Nga đang chứng kiến sự mất giá kỷ lục của đồng ruble
Nga đang chứng kiến sự mất giá kỷ lục của đồng ruble so với đồng USD, song dường như Tổng thống Nga Putin vẫn có thể kiểm soát tình hình.
Châu Âu khẳng định sẽ không có chuyện dỡ bỏ trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, nhất là sau cuộc bầu cử riêng của khu vực đối lập miền Đông Ukraine. Với các biện pháp trừng phạt kinh tế của châu Âu cùng với tác động từ các yếu tố thị trường, Nga chứng kiến sự mất giá kỷ lục của đồng ruble so với đồng USD. Song dường như nhân vật quyền lực nhất thế giới Tổng thống Nga Putin vẫn có thể kiểm soát tình hình.
Ngày 5/11, đồng ruble của Nga đã bị mất giá kỷ lục so với đồng USD, với tỷ giá 45,02 ruble đổi 1 USD. Tỷ giá này sau đó được kéo lên 44,82. Đồng ruble Nga rớt giá kỷ lục sau khi Ngân hàng Trung ương Nga trước đó cùng ngày hạn chế lượng tiền bơm vào thị trường xuống mức tối đa là 350 triệu USD mỗi ngày. Quyết định này nhằm thúc đẩy tính linh hoạt của tỷ giá ruble trên thị trường, song đồng nghĩa rằng tỷ giá ruble sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố thị trường. Đồng ruble Nga liên tiếp trượt giá trong những ngày qua được cho là gồm cả hệ quả từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giới phân tích Nga nhắc đến những tác động tiêu cực với chi tiêu trong nước khi tỷ giá đồng ruble suy yếu. Nhà phân tích Vladimir Evstifeev nói: “Một phần trong quyết định của Ngân hàng Trung ương sẽ giúp nền kinh tế Nga có được lợi thế. Bởi vì chúng ta có thể triển khai những chiến lược kinh tế và đạt được một số mục tiêu, trong đó có thể là mức thâm hụt ngân sách chính phủ ở mức 0%. Nhưng với quan điểm của người dân, họ sẽ nhìn vào con số lạm phát gia tăng trước tiên. Chúng ta sẽ phải đối mặt với thực tế là tình hình lạm phát sẽ hạ thấp thu nhập của người dân dẫn đến việc giảm nhu cầu tiêu dùng”.
Giá dầu thế giới giảm cùng với trừng phạt của phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine, đã hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu và dòng chảy đầu tư vào Nga, kéo theo đó là suy giảm kinh tế của nước này. Nga có kế hoạch thả nổi đồng ruble đến cuối năm nay, nhưng yếu tố tiêu cực mới xuất hiện sẽ buộc Nga phải kìm lại tỷ giá đồng ruble sớm hơn kế hoạch.
Việc Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận khí đốt quan trọng đã thắp lên hy vọng hạ nhiệt mối quan hệ kinh tế, vốn bị đẩy lên căng thẳng vì khủng hoảng Ukraine. Song những diễn biến khủng hoảng mới lại đang đào sâu chia rẽ về cả chính trị và lợi ích kinh tế giữa các bên.
Trong một phát biểu ngày 5/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng sẽ không có chuyện châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga liên quan đến khủng hoảng tại quốc gia láng giềng. Chính quyền Ki-ép và phương Tây cực lực phản đối cuộc bầu cử gây tranh cãi của lực lượng đối lập miền Đông Ukraine hôm 2/11, trong khi Nga phản ứng ngược lại và hoan nghênh kết quả bầu cử này. Động thái mà bà Merkel cho rằng sẽ khiến châu Âu bổ sung danh sách trừng phạt với Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đang ở thăm Đức, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: “Với tình hình Ukraine, cuộc bầu cử tại miền Đông Ukraine vừa qua là không phù hợp với thỏa thuận Minsk, đặc biệt là điểm thứ 9 trong thỏa thuận này. Do đó không có khả năng châu Âu giảm bớt hay dỡ bỏ trừng phạt đã áp đặt với Nga. Chúng ta phải trở lại với kế hoạch Minsk và tiến ngừng bắn tại miền Đông Ukraine nhanh nhất có thể”.
Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng từ các trừng phạt là điều không thể phủ nhận. Đồng ruble mất giá nhanh chóng có thể trở thành một rào cản chính trị với Tổng thống Putin, vốn vẫn giành được ủng hộ mạnh mẽ của người dân Nga, bất chấp chính sách cứng rắn liên quan đến khủng hoảng Ukraine của ông đã dẫn đến những trừng phạt kinh tế nặng nề từ phương Tây. Giới phân tích cho rằng, dù đồng ruble rớt giá mạnh, song vẫn trong tầm kiểm soát của Nga.
-----------------------------
Gặp gỡ cấp cao giữa Nhật Bản và Trung Quốc bên lề Hội nghị APEC
Sáng 6.11, Trưởng Ban thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản, ông Shotaro Yachi đã rời sân bay Haneda của thủ đô Tokyo (Nhật Bản) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) nhằm thu xếp một cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) khai mạc tại Bắc Kinh vào đầu tuần tới.
Trong thời gian trở lại đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhiều lần ngỏ ý được tham gia vào một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, diễn ra tại Bắc Kinh trong các ngày 10-11.11 tới. Chính vì thế, chính phủ Nhật Bản đã cử ông Yachi - dưới vai trò là đặc phái viên của nước này tới Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến đi tiền trạm, nhằm tiến hành đối thoại với các quan chức hàng đầu của Trung Quốc về khả năng thu xếp một cuộc gặp gỡ giữa ông Shinzo Abe và ông Tập Cận Bình vào tuần tới.
Báo chí Nhật Bản cho biết, nhân chuyến đi này, ông Yachi dự kiến sẽ tiến hành đối thoại với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trong các buổi tiếp xúc với các đại diện cấp cao của Trung Quốc, ông Yachi sẽ truyền đạt lại thông điệp của Thủ tướng Shinzo Abe mong muốn được tham gia vào một cuộc gặp gỡ chính thức với Chủ tịch Tập Cận Bình mà không đi kèm theo điều kiện tiên quyết nào.
Hiện mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang trong giai đoạn “sóng gió” do những bất đồng về lịch sử và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku trên biển Hoa Đông. Căng thẳng kéo dài với các nước láng giềng cũng được xem là nguyên nhân khiến cho ông Abe – người đã từng công du 50 nước kể từ khi nhậm chức hồi tháng 12.2012, chưa từng có buổi tiếp xúc trực tiếp nào với nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận khả năng liệu có đồng ý tiến hành đối thoại cấp cao với nhà lãnh đạo Nhật Bản bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC hay không. Trong tuyên bố ngày 6.11, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, hiện hai bên vẫn chưa đạt được tiếng nói cuối cùng về vấn đề này.
-------------------------
Chìm tàu hải quân Ấn Độ, 1 người chết
Ít nhất một người đã thiệt mạng và 4 người mất tích khi một tàu của Hải quân Ấn Độ bị chìm bên ngoài bến cảng Visakhapatnam, miền Nam Ấn Độ.
Truyền thông địa phương đưa tin chiếc tàu trên bị chìm tối 6.11.
Nguồn tin hải quân cho biết đây là tàu tìm kiếm ngư lôi A72, bị chìm do ngập nước. Nguyên nhân khiến trước tràn vào tàu chưa được xác định.
“Khi đang diễn tập tìm kiếm ngư lôi thì tàu bất ngờ bị nước tràn vào một trong các khoang”, tuyên bố của Hải quân Ấn Độ nêu rõ.
Theo một số sĩ quan Hải quân, tàu bị chìm khi đang trên đường trở về căn cứ sau khi đã tìm kiếm đủ số ngư lôi được thả ra trước đó trong cuộc diễn tập. Vị trí chìm tàu cách cảng Visakhapatnam 10-15 km.
Ít nhất một thủy thủ đã thiệt mạng trong lúc cố gắng cứu tàu khỏi chìm. Trong khi đó 4 người khác bị mất tích và chỉ có 23 người được cứu thoát nhờ sự ứng cứu kịp thời của Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ trên biển (SAR).
Tàu tìm kiếm ngư lôi A72 dài 23m và rộng 6,5m. Tàu được đóng năm 1983 và đã phục vụ cho Hải quân Ấn Độ trong 31 năm qua.
Hiện công tác tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn đang được khẩn trương tiến hành.
Năm 2013, 18 thủy thủ của Hải quân Ấn Độ cũng bị thiệt mạng khi tàu ngầm INS Sindhurakshak bị nổ và bốc cháy. Vào tháng 2.2014, hai lính hải quân khác cũng mất mạng trong một vụ hỏa hoạn xảy ra trên boong tàu INS Sindhuratna.
-------------------------
Hillary Clinton được lợi lớn từ bầu cử giữa kỳ
Đảng Cộng hòa đã có một đêm tuyệt vời. Tuy nhiên, sự sắp đặt, những tính toán và hiện thực ở Washington lại ngả về ứng viên Tổng thống 2016 của đảng Dân chủ, Yahoo News và Forbes cho biết.
Vậy, ai đã thắng bầu cử giữa kỳ trong năm 2014?
Câu trả lời quả là dễ dàng: đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý. Trong chính trị, đó không hẳn là câu trả lời duy nhất và không phải chỉ có một người được hưởng lợi lớn nhất.
Xem kỹ các yếu tố nhân khẩu học, địa lý và quãng đường phía trước của các đảng thì có thể thấy rõ, người chiến thắng về lâu dài ở cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014 chẳng phải là đảng Cộng hòa. Trên thực tế, người chiến thắng về lâu dài thực chất không có tên trên lá phiếu bầu năm nay.
Đó là bà Hillary Clinton.
Dĩ nhiên, lúc này đảng Cộng hòa đang ăn mừng. Bất cứ cuộc bầu cử nào kết thúc mà đảng viên Cộng hòa ngồi được vào ghế thống đốc ở Illinois và Maryland đều đáng ăn mừng.
Tuy nhiên, đằng sau nó, gần như mọi thứ về kết quả bầu cử giữa kỳ đều cho thấy cựu Đệ nhất phu nhân kiêm cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ có thể làm tốt hơn đảng Cộng hòa trong hai năm tới.
Chính Hillary Clinton cũng là một ứng viên khó đánh bại. Trong suốt 2 tháng qua, bà đã tổ chức 45 sự kiện vận động tranh cử tại 18 bang mà hai đảng đều cạnh tranh gay gắt, song những ứng viên lớn mà bà ủng hộ đều thất bại.
Nhiều người cho rằng kỹ năng vận động tranh cử của bà còn lạc hậu và Hillary chắc chắn sẽ không bước vào cuộc chạy đua năm 2016 với những yếu điểm như vậy.
Tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi một sự thật đơn giản: Cho dù đảng Cộng hòa đã thắng lớn, song đảng này sẽ phải tốn công sức tới mức nào nếu muốn đánh bại Hillary trong năm 2016.
Hãy bắt đầu với bản đồ các bang. Vừa qua, đảng Cộng hòa đã giành được khá nhiều chiến thắng trong bầu cử giữa kỳ. Tuy nhiên, hãy xem, có bao nhiêu bang còn do dự mà đảng Cộng hòa thực sự đã lấy được?.
Không nhiều. Đảng Cộng hòa có màn thể hiện không mấy xuất sắc ở các bang còn do dự là một một vấn đề cần chú ý, vì triển vọng trong năm 2016 với đảng này không được tốt như 2014.
Theo đó, với mỗi ghế ở Thượng viện mà đảng Cộng hòa giành được trong bầu cử 2014 đều có khả năng trở lại tay của đảng Dân chủ trong năm 2016. Cơ hội mà đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện sau 2016 là rất mỏng manh.
Điều này giúp gì cho Hillary Clinton?
Đó là tạo thêm một cú hích ở sân chơi bầu cử, nơi một ứng viên Tổng thống Dân chủ đã có lợi thế sẵn. Trong 6 cuộc bỏ phiếu gần đây, 18 bang đều bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ.
Điều đó có nghĩa là: nếu Hillary là ứng viên Tổng thống năm 2016 của đảng Dân chủ, bà sẽ có trong tay 242 phiếu đại cử tri trong bầu cử 2016 và Hillary chỉ cần 28 trong số 183 phiếu đại cử tri còn lại để thắng cử.
Để đánh bại Hillary, ứng viên đảng Cộng hòa sẽ phải bước những bước đầu tiên từ các bang còn do dự. Như vậy, đây là một cuộc chơi không có nhiều khả năng thành công.
Về các con số, tỷ lệ ủng hộ mà các ứng viên sẽ phải có cũng là một bài toán phải tính. Năm 2012, Mitt Romney giành 59% số phiếu ủng hộ của cử tri da trắng, cao hơn số lượng mà Ronald Reagan nhận được năm 1980 và George W.Bush thu được năm 2004.
Tuy nhiên, Romney vẫn thua Obama. Vì sao?
Bởi vì số lượng cử tri là người Mỹ thiểu số đang tăng lên hàng năm. Để có được mức ủng hộ 50,1% vào năm 2016, ứng viên đảng Cộng hòa phải giành được 64% phiếu ủng hộ của cử tri da trắng trong ngày bầu cử hoặc phải nhận được sự ủng hộ tăng vọt của các cử tri không phải là người da trắng, nếu không ứng viên này sẽ lại thua như Romney.
Nói ngắn gọn, năm nay, đảng Cộng hòa chiến thắng trong cuộc bầu cử là do các cử tri thiểu số và trẻ tuổi không đi bầu, trong khi cử tri da trắng và lớn tuổi đã chiếm một phần lớn trong cuộc bầu cử.
Đây sẽ là điều mà ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ để tâm trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016, đặc biệt là khi ứng viên lại là Hillary - đảng viên Dân chủ được ưa chuộng nhất ở Mỹ.
Có một vấn đề mà đảng Cộng hòa phải đối mặt khi kiểm soát cả hai viện của Quốc hội. Đó là, liệu họ có sẵn sàng, hoặc nói chính xác hơn là liệu họ có thể, làm một việc gì đó để làm giảm bớt những lợi thế của Hillary trước thềm bầu cử 2016.
54% dân Mỹ có thể không hài lòng với cách lãnh đạo đất nước của ông Obama, song có tới 56% dân số cũng không ủng hộ đảng Cộng hòa và 61% cử tri thậm chí còn giận dữ với các lãnh đạo của đảng này ở quốc hội.
----------------------------
Ukraine trước nguy cơ “tan đàn xẻ nghé” sau bầu cử
Giới phân tích cho rằng những thách thức trong thời gian tới dường như còn quá nhiều đối với đất nước Đông Âu này.
Bầu cử Ukraine: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Tháng trước, Ukraine đã gấp rút tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội sớm với kết quả gần như đã “biết trước”: phe thân phương Tây gồm 4 đảng/phong trào đã giành được đa số áp đảo (70%). Cụ thể, khối Poroshenko dẫn đầu, tiếp đến Đảng Mặt trận Nhân dân của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và phong trào Samopomitch của Thị trưởng thành phố Lviv.
Ukraine trước nguy cơ “tan đàn xẻ nghé” sau bầu cử
Khối Petro Poroshenko dẫn đầu số phiếu bầu sau cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine (ảnh: Oun work/Wikimedia Commons)
Đảng thân Nga, gồm các cựu đồng minh của Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych vượt ngưỡng đề ra tới 5% số phiếu và có chân trong Quốc hội mới của Ukraine. Tuy nhiên, một bước ngoặt lịch sử đã xảy ra trong cuộc bầu cử này: Đảng Cộng sản Ukraine đã không còn có mặt trong Quốc hội vì không đủ số phiếu bầu tối thiểu.
Theo kết quả như trên, nhà cầm quyền Ukraine có thể tăng cường rất mạnh quyền lực của mình để vãn hồi hòa bình ở miền Đông và khẳng định chính sách hướng Tây của một nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô. Thế nhưng thực tế cho thấy, điều này không hề dễ dàng khi xung đột ở miền Đông Ukraine không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Trước khi cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra, lực lượng đối lập Ukraine ở miền Đông đã tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử này. Sau đó, lực lượng này cũng đã tự mình tổ chức một cuộc bầu cử riêng.
Cuộc bầu cử đã được tổ chức riêng rẽ tại hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng là Donetsk và Lugansk, hai khu vực nói tiếng Nga lớn nhất ở miền Đông Ukraine. Theo kết quả được công bố ngày 3/11, các nhà lãnh đạo phe đối lập đã thắng lớn trong cuộc bầu cử này. Ngày 4/11, lãnh đạo phe đối lập tuyên thệ nhậm chức bất chấp sự phản đối kịch liệt của Chính phủ Ukraine và phương Tây.
Trong một tuyên bố được phát đi sau khi kết quả bầu cử ở miền Đông được đưa ra, Tổng thống Poroshenko nói cuộc bỏ phiếu là một “trò hề bầu cử”, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà các bên đã ký kết ở Thủ đô Minks của Belarus vào hôm 5/9 với mục đích mở đường cho giải quyết khủng hoảng.
Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng cảnh báo sẽ xóa bỏ kế hoạch hòa bình với phe đối lập nước này, trong đó bao gồm cả quy chế đặc biệt, cho phép các khu vực Donetsk và Lugansk tự giải quyết các vấn đề trong khu vực.
Trong khi đó, súng và pháo kích vẫn tiếp tục nổ tại xung quanh khu vực sân bay Donetsk khi lễ tuyên thệ nhậm chức của các nhà lãnh đạo phe đối lập đang diễn ra. Xung đột ở miền Đông Ukraine trong nhiều tháng qua khiến 3.700 người thiệt mạng và 842.000 người mất nhà cửa chưa có dấu hiệu hòa dịu.
Vào lúc này, phản ứng của Nga cũng như của phe đối lập ở miền Đông Ukraine khiến phần lớn các chuyên gia phương Tây lo ngại, nhất là các trận pháo kích sau đó ở Donetsk cho thấy cuộc giao chiến ở nơi đây lại tiếp tục.
Theo tờ “Chính trị thế giới”, các phương tiện truyền thông Nga đã công khai tỏ ra nghi ngờ về thắng lợi của phe thân phương Tây ở trong Quốc hội mới của Ukraine. Bên cạnh đó, phía Nga cũng khẳng định tôn trọng nguyện vọng của người dân khu vực Đông Ukraine sau cuộc bầu cử.
Kiev và phương Tây vẫn liên tục thúc giục và gây sức ép nếu Nga lên tiếng công nhận kết quả bầu cử ở miền Đông Ukraine. Phát biểu ngày 3/11, Phó ngoại trưởng Nga Grigory Karasin tuy không đề cập tới việc chính thức công nhận kết quả bầu cử này, nhưng nói rằng, lãnh đạo mới được bầu ở miền Đông Ukraine có thẩm quyền đàm phán với Kiev.
Theo quan điểm của Nga, cách tốt nhất hiện nay để “đóng băng cuộc xung đột” Ukraine, đó là lực lượng đối lập và quân đội Chính phủ phải tham gia đàm phán trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, cho đến nay Kiev vẫn chưa tiến hành đàm phán với phe đối lập, khiến triển vọng hòa bình khó đến sớm được với khu vực miền Đông Ukraine.
Cùng ngày, người phát ngôn cơ quan đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc Alexei Zaisev tuyên bố Nga không ủng hộ các dự thảo tuyên bố được đề xuất tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về bầu cử tại miền Đông Ukraine do dự thảo này không thỏa đáng. Theo đó, Nga sẽ ngăn chặn việc thông qua tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an lên án các cuộc bầu cử tại Lugansk và Donetsk.
Tuy Nga vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức về 2 cuộc bỏ phiếu vừa rồi ở Ukraine nhưng rõ ràng là Nga sẽ vẫn không chịu bó tay trước một Ukraine đang ngày càng xích lại gần châu Âu. Theo quan điểm của tờ “Chính trị thế giới”, Tổng thống Putin sẽ sẵn sàng làm tất cả để ngăn chặn sự tồn tại ở biên giới của mình một đất nước Ukraine thân châu Âu, nơi có thể sẽ có các căn cứ quân sự của NATO.
Ukraine- phía trước là chông gai và thách thức
Giới phân tích cho rằng những thách thức trong thời gian tới dường như còn quá nhiều đối với đất nước Đông Âu này. Từ khi tách ra khỏi Liên Xô vào năm 1991, đất nước Ukraine đã là mảnh đất diễn ra các cuộc đụng độ địa chính trị giữa phương Tây và Nga. Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine trước đây rất khăng khít với nhau, nhưng hiện giờ lại đang ở mức “chạm đáy”, theo lời của Moscow cho hay.
Thách thức đầu tiên đối với các nhà cầm quyền mới của Ukraine là phải nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu đã hoành hành tại miền Đông trong những tháng vừa qua vì tiến trình hòa bình do Tổng thống Poroshenko đưa ra và lệnh ngừng bắn, ký ngày 5/9, vẫn không chấm dứt được các cuộc giao tranh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chừng nào quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn còn tiếp tục thì miền Đông của Ukraine vẫn còn là bãi chiến trường, thậm chí rất có thể sẽ đi tới chỗ tuyên bố độc lập cho vùng này và sẽ sáp nhập vào Nga giống như là Crimea, tờ “Chính trị thế giới” cho biết.
Bên cạnh đó, Tân Hoa xã bày tỏ quan điểm, Quốc hội mới của Ukraine có thể lựa chọn sự thỏa hiệp chính trị, bao gồm cả việc trao quyền tự chủ nhiều hơn cho miền Đông Ukraine để giảm bớt căng thẳng ở khu vực này. Nếu như việc thỏa hiệp vẫn không thuyết phục được người dân miền Đông, đến lúc này, chính quyền Ukraine có thể mở rộng các hoạt động quân sự ở Donetsk và Lugansk.
Thách thức tiếp theo đối với Ukraine là thách thức về kinh tế. Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyên viên nghiên cứu Nga và Ukraine của Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho phóng viên VOV biết: “Từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine xảy ra cho tới nay thì những người trong giới nghiên cứu chúng tôi đều thống nhất với nhau rằng có lẽ nguyên nhân nội tại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những biến động chính trị ở Ukraine”. “Kinh tế đình trệ, đời sống nhân dân khó khăn đã làm gia tăng sự chia rẽ, bất ổn trong nước”, bà Ngọc nói.
Để cứu vãn nền kinh tế Ukraine đang trên đà phá sản, Quốc hội Ukraine đã thông qua một loạt các cải cách kinh tế triệt để. Tân Hoa xã dẫn lời chuyên gia Oleg Grytsaienko - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế nhận định: “Quốc hội mới sẽ thực hiện nhiều hoạt động cải cách hơn bởi vì các nhà lập pháp đều là những người chuyên nghiệp và thực hiện nhiều dự án cải cách trong các lĩnh vực khác nhau”.
Rõ ràng không thể thực hiện được tất cả các cải cách trong một vài tháng, vì vậy các nhà lập pháp Ukraine cần phải biết ưu tiên cải cách nào trước, cải cách nào làm sau. Theo Tân Hoa xã, cần ưu tiên giải quyết những việc liên quan đến việc phân quyền trong việc điều hành đất nước và vấn đề tài chính.
Ngoài ra Ukraine cũng cần có các cải cách cần thiết khác trong các lĩnh vực quốc phòng, hành chính và thực thi pháp luật. “Đấu tranh chống tham nhũng” cũng là nỗi ám ảnh lơ lửng trên đầu các nhà lập pháp mới.
Thách thức cuối cùng là việc cân bằng mối quan hệ của Ukraine với phương Đông và phương Tây. Xung đột với Nga, Ukraine mất đi nguồn khí đốt giá rẻ từ tháng 6, nhất là khi mùa đông đang tới gần. Hiện nước này đang nợ Nga khoảng 2 tỷ USD giá khí đốt và Kiev đã yêu cầu phương Tây viện trợ 2 tỷ USD. Những cuộc đàm phán khí đốt đã diễn ra nhiều lần nhưng không thu được nhiều kết quả khả quan.
Việc giải quyết ổn thỏa quan hệ với Nga là vô cùng quan trọng với Nga song nhiều người nhận định rằng “việc xích lại gần nhau” giữa 2 nước sau cuộc gặp tại Milan. Italy vào cuối tháng trước vẫn chỉ là lời hứa trên giấy.
“Rõ ràng bất kỳ động thái nào của chính quyền Kiev dù là ngả theo phương Tây hay ngả về phía Nga cũng làm cho mâu thuẫn bị thổi bùng lên. Vì vậy, Ukraine cần phải có một chính sách hết sức linh hoạt, khéo léo không bị phụ thuộc và phải hết sức tự chủ. Ukraine hoàn toàn có thể hiện thực hóa những lợi ích của chính mình nếu như họ biết tận dụng những điểm khác biệt của các cường quốc phương Đông và phương Tây”, Tiến sỹ Ngọc nhận xét.
Tiến sỹ Ngọc cho biết thêm: “Điều quan trọng nhất ở đây là Chính quyền Kiev phải xác định mục đích phục vụ cho lợi ích của đất nước và của người dân. Phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu khi quyết định một chính sách đối ngoại nào đó”./.
-----------------------