Ông Vũ Thế Phiệt - Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - vừa lên tiếng xin lỗi các hành khách sử dụng dịch vụ khi qua sân bay. Ông Phiệt khẳng định sẽ chấn chỉnh nghiêm khắc để nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không.
Tại cuộc họp về nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, đảm bảo an ninh an toàn hàng không, giảm tình trạng chậm hủy chuyến bay của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) diễn ra chiều 6/11, ông Vũ Thế Phiệt là 1 trong 3 giám đốc Cảng Hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng) được Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu trả lời về hoạt động khai thác của sân bay.
Mở đầu cho báo cáo tới Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Phiệt đã nhận khuyết điểm về những tồn tại đã và đang có ở Cảng Nội Bài - đó cũng là nguyên nhân khiến Cảng này bị trang mạng Sleepinginairports xếp vào vị trí thứ 5 của top 10 sân bay tệ nhất châu Á năm 2014.
“Tôi nhận lỗi và xin lỗi hành khách sử dụng dịch vụ khi qua Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Những tồn tại ở sân bay là do khó khăn về hạ tầng nhưng cũng có yếu tố chủ quan là chất lượng lao động” - ông Phiệt bày tỏ.
Cũng theo ông Phiệt, Nội Bài là Cảng hàng không duy nhất trong tổng số 22 sân bay tại Việt Nam có sức ép khai thác lúc nào cũng gấp 2 lần khả năng thực tế, đây là một áp lực. Cùng với đó, việc xây dựng nhà ga hành khách T2 trong thời gian qua đã khiến Cảng Nội Bài lúc nào cũng như một công trường chật chội, vì thế hành khách đã thấy có những bất tiện và chưa hài lòng với dịch vụ khi qua Cảng.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chuyển biến về con người phục vụ tại sân bay, ông Phiệt cho biết Cảng Nội Bài đã có những giải pháp quyết liệt với mục tiêu khắc phục khiếm khuyết, tồn tại nhằm phục vụ hành khách tốt nhất.
“Trong 6 tháng qua, Cảng Nội Bài đã sa thải gần chục người, hạ bậc xếp loại lao động gần 40 người, trong đó có cả Phó Giám đốc khai tháng ga. Từ quý 2, Cảng Nội Bài bắt đầu tiến hành khảo sát hành khách và kết quả cho thấy những khiếm khuyết rõ ràng, đầu tiên là vệ sinh chưa tốt, 2 là xe đẩy, 3 là hệ thống loa phát thanh tại sân bay đã khiến hành khách khó chịu…” - ông Phiệt dẫn chứng.
Cũng theo ông Phiệt, hạ tầng thì có thể đầu tư xây dựng và cải thiện dần dần nhưng khó nhất là làm chuyển biến về mặt con người, lớp nhân viên mới có thể được đào tạo, nhưng lớp nhân viên cũ thì khó có thể thay đổi được tư duy. Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh “4 xin” và “4 luôn” đã làm chuyển biến văn hóa ứng xử và tác phong trong cán bộ, nhân viên làm việc tại sân bay Nội Bài.
“Lực lượng an ninh Cảng, trước kia họ chỉ đứng yên nhưng bây giờ chân tay đã biết nhúc nhích…” - ông Phiệt cho hay.
Tại cuộc họp, ông Phiệt cũng nhấn mạnh việc rất nhiều hành khách quốc tế phàn nàn về cách làm việc hách dịch, thái độ lạnh lùng của lực lượng hải quan, công an cửa khẩu tại sân bay Nội Bài.
Riêng về hệ thống vệ sinh, theo lời Bộ trưởng Đinh La Thăng thì hành khách thiếu giấy cũng nhắn tin cho Bộ trưởng, thiếu nước rửa tay cũng gọi Bộ trưởng và thực tế khi Bộ trưởng đi kiểm tra thì thấy bã kẹo cao su dính đầy sàn từ tầng 1 đến tầng 4 mà không ai chịu quét dọn, tới khi bị Bộ trưởng nhắc nhở thì sàn nhà mới được lau dọn sạch.
Nguyên nhân của thực trạng này được Giám đốc Cảng Nội Bài lý giải là do sự thiếu tích cực của “con người nhà nước”. Từ tháng 8 đến nay, khi dịch vụ vệ sinh được đấu thầu cho tư nhân vào thì mọi việc đã trơn tru hơn, công tác vệ sinh luôn đảm bảo, điều này cho thấy rõ ràng để tư nhân tham gia vào hoạt động khai thác là rất tốt.
“Trong thời gian tới, chỉ giữ lại những dịch vụ cốt lõi, còn những dịch vụ khác thì sẽ tổ chức đấu thầu để tư nhân tham gia vào kinh doanh tại Cảng Nội Bài. Khi chất lượng dịch vụ có sự chuyển biến tích cực thì chắc chắn hành khách qua sân bay sẽ thấy hài lòng” - ông Phiệt cho biết.
------------------------------
“Tôi nghĩ là ở chỗ nào cũng có hoa hồng”
Liên quan đến vụ việc công ty Bio-Rad Laboratories của Mỹ thừa nhận hối lộ quan chức Việt Nam, sáng 6/11 bên hành lang Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên đã có cuộc trao đổi với báo chí.
- Bộ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản gửi cho Bộ trưởng Bộ Công an rồi. Cái chính là phải xác định rõ sự việc. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã xử phạt một công ty của Mỹ Sasco Smith mấy trăm triệu USD vì tội hối lộ, mà họ chấp nhận chịu phạt.
Còn trường hợp này ở ta, hiện nay cần phải xác định là họ hoạt động trong lĩnh vực nào: thuốc, hóa chất hay thiết bị y tế… Tôi nghĩ là trong 5 năm có hơn 2 triệu USD, nếu đúng thì có lẽ còn quá nhỏ.
Thực tế nhiều năm nay, chuyện chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc là một chuyện phổ biến. Đây là một vấn đề rất lớn. Ở các nước như Mỹ thì họ kiểm soát ngay từ các công ty xem danh sách anh chi hoa hồng, anh chi cho những ai do đó mới phát hiện được.
Ta cũng muốn kiểm soát nhưng rất khó. Tôi mong là qua đợt này, chúng ta sẽ phát hiện được ra xem ở lĩnh vực nào, dược hay thiết bị y tế.
Theo ông có những hình thức hối lộ như thế nào của các công ty nước ngoài trong lĩnh vực y tế ?
Họ có thể tài trợ dưới hình thức mời đi nước ngoài tham dự hội thảo. Họ có thể tài trợ cho mấy trăm ông đi dự hội thảo, mỗi ông vài ngàn USD, cộng lại đã thành một khoản lớn.
Tôi nghĩ là, với những công bố, phát hiện của cơ quan điều tra ở nước ngoài như vậy cũng sẽ giúp chúng ta thấy được giá thuốc, giá thiết bị y tế mà các công ty nước ngoài cung cấp cho ta nó ở mức thực tế như thế nào để không bị chi phối bởi những khoản hoa hồng rất khó kiểm soát.
Tôi rất muốn trong Luật Đấu thầu có quy định chặt chẽ trong đó, có một mục riêng cho đấu thầu cung ứng thuốc và thiết bị y tế để kiểm soát. Nhưng cũng rất khó vì nó khá phổ biến ở nhiều nước.
Tôi cho là hình thức hối lộ trong lĩnh vực này rất đa dạng. Không chỉ cho đi du lịch, trả tiền trực tiếp hoặc hoa hồng theo đơn thuốc, gói thiết bị. Có những cơ chế hối lộ rất tinh vi, không qua tài khoản, không qua ngân hàng.
Đây là câu chuyện khá phổ biến trên thế giới mà nhiều nước cũng phải đau đầu để xử lý. Trung Quốc thì họ tìm xem chứng từ có vấn đề gì để xem xét, xử lý thì đó cũng là một cách.
Hiện ở Việt Nam có khá nhiều công ty cung cấp dược phẩm, thiết bị y tế nước ngoài đang hoạt động, vậy làm thế nào để kiểm soát, thưa ông?
Tôi nghĩ là có hàng chục công ty dược, cung cấp thiết bị y tế nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Và tôi nghĩ là ở chỗ nào cũng có hoa hồng chứ không phải không, nhưng làm thế nào để phát hiện là việc khó.
Nếu tài trợ cho đi nước ngoài, cho tiền có thể là một hình thức hối lộ bác sĩ, cán bộ y tế ở Việt Nam thì theo ông, có giải pháp nào để kiểm soát, phát hiện và xử lý không ?
Theo tôi cũng khó. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó họ hay mời đi tham dự hội thảo khoa học như về về khớp, họ mời bác sĩ chuyên về khớp. Thì đây cũng là dịp tốt cho cán bộ đó nâng cao trình độ chuyên môn nhưng ẩn bên trong đó, có chế độ, chính sách tài chính gì đó cho người cán bộ, bác sĩ được mời đó thì chúng ta khó biết được.
Ở đây là vấn đề y đức, sự tự giác hay cách thức quản lý của cơ quan cán bộ, bác sĩ đó.
Vậy có cơ chế kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ y tế, bác sĩ để hạn chế tình trạng tham nhũng, nhận hối lộ như vậy không, thưa ông?
Ta cũng có cơ chế kê khai tài sản rồi. Nhưng thực tế, văn hóa tiền mặt ở Việt Nam rất khó kiểm soát.
Ở Nhật, họ kiểm soát thu nhập bác sĩ rất chặt. Thu nhập của bác sĩ ở họ gấp 3 lần ở nhiều lĩnh vực khác nhưng vì kiểm soát chặt, bác sĩ chỉ có thu nhập chính đó thôi còn ở ta, lương bác sĩ nhiều bệnh viện lớn theo chế độ thế thôi, nhưng chúng ta cũng không kiểm soát được hết các nguồn thu nhập của họ.
Tôi nghĩ, chỉ sau này, khi chúng ta kiểm soát được tất cả các nguồn thu nhập qua tài khoản, thì tình hình chống tham nhũng mới thuận lợi hơn.
----------------------------
UNESCO yêu cầu giải trình dự án cáp treo Sơn Đoòng
TS Dương Bích Hạnh, Trưởng ban văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, cơ quan này đã yêu cầu Quảng Bình giải trình và trình hồ sơ thiết kế dự án để thẩm định.
Liên quan việc tỉnh Quảng Bình và Tập đoàn Sun Group đang có ý định làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng, TS Dương Bích Hạnh, Trưởng ban văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết phía UNESCO đã yêu cầu tỉnh Quảng Bình giải trình và trình hồ sơ thiết kế dự án để UNECSO thẩm định.
Bà Hạnh nói vì tỉnh Quảng Bình và Tập đoàn Sun Group mới đang trong quá trình làm hồ sơ dự án, nên phía UNESCO vẫn chưa thể đưa ra quan điểm về vụ việc này.
“Theo quy định của UNESCO, nếu muốn làm công trình xây dựng trong khu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình và tập đoàn đầu tư cần phải giải trình và trình hồ sơ thiết kế thi công dự án.
Sau đó, UNESCO sẽ cử đoàn chuyên gia sang thẩm định để đưa ra kết luận với một dự án như vậy thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản. Trên cơ sở đó, UNESCO sẽ đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam có nên hay không nên thực hiện dự án đó”, bà Hạnh cho biết.
-------------------------
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu làm rõ quy hoạch đường 'dát vàng'
Ông Nguyễn Thế Thảo vừa có chỉ đạo làm rõ quy hoạch tuyến đường đi qua phường Bồ Đề, quận Long Biên bị nắn cong gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng.
Sáng 6/11, Chủ tịch UBND thành phố đã chủ trì làm việc với Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Long Biên và các ngành liên quan.
Sau khi kiểm tra hồ sơ và nghe báo cáo, ý kiến của các cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị quận Long Biên phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải, Viện quy hoạch Xây dựng Hà Nội làm rõ về quy hoạch và việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường đến các tổ chức, hộ gia đình có liên quan; đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời đến cơ quan thông tin, báo chí.
Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và UBND quận Long Biên rà soát lại quy hoạch tuyến đường trên, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật và kinh tế-xã hội; báo cáo Chủ tịch thành phố trước ngày 15/11.
Dự án này dài 1.565 m, rộng 40 m nhưng do đi vào khu dân cư để tránh khu đất nông nghiệp nên đã ảnh hưởng đến nhà cửa, vườn tược của 444 hộ dân thuộc các tổ dân phố từ 12 đến 17 của phường Bồ Đề.
Bức xúc về sự lãng phí vô lý của con đường này, ông Vũ Văn Bá (tổ 14, phường Bồ Đề) tính toán: “Nhà ít nhất cũng phải bồi thường cỡ 2 tỷ và nhà nhiều lên 5 tỷ đồng. Tôi lấy bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng một nhà thì 100 nhà là 250 tỷ đồng”.
--------------------