Báo Trung Quốc trách Mỹ thiên vị Việt Nam
Mỹ thiên vị khi chỉ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam trong khi vẫn giữ cấm vận với Trung Quốc, và cảnh báo việc bỏ cấm vận này là một hành động can thiệp và gây mất ổn định, theo Nhân dân Nhật báo Trung Quốc ngày 10.10.
Hãng tin Mỹ UPI ngày 10.10 cho biết bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo ngày 10.10 (đăng lại của tờ Beijing News - Tin tức Bắc Kinh) nói rằng việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam là một hành động “không hợp lý”. Hơn nữa, chính sách này là phần mở rộng rõ ràng về sự can thiệp của Mỹ đối với sự cân bằng quyền lực trong khu vực, theo Nhân dân Nhật báo.
Vũ khí của Mỹ chỉ đơn giản sẽ làm hỏng sự ổn định và thêm phức tạp cho tranh chấp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, theo báo này. Thậm chí bài báo còn tỏ ra đố kỵ khi nói rằng chính sách của Mỹ là thiên vị, không công bằng khi chỉ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam nhưng tiếp tục duy trì cấm vận vũ khí và công nghệ cao với Trung Quốc (!).
Sức mạnh hải quân ngày càng gia tăng đi kèm các hành động quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông đang làm các nước trong khu vực lẫn Mỹ phải lo ngại, theo UPI.
Đầu tháng 9.2014, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo rằng Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhằm giúp Việt Nam củng cố khả năng bảo đảm an ninh hàng hải. Việc bán vũ khí sang Việt Nam sẽ được Mỹ xem xét từng thương vụ một.
Nhân dân Nhật báo tố rằng việc bỏ cấm vận này là mâu thuẫn với mục tiêu của Mỹ muốn duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, và sẽ cản trở sự phát triển của quan hệ Trung - Mỹ.
Bài báo của Nhân dân Nhật báo còn cảnh cáo rằng Mỹ nên lưu ý về chính sách “thiển cận” bán vũ khí cho các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ được xem là một ví dụ về “xung đột gián tiếp" giữa Mỹ với Trung Quốc.
-----------------------
Tuyến metro số 1 của TP HCM bị tăng vốn lên 47.000 tỷ đồng
Kinh phí xây dựng tuyến metro số 1 hiện là 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng), tăng hơn gấp đôi so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu (1,09 tỷ USD).
Trong văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện dự án đường sắt đô thị số 1(Bến Thành - Suối Tiên), UBND TP HCM cho biết tổng mức đầu tư ban đầu của dự án đã được Ủy ban phê duyệt vào năm 2007 là 1,09 tỷ USD (hơn 17.380 tỷ đồng). Trong đó, vốn ODA từ phía Nhật Bản là hơn 904,6 triệu USD; còn lại là vốn đối ứng của ngân sách thành phố.
Tuy nhiên, sau khi được duyệt, Tư vấn chung dự án (Liên danh NJPT) nhận thấy thiết kế cơ sở trong dự án đầu tư được duyệt chưa đáp ứng được yêu cầu làm cơ sở để xây dựng hồ sơ mời thầu cho 3 gói chính thuộc dự án nên đã tiến hành làm rõ, bổ sung, tính toán đủ cho thiết kế cơ sở của dự án và Thành phố đã phê duyệt thiết kế này vào đầu năm 2010.
Cùng với việc làm rõ cho thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư của dự án cũng được cập nhật, tính toán lại vào thời điểm giữa năm 2009. Tổng mức đầu tư mới đã được đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra, ý kiến của các bộ ngành liên quan và chấp thuận chủ trương của Thủ tướng vào tháng 8/2011. Sau đó, UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 vào tháng 9/2011 với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 2,49 tỷ USD (hơn 47.325 tỷ đồng); trong đó vốn ODA của Nhật Bản là hơn 2,2 tỷ USD, còn lại là vốn ngân sách thành phố.
Theo UBND thành phố, nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư của tuyến metro số 1 tăng là do biến động khách quan của nguyên - nhiên liệu, việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009. Bên cạnh đó, việc tăng khối lượng xây dựng cho dự án nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cũng làm tăng tổng mức đầu tư. Một lý do khác nữa là việc cập nhật tỷ giá Yên Nhật - Việt Nam đồng; tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, tính toán cho đến năm 2019 làm số vốn bị tăng lên.
Tuyến metro số 1 được khởi công vào ngày 28/8/2012. Theo thiết kế tuyến có lộ trình dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Về tiến độ thi công, UBND thành phố cho biết, tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Tuy nhiên, hiện đã chậm so với quyết định được phê duyệt nên thời gian hoàn thành cho toàn bộ tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên khó đảm bảo hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2017.
Báo cáo với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết, do chậm trễ trong công tác giải tỏa mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến metro số 1, 2, 3A và 4 nên đến năm 2019 mới có thể hoàn thành tuyến số 1; năm 2020 mới có thể đưa vào vận hành (thay vì cuối năm 2018 như dự án được duyệt).
Trước đó, UBND thành phố cũng cho biết kinh phí đầu tư dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) trên địa bàn có thể bị đội thêm 784 triệu USD so với ban đầu do trượt giá và tăng khối lượng trong các hạng mục thiết kế (1,3 tỷ USD lên 2,1 tỷ USD).
-----------------------
Siết chặt quản lý xe vận chuyển alumin
Ngày 10.10, Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng Trương Hữu Hiệp đã ký văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN đề nghị chỉ đạo xem xét tính phù hợp của kết cấu xe chở alumin (loại xe đặc biệt có từ 4 trục trở lên) lưu thông trên địa hình tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời cần quy định rõ tốc độ, tải trọng của các xe chở alumin này khi lưu thông trên đoạn đèo dốc, qua các khu vực đô thị đông dân cư.
Sở cũng đề nghị Phòng CSGT Công an tỉnh và công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển alumin trên địa bàn. Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng và đơn vị vận tải alumin chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả các xe chở alumin; bố trí đủ lái xe để đảm bảo thời gian làm việc không quá 8 giờ/ngày và lái liên tục quá 4 giờ...
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 10 vụ lật xe chở alumin.
-----------------------
‘Tôi hết sức xót xa khi thấy dân chịu đựng’
Ngày 10-10, trong buổi làm việc với thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương đã phát biểu như trên khi nói về những chịu đựng của người dân về dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đi qua địa bàn tỉnh.
Ban ATGT tỉnh Bình Thuận cho biết tính từ khi dự án trên triển khai thi công (16-3-2014) đến nay các vụ TNGT từ nghiêm trọng trở lên đã xảy ra 65 vụ làm 73 người thiệt mạng, tăng nhiều hơn năm trước.
Nguyên nhân là do mặt đường bị thu hẹp vì thi công, xe chở vật liệu và xe của các đơn vị thi công thường xuyên lấn chiếm lòng lề đường trong đó có nhiều xe ben không biển số, hết hạn đăng kiểm…
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu các đơn vị thi công phải có trách nhiệm với cộng đồng.
-------------------------
TP.HCM: Phát hiện nhiều vụ vi phạm ATVSTP
Ngày 10-10, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết các đội QLTT thời gian qua phát hiện nhiều vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cửa hàng trên địa bạn TP.
QLTT tạm giữ 1,2 tấn đường cát Thái Lan, hơn 300 chai sữa nước Ensure nhập lậu. Bên cạnh đó, phát hiện ba vụ buôn bán 907 thùng hồng, lê, táo, nho, lựu xuất xứ Mỹ, Trung Quốc không có nhãn phụ tiếng Việt và chưa xuất trình chứng từ.
Đáng chú ý, khi phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành thú y huyện Bình Chánh kiểm tra điểm nấu mỡ nước, ép tóp mỡ heo tại địa điểm xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh đã phát hiện cơ sở này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ 930 kg tóp mỡ và 1,1 tấn mỡ tươi của cơ sở này, giao cho Trạm Thú y huyện Bình Chánh xử lý.
Bên cạnh đó, các đội QLTT kiểm tra và tạm giữ hơn 5.600 đơn vị sản phẩm các mặt hàng đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, giày dép…