Phát hiện 59 ngà voi trị giá hơn 2 tỷ đồng nhập khẩu trái phép vào Việt Nam
Ngày 28/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất thuộc Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa phối hợp với lực lượng kiểm soát của Cục Hải quan thành phố và Tổng cục Hải quan kiểm tra, phát hiện lô hàng nhập khẩu trái phép 59 chiếc ngà voi, có trọng lượng hơn 40kg, với trị giá hơn 2,4 tỷ đồng.
Qua công tác điều tra, nắm tình hình, các cơ quan kiểm soát đã phát hiện lô hàng nghi vấn nhập từ châu Phi, vận chuyển trót lọt qua một số nước trước khi về tới sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trên vận đơn người gửi là C.F, người nhận là Công ty V.T.T.H, tên hàng hóa kê khai là hạt điều.
Sau khi kiểm tra thực tế, cơ quan hải quan phát hiện 59 chiếc ngà voi được cất giấu tinh vi trong thùng hạt điều. Đây là một trong những thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu nhằm qua mặt cơ quan kiểm soát trong nước và quốc tế.
Hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang tạm giữ lô hàng trên để tiến hành điều tra làm rõ.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện và bắt giữ 6 vụ vận chuyển trái phép ngà voi với trọng lượng hơn 300kg, với tổng trị giá ước tính trên thị trường hơn 18 tỷ đồng
-----------------------
Có cán bộ bảo kê, tiếp tay buôn lậu
Ngày 27-9, tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Công thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Nguyễn Văn Cẩn, tổng cục phó Tổng cục Hải quan, chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã thẳng thắn đánh giá số vụ quản lý thị trường (QLTT) xử lý trong tám tháng đầu năm 2014 lên tới trên 63.000 vụ là nhiều, nhưng lại không có vụ lớn.
Cho rằng QLTT không phải hệ thống dọc (các chi cục QLTT trực thuộc chính quyền địa phương - PV), ông Cẩn thể hiện lo lắng khi cho rằng “cứ làm thế này sẽ bắt cóc bỏ đĩa”.
Nêu số vụ QLTT xử lý cơ bản là xử hành chính, chưa rạch ròi các dấu hiệu nào thì chuyển sang xử lý hành chính, ông Cẩn cho rằng một số vụ việc cần xem xét chuyển cho cơ quan công an để xem xứt xử lý hình sự.
Trong khi đó, Bộ Công thương cho rằng công tác QLTT còn khó khăn vướng mắc vì nhân sự thiếu, trang thiết bị lạc hậu, kinh phí thiếu thốn... Bộ Công thương tiếp tục đề nghị thành lập Tổng cục QLTT để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác.
Ngoài ra, Bộ Công thương còn đề nghị bổ sung biên chế, cho phép lực lượng QLTT được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên như Hải quan, Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra...
Chỉ đạo, phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng cần nhìn nhận nghiêm túc rằng tình hình buôn lậu - gian lận thương mại vẫn phức tạp. Hàng giả, kém chất lượng, hàng lậu vẫn được bày bán công khai trên các tuyến phố.
Tình trạng gian lận thương mại, trốn, gian lận thuế trong nhập khẩu vẫn nhức nhối, làm ảnh hưởng môi trường kinh doanh, hình ảnh quốc gia.
Bên cạnh mặt được, phó Thủ tướng lưu ý vai trò, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ QLTT chưa cao, có nhiều vụ phải xử lý hình sự cán bộ QLTT. Một bộ phận cán bộ công chức yếu năng lực, vi phạm đạo đức, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu...
Vì vậy, phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương cần rà soát lại bộ máy lực lượng QLTT, chú trọng công tác tư tưởng, chống hiện tượng tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại.
Đồng thời, Bộ Công thương phải nghiên cứu xây dựng Pháp lệnh về QLTT, nghiên cứu cách làm hay; phát động toàn dân chống hàng giả…
Phó Thủ tướng cũng “nhắc” nếu phát hiện ra hàng lậu ở nội địa, truy ngược ra xem đi vào từ cửa khẩu nào, thì bộ đội biên phòng cửa khẩu đó phải chịu trách nhiệm.
-----------------------
Kiên Giang 35/72 đơn vị vi phạm trong sử dụng ngân sách
Sau gần một năm thanh tra, kiểm tra, tỉnh Kiên Giang phát hiện có đến 35/72 cơ quan, đơn vị vi phạm trong việc sử dụng ngân sách với số tiền lên đến gần 5 tỷ đồng.
Năm 2013 và đến tháng 9- 2014, tỉnh Kiên Giang thanh tra, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản công đối với 72 cơ quan, đơn vị của tỉnh. Qua đó, kết luận 35 cơ quan, đơn vị vi phạm với tổng giá trị gần 5 tỷ đồng; xử lý thu hồi hơn 2,7 tỷ đồng; có 174 cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó xử lý kỷ luật về đảng, chính quyền 32 người và hình sự một người.
Theo Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 43 vụ cháy nổ, gây thiệt hại tài sản của nhân dân hơn 6 tỷ đồng, tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu do chập điện và bất cẩn khi sử dụng lửa sinh hoạt.
Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 3.496 tổ hợp tác, 227 hợp tác xã (HTX), thu hút 260.228 thành viên, người lao động và 145 hợp tác xã thành viên Liên minh HTX Kiên Giang. Các THT và HTX góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Năm học 2014 -2015 là năm thứ tư tỉnh Kiên Giang thực hiện theo mô hình trường học mới (VNEN) với 165 trường, 963 lớp, 23.761 học sinh.
-----------------------
3.000 tỷ đồng cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu
Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về bố trí vốn cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho phép sử dụng 3.000 tỷ đồng vốn vay ODA thông qua Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) để đầu tư các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2015.
Phạm vi thực hiện bao gồm: 16 dự án chuyển tiếp đã được bố trí vốn Chương trình SP-RCC từ các năm trước; tập trung cho các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn (trong đó bao gồm cả các hạng mục trồng rừng của các dự án thuộc danh mục Chương trình SP-RCC). Các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển; dự án đê biển xung yếu ứng phó với biến đổi khí hậu, có tác động trực tiếp đến khu vực dân cư được ưu tiên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, địa phương rà soát lại quy mô và mức vốn đầu tư 16 dự án chuyển tiếp. Bộ Nông nghiệp chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường rà soát lựa chọn các dự án còn lại.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Danh mục rà soát của các Bộ Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng phê duyệt danh mục và mức vốn dự kiến. Việc này được yêu cầu thực hiện trước ngày 30/9 để trình Quốc hội quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, việc giải ngân chỉ được thực hiện khi các dự án bảo đảm đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật. Các địa phương triển khai phê duyệt dự án theo quy định quản lý về đầu tư và chỉ triển khai sau khi có ý kiến thẩm định của các Bộ quản lý ngành về thiết kế kỹ thuật dự án. Các bộ quản lý chuyên ngành phải xây dựng cơ chế để giám sát chặt chẽ, bảo đảm nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.
-----------------------
Nâng cấp cảng hành không Pleiku
Cuối năm 2015, sau khi nâng cấp, cảng hàng không Pleiku có thể đón được các loại máy bay cỡ lớn như A320/321, Boeing 737 và tương đương.
Sáng 28/9, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức lễ khởi công dự án “Kéo dài, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đậu máy bay - Cảng hàng không Pleiku”.
Dự án có tổng mức đầu tư 945 tỷ đồng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư. Quy mô của dự án gồm: Đầu tư kéo dài, nâng cấp và mở rộng dải bay về phía Tây để đạt kích thước 24.000m x 45m; cải tạo, mở rộng nhà ga hàng không đảm bảo đồng bộ công suất khai thác cảng hàng không Plieku... Dự án dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2015.
Cảng hàng không Plieku được xây dựng từ những năm 1960, đây là cảng nội địa dùng chung giữa dân dụng và quân sự. Khi hoàn thành, cảng hàng không dân dụng này sẽ đạt tiêu chuẩn 4C (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) và sân bay quân sự đạt cấp 2.