Gần 50% số người nghiện ma túy là… nông dân
Trong số hơn 185.000 người nghiện ma túy 8 tháng đầu năm 2014, số người nghiện là nông dân chiếm tỉ lệ áp đảo đáng giật mình với 49,57%. Người nghiện ma túy thuộc nhóm công nhân chiếm 6,11%. Như vậy, phần lớn số người nghiện tập trung vào nhóm đối tượng người lao động.
Số liệu trên được đưa ra tại phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy do Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội tổ chức sáng nay 27.9.
Theo Bộ Công an, tình trạng ma túy thẩm lậu vào Việt Nam ngày càng phức tạp theo mọi tuyến đường hàng không, đường bộ và đường thủy. Bắt đầu từ thuốc phiện, cao hơn là heroin, hiện nay ma túy tổng hợp, ma túy đá và các chất sử dụng gây nghiện tràn vào nước ta ngày càng nhiều, làm tăng số lượng người nghiện ma túy hàng năm.
Đặc biệt, theo Bộ Công an, số người nghiện ma túy không có công ăn việc làm chiếm đến 44%. Về thành phần nghiện hút, công nhân chiếm 6,11%, trong khi đó nông dân chiếm đến 49,57%, các thành phần khác chiếm 42%. Như vậy đối tượng nghiện ma túy tập trung chủ yếu tập trung vào người lao động.
Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho biết, đến cuối tháng 8.2014 cả nước có 185.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, số người nghiện đều tăng qua hàng năm. Một số địa phương tỷ lệ học viên sử dụng ma túy tổng hợp cao: Đà Nẵng, Tây Ninh, Trà Vinh. Tất cả các tỉnh, thành phố, gần 90% quận huyện và khoảng 60% số xã, phường, thị trấn đều đã có người nghiện ma túy.
Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đối tượng nghiện heroin chiếm 83%, ma túy tổng hợp chiếm hơn 10% và đối tượng nghiện ma túy tổng hợp đang dần nhích lên. Hình thức tiêm chích là chủ yếu với 52% và xu hướng hít tăng lên thay cho tiêm chích. Trong số hơn 11.0000 xã phường thì có đến 71% số xã phường có người nghiện ma túy.
Nhiều đại biểu quan tâm đến hiệu quả quản lý sau cai nghiện, quản lý các trung tâm cai nghiện va các giải pháp tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Đại biểu Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề về hiệu quả mô hình cai nghiện tại cộng đồng, trung tâm, trong khi đó nhiều địa phương chưa đưa người được vào cai nghiện do nhiều thủ tục nhiêu khê. Đại biểu Nguyễn Thị Khá hỏi Bộ Công an về thực trạng quản lý người nghiện ma túy tại trại tạm giam, có hay không xảy ra hiện tượng thẩm lậu ma túy vào các trại này.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định, các thành phần ở trại tạm giam thường rất phức tạp, có những trại có trên 60% là tội phạm liên quan đến ma túy, tội phạm nguy hiểm, hình sự. Chính điều này dẫn đến việc ma túy và các vật cấm có thể thẩm lậu vào các trại tạm giam bằng nhiều hình thức tinh vi.
“Đơn cử như tiếp tế đồ ăn cũng rất khó quản lý, như là trong bánh chưng, để kiểm tra có ma túy trong bánh chưng hay không cũng không thể cắt nát bánh ra từng mảnh để tìm được. Hoặc có trường hợp giấu ma túy, nhét điện thoại vào vùng kín, điều này gây khó khăn rất nhiều trong việc phát hiện và quản lý ma túy thẩm lậu vào các trại tạm giam. Muốn thực hiện hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng ở địa phương” – Thứ trưởng Vương nói.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, phần đông ý kiến đại biểu đã phản ảnh đúng thực tiễn. Mục tiêu lớn nhất vẫn là quản lý tốt cai nghiện và sau cai nghiện, coi người nghiện ma túy như người bệnh, sử dụng chủ yếu bằng thuốc cai nghiện methadol – sản phẩm trong nước sản xuất. “Hãy yên tâm là chúng ta có đủ methadol để điều trị, đây là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, trở ngại lớn vẫn là ý thức của xã hội với những người này. Chúng tôi rất muốn tới đây, sẽ có những biện pháp xử lý cụ thể với người nghiện như người bệnh, đồng thời có biện pháp xử lý riêng với những đối tượng vi phạm hình sự” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
-------------------------
Người dân lập rào chắn chặn xe ben làm hư đường
Sáng 28-9, hàng trăm người dân ấp Hương Phước (xã Phước Tân, TP Biên Hoà (Đồng Nai) tiếp tục lập ba rào chắn ở khu vực mỏ đá, không cho xe tải chở đá ra vào.
Người dân dùng ghế đá, cây làm rào chắn và căng băng rôn với vòng chữ "Hư hỏng nặng - Đường ngập úng - Lầy lội - Nắng bụi mịt mù. Đề nghị các ngành chức năng giải quyết theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân...".
Người dân tại đây cho biết đường lầy lội, bụi bặm khiến dân phải gánh chịu, trong khi hàng ngày cả trăm xe chở đá quá khổ quá tải chạy nát đường, gây nguy hiểm cho người qua lại. Khoảng 10 ngày nay, dân đã chặn xe phản ứng. Chính quyền địa phương xuống dàn xếp, cam kết hứa kêu gọi chủ mỏ đá cùng khắc phục hư hỏng đường nhưng chưa ai giải quyết.
Về phần mình, người dân căng băng rôn, lập ba chốt chặn xe kéo dài trên một đoạn đường dài. Một số người được phân công giữ chốt chặn xe. Chính quyền đã cử đại diện đề nghị người dân tháo chốt chặn xe nhưng người dân vẫn không chịu. Khoảng 50 xe chở đá vẫn còn neo đậu ở ven đường vì không thể vượt qua chốt chặn.
“Người dân nơi đây sẽ tiếp tục chặn xe ben, nếu đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp không được chính quyền và các cơ quan chức năng sửa chữa kiên cố, đồng thời phải kiểm tra, xử lý các xe tải ben chở quá tải, chạy tốc độ cao, bất chấp tính mạng người dân trong khu vực”, ông Trần Trí Tuệ, một người dân ở ấp Hương Phước bức xúc nói.
-------------------------
Vợ chồng đánh người yêu của con được hưởng án treo
Chiều 27/9, TAND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Trung (44 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc) mức án 24 tháng tù, hai mẹ con Lê Thị Phương Lan (42 tuổi) và Lê Tấn Trí (20 tuổi) cùng mức án 18 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Hội đồng xét xử nhận thấy nạn nhân cũng có lỗi, chồng bị bệnh, vợ phải nuôi nhiều con nhỏ nên cho cả gia đình được hưởng án treo.
Theo cáo trạng, do nghi ngờ con gái 17 tuổi bị bạn trai là Trần Minh Toàn (23 tuổi) hãm hại, bà Lan bàn bạc với con trai gọi Toàn đến nhà hỏi chuyện vào đêm 19/4. Tại đây, nam thanh niên không thừa nhận nên bị họ còng tay, đánh đập. Lúc này ông Trung đi chơi về, nghe vợ kể lại sự tình, đã dùng chén sứ, quạt điện, dây thắt lưng với nhiều vật cứng đánh nạn nhân.
Mẹ anh Toàn hay tin đã chạy đến, nhưng không vào can ngăn được. Người mẹ phải chạy ra đường kêu cứu, nhưng cũng không ai khuyên được gia đình bà Lan. Do gia đình bị cáo khóa chặt cửa, công an xã phải leo cổng vào mới giải cứu, đưa Toàn vào bệnh viện trong tình trạng thương tích đầy người, chân phải bị gãy. Giám định cho thấy anh này bị thương tật 20%.
Tại tòa, gia đình bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cho rằng không giữ được bình tĩnh khi con gái "không còn gì". Nạn nhân cho biết yêu con gái bà Lan rất đàng hoàng và cũng có quan hệ nhiều lần. Về việc này, cơ quan chức năng đã có văn bản trả lời do chị Quyên tự nguyện quan hệ nên không xem xét xử lý hình sự.
Phiên tòa nhận được sự quan tâm của rất đông người dân địa phương. Sau khi tuyên án, nhiều người theo dõi cho rằng mức án trên là quá nhẹ so với hành động đánh đập nhẫn tâm với nạn nhân.
-------------------------
Rác ngập ngụa cảng cá lớn nhất nhì miền Trung
Ô nhiễm ở cảng cá, âu thuyền Thọ Quang là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay ở TP Đà Nẵng. Dù nhiều giải pháp đã được triển khai nhưng hiện nay người dân sống quanh khu vực vẫn phải hàng ngày chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc.
Thuộc địa phận phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, khu vực cảng cá Thọ Quang là nơi tập kết tàu thuyền của ngư dân địa phương và các tỉnh lân cận sau mỗi chuyến đánh bắt hải sản. Đây cũng là âu thuyền trú tránh bão an toàn cho tàu thuyền vào mùa mưa bão.
Cảng cá Thọ Quang là một trong những cảng cá lớn nhất khu vực miền Trung. Nhưng nhiều năm nay, người dân sống quanh khu vực cảng cá, âu thuyền này phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc.
Với đặc điểm không có dòng chảy lưu thông lại hứng nguồn nước thải của chợ cá, nước thải từ những tàu thuyền neo đậu, từ các khu dân cư lân cận và xả thải từ khu công nghiệp chế biến thủy hải sản khiến không khí lúc nào cũng hôi thối, mặt nước đen kịt, lềnh phềnh đầy rác rưởi.
-------------------------
Vụ "Ngang nhiên đào đất sét còn náo loạn, đánh dân Quảng Nam": UBND xã Quế Hiệp né trách nhiệm?
Ông Doãn Hòa - Chánh văn phòng UBND huyện Quế Sơn - cho biết, vừa nhận được báo cáo giải trình sự việc báo chí nêu và đơn báo cáo của ông Trần Phước Lữ (Tổ trưởng tổ 3, thôn Lộc Đại) của UBND xã Quế Hiệp về việc nhà máy gạch Nam Châu Ngang nhiên đào đất sét, còn náo loạn, đánh dân xảy ra tại xã này.
Theo nội dung giải trình, Cty CP TM&XNK Nam Châu đến nay vẫn chưa trả đủ kinh phí bồi thường thiệt hại cho dân, chưa được dân thống nhất và chưa báo cáo xin phép xã mà tự ý đưa nhân lực vào cải tạo đồng ruộng. Khi dân không cho Cty thực hiện cải tạo đồng ruộng thì ông Nguyễn Hữu Phước - Giám đốc Cty - đã có những hành động xô xát, gây rối trật tự công cộng. Hiện xã Quế Hiệp đã có văn bản dừng ngay việc cải tạo đồng ruộng này đối với Cty này.
Tuy nhiên, báo cáo lại “lờ” đi việc qua hai lần thay đổi diện tích dự án cải tạo đồng ruộng tại thôn Lộc Đại (từ 20ha xuống còn 14ha), xã Quế Hiệp vẫn không thực hiện điều chỉnh hồ sơ dự án trình lên huyện xem xét bàn giao mốc giới, cấp phép khai thác. Đặc biệt, việc Cty Nam Châu trong năm 2013 cải tạo đồng ruộng không đúng quy trình (cuốn chiếu, san lấp, đúng độ sâu trung bình…) cũng không được đề cập
-------------------------
Ông Chấn sẽ không tham dự phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung
Lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Giang vừa cho biết, trong phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung – hung thủ sát hại chị Nguyễn Thị Hoan (trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang), nếu thấy cần thiết cho việc xét xử mới tiến hành triệu tập ông Nguyễn Thanh Chấn.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Thân Văn Quang, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang cho rằng, trong phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung (SN 1988) - kẻ sát hại chị Nguyễn Thị Hoan (Việt Yên, Bắc Giang) về tội “giết người” và “cướp tài sản” diễn ra ngày 29/9, TAND tỉnh Bắc Giang sẽ mời ông Chấn đến tham dự với tư cách là nhân chứng của vụ án. Qua đó, tiến hành lấy lời khai trước tòa để tái hiện thời gian, không gian và địa điểm trong vụ án tại gia đình bà Hoan sau khi bị giết.
Tuy nhiên, ông Quang lại cho rằng: Việc triệu tập ông Nguyễn Thanh Chấn hay không sẽ do Thẩm phán và Chủ tọa phiên tòa nghiên cứu. Nếu thấy ông Chấn là nhân chứng cần thiết phục vụ cho việc xét xử thì sẽ tiến hành triệu tập. Bởi theo luật, cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ và mời nhân chứng quan trọng trong vụ án, nếu không liên quan thì thôi.
Trước ngày hung thủ Lý Nguyễn Chung ra hầu tòa, bà Nguyễn Thị Chiến – vợ ông Chấn (người tù oan 10 năm) cho biết: Đến sáng nay (28/9), gia đình không nhận được giấy mời của TAND về việc tham dự phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung. Hôm qua, lực lượng Công an có đến trực tiếp nhà của bị hại là bà Hoan và nhà Lý Nguyễn Chung để làm việc. Các nhân chứng khác trong vụ án cũng đều được triệu tập, còn gia đình mình không liên quan đến vụ án nên chắc TAND sẽ không mời dự.
Bà Chiến cho biết, do đang ốm nên bà cùng gia đình sẽ không tham dự phiên tòa xét xử đối với Lý Nguyễn Chung vào ngày mai.
Lý Nguyễn Chung là kẻ ra tay sát hại chị Nguyễn Thị Hoan (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vào ngày 15/8/2003. Sau khi gây án, Chung đã bỏ trốn vào Đắk Lắk sinh sống rồi lập gia đình.
Trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đã tiến hành bắt giữ và kết luận Nguyễn Thanh Chấn trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là hung thủ giết chị Hoan. Đồng thời, Nguyễn Thanh Chấn bị kết án với mức tù chung thân.
Ông Chấn chấp hành án phạt tù được 10 năm, Lý Nguyễn Chung mới ra đầu thú.