Al-Qaeda tấn công đại sứ quán Mỹ ở Yemen
Theo AFP, Nhóm "Ansar al-Sharia" có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda ngày 27/9 đã nhận trách nhiệm bắn rốckét vào gần tòa đại sứ Mỹ ở thủ đô Sanaa của Yemen, ngay sau khi đại sứ quán này cho rằng dường như họ không phải là mục tiêu của vụ tấn công.
Trên trang mạng xã hội Twitter, nhóm thánh chiến trên tuyên bố: "Ansar al-Sharia đã tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Sanaa bằng một quả rốckét LAW...để trả thù cho những trẻ em Hồi giáo bị máy bay không người lái của Mỹ tấn công trong vụ oanh kích tại tỉnh Jawf hôm 26/9".
Theo nhóm này, một số binh sĩ Yemen canh gác tại tòa đại sứ Mỹ đã bị thương trong vụ tấn công.
Trước đó, đại sứ quán Mỹ nói trên trang Twitter rằng "không có lý do gì để tin rằng Đại sứ quán Mỹ là mục tiêu" của vụ tấn công, đồng thời cho biết văn phòng đại sứ "không bị ảnh hưởng" và nhà chức trách Yemen đang điều tra vụ việc
----------------------
Vì sao Trung Quốc chưa chống IS?
Trung Quốc là nhà đầu tư dầu mỏ lớn nhất ở Iraq và có một số công dân tham gia lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhưng Bắc Kinh vẫn lưỡng lự trong việc tham gia cuộc chiến quốc tế chống lại tổ chức cực đoan này ở Iraq và Syria.
Có nhiều lý do để Trung Quốc nên vào cuộc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này phụ thuộc vào Trung Đông, vì khoảng 50% năng lượng nhập khẩu đến từ khu vực này.
Hiện nay, Trung Quốc nhập nhiều dầu từ Trung Đông hơn là Mỹ. Trong khi Bắc Kinh tăng cường cuộc chiến chống các phần tử ly khai theo Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương, các thủ lĩnh IS nói rằng, họ đã tuyển mộ được một số công dân Trung Quốc.
Thế nhưng, đóng góp của Trung Quốc đối với cuộc chiến quốc tế chống lại IS mới chỉ dừng ở mức đề nghị “chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện nhân sự” như lời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc không muốn dấn sâu, chủ yếu vì không tin tưởng ý định của Mỹ, lo ngại bị sa lầy ở vùng xoáy Trung Đông và khả năng quân sự có hạn. Trung Quốc còn thất vọng trước việc phương Tây hoài nghi về chính sách cứng rắn của nước này đối với bạo động của người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Trung Quốc cũng kiên định lập trường rằng, chỉ có Liên Hợp Quốc mới có quyền cho phép can thiệp quân sự vào lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc ngày càng nghi ngờ về các ý định của Mỹ, cho rằng, Mỹ và các đồng minh đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc, nhà phân tích chính trị Zhao Chu nhận định. Ông Zhao cho rằng, Bắc Kinh nên đóng vai trò tích cực hơn, nên cho phép các lực lượng vũ trang chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ và học hỏi từ họ.
Một số quan chức Trung Quốc nói rằng, xét về mặt thực tế, Trung Quốc không thể giúp gì nhiều trong cuộc chiến chống IS. “Năng lực quốc tế của chúng tôi hạn chế”, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Iran, ông Hua Liming, nói.
Trung Quốc không thể tổ chức các đợt xuất kích ném bom vì nước này không có căn cứ không quân trong hoặc gần khu vực. Trung Quốc cũng không có tàu sân bay đúng nghĩa.
Việc gửi quân tới hỗ trợ quân đội Iraq là “vượt xa trí tưởng tượng”, ông Hua nói. Trung Quốc chưa bao giờ gửi quân tới khu vực. Trong khi đó, Mỹ đã loại trừ khả năng gửi quân tới Iraq hoặc Syria, chỉ tiến hành không kích.
-----------------------
Thủ lĩnh nhóm khủng bố bí ẩn Khorasan đã chết?
Một thành viên al-Queda đã đăng thông điệp chia buồn về cái chết của thủ lĩnh nhóm Khorasan lên trang xã hội Twitter, tổ chức tình báo chuyên giám sát hoạt động các phần tử cực đoan trên mạng (SITE, Mỹ) thông báo hôm 27.9.
Thông điệp chia buồn xác nhận việc Muhsin al-Fahli, người được cho là thủ lĩnh Khorasan, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Mỹ tại Syria.
SITE cho biết họ ghi nhận được hàng loạt các bình luận trên Twitter của thành viên tổ chức khủng bố al-Qaeda nói trên, chia buồn trước cái chết của Fadhli và một lãnh đạo khác của Khorasan là Abu Yusuf al-Turki.
Tổ chức tình báo Mỹ còn cho biết thêm rằng thông điệp chia buồn được đăng hôm 27.9 và trong đó cũng ca thán về tình hình tại Syria sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến hành không kích tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
Các quan chức tình báo Mỹ thừa nhận nhóm khủng bố Khorasan còn nguy hiểm hơn nhiều so với IS. Họ cho rằng Khorasan có âm mưu và kế hoạch chi tiết tấn công nhiều mục tiêu trên đất Mỹ và châu Âu hơn là IS.
Tuy nhiên, giới tình báo Mỹ được cho là nắm rất ít thông tin về Khorasan, chỉ biết Khorasan được thành lập bởi các phần tử tách ra khỏi mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Nhóm này được cho là có “sở trường” dùng bom để tấn công khủng bố, theo Russia Today.
-----------------------
Nhật Bản nước đôi với Nga - Mỹ
Nhật Bản mới đây đã công bố những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và tuyên bố phản đối việc Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergey Ivanov đến thăm hòn đảo Iturup thuộc quần đảo Nam Kuril (theo cách gọi của Nga) hay Chishima (theo cách gọi của Nhật) mà Nhật cũng đang đòi chủ quyền.
Phía Nhật gọi chuyến viếng thăm này là “hết sức đáng tiếc”. Đây là bằng chứng nữa cho thấy Nhật đang theo đuổi đường lối chống Nga của Washington. Nhưng đồng thời, theo nhận định của các nhà phân tích, Nhật Bản đang thi hành một chính sách nước đôi, lèo lái giữa Washington và Mátxcơva.
Không phải vô cớ mà Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihida Suga trong khi lên tiếng mạnh mẽ phản đối chuyến viếng thăm của ông Sergey Ivanov vẫn khẳng định Nhật mong muốn tiếp tục đối thoại với Mátxcơva.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng thể hiện lập trường nước đôi như vậy. Một mặt, ông cố gắng duy trì quan hệ cá nhân với Tổng thống Nga Putin. Bất chấp sự phản đối của Mỹ, ông vẫn không chịu bãi bỏ hoặc trì hoãn chuyến viếng thăm Tokyo của nhà lãnh đạo Nga dự định vào mùa thu năm nay.
Theo thông tin của tờ Wall Street Journal, kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2012, ông Abe đã 5 lần gặp Tổng thống Nga Putin. Quan hệ giữa 2 bên thường xuyên được duy trì. Ít ngày trước đây, ông Putin đã gọi điện chúc mừng ông Abe nhân ngày sinh lần thứ 60 của ông.
Ông Abe hy vọng cho dù chuyến viếng thăm Tokyo của ông Putin vào mùa thu năm nay có bị trì hoãn thì 2 nhà lãnh đạo Nga và Nhật vẫn có thể gặp gỡ nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh khối APEC sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay tại Bắc Kinh.
Nhưng mặt khác ông Abe ủng hộ nhóm G-7 trong chủ trương trừng phạt Nga. Ông chịu sức ép mạnh mẽ từ phía Mỹ. Ông không thể hành động độc lập trước hết bởi vì Nhật và Mỹ có hệ thống an ninh chung. Theo ý kiến của nhiều nhà phân tích, ông Abe về thực chất không hề muốn đối đầu với Nga.
Ông đã nhiều lần hứa hẹn sẽ giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài từ năm 1945 với Nga và vì thế không thể từ bỏ mối quan hệ tốt đẹp với Nga.
Ông còn hy vọng được Nga cung cấp thêm nhiều khí đốt hơn nữa trong bối cảnh Nhật đang thiếu hụt năng lượng trầm trọng sau thảm hoạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
-----------------------
ASEAN kêu gọi kiềm chế trong vấn đề biển Đông
Tại các cuộc họp ngày 26/9 ở Mỹ, hầu hết các ngoại trưởng ASEAN bày tỏ lo ngại về căng thẳng vừa qua trên biển Đông; kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Ngày 27/9, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự 3 cuộc họp quan trọng của ASEAN là: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức (IAMM); cuộc họp giữa các ngoại trưởng ASEAN với Tổng Thư ký và Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ); cuộc họp giữa các ngoại trưởng ASEAN và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Tại IAMM ngày 26/9 (giờ Mỹ) ở thành phố New York, các ngoại trưởng ASEAN trao đổi về việc tăng cường phối hợp giữa các nước ASEAN tại các diễn đàn quốc tế, nhất là LHQ; ủng hộ lẫn nhau tranh cử vào các cơ quan LHQ và các tổ chức quốc tế; trao đổi về tình hình quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN nỗ lực ngăn chặn việc làm phức tạp thêm tình hình trên biển Đông, thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và tiếp tục đối thoại nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.
Tại cuộc họp với Tổng Thư ký và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, hai bên nhất trí rằng, việc tăng cường quan hệ đối tác toàn diện ASEAN-LHQ sẽ đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, phát triển ở khu vực và trên thế giới cũng như giúp giải quyết nhiều thách thức toàn cầu, nhất là khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh, thiên tai.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, ASEAN và LHQ cần tăng cường hợp tác nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Tại cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ, hai bên kiểm điểm quan hệ ASEAN-Mỹ thời gian qua, trao đổi về việc triển khai hợp tác an ninh biển, ứng phó biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân... Ngoại trưởng Mỹ cam kết sẽ thúc đẩy triển khai các sáng kiến hợp tác như Sáng kiến Gắn kết kinh tế mở rộng, Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư; khẳng định Mỹ tiếp tục quan tâm thúc đẩy quan hệ với ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương và vấn đề hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Tại các cuộc họp trên, hầu hết các ngoại trưởng ASEAN bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn, căng thẳng vừa qua trên biển Đông; kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và tự do, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực.