẹ so với cùng kỳ 2013. Tỷ lệ tai nạn ở độ tuổi thanh, thiếu niên (dưới 27 tuổi) lại giảm nhẹ so với cùng kỳ (chiếm 44% số vụ so với 46,4% cùng kỳ năm 2013). Tuy nhiên, tỷ lệ tai nạn giao thông trong nhóm ở độ tuổi lao động tích cực vẫn còn cao (chiếm 49,8% tổng số vụ so với 43,3% cùng kỳ năm 2013).
-----------------------
Vì sao nhà đầu tư nước ngoài không hứng thú với cổ phiếu Vietnam Airlines?
Trong tổng số 49 triệu cổ phần này, tương đương khoảng 3,5% vốn điều lệ của Vietnam Airlines, nhóm nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua ròng hơn 120.000 cổ phần. Hai nhà đầu tư và hơn 1.570 nhà đầu tư cá nhân trong nước chia nhau mua gần 49 triệu cổ phần còn lại.
Tuần trước, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã bán hết hơn 49 triệu cổ phần chào bán, thu về 51,3 triệu USD trong lần phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trong tổng số 49 triệu cổ phần này, tương đương khoảng 3,5% vốn điều lệ của Vietnam Airlines, nhóm nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua ròng hơn 120.000 cổ phần. Hai nhà đầu tư và hơn 1.570 nhà đầu tư cá nhân trong nước chia nhau mua gần 49 triệu cổ phần còn lại.
Như vậy, theo đánh giá của Bloomberg, đợt IPO của Vietnam Airlines đã không thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy những thách thức phải đối mặt trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 173 triệu USD cổ phiếu của Việt Nam trong năm nay, hướng đến năm thứ 8 liên tiếp mua ròng. Tuy nhiên, việc lo ngại về tính thanh khoản của cổ phiếu và tỷ lệ cổ phần chào bán ra bên ngoài quá nhỏ được cho là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài không mấy mặn mà với IPO của hãng hàng không quốc gia này.
Bloomberg cho rằng, sự thiếu nhiệt tình của các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra thách thức đối với người đứng đầu Chính phủ khi đang tìm cách thúc đẩy việc bán tài sản sau khi các doanh nghiệp nhà nước vay mượn quá nhiều khiến hệ thống ngân hàng chịu gánh nặng nợ xấu và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
"Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn quá thận trọng khi tham gia vào các đợi IPO như tại Vietnam Airlines bởi họ cảm thấy việc cải cách đến cùng các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra quá chậm", Patrick Mitchell, Trưởng Bộ phận bán hàng của Công ty chứng khoán VinaSecurities cho biết.
Chậm niêm yết
Chỉ số VN-Index tăng 19% trong năm 2014, tuy nhiên, không có một doanh nghiệp nào trong số 40 doanh nghiệp nhà nước đã bán cổ phần ra công chúng trong năm nay được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Trong khi đó, giá cổ phiếu của các công ty tại các công ty ở các nước mới nổi khác thuộc khu vực châu Á IPO trong năm nay đã tăng trung bình gần 60%, theo dữ liệu của Bloomberg.
Chính phủ Việt Nam đã thu về 3,2 nghìn tỷ đồng từ 40 đợt IPO trong năm nay, tính tới giữa tháng 11, thấp hơn so với mục tiêu cả năm là 4,9 nghìn tỷ đồng. Trong năm sau, dự kiến sẽ có khoảng 400 công ty được cổ phần hóa.
Vietnam Airlines đã được lên kế hoạch IPO từ khoảng năm 2008. Lãnh đạo của hãng hàng không này cho biết, dự kiến cổ phiếu của Vietnam Airlines sẽ được niêm yết trong vòng 1 năm sau khi hoàn tất cổ phần hóa vào tháng 3 năm sau. Vietnam Airlines cũng chưa quyết định sẽ niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội hay TPHCM.
Theo báo cáo đánh giá của Công ty chứng khoán Sài gòn (SSI), Vietnam Airlines hiện đang hoạt động tại 39 nước, mở 52 đường bay quốc tế với 83 máy bay. Báo cáo từ nhà tư vấn IPO cho Vietnam Airlines là công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, năm 2013 hãng này phục vụ hơn 20,7 triệu khách hàng, tăng hơn 18% so với năm 2012. Lượng du khách tại Việt Nam dự báo sẽ tăng 15%/năm cho tới năm 2018.
Cuộc chơi tăng trưởng
"Tôi thích cổ phiếu của Vietnam Airlines bởi tiềm năng tăng trưởng du lịch tại Việt Nam và ngày càng có thêm nhiều người Việt Nam sử dụng máy bay hơn", chuyên gia từ VinaSecurities nói.
Tuy nhiên, việc chào bán một lượng nhỏ cổ phần khiến các nhà đầu tư nước ngoài giảm bớt hứng thú với cổ phiếu Vietnam Airlines. Mặc dù thương vụ IPO của Vietnam Airlines lớn thứ 2 tại Việt Nam trong năm nay nhưng vẫn không thấm vào đâu so với hơn 494 triệu USD IPO của hãng hàng không trong cùng khu vực là Bangkok Airways. Hãng hàng không Bangkok Airways chỉ có 24 tuyến quốc tế và số lượng máy bay ít hơn 1/3 của Vietnam Airlines.
Nhà đầu tư lo ngại, việc Chính phủ nắm giữ quá nhiều cổ phần tại Vietnam Airlines sẽ khiến các nhà đầu tư thiểu số sẽ có ít tiếng nói trong hoạt động của công ty. Thêm vào đó, tại thị trường Việt Nam, các đối thủ cạnh tranh cũng đang gia tăng một cách nhanh chóng.
Vietjet Air, một hãng hàng không tư nhân giá rẻ, đã tăng thị phần lên 26% trong năm 2013, tăng gấp 3 lần so với năm 2012. Jetstar Pacific, một công ty con của Vietnam Airlines, có chi phí thấp hơn công ty mẹ nhưng hiện cũng nắm tới 15% thị phần.
Cải tổ chương trình IPO
Theo Bloomberg, Chính phủ hồi tháng trước đã thành lập một nhóm làm việc chính thức để cải tổ chương trình IPO.
Theo bà Nguyễn Hoàng Lan, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội, vấn đề về tỷ lệ sở hữu Nhà nước sau khi cổ phần hóa cũng được bàn thảo.
Michel Tosto, người đứng đầu bộ phận bán hàng của công ty chứng khoán VietCapital cũng cho rằng, quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam còn thiếu công khai. Theo đó, Chính phủ cần phải thuê các công ty chứng khoán chuyên nghiệp hơn để chịu trách nhiệm về các đợt IPO.
--------------------------
Đồng hồ khổng lồ bị "bỏ rơi" bên Hồ Gươm
Đã từ lâu, món quà từ đất nước Thụy Sĩ này đã bị bỏ rơi, trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu; toàn bộ phần mặt đồng hồ và hai chiếc kim bị bụi, đất bao phủ, trong đồng hồ thậm chí còn nguyên xác chuột, không ai dọn dẹp.
Đây là món quà mà thị trưởng thành phố Bern dành tặng Thủ đô mừng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chiếc đồng hồ hoa bằng kính có cấu tạo rất đơn giản với chiều cao 1,3 m, bên trong lồng kính đặt hoa giả màu bạc, xung quanh được trồng rất nhiều loại hoa, phía mặt của đồng hồ có hai kim. Ước tính chiếc đồng hồ này có giá trị khoảng 20.000 USD.
Không ít người dân khi thăm quan Hồ Gươm bức xúc về thực trạng hiện nay của chiếc đồng hồ.